Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 11

  • Hôm nay 1053

  • Tổng 2.873.231

Tình hình phát triển kinh tế xã hội của huyện Quảng Trạch trong năm 2022 và công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện

15:34, Thứ Ba, 13-12-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

I. Về tình hình phát triển kinh tế xã hội

 

Huyện Quảng Trạch triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2022 trong bối cảnh có nhiều biến động, khó khăn thách thức đan xen. Đây là năm thứ 2 triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, là năm bản lề trong việc thực hiện các nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu có nhiều biến động đã ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực của kinh tế xã hội và đời sống Nhân dân trên địa bàn huyện.

 

 

Các đại biểu tham dự kỳ họp

 

 

Tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực cố gắng của chính quyền các cấp, các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp nên tình hình kinh tế - xã hội của huyện trong năm qua vẫn đạt được những kết quả tích cực. Tất cả 16/16 chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 380 tỷ đồng, đạt 134,6% so với dự toán tỉnh giao và 107,9% so với dự toán HĐND huyện giao, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10,18%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 16,3%. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 42 triệu đồng/người. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được chú trọng đầu tư, nhất là hạ tầng tại Trung tâm huyện lỵ mới, hạ tầng xây dựng nông thôn mới. Toàn huyện có 11 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, tăng 01 xã so với năm 2021. Đời sống vật chất và tinh thần nhân dân được cải thiện, quốc phòng - an ninh được giữ vững, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền từ huyện đến xã ngày càng được nâng cao.

 

Về công tác GPMB các dự án

 

Trong những năm qua, huyện Quảng Trạch là một trong những địa phương có số dự án giải phóng mặt bằng lớn trong cả tỉnh. Xác định công tác giải phóng là một trong những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nếu không có các giải pháp kịp thời, phù hợp sẽ dẫn đến những hệ lụy tiêu cực về an ninh trật tự, an ninh nông thôn cũng như chậm tiến độ các dự án. Do đó, huyện luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện. Hiện nay, trên địa bàn huyện đang tiến hành giải phóng mặt bằng 14 công trình, dự án, trong đó có 02 dự án trọng điểm là Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua tỉnh Quảng Bình và dự án đường ven biển. Đây là 02 dự án được Chính phủ, các Bộ ngành và Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, thường xuyên chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ nên ngay từ thời điểm tiếp nhận công tác GPMB dự án, Quảng Trạch đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nên tình hình, tiến độ thực hiện 02 dự án trên cơ bản đảm bảo theo yêu cầu.

 

Đối với Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn qua huyện Quảng Trạch, có tổng chiều dài tuyến là 25,3 km, đi qua 08/17 xã trên địa bàn huyện. Hiện đã hoàn thành công tác kiểm kê, kiểm đếm với 673 hộ gia đình, tổ chức bị ảnh hưởng, trong đó 616 hộ ảnh hưởng thu hồi đất và 57 hộ gia đình bị ảnh hưởng tài sản trên đất, đạt 100%. Đã ban hành Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ 06 đợt và tổ chức chi trả tiền cho 511 hộ gia đình và tổ chức, với số tiền 71,672 tỷ đồng, đạt 64% chiều dài lộ tuyến. Ban giao mặt bằng cho chủ đầu tư với chiều dài 16,5km, đạt 65%.

 

Đối với dự án đường ven biển, trên địa bàn huyện có chiều dài tuyến là 10,22 km, đi qua 03 xã Quảng Xuân, Quảng Hưng và Quảng Tùng. Hiện nay, huyện đã thực hiện kiểm kê, kiểm đếm được 115 hộ gia đình và 04 tổ chức bị ảnh hưởng với chiều dài tuyến 8,8km. Về phương án dự kiến tái định cư, huyện đã lấy ý kiến các hộ bị ảnh hưởng và đã thống nhất quy hoạch bố trí tái định cư tại phía Bắc Tỉnh lộ DT22 xã Quảng Tùng. Hiện nay, đang thực hiện các bước để phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết.

 

Để đạt được những kết quả được nêu trên, Quảng Trạch đã tổ chức triển khai nhiệm vụ, giải pháp như sau:

 

Thứ nhất là, Trong công tác giải phóng mặt bằng cần huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, để thực hiện đạt kết quả cao nhất.

 

Thứ hai là, Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu và thực hiện đúng các quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng. Xác định công tác tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, liên tục trong quá trình thực hiện. Đối với dự án đường bộ cao tốc, thời điểm tháng 6 năm 2022, toàn huyện có 69 hộ gia đình, cá nhân xây dựng, cơi nới các công trình để “đón đầu” dự án. Tuy nhiên, qua quá trình tuyên truyền, vận động liên tục, bền bỉ, có răn đe, có linh hoạt thì đã có 50 hộ gia đình tự tháo dỡ, 06 hộ gia đình đã ký cam kết tháo dỡ trong thời gian tới, còn 13 hộ chưa đồng thuận, huyện sẽ tiếp tục vận động và có biện pháp giải quyết phù hợp.

 

Đối với đường ven biển, Quảng Trạch đã thành lập 01 tổ dân vận khéo, 01 tổ công tác nghiệp vụ để tập trung giải quyết các vướng mắc liên quan đến người dân thôn Xuân Hòa, xã Quảng Xuân chưa đồng thuận.

 

Thứ ba là, Tập trung giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất chính đáng của nhân dân. Thực hiện tốt công tác công khai, minh bạch, giải quyết đúng đối tượng, đúng quy định nhằm tạo lòng tin trong nhân dân. Thời gian qua, huyện luôn quan tâm chỉ đạo các đơn vị, địa phương giải quyết, xử lý dứt điểm các đơn thư, khiếu nại của người dân liên quan đến dự án đường cao tốc và đường ven biển. Chỉ đạo thực hiện đảm bảo các quy định về kiểm kê, kiểm đếm, công khai phương án bồi thường, hỗ trợ tại các địa phương.

 

Thứ tư là, bám sát các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về tiến độ dự án để triển khai đảm bảo theo yêu cầu. Đồng thời, thường xuyên giữ mối liên hệ với các sở ngành, các chủ đầu tư và Ban quản lý dự án để tranh thủ ý kiến và phối hợp thực hiện nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án. Thường xuyên về kiểm tra, rà soát tại cơ sở để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp cố tình vi phạm, chây ỳ, chống đối.

 

 

Quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và công tác giải phóng mặt bằng, huyện Quảng Trạch gặp một số khó khăn, vướng mắc như: biên chế giáo viên được giao đáp ứng quy mô lớp học, học sinh. Một số người dân chưa đồng thuận với phương án hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng; một số cố tình cản trở, quá trình cắm mốc, gây khó khăn trong quá trình rà phá bom mìn đường ven biển. Người dân có sự so sánh, kiến nghị về giá đền bù giữa 2 địa phương liền kề nhau nhưng giá bồi thường khác nhau do văn bản, quy định về giá chưa thay đổi kịp thời.

 

Đây là những khó khăn, vướng mắc của huyện, rất cần có sự quan tâm, xem xét, chỉ đạo của HĐND, UBND tỉnh và các sở ngành, do đó, tại kỳ họp hôm nay, huyện Quảng Trạch có một số kiến nghị, đề xuất như sau:

 

1. Kính đề nghị HĐND, UBND tỉnh quan tâm, cho chủ trương triển khai tiếp các dự án phát triển quỹ đất tại địa phương để có quỹ đất phục vụ đấu giá thu ngân sách theo chỉ tiêu nghị quyết của HĐND tỉnh giao hàng năm, đảm bảo ổn định cho nguồn thu những năm tiếp theo.

 

Bên cạnh đó, kính đề nghị UBND tỉnh tiếp tục cho ứng nguồn vốn từ Quỹ phát triển đất tỉnh đối với các dự án phát triển quỹ đất do Hội đồng nhân dân huyện phê duyệt chủ trương đầu tư để đảm bảo việc triển khai các dự án theo luật đầu tư công trong khi nguồn kinh phí của huyện đang khó khăn.

 

2. Hiện nay, thực hiện Nghị quyết 87/NQ-HĐND ngày 25/10/2022 của HĐND tỉnh, huyện Quảng Trạch được bố trí thêm 22 biên chế, nâng tổng biên chế giáo dục của huyện là 1.744. Tuy nhiên, so với năm học trước, năm học 2022- 2023 toàn huyện tăng 12 lớp, với 619 học sinh nên huyện vẫn thiếu 77 biên chế. Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, nhiều đơn vị đã thực hiện các giải pháp như: bố trí cán bộ quản lý tham gia giảng dạy, phân công giáo viên dạy chéomôn, tăng số tiết dạy cho giáo viên, nhập lớp,… nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, chất lượng giảng dạy không đảm bảo. Do đó, kính đề nghị HĐND, UBND tỉnh quan tâm có chính sách hỗ trợ để huyện đảm bảo quy mô giáo viên, học sinh theo quy định.

 

3. Kính đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh sớm ban hành văn bản thay thế, điều chỉnh Nghị quyết số 60/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh và Quyết định số 40/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh về Thông qua bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2024. Vì hiện nay, Theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 thì trên địa bàn huyện Quảng Trạch không còn xã miền núi nhưng theo Nghị quyết số 60/2019/NQ-HĐND và Quyết định số 40/2019/QĐ-UBND thì huyện Quảng Trạch còn 07 xã miền núi, trong đó có 04 xã bị ảnh hưởng trong dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam nên khi huyện thực hiện công khai phương án bồi thường thì các hộ dân kiến nghị được bồi thường, hỗ trợ về đất nông nghiệp bằng giá đất nông nghiệp các xã đồng bằng.

 

                               (Bài phát biểu thảo luận của đồng chí Phan Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch  tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII) 

\

Các tin khác