Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 11

  • Hôm nay 2565

  • Tổng 2.877.264

Một số giải pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa và nâng cao chất lượng hoạt động hội phụ nữ ở cơ sở

13:42, Thứ Ba, 13-12-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

 

Theo kết quả kiểm kê năm 2018, Quảng Bình có khoảng 240 dấu hiệu di tích lịch sử văn hóa và cách mạng, trong đó có 137 di tích đã được xếp hạng gồm 55 di tích cấp quốc gia và 82 di tích cấp tỉnh. Mặc dù hàng năm ngân sách tỉnh đều bố trí để tu bổ, tôn tạo nhằm chống xuống cấp di tích và một số địa phương đã kêu gọi xã hội hóa để tôn tạo, tu bổ di tích. Tuy nhiên do nguồn lực của tỉnh có hạn, việc kêu gọi xã hội hóa còn nhiều khó khăn, trong khi đó nhiều di tích nằm ở địa bàn luôn chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt nên xuống cấp. Trong số 137 di tích có 52 di tích bị xuống cấp, trong đó có nhiều di tích bị xuống cấp nghiêm trọng (như: Chùa Ngọa Cương; Bến phà Gianh; Lăng cá Ông, miếu Âm hồn, miếu Ông Nghị; Vụ thảm sát Mỹ Trạch; Nhà thờ Hoàng Kế Viêm; Trụ sở SCH Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh trong kháng chiến chống Mỹ; Lăng mộ và Nhà thờ Trương Hy Trọng và Khu Giang sơn Bến Lội; Trận địa pháo đại đội nữ dân quân Ngư Thủy; Lũy Đào Duy Từ (Cổng Võ Thắng); Khu Giao tế Quảng Bình.....); có 47 di tích từ khi xếp hạng đến nay chưa có kinh phí đầu tư, trong đó có nhiều di tích lịch sử được xếp hạng quốc gia đặc biệt (như: Hang thông tin, tổng kho NH, Ngầm Trà Ang thuộc di tích các trọng điểm trên đường 20 Quyết Thắng; di tích Cảng cá Thanh Khê; di tích Ngầm Cà Ròong; di tích các trọng điểm trên đường 1 , đường 1 ; Đường Ba Trại Ngã ba Thọ Lộc...).

 

 

 

Đại biểu Nguyễn Thị Bích Thủy phát biểu thảo luận

 

Trong tổng số 137 di tích được xếp hạng, thì đã có 126 di tích đã được phân cấp quản lý cho các địa phương trực tiếp quản lý về mặt nhà nước. Một số địa phương  giao bảo vệ, trông coi di tích cho các Ban quản lý di tích; Hội người cao tuổi; Hội Cựu chiến binh; Dòng họ... Có 5/126 di tích được UBND huyện hỗ trợ người trông coi, bảo vệ: Hang Lèn Hà 2.000.000đ/người/tháng; Đền thờ Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Hữu Hào 5.000.000đ/năm; Mộ và Nhà thờ Hoàng Kế Viêm  5.000.000đ/năm; Núi Thần Đinh 15.000.000đ/năm; Nhà thờ Nguyễn Hữu Cảnh 12.000.000đ/năm. Có 7/126 di tích được UBND xã, phường hỗ trợ người trông coi, bảo vệ: Chùa An Xá 1.166.000đ/tháng; Miếu Thành hoàng Mỹ Thổ- Trung Lực: 894.000đ/tháng; Lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh: 1.500.000đ/tháng; Đình Hòa Ninh: 300.000đ/ tháng; Đình Lũ Phong: 500.000đ/tháng; Đình Minh Lệ: 100.000đ/tháng; Đình Tượng Sơn: 150.000đ/tháng; Đình Phan Long:  4.000.000đ/2 người/tháng. Còn lại các di tích khác chưa có ban quản lý di tích và chưa có người trong coi, bảo vệ.

 

 Đối với các di sản phi vật thể: Hiện nay tỉnh ta có 01 nghệ nhân nhân dân, 08 nghệ nhân ưu tú, 19 nghệ nhân dân gian; có 02 di sản phi vật thể được UNESCO ghi danh, 07 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; có 34 lễ hội truyền thống, 10 làng nghề thủ công, 02 phong tục tập quán đang được thực hành và bảo tồn, 31 câu lạc bộ hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.. Một số câu lạc bộ ở huyện Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch được huyện hỗ trợ kinh phí hoạt động 10 triệu đồng/năm, huyện Quảng Ninh, từ năm 2023 hỗ trợ mỗi câu lạc bộ 20 triệu đồng/ năm để mua sắm đạo cụ, trang phục; còn lại các câu lạc bộ ở các địa phương khác chủ yếu là hoạt động tự nguyện; các nghệ nhân tham gia hoạt động và truyền dạy, thực hành di sản cũng không có chế độ bồi dưỡng.

 

 Các câu lạc bộ, nghệ nhân có vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản phi vật thể, tuy nhiên do khó khăn về kinh phí, nên hoạt động của các câu lạc bộ chủ yếu để phục vụ các hội thi, hội diễn, các lễ hội ở địa phương,  còn việc duy trì hoạt động thường xuyên và việc trao truyền, thực hành di sản rất hạn chế. Mặt khác, các nghệ nhân truyền dạy phần lớn tuổi đã cao, nếu không có quan tâm đầu tư cho công tác truyền dạy, thực hành di sản thì nhiều di sản văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mất.

 

Từ thực trạng trên, để di sản văn hóa thực sự được bảo tồn, phát huy giá trị, tôi đề nghị HĐND tỉnh quan tâm ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên địa bàn tỉnh.

 

  Hiện nay toàn tỉnh có 1.182 Chi hội phụ nữ hoạt động tại 1137 thôn, bản, tổ dân phố. Các chi hội là “nơi nuôi dưỡng nguồn lực, nơi phát triển hội viên, nơi cung cấp những cơ sở thực tiễn cho phương hướng, phương châm lãnh đạo và hành động". Với vai trò là Chi hội trưởng phụ nữ, các chị là cầu nối đến các hội viên phụ nữ, là người trực tiếp triển khai các phong trào, cuộc vận động, chương trình kế hoạch của các cấp Hội, vận động hội viên tham gia thực hiện, là người thấu hiểu những nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ trên địa bàn, là tổ chức đầu tiên tiếp cận và giúp đỡ sớm nhất đối với hội viên phụ nữ.

 

Tuy nhiên, trong các văn bản pháp luật không có quy định cụ thể về nhiệm vụ của chi hội trưởng phụ nữ. Theo quy định tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP về công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo đó: Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 03 người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước và chỉ áp dụng đối với các chức danh: Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố; Trưởng Ban công tác mặt trận. Người tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố ngoài 03 chức danh nêu trên không hưởng phụ cấp hàng tháng mà được hưởng bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, tổ dân phố từ đoàn phí, hội phí khoán cho các đoàn thể và từ các nguồn quỹ khác (nếu có).

 

Như vậy căn cứ quy định của pháp luật thì chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn thì không phải là đối tượng được hưởng phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn theo quy định của pháp luật. Nên chỉ có thể được hưởng được bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, tổ dân phố từ đoàn phí, hội phí khoán cho các đoàn thể và từ các nguồn quỹ khác (nếu có) mà thôi.

 

Ở tỉnh ta, qua khảo sát, một số xã hỗ trợ cho chi hội trưởng phụ nữ từ nhiều nguồn khác nhau, đến nay có 678/1182 chị được hưởng phụ cấp tuỳ thuộc quy định của từng xã, thôn chủ yếu ở mức 50.000 – 100.000đồng/tháng, cụ thể mức phụ cấp dưới 100.000đồng/tháng có 396 chi hội; từ 100.000đồng-300.000đồng có 219 chi hội, trên 300.000đồng có 63 chi hội, hình thức hỗ trợ cũng đa dạng như hỗ trợ bàng tiền, hỗ trợ bằng thóc…điều này ảnh hưởng đến tâm lý và hiệu quả công việc.

 

Ở trong nước, đa số các tỉnh đều quy định mức phụ cấp cho chi hội trưởng với mức phụ cấp theo quy định của tỉnh: Gia Lai: 1.341.000đồng/tháng; Bình Dương: 750.000đồng/tháng; Sóc Trăng: 745.000đồng/tháng; Đà Nẳng: 700.000đồng/tháng; Bắc Ninh: 550.000đồng/tháng; Hưng Yên, Tiền Giang: 500.000đồng/tháng; Quảng Trị: 458.000đồng/tháng…

 

Vì vậy, để động  viên, khích lệ tinh thần cống hiến đối với những người trực tiếp tham gia công việc xóm, thôn, bản, tổ dân phố, đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh quan tâm bàn hành cơ chế, chính sách hỗ cho đội ngũ Chi hội trưởng các đoàn thể trong đó có đội ngũ Chi hội trưởng chi hội phụ nữ trên địa bàn toàn tỉnh.

 

 Theo yêu cầu của Thường trực HĐND tỉnh về việc làm rõ thêm việc đề nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025;

 

Vấn đề này, trong tờ trình của UBND tỉnh về việc đề nghị HĐND tỉnh ban hành nghị quyết đã nêu rõ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn, quan điểm, mục tiêu và nội dung cụ thể của Nghị quyết, tôi xin phép xin trao đổi để làm rõ thêm sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết.

 

 

 Thiết chế văn hóa thể thao cơ sở có ý nghĩa rất quan trọng, giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng đời sống văn hóa, là nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản, tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và cấp trên giao; cung cấp các kiến thức về khoa học kỹ thuật trong sản xuất và phát triển kinh tế cho người dân; đây cũng là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi, giải trí, đáp ứng yêu cầu hưởng thụ, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và là cầu nối trực tiếp giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Đặc biệt trong năm 2020-2021, thiết chế văn hóa, thể thao thôn, bản, tổ dân phố đã phát huy vai trò tiên phong trong việc triển khai thực hiện tốt những chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, ngành về tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền, phát thanh, đưa tin trên các phương tiện truyền thông kịp thời đến được với người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới... Qua đó, tạo hiệu ứng tích cực trong việc nâng cao nhận thức cho toàn thể cộng đồng trong việc phòng, chống dịch bệnh, góp phần sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.

 

Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND các huyện, thị xã, thành phố, đến cuối tháng 9/2022 có 1.100/1137 thôn, bản, tổ dân phố đã xây dựng Nhà văn hóa – Khu thể thao, còn 37 thôn, bản, tổ dân phố chưa có Nhà văn hóa- Khu thể thao. Trong số 1.100 Nhà văn hóa-Khu thể thao đã xây dựng, có 545 Nhà văn hóa-Khu thể thao đã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (đạt 49,54%); 192 Nhà văn hóa-Khu thể thao cần cải tạo, sửa chữa và 363 Nhà văn hóa-Khu thể thao đã xuống cấp, hư hỏng, cần phải xây dựng lại để đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Có 371 thôn, bản, tổ dân phố chưa có trang thiết bị hoạt động (chiếm 32,6%); 254 thôn, bản, tổ dân phố có trang thiết bị hoạt động nhưng đã hỏng, không sử dụng được cần trang bị để đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du dịch. Có 755 thôn, bản, tổ dân phố không có tủ sách thư viện (chiếm 66,4%) cần trang bị để đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 

Vì vậy, để các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở thực sự phát huy đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ, thì việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa thôn, bản, tổ dân phố là hết sức cần thiết. Mặc khác, nếu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết này sẽ tạo động lực cho các địa phương trong việc bố trí, huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao thôn, bản, tổ dân phố và sẽ thực hiện hoàn thành  mục tiêu về văn hóa mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, đó là phấn đấu đến năm 2025, 100% thôn, bản, tổ dân phố có Nhà Văn hóa-Khu Thể thao; trong đó, có 80% đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 

(Bài phát biểu thảo luận của đại biểu Nguyễn Thị Bích Thủy,

Tổ đại biểu huyện Quảng Ninh tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII) 

 

Các tin khác