Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 1739

  • Tổng 2.871.286

Về tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2022, những điểm nghẽn và các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công những tháng còn lại của năm 2022

10:38, Chủ Nhật, 7-8-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

 Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh ủy, của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt về công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong năm 2022, cần tập trung thực hiện để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

 

Tuy nhiên, tiến độ giải ngân đầu tư công 6 tháng đầu năm 2022 vẫn rất chậm, tỷ lệ giải ngân 6 tháng đạt 21,25%, thấp hơn so với cùng kỳ và thấp hơn so với mức bình quân của cả nước[1]. Có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi lên các điểm nghẽn chính ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giải ngân, cụ thể:

 

1. Công tác giải phóng mặt bằng: Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập (xung đột về lợi ích, về đơn giá bồi thường vẫn chưa sát với thực tế, phương án và dự toán bồi thường có sự không đồng nhất giữa dự án đầu tư công -  và các dự án nhà đầu tự thỏa thuận), đặc biệt là các khu vực lợi thế như khu vực đô thị, khu vực ven biển. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến giải ngân nguồn vốn đầu tư công không đảm bảo tiến độ.

 

2. Thủ tục hành chính còn chậm: Thời gian thực hiện các hồ sơ, thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai, lâm nghiệp, đấu thầu rất dài, một số thủ tục thực hiện chậm, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan. Một số dự án phải thực hiện các thủ tục liên quan ở các Bộ, ngành Trung ương (chuyển đổi đất rừng, đất lúa, ĐTM) thời gian kéo dài, làm chậm thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai thực hiện các thủ tục tiếp theo và tiến độ chung của dự án. Một số sở, ngành, địa phương trong quá trình thẩm định dự án yêu cầu chỉnh sửa hồ sơ nhiều lần làm chậm thủ tục đầu tư.

 

 3. Giá cả nguyên vật liệu tăng cao: Việc giá vật liệu tăng đột biến dẫn đến tăng chi phí sản xuất, vận chuyển hàng hóa ảnh hưởng đến việc thực hiện các hợp đồng xây dựng, nhất là các hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói, dẫn đến tình trạng tại một số gói thầu, dự án có hiện tượng nhà thầu thi công cầm chừng, cá biệt có trường hợp dừng thi công do không đủ nguồn lực để thực hiện, chờ giá vật liệu giảm làm chậm tiến độ công trình, dự án.

 

Giá vật liệu xây dựng chưa cập nhật kịp thời dẫn đến một số đơn vị chờ thời điểm công bố giá mới lập tổng mức đầu tư và dự toán trình phê duyệt. Bên cạnh đó, theo phản ánh của các chủ đầu tư, doanh nghiệp thì hiện tại một số loại vật liệu giá thị trường lớn hơn nhiều so với giá công bố như cát, đá xây dựng, đất và cát san lấp… dẫn đến chi phí thực hiện vượt so với giá dự thầu, gây khó khăn cho các nhà thầu.

 

4. Năng lực của tư vấn, nhà thầu xây lắp: Một số đơn vị tư vấn yếu kém dẫn đến hồ sơ phải chỉnh sửa nhiều lần (cả quá trình chuẩn bị đầu tư và cả quá trình triển khai thực hiện). Một số nhà thầu xây lắp năng lực không đảm bảo cả về kinh nghiệm và tài chính. Công tác đôn đốc nhà thầu chưa thực sự quyết liệt, hiệu quả.

 

5. Một số nguyên nhân khác:

    - Tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu, chủ yếu thực hiện vào thời điểm kết thúc năm, nên xu hướng giải ngân tăng dần vào cuối năm.

 

     - Công tác lập kế hoạch đầu tư công của các chủ đầu tư chưa sát với thực tế, đề nghị giao vốn hằng năm cho dự án chưa phù hợp với khả năng giải ngân dẫn đến không giải ngân được.

 

          Để nhanh chóng khắc phục những bất cập trên, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:

 

 (1). Đề nghị các Sở, ban, ngành, địa phương, các chủ đầu tư xác định rõ tồn tại trong các khâu từ chỉ đạo, điều hành, đến tổ chức thực hiện để kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án. Có sự phối hợp tốt hơn nữa giữa các cơ quan tham mưu về các lĩnh vực: đầu tư, xây dựng, đất đai, lâm nghiệp…

 

(2). Đề nghị chính quyền các cấp tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất… hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện. Tổ chức tuyên truyền cho người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của từng dự án, bảo đảm công khai, minh bạch tạo sự tin tưởng và đồng thuận của người dân trong việc triển khai thực hiện.

 

(3). Đề nghị các đơn vị thẩm định tại các sở, ngành, địa phương: Thực hiện rà soát, rút ngắn tối thiểu 30% thời gian thực hiện các thủ tục thuộc lĩnh vực Sở, ngành phụ trách theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

 

(4). Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của chủ đầu tư trong quá trình lựa chọn nhà thầu, đảm bảo lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực. Có hình thức công khai các vi phạm của các nhà thầu tư vấn, QLDA, xây lắp. Các chủ đầu tư chỉ đạo làm thủ tục giải ngân ngay khi có khối lượng.

 

 (5). Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện công bố giá, chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo tháng phù hợp diễn biến thị trường.

 

Trong thời gian còn lại của năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư sâu sát, nắm chắc tình hình giải ngân của từng nguồn vốn để tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, có biện pháp xử lý và tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu giải ngân hết số vốn được giao năm 2022. II. Về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 và giải pháp cải thiện chỉ số PCI năm 2022

 

 

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Theo báo cáo công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 27/4/2022, chỉ số PCI tỉnh Quảng Bình năm 2021 xếp thứ 57/63, giảm 5 bậc so với năm 2020, trong 10 chỉ số thành phần có 04 chỉ số tăng hạng và 6 chỉ số giảm hạng so với năm 2020.

 

Kết quả 10 chỉ số thành phần thuộc bộ chỉ số PCI tỉnh Quảng Bình năm 2021 như sau:

 

TT

Tên chỉ số thành phần

Năm 2021

Điểm số

Thứ hạng

CSTP 1

Gia nhập thị trường

6,42

49

CSTP 2

Tiếp cận đất đai

5,94

61

CSTP 3

Tính minh bạch

6,79

8

CSTP 4

Chi phí thời gian

6,42

57

CSTP 5

Chi phí không chính thức

5,84

58

CSTP 6

Cạnh tranh bình đẳng

3,72

63

CSTP 7

Tính năng động và tiên phong của chính quyền

6,75

36

CSTP 8

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

6,31

46

CSTP 9

Đào tạo lao động

5,78

35

CSTP 10

Thiết chế pháp lý & ANTT

5,92

61

Quảng Bình nằm trong tốp các tỉnh có chỉ số PCI thấp của cả nước. Điểm số của 10 chỉ số thành phần với 142 chỉ tiêu thuộc chỉ số PCI tỉnh Quảng Bình năm 2021 liên quan trực tiếp đến toàn bộ các cơ quan từ HĐND, UBND các cấp (từ tỉnh, huyện, xã) đến các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn.

 

Vì vậy, muốn cải thiện chỉ số PCI, tôi xin đề nghị một số giải pháp sau:

 

- Về nhận thức: đây là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp và các cơ quan có liên quan chứ không chỉ riêng một sở, ngành hoặc địa phương nào. Muốn cải thiện chỉ số này thì tất cả hệ thống phải thực sự vào cuộc; cần phải có sự chung tay, đồng lòng, đồng sức của lãnh đạo chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, các cơ quan TW đóng trên địa bàn và tập thể đội ngũ cán bộ, công chức viên chức thực thi công vụ trên toàn tỉnh.

 

- Đề nghị lãnh đạo chính quyền các cấp và các cơ quan đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong cơ quan, đơn vị về ý nghĩa của bộ chỉ số PCI từ đó tự thay đổi hành vi, nhận thức cũng như tự đề ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể tại cơ quan, đơn vị mình để góp phần cải thiện bộ chỉ số PCI cấp tỉnh; tăng cường đẩy mạnh thực chất phân quyền, đơn giản quy trình, thủ tục giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; bảo đảm sự quản lý thống nhất, phối hợp liên thông, gắn kết giữa các cơ quan hành chính.

 

-  Trong thời gian tới, hình thành bộ phận tiếp nhận ý kiến của Nhà đầu tư, doanh nghiệp tại Cơ quan thường thực tháo gỡ khó khăn cho Doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư) để tiếp nhận, giải đáp hoặc chuyển đơn kiến nghị của doanh nghiệp đến cơ quan có thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị.

 

-   Đề nghị UBND cấp huyện hình thành bộ phận tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp, nhà đầu tư để giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh.

 

- Tham mưu UBND tỉnh tổ chức các buổi gặp mặt chuyên đề với sự tham gia của các các cơ quan liên quan để lắng nghe và giải đáp ý kiến của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

 

- Đề nghị cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư: kịp thời phản ánh các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh tới cơ quan thường trực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tới lãnh đạo tỉnh, tới lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố để tiếp nhận, xử lý kịp thời, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh.

 

- UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 1278/KH-UBND ngày 15/7/2022 về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Quảng Bình năm 2022, do đó đề nghị UBND các cấp; các sở, ban, ngành cấp tỉnh nghiên cứu kỹ để xây dựng kế hoạch cải thiện các chỉ số thành phần hoặc các chỉ tiêu thuộc bộ chỉ số PCI tại cơ quan đơn vị mình phụ trách nhằm góp phần nâng cao thứ hạng PCI của tỉnh năm 2022 và các năm tiếp theo.

 

(Bài thảo luận của đại biểu Phan Phong Phú

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII)

Các tin khác