Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 631

  • Tổng 2.866.073

Một số giải pháp phát triển văn hóa – xã hội

10:38, Chủ Nhật, 7-8-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Về giáo dục – đào tạo: Trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, với phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”, Ngành Giáo dục – Đào tạo đã chủ động xây dựng phương án, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp, bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; kịp thời ngăn chặn, không để dịch bệnh lây lan trong các cơ sở giáo dục; tích cực triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Đẩy mạnh công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đẩy mạnh xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; Mạng lưới trường lớp tiếp tục được rà soát, sắp xếp phù hợp với yêu cầu thực tế.

 

Tuy nhiên, ngành giáo dục đang gặp một số khó khăn, thách thức cần phải tập trung tháo gỡ.

 

Trước hết, là việc thiếu giáo viên đứng lớp.

 

Việc cắt giảm 0,1 định mức biên chế so với quy định của Bộ GD và ĐT và mỗi năm cắt giảm 2% biên chế theo lộ trình tinh giãn biên chế; trong khi đó, các địa phương có số lượng học sinh tăng dẫn đến tăng lớp, tăng nhóm lớp nhưng chưa được giao thêm biên chế; mặt khác, theo chương trình giáo dục phổ thông mới các môn tin học, ngoại ngữ ở bậc tiểu học; âm nhạc, mỹ thuật ở bậc THPT chuyển sang học chương trình chính khóa nên cần phải bổ sung biên chế giáo viên đang tạo thêm áp lực về biên chế đối với ngành giáo dục. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, trong năm học vừa qua, một số cơ sở giáo dục đã ghép lớp dẫn đến vượt quá số lượng học sinh trên lớp theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo; tình trạng giáo viên dạy liên cấp; dạy liên trường; dạy trái môn; giáo viên dạy vượt định mức nhưng không được thanh toán chế độ; cắt giảm biên chế giáo viên mầm non, một số nơi, có phòng học, có cơ sở vật chất nhưng không thể huy động trẻ trong độ tuổi đến nhà trẻ được vì không có giáo viên. Vì vậy tỷ lệ huy động trẻ vào nhà trẻ của một số địa phương trong tỉnh ta đạt thấp so với kế hoạch. Nêu lên một số thực trạng như vậy để thấy tình trạng thiếu giáo viên của ngành giáo dục rất bức xúc, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục của tỉnh ta.

 

- Hiện nay tình trạng thiếu biên chế giáo viên trong ngành giaó dục khá phổ biến ở các địa phương trong cả nước do quy định tinh giãn 2% biên chế mỗi năm mà không tính đến đặc thù của ngành giáo dục. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét không giao tinh giản biên chế ngành Giáo dục một cách cơ học mà cần căn cứ vào số lượng học sinh thực tế; đồng thời xem xét có cơ chế tài chính để các địa phương hợp đồng giáo viên bảo đảm đủ giáo viên đứng lớp theo quy định.

 

- Mặt khác, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát danh mục dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý của tỉnh để trình HĐND tỉnh ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Trên cơ sở đó, xác định mức độ tự chủ, biên chế hưởng lương từ ngân sách ở các đơn vị sự nghiệp công lập hợp lý để  giảm số lượng người hương lương từ ngân sách đối với những lĩnh vực dịch vụ công không sử dụng ngân sách nhà nước. góp phần giảm áp lực tinh giãn biên chế đối với ngành giáo dục.

 

Đề nghị ngành Giáo dục chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục công công lập ở địa bàn có điều kiện xã hội hóa nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục phát huy tính chủ động, sử dụng hợp lý, hiệu quả biên chế và tài chính trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục, điều này phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của BCHTW (khóa XII) về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

 

Vấn đề thứ hai, về chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục ngoài công lập.

 

Trong điều kiện tinh giãn biên chế, thiếu giáo viên mầm non cho nên nhiều địa phương giảm tỷ lệ huy động trẻ đến nhà trẻ. Hiện nay tỷ lệ huy động trẻ đến nhà trẻ ở tỉnh ta mới chỉ đạt khoảng 21%, thấp hơn so với kế hoạch đề ra. Vì vậy, đề nghị cần có chính sách để phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Hiện nay, các cơ sở giáo dục ngoài công lập ở tỉnh ta chủ yếu ở bậc học Mầm non, có 01 trường tiểu học và THCS, 13 trường mầm non và 226 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục chủ yếu ở địa bàn thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn; số học sinh huy động của khối các cơ sở giáo dục mầm non NCL là 4963 em đạt tỷ lệ huy động 9,01% tổng số học sinh mầm non toàn tỉnh. Các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đã góp phần cùng với các trường Mầm non công lập trên địa bàn trong việc tiếp nhận, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ, giảm áp lực về số lượng trẻ/nhóm, lớp cho các trường Mầm non công lập và tạo cơ hội việc làm cho người lao động.

 

 Tuy nhiên, sau dịch bệnh COVID-19; hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập rất khó khăn: tâm lý tư tưởng giáo viên không yên tâm; một số đơn vị không tuyển được giáo viên nên rất khó khăn trong duy trì hoạt động của cơ sở, có nguy cơ giải thể. 

 

Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xem xét, báo cáo HĐND tỉnh ban hành chính sách để khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập, tham gia xã hội hóa giáo dục để giảm áp lực lên hệ thống giáo dục công lập và giảm người hưởng lương từ ngân sách nhà nước và biên chế giáo viên.

 

Ba là, về chuẩn bị sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới cho năm 2022 - 2023.

 

Thời gian qua, vấn đề giá các bộ sách giáo khoa mới tăng cao hơn 2 đến 3 lần so với các bộ sách giáo khoa củ làm cho nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng, bất an. Chi phí vài trăm ngàn đồng cho một bộ sách giáo khoa mới đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, con em đồng bào dân tộc thiểu số là gánh nặng tài chính khó vượt qua.

 

 Năm học 2022 – 2023 sẽ thực hiện chương trình sách giáo khoa mới đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Chuẩn bị bước vào năm học mới, đề nghị Sở Giáo dục cần có chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thống kê cho phụ huynh, học sinh biết danh mục sách giáo khoa bắt buộc đối với từng lớp học, cấp học. Ngoài số sách giáo khoa bắt buộc phải có, với số sách tham khảo còn lại học sinh có thể chọn lựa mua hoặc không mua tùy theo nhu cầu; mặt khác đề nghị các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát dịch vụ kinh doanh sách giáo khoa trên địa bàn bảo đảm đúng quy định.

 

Để hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn có sách giáo khoa, đề nghị các địa phương, các cơ sở giáo dục vận động kêu gọi xã hội hóa xây dựng thư viện sách giáo khoa dùng chung để học sinh có thể mượn sách giáo khoa để học. Đối với các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhà nước cần xem xét hỗ trợ một phần kinh phí; tuyên truyền với phụ huynh, học sinh về việc ủng hộ sách còn dùng tốt cho thư viện này. Theo đó, học sinh sẽ được mượn sách giáo khoa miễn phí hằng năm và trả lại nhà trường khi kết thúc năm học. Làm như vậy vừa tiết kiệm chi phí, đỡ gánh nặng cho kinh tế các gia đình khó khăn.

 

Về xây dựng, tôn tạo các thiết chế văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí ở cơ sở:

 

Cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở cũng đã được các cấp ủy, chính quyền và nhân dân quan tâm đầu tư xây dựng khang trang hơn. Các thiết chế văn hóa nói chung và hệ thống nhà văn hóa có vai trò rất quan trọng trong sinh hoạt tinh thần của nhân dân ở cơ sở. Tuy nhiên, nhiều nơi nhà văn hóa đã bị xuống cấp, trang thiết bị thiếu đồng bộ ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như tổ chức hội họp của nhân dân trên địa bàn. Hiện nay ở tỉnh ta có 39 thôn, bản chưa có nhà văn hóa, tập trung chủ yếu ở các xã đặc biệt khó khăn, có 537 nhà văn hóa chiếm gần 49% tổng số nhà văn hóa thôn, bản đã bị xuống cấp, hư hỏng cần phải cải tạo, nâng cấp để đạt chuẩn theo quy định.

 

Để xây dựng nhà văn hóa các thôn bản, tổ dân phố đạt chuẩn theo quy định, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa trên địa bàn, đề nghị UBND tỉnh giao các cơ quan chuyên môn xem xét trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố đạt chuẩn theo quy định theo hướng Ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với các thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các địa bàn còn lại ngân sách chỉ hỗ trợ một phần mang tính khuyến khích, qua đó kêu gọi xã hội hóa và sự đóng góp của nhân dân.

 

Hiện nay, các địa phương đang đề xuất phương án sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất như: nhà văn hóa thôn, trường học, trạm y tế ở một số nơi sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố không còn nhu cầu sử dụng. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh lưu ý cần phải ưu tiên đất tại các địa điểm này sử dụng vào mục đích công cộng để đảm bảo không gian sinh hoạt cộng đồng, thể thao, vui chơi, giải trí cho nhân dân trong khu vực. Mặt khác, hiện nay đang dịp nghỉ hè của học sinh, nhưng trên địa bàn tỉnh ta còn quá ít các điểm vui chơi, giải trí cho các em, nhất là ở địa bàn nông thôn. Vì vậy đề nghị các địa phương cần ưu tiên bố trí quỹ đất để phát triển các dịch vụ vui chơi, giải trí, thể thao lành mạnh cho thành thiếu nhi.

 

(Bài thảo luận của đại biểu Phan Trần Nam,

Tổ đại biều huyện Quảng Ninh tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII)

Các tin khác