Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 2178

  • Tổng 2.876.877

Vấn đề ngập lụt hiện nay và đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới

13:59, Thứ Sáu, 9-12-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

 

Đại biểu Trần Ngọc Sâm phát biểu thảo luận

 

Năm 2022, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện gặp không ít khó khăn, nhất là những tháng đầu năm dịch bệnh covid19 diễn biến phức tạp, lây lan nhanh ở nhiều địa phương trong tỉnh; thời tiết diễn biến bất lợi cho sản xuất nông nghiệp; tình hình kinh tế, chính trị quốc tế không ổn định; giá nhiên liệu và hàng hóa, vật liệu tăng cao ảnh hưởng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và đời sống Nhân dân.

 

Tuy vậy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền; toàn dân, toàn quân cùng các cấp, các ngành chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh covid19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, do đó kinh tế vẫn đang duy trì tăng trưởng khá cao hơn 8%. Các dự án kinh tế trọng điểm của quốc gia và của tỉnh đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương thực hiện như: Dự án cao tốc Bắc-Nam đi qua địa bàn tỉnh Quảng Bình; Dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3; Các lĩnh vực du lịch, văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, việc làm, quốc phòng, an ninh được quan tâm chỉ đạo thực hiện đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào việc duy trì ổn định, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

 

Tuy nhiên trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 vẫn còn một số vấn đề nổi lên được cử tri quan tâm đó là: Hiện nay vấn đề ngập lụt ngày càng diễn ra nghiêm trọng khi mỗi lần có mưa lớn, có nhiều nguyên nhân xẩy ra như biến đổi khí hậu thời tiết nhưng trong đó có nguyên nhân chủ quan do con người như sau:

 

1. Việc san lấp các ao, hồ, đồng ruộng, các bãi ven sông để làm các dự án và xây dựng các công trình làm cho không còn những nơi chứa nước. Trước đây các ao, hồ, đồng ruộng, các bãi ven sông với diện tích rất lớn nhưng hiện nay đã bị thu hẹp rất nhiều.

 

2. Tình trạng xây dựng các công trình, xây dựng nhà ở lấn chiếm các dòng sông làm thu hẹp dòng chảy; nhiều nơi khi làm các kè ven sông đã lấn ra phía dòng sông rất lớn, mục đích để có đất làm đường giao thông hoặc để xây dựng các công trình khác (như hiện nay kè ven sông Phú Vinh, thuộc phường Bắc Nghĩa, Đồng Hới đang xây dựng lấn ra phía dòng sông rất nhiều).

 

Hoặc hiện nay việc xây dựng các tuyến đường giao thông đã bảo đảm cho việc đi lại thông suốt, thuận lợi nhưng cũng là nguyên nhân cản trở việc thoát lũ (một số tuyến đường quan trọng đi qua một số địa phương với nền đường rất cao sẽ làm cho việc thoát lũ hạn chế, gây ngập lụt nặng).

 

3. Một số nơi khi xây dựng hoàn thành các cầu, cống không nạo, vét hết đất đá, vật liệu dư thừa làm cản trở dòng chảy (vấn đề này cử tri huyện Bố Trạch có ý kiến rất nhiều, nhất là ở cầu và sông Thanh Ba).

 

4. Tình trạng xây dựng các hồ, đập nuôi trồng hải sản với bờ bao quá cao và lấn ra các bờ sông gây cản trở việc thoát lũ.

 

5. Việc chặt phá rừng để lấy gỗ và làm các mục đích khác cũng là nguyên nhân gây lũ lụt nghiêm trọng. Hiện nay rừng một số nơi bị chặt phá để làm các dự án kinh tế, làm nương rẫy và các mục đích khác, vì vậy sẽ gây xói lỡ đất, lũ ống, lũ quét, sạt lỡ các bờ sông.

 

Những vấn đề trên là nguyên nhân chủ quan làm cho việc thoát lũ hạn chế gây ngập lụt trên diện rộng mỗi khi có mưa lớn.

 

Từ tình hình thực tế trên, tôi xin đề xuất một số giải pháp thực hiện như sau:

 

1. Chỉ đạo nâng cao chất lượng xây dựng, bổ sung quy hoạch hệ thống thoát lũ ở từng địa phương, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả; đặc biệt khi xây dựng các dự án kinh tế, dự án các khu dân cư phải tính đến hiệu quả phương án thoát lũ.

 

2. Đầu tư cải tạo mở rộng các lòng sông tăng khả năng thoát lũ bằng cách nạo vét, gia cố, xây kè. Hiện nay một số cửa sông bị bồi lấp rất nặng, đặc biệt là cửa Nhật Lệ. Vì vậy, cần có phương án nạo vét xây dựng kè chống lấn, chống bồi lấp.

 

3. Xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát lũ ở thành phố và các khu dân cư. Hiện nay hệ thống thoát nước một số nơi xuống cấp hoặc các đường cống thoát nước quá hẹp, một số nơi lại chưa có hệ thống thoát nước nên khi mưa lớn nước không thoát được; mặt khác các công trình và nhà ở xây dựng dày đặc chiếm hết mọi diện tích không còn chổ để xây dựng đường cống thoát nước.

 

4. Tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng đầu nguồn, chỉ đạo trồng thêm rừng mới; đồng thời phải nghiên cứu kỹ, hạn chế chuyển đổi đất trồng rừng sang các mục đích khác.

 

5. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm làm hạn chế việc thoát lũ như xây dựng các công trình, xây dựng nhà ở lấn chiếm dòng chảy ở các dòng sông, đường cống thoát lũ ở các khu dân cư; chặt phá rừng để lấy gỗ, làm nương rẫy và thực hiện các mục đích khác không đúng quy định.

 

(Bài phát biểu thảo luận của đại biểu Trần Ngọc Sâm,

Tổ đại biểu huyện Bố Trạch tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII) 

Các tin khác