Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 4

  • Hôm nay 563

  • Tổng 2.875.262

Khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý nước sạch nông thôn

10:37, Chủ Nhật, 7-8-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, cùng với nhận thức của người dân nông thôn ngày càng được nâng lên thì nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày trở nên quan trọng, cấp thiết hơn bao giờ hết. Sử dụng nước sạch chính là thước đo để đánh giá nếp sống văn minh, trình độ văn hóa. Bên cạnh đó, sử dụng nước sạch là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành xây dựng nông thôn mới và và nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025. Bảo đảm nước sạch vùng nông thôn đang là một trong những vấn đề nóng được nhiều địa phương và cử tri quan tâm.

 

Theo kết quả cập nhật Bộ chỉ số theo dõi - đánh giá nước sạch nông thôn năm 2021 được phê duyệt tại Quyết định số 827/QĐ-UBND ngày 31/3/2022 của UBND tỉnh Quảng Bình, tỷ lệ hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Việt Nam đạt tỷ lệ 53,78%. Để có được kết quả trên là nhờ trong thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trên toàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc đẩy mạnh thực hiện đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác công trình cấp nước nông thôn tập trung. Tuy nhiên, trong tổng số 118 công trình đã được đầu tư trên địa bàn tỉnh thì số công trình hoạt động bền vững và tương đối bền vững chiếm khoảng 40%, còn lại khoảng 60% kém bền vững và không hoạt động. Riêng tại huyện Bố Trạch có tỷ lệ 52,5% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Toàn huyện có 14 công trình cấp nước tập trung, tuy nhiên chỉ có 02 công trình do đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp quản lý hoạt động hiệu quả bền vững, các công trình còn lại do UBND các xã quản lý hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động. Qua đó có thể thấy rằng, tỷ lệ hộ dân vùng nông thôn được sử dụng nước sạch tại huyện Bố Trạch nói riêng và toàn tỉnh nói chung còn thấp, số công trình kém hiệu quả và không hoạt động còn nhiều. Đặc biệt, qua theo dõi tại địa bàn huyện Bố Trạch, chúng tôi nhận thấy công tác quản lý, vận hành, khai thác công trình cấp nước tập trung của UBND các xã còn nhiều hạn chế, bất cập như: Công suất hoạt động, chất lượng nước cung cấp đến người dân chưa được đảm bảo; một số công trình không mở sổ sách theo dõi hạch toán, khấu hao giá trị tài sản; chưa thực hiện đầy đủ các quy định như: Lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn, định kỳ thử nghiệm và công bố thông số về chất lượng nước, kiểm định đồng hồ đo nước, lập hồ sơ xin cấp phép khai thác nước, giấy phép môi trường…

 

Những khó khăn, tồn tại, hạn chế đó phần lớn xuất phát từ các nguyên nhân cụ thể như sau:

 

- Các hệ thống, công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung mặc dù đã được huy động, bố trí nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển nhưng một số nơi vẫn còn thiếu và hoạt động kém hiệu quả; số lượng người sử dụng nước sạch còn thấp, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó ngân sách bố trí cho các dự án nước sạch nông thôn tại nhiều địa phương gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

 

- Năng lực quản lý, vận hành công trình cấp nước tập trung của UBND cấp xã và đơn vị được giao khoán còn nhiều hạn chế; một số xã thiếu kiểm tra, giám sát, đôn đốc; các đơn vị được giao vận hành không có cán bộ đáp ứng về chuyên môn nghiệp vụ, chưa nắm rõ các quy định của pháp luật về quản lý, vận hành, khai thác công trình dẫn đến lúng túng khi thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ theo quy định.

 

  - Quá trình khảo sát, thiết kế, thi công các dự án cấp nước nông thôn tập trung chưa bảo đảm chất lượng, không sát với điều kiện thực tế nên một số công trình không phát huy hiệu quả. Một số công trình thu không đủ bù chi nên không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa dẫn đến nhanh bị xuống cấp, hư hỏng.

 

- Quy mô dân số và quá trình đô thị hoá ở các vùng nông thôn diễn ra nhanh, số hộ dùng nước và lượng dùng nước tăng lên nên một số công trình đã hoạt động hết công suất nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu. Một số công trình nguồn nước thô chịu tác động của thời tiết, biến đổi khí hậu nên không ổn định cần thay thế, bổ sung nguồn nước.

 

- Một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng đã tìm kiếm cơ hội đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác nhưng không thực hiện, nguyên nhân là do suất đầu tư cho công trình cấp nước nông thôn tập trung tương đối lớn trong khi mức sử dụng nước sinh hoạt của người dân nông thôn thấp, nguồn thu không đủ bù đắp chi phí, công trình hoạt động chỉ mang tính chất phục vụ an sinh xã hội, trong khi tỉnh vẫn chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút lĩnh vực tư nhân, vì vậy cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh chưa thực sự hấp dẫn đối với các doanh nghiệp.

 

 

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý nước sạch nông thôn, nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung; đồng thời đáp ứng tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành xây dựng nông thôn mới và và nông thôn mới nâng cao; tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

 

Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền sâu rộng tới người dân về lợi ích của việc sử dựng nước sạch trong sinh hoạt nhằm tăng tỉ lệ hộ dân sử dụng nước tại công trình cấp nước tập trung, thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các công trình. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, vận hành công trình của UBND cấp xã và các đơn vị được giao khoán thông qua các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, các đợt tham quan học tập kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ trực tiếp quản lý công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh.

 

Thứ hai, đối với những công trình cấp nước do UBND cấp xã quản lý nhưng hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động, đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo, phối hợp với các địa phương, đơn vị tiếp tục rà soát, đánh giá lại thực trạng, xác định rõ tồn tại, nguyên nhân của từng công trình và tình hình quản lý, vận hành. Trên cơ sở đó, tham mưu UBND tỉnh thu hồi để bàn giao lại cho các đơn vị có năng lực quản lý.

 

Thứ ba, trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ tiêu chí mới quy định tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch từ công trình nước tập trung tại các xã nông thôn mới phải đạt từ 20% trở lên và đối với xã nông thôn mới nâng cao phải đạt từ 55% trở lên; tuy nhiên trên thực tế, nhiều xã chưa có công trình cấp nước tập trung hoặc đang sử dụng công trình của địa bàn lân cận nhưng tỷ lệ hộ sử dụng thấp. Vì vậy, đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương, đơn vị rà soát lại quy hoạch cấp nước tập trung để có sự đầu tư đồng bộ, tránh tự phát, manh mún. Đồng thời, đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh ưu tiên nguồn vốn ngân sách để đầu tư cho vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đầu tư khắc phục, sửa chữa các công trình bị xuống cấp, hư hỏng; nâng cấp những công trình có khả năng mở rộng, tạo nguồn nước ổn định, chống chịu được với biến đổi khí hậu để tăng khả năng bao phủ địa bàn cấp nước, hỗ trợ các địa phương hoàn thành tiêu chí sử dụng nước sạch trong xây dựng nông thôn mới.

 

Thứ tư, rà soát xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác công trình cấp nước nông thôn tập trung nhằm thúc đẩy xã hội hóa nước sạch nông thôn.

 

(Bài thảo luận của đại biểu Dương Thị Thu Hiền

Tổ đại biều huyện Bố Trạch  tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII)

Các tin khác