Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 2509

  • Tổng 2.781.624

Một số giải pháp nhằm góp phần phát triển lĩnh vực văn hóa trong thời gian tới

8:15, Thứ Hai, 13-12-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và gia đình đã thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm 2021. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế trong công tác công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; trong việc huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở.

 

Để tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch covid-19, vừa phục hồi phát triển kinh tế- xã hội, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, từ thực tiễn tham mưu UBND tỉnh về công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa và tiếp thu ý kiến của cư tri, đề nghị HĐND tỉnh quan tâm chỉ đạo một số nội dung sau:

 

1. Như chúng ta đã biết, văn hóa có vai trò hết sức to lớn trong quá trình đấu tranh, xây dựng và phát triển đất nước, quê hương. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng văn hóa và đã có nhiều Nghị quyết quan trọng về văn hóa như Nghị quyết số 33 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng tiếp tục khẳng định “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”... Tổng Bí thư nhấn mạnh “Cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp phải nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về văn hóa và trên cơ sở đó xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển văn hóa. Phải quán triệt nghiêm túc quan điểm "văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội".

 

 Vì vậy, đề nghị HĐND tỉnh quan tâm ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, chú ý đến tính đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Trước hết là ban hành chính sách thu hút nhân tài trên các lĩnh vực văn hóa, nghê thuật; chính sách đãi ngộ đối với văn nghệ sĩ có thành tích xuất sắc tại các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn; các nghệ sĩ có cống hiến tiêu biểu cho quê hương, đất nước, các nghệ nhân chính là “Báu vật sống” những người đang lưu giữ, trao tuyền hồn cốt dân tộc cho các thế hệ mai sau. Phấn đấu tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu bằng 2% tổng chi ngân sách hàng năm như Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; đồng thời có cơ chế, chính sách để khơi thông các nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa.

 

2. Muốn phát triển du lịch, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết Đại hội XVII của tỉnh đã đề ra, trong rất nhiều việc phải làm, theo chúng tôi việc phát huy tài nguyên văn hóa từ các di sản văn hóa là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng.

 

Hiện nay, Quảng Bình còn lưu lại nhiều di tích lịch sử văn hóa và cách mạng vô cùng quý giá với 135 di tích đã được xếp hạng trong đó có 53 di tích cấp quốc gia và 82 di tích cấp tỉnh. Hệ thống di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh ta rất phong phú, có nhiều di tích xét về tính chất bi tráng không thua kém Truông Bồn của Nghệ An, Ngã Ba Đồng Lộc của Hà Tĩnh như Hang Lèn Hà, Hang Tám TNXP... Bên cạnh đó chúng ta có các di sản văn hóa phi vật thể độc đáo với 02 di sản văn hóa phi vật thể nhân loại là Ca Trù và Hát Bài Chòi và 06 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là những tiềm năng lớn để khai thác, phát huy giá trị với những tour du lịch “về nguồn”.

 

Tuy nhiên sự đầu tư và khai thác tiềm năng giá trị của di sản văn hóa chưa tương xứng; về di sản văn hóa phi vật thể, hằng năm, được bố trí 200 triệu cho việc tổ chức các hội thi, liên hoan Ca trù và Bài chòi còn 6 di sản vật khác chưa được đầu tư, hỗ trợ. Về di sản vật thể, hằng năm được bố trí 5 tỷ đồng (bình quân hơn 37 triệu đồng/di tích) và quá ít so với yêu cầu (vì xin đơn cử, năm 2021 huyện Lệ Thủy chỉ mới trùng tu, tôn tạo 01 di tích (Chi bộ Mỹ Thổ - Trung Lực) đã mất 5 tỷ đồng).

 

Vì vậy, kính đề nghị HĐND, UBND tỉnh quan tâm đầu tư nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể.

 

3. Hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở được xem là không gian để các chủ thể văn hóa là Nhân dân sinh hoạt và trao truyền các giá trị văn hóa góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, hệ thống hệ thống thiết chế này còn thiếu, xuống cấp hoặc chưa đồng bộ. Hiện nay, toàn tỉnh có 151 xã, phường, thị trấn 1142 thôn, bản, tổ dân phố; đến thời điểm hiện nay có 151/151 xã, phường, thị trân có Trung tâm văn hóa- thể thao cấp xã; tuy nhiên chỉ có 49/151 trung tâm văn hóa- thể thao xã được xây dựng độc lập (chiếm 32,45%), còn lại sử dụng chung hội trường của UBND xã, phường, thị trấn. Có 1.098/1142 nhà văn hóa- khu thể thao (96,14%), 44 tổ dân, phố, thôn, bản chưa có nhà văn hóa; trong đó có 561/1098 nhà văn hóa- khu thể thao đạt chuẩn theo các tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (chiếm 51,09%); nhiều địa phương như Quảng Trạch, Ba Đồn, Lệ Thủy, Bố Trạch có nhà văn hóa- khu thể thao cải tạo, nâng cấp từ cơ sở vật chất cũ chiếm tỷ lệ lớn (nhà kho, trường mầm non, trụ sở cũ; nhiều nhà văn hóa- thể thao thôn, bản, tổ dân phố có diện tích từ 40-60m2 , quá nhỏ, chưa đạt chuẩn tối thiểu;  gần 50% nhà văn hóa – khu thể thao thiếu trang thiết bị hoạt động hoặc trong tình trạng chắp vá, thiếu đồng bộ, nhất là khu vực nông thôn nghèo, miền núi, vùng sâu, vùng xa làm ảnh hưởng lớn đến công tác tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân

 

Vì vậy, kính đề nghị HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ đối với việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh ta. 

 

(Bài thảo luận của đồng chí Nguyễn Thị Bích Thủy,

Tổ đại biểu huyện Quảng Ninh tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII) 

 

Các tin khác