Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 8

  • Hôm nay 381

  • Tổng 2.779.497

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính

18:4, Thứ Ba, 2-8-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Kế thừa những kết quả đạt được qua 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 – 2020; Nghị quyết về chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định công tác CCHC là một trong bốn chương trình hành động trọng tâm, đột phá nhằm đẩy mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh giai đoạn 2020-2025. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch CCHC tổng thể của tỉnh giai đoạn 2021 – 2030 và nhiều kế hoạch cụ thể khác như: Kế hoạch về cải thiện và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) tỉnh Quảng Bình năm 2021 và các năm tiếp theo; đặc biệt UBND tỉnh ban hành Kế hoạch CCHC năm 2022 với chủ đề “Chuyển đổi số nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước”.

 

Triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính trong điều kiện tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn, song công tác CCHC luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành và đạt được kết quả tích cực trên các mặt. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ, mục tiêu đề ra thì công tác CCHC chưa đáp ứng yêu cầu, một số chỉ số đang có xu hướng giảm thứ hạng so với năm trước. Năm 2021, chỉ số CCHC chính tuy có cải thiện hơn so với năm 2020 nhưng không đáng kể; chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giữ nguyên thứ hạng; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giảm so với những năm trước. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức cá nhân còn chậm so với quy định; tỷ lệ trễ hạn trả hồ sơ thủ tục hành chính trên lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép đầu tư, giấy phép xây dựng còn khá cao; kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc còn bất cập, chưa đồng bộ; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến để giải quyết TTHC chưa cao; dịch vụ bưu chính công ích để tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC chưa được áp dụng phổ biến…

 

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC, cũng như nỗ lực, cố gắng để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC năm 2022 và những năm tiếp theo, gắn với cải thiện các chỉ số, UBND tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp lãnh lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tâp trung triển khai thực hiện. Tôi xin tham gia thêm giải pháp về cải cách thủ tục hành chính; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp.

 

 

Cải cách thủ tục hành chính; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là hai nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 mà Chính phủ đã xác định. Với tỉnh ta, đã đề ra mục tiêu: Đến năm 2025, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%. Trong đó, mức độ hài lòng về giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt tối thiểu 85%. 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và 80% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước)….

 

Để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh, tôi đề nghị:

 

Thứ nhất: Các cấp, các ngành tiếp tục rà soát, cắt giảm triệt để các quy trình, TTHC còn chồng chéo, vướng mắc, không cần thiết thuộc thẩm quyền của cơ quan mình. Chú trọng việc rà soát, tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách giảm thời gian, phí, lệ phí khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Tập trung nghiên cứu, rà soát, lựa chọn các TTHC phù hợp để thực hiện trên môi trường mạng nhằm đẩy mạnh việc xây dựng và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, tổ chức kết nối, tích hợp để cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến đáp ứng yêu cầu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

 

Thứ hai: Tập trung tổ chức triển khai thực hiện Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng việc kiện toàn, sắp xếp lại hệ thống Bộ phận một cửa các cấp; đồng thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, văn bản triển khai thực hiện đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tiếp tục chỉ đạo đưa các TTHC của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn ra tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận một cửa các cấp. Tổ chức thực hiện tại chỗ toàn bộ quy trình giải quyết TTHC (4 tại chỗ) tại Bộ phận một cửa; tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích tại các cơ quan trực tiếp giải quyết TTHC.

 

Thứ ba: Đẩy mạnh việc quán triệt, phổ biến chủ trương, quy định, yêu cầu của các cơ quan Trung ương để thực hiện thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn theo thẩm quyền.

 

Tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc theo hướng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo liên thông từ tỉnh đến huyện, đến xã; Xây dựng, nâng cấp, phát triển ứng dụng các phần mềm quản lý, cơ sở dữ liệu chuyên ngành bảo đảm kết nối với hệ thống của tỉnh, tạo sự thuận lợi trong công tác quản lý, tra cứu thông tin nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.

 

 Thứ tư: Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát TTHC tại tất cả các cơ quan hành chính nhà nước các cấp và tại các tổ chức được nhà nước giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công. Kiểm soát chặt chẽ quy trình giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức. Chấn chỉnh tình trạng hồ sơ TTHC chậm xử lý, tồn đọng quá hạn, kéo dài. Có biện pháp kiểm điểm, xử lý nghiêm đối với cá nhân cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu trong xử lý công vụ giải quyết TTHC.

 

Thực hiện việc tiếp nhận, xử lý phản ánh của cá nhân, tổ chức về hành vi hành chính và quy định hành chính để nâng cao chất lượng ban hành các quy định hành chính và giám sát việc thực hiện quy định hành chính của các cơ quan, đơn vị, cá nhân. Thường xuyên tổ chức đối thoại giữa cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết TTHC với công dân, tổ chức và doanh nghiệp.

 

Cuối cùng: Trong quá trình thực hiện, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về thông qua Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin tỉnh Quảng Bình đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035; Nghị quyết số 165/HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh về Thông qua Đề án phát triển Chính quyền điện tử và dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

 

 

 

Công tác CCHC là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài, việc tập trung giải quyết những vấn đề đặt ra đối với công tác CCHC là rất cần thiết. Rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành để công tác CCHC trên địa bàn tỉnh đạt kết quả cao nhằm tiếp tục cải thiện tích cực những chỉ số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cũng như nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. Để không ngoài mục đích cuối cùng đó là: Làm được nhiều việc nhất; sử dụng ít nguồn lực nhất; người dân hài lòng nhất.

 

(Bài thảo luận của đại biểu Trương Thị Phương Lan,

Tổ đại biều huyện Lệ Thủy tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII)

Các tin khác