Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 3113

  • Tổng 2.849.585

Một số nội dung liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh

10:37, Chủ Nhật, 7-8-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Trước hết, tôi nhất trí cao với nội dung Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tiếp tục thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2022 của UBND tỉnh, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh. Qua các báo cáo cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh ta triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện gặp không ít khó khăn, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân nên kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Có thể khẳng định, 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh ta đã thực hiện tốt mục tiêu kép là “vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”.

 

Thể hiện ở chỗ, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, các hoạt động kinh tế - xã hội đã trở lại bình thường. Hầu hết các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đều đạt ở mức khá cao, như các chỉ tiêu: tốc độ tăng trưởng GRDP (tăng 6,96%), giá trị sản xuất công nghiệp (tăng 12,3%), giá trị sản xuất các ngành dịch vụ (tăng 6,45%), đều đạt cao hơn so với cùng kỳ và so với kế hoạch đề ra. Mặc dù diễn biến thời tiết bất thường, nhưng sản lượng lương thực vẫn vượt kế hoạch đề ra. Phong trào xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu. Du lịch có bước phục hồi mạnh mẽ và tiếp tục được các tổ chức, tạp chí trong nước và quốc tế đánh giá cao. Thu ngân sách gần hoàn thành dự toán năm của HĐND tỉnh giao. Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm, chăm lo. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống Nhân dân ổn định. Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và thực thi pháp luật. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Bình với chủ đề “Quảng Bình - Thích ứng - Đồng hành - Phát triển” tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 3/2022.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 vẫn gặp phải không ít khó khăn, hạn chế:

 

- Do tác động của bối cảnh chính trị quốc tế đã đẩy giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao, diễn biến bất thường của thời tiết, tình hình dịch bệnh … đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt của Nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh;

 

- Nợ đọng thuế tăng cao, tăng 460 tỷ, tăng 87,12% so với năm 2021, số nợ thuế vẫn còn lớn (988 tỷ, xấp xỉ 18,84% dự toán thu năm 2022). Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt thấp so với kế hoạch, 6 tháng mới đạt 21,25% kế hoạch vốn. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 chưa được cải thiện.

 

 - Nguy cơ sụt chuẩn của các trường học so với Bộ tiêu chuẩn mới về đánh giá trường đạt chuẩn...

 

Theo tôi, cần đánh giá đầy đủ, khách quan những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2022 và có sự so sánh với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh covid – 19 để thấy được mức độ phục hồi, phát triển của nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Trên cơ sở đó, để bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp, phân công cụ thể trách nhiệm cho các cấp, các ngành, các địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong năm 2022.

 

 

Tôi nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Báo cáo của UBND tỉnh. Để hoàn thành mục tiêu của năm 2022 mà HĐND tỉnh đã đề ra là: “Chủ động, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng Nhân dân. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá giai đoạn 2021 - 2025 trong tình hình mới. Tập trung tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...”, Tôi xin đề xuất một số kiến nghị và giải pháp sau:

 

Thứ nhất, tôi nhất trí với việc tiếp tục tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch covid – 19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong công tác phòng, chống dịch covid – 19, đề nghị tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia tiêm các mũi tăng cường, nhắc lại để bảo vệ thành quả của công tác phòng, chống dịch covid – 19. Hiện nay, có một phận không nhỏ người dân có tâm lý chủ quan, không tiêm các mũi tăng cường, nhắc lại làm tăng nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh.

 

Thứ hai, một trong những nhiệm vụ quan trọng của 6 tháng cuối năm 2022 là tập trung thực hiện và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực kích thích đầu tư, tạo việc làm, góp phần phục hồi kinh tế - xã hội. UBND tỉnh đã chỉ đạo tập trung vào 05 giải pháp chính như trong Báo cáo đã nêu. Trong đó có giải pháp: cải tiến quy trình, thủ tục, nâng cao chất lượng và rút ngắn thời gian thẩm định dự án. Tôi có kiến nghị cụ thể hơn đối với vấn đề này. Hiện nay, quy trình, thủ tục quản lý đầu tư và xây dựng gồm rất nhiều bước, được quy định ở nhiều Luật và văn bản hướng dẫn, liên quan đến nhiều ngành, địa phương. Tôi đề nghị tỉnh chỉ đạo rà soát, sắp xếp, hệ thống hóa các bước để có cái nhìn tổng quan về quy trình, thủ tục quản lý đầu tư và xây dựng. Trên cơ sở đó, quy định cụ thể thời gian rút ngắn của từng bước, đồng thời, có hướng dẫn cụ thể về các bước thủ tục phải thực hiện tuần tự, các bước có thể làm song song đến có thể rút ngắn thêm thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư XDCB.

 

Thứ ba, đề nghị tỉnh chỉ đạo tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất trường học so với Bộ tiêu chí mới về trường chuẩn quốc gia, từ đó có phương án đầu tư phù hợp nhằm đảm bảo mục tiêu “70% trường mầm non, 100% trường tiểu học, 75% trường THCS và THPT đạt chuẩn quốc gia”, như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đã đề ra.

 

Ngày 10/6/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT về sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông [1], đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo công khai danh mục sách giáo khoa để các bậc phụ huynh biết và tự quyết định việc mua sách cho con em mình.

 

Thứ tư, vừa qua Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành 02 nghị quyết về: phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và miền núi giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030. Bà con dân tộc miền núi, biên giới và các hộ nghèo rất phấn khởi và trông chờ. Đề nghị tỉnh sớm cụ thể hóa 02 nghị quyết bằng các chính sách, nguồn lực hỗ trợ cụ thể, thiết thực để “từng bước rút ngắn khoảng cách về tỷ lệ hộ nghèo giữa các địa phương; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, vươn lên thoát nghèo bền vững và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống” như mục tiêu đã đề ra. Việc này cần làm song hành với việc triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 [2]. 

 Trên đây là một số nội dung tham luận về kinh tế - xã hội của Tổ đại biểu huyện Tuyên Hóa.

 

(Bài thảo luận của đại biểu Nguyễn Hoài Nam

Tổ đại biều huyện Tuyên Hóa  tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

 

[1] theo đó, có yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo  “Chỉ đạo các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh, hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn dưới bất kì hình thức nào”

 

[2] Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững và Phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025.

Các tin khác