Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 2933

  • Tổng 2.782.048

Tình hình kinh tế xã hội, thu ngân sách và giải ngân vốn đầu công trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2022

18:4, Thứ Ba, 2-8-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Phải nói rằng triển khai nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm đã gặp rất nhiều khó khăn thách thức; tình hình chính trị quốc tế bất ổn; sự bùng phát dịch bệnh covid-19 diễn biến hết sức phức tạp; giá nhiên vật liệu tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu trong nước liên tục tăng làm cho giá hàng hóa dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc kịp thời, sự chỉ đạo linh hoạt, hiệu quả của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nên tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm đã có những khởi sắc và đạt được một số kết quả khả quan: Dịch bệnh được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế đạt 6,96%, tăng 5,65% so với cùng kỳ; và cao hơn so với kế hoạch năm 2022 (6,0-6,5%); Thu ngân sách tăng đáng kể (6 tháng thu được 5.055 tỷ đồng, đạt 84% so kế hoạch giao); Du lịch phục hồi nhanh, công nghiệp duy trì ở mức tăng trưởng khá vững chắc; đời sống của nhân dân  được quan tâm và tiếp tục được cải thiện, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

 

 Đạt được kết quả này, chúng tôi đánh giá cao sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt và giải quyết kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực, cố gắng tích cực của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trong tỉnh; đặc biệt là tinh thần đoàn kết, đồng sức đồng lòng, chia sẽ khó khăn; đồng hành vì nhân dân phục vụ trong điều kiện khó khăn chung của tỉnh, của cả nước cũng như khu vực và quốc tế.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được ở trên, tôi xin trao đổi, thảo luận làm rõ thêm về một số nội dung liên quan đến thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh như sau:

 

1. Về thu ngân sách: Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 6 tháng đạt gần 5.055 tỷ đồng, đạt 101% so dự toán TW giao và đạt 84% dự toán địa phương giao, tăng 35% so với cùng kỳ là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên số thu từ các hoạt động sản xuất kinh doanh không có chuyển biến lớn mà chủ yếu nhờ vào thu tiền thuê đất (tăng 39%), cấp quyền sử dụng đất (tăng 76%); Riêng khoản thu tiền thuê đất nộp một lần cho cả thời gian thuê của Công ty Cổ phần Đông Nam Mê Kông và công ty Đất xanh Miền Trung là 1.000 tỷ đồng, chiếm 19,8% trong tổng  thu ngân sách. Đây là số thu tác động rất lớn đến ngân sách của tỉnh trong hiện tại, nhưng sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu trong những năm tiếp theo. Một trong những giải pháp điều hành thu ngân sách vừa qua tôi cho là rất hiệu quả, đó là việc áp dụng các biện pháp chống thất thu trong chuyển nhượng bất động sản; điều này đã tác động trực tiếp đến giá tính thuế chuyển nhượng bất động sản; góp phần làm tăng đột biến số thu thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2022 (tăng 45%); nếu khai thác tốt, thì đây là nguồn thu ổn định cho ngân sách.

 

Trong cơ cấu nguồn thu ngân sách cấp huyện, cấp tỉnh thì số thu từ đất chiếm tỷ trọng rất lớn, trong khi đó, hiện nay thị trường bất động sản có phần trầm lắng; tỷ lệ lấp đầy các dự án quỹ phát triển đất, nhà ở thương mại còn khá thấp (khoảng chưa tới 20%); tiến độ thực hiện các dự án quỹ phát triển đất, nhà ở thương mại hiện nay đang rất chậm, có nơi đang cầm chừng ... Mặt khác, theo báo cáo thì tình hình nợ thuế cũng đang có chiều hướng gia tăng; Ước đến ngày 30/6/2022 tổng nợ thuế toàn tỉnh là: 753 tỷ đồng, tăng 224 tỷ đồng (tăng 42,4%) so với thời điểm 31/12/2021, trong đó phần nợ tiền thuê đất của doanh nghiệp, ở một số dự án cũng chiếm tỷ trọng khá cao. Do đó, để bảo đảm nguồn thu ngân sách tăng ổn định, trong thời gian tới, tỉnh cần rà soát lại các dự án phát triển đất; đồng thời có những giải pháp cụ thể để hạn chế tình trạng “găm giữ đất”; chuyển nhượng dự án; đầu cơ đất đai, gây lãng phí tài nguyên; đặc biệt cần phải có các giải pháp mạnh mẽ hơn, tích cực, quyết liệt và hiệu quả hơn nữa; bằng mọi cách phải đưa đất đai vào sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực; tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội tỉnh.

 

2. Về giải ngân vốn đầu tư công: Theo báo cáo, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm đạt 20,9% là quá thấp, thấp nhất từ trước đến nay và thấp hơn bình quân chung của cả nước (cả nước đạt 27,86%). Xác định, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là đối với các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư các dự án. Mặc dù các nguồn vốn đã được phân bổ sớm và giao chi tiết ngay từ đầu năm, tỉnh đã tích cực và tập trung chỉ đạo quyết liệt; gần đây nhất, UBND tỉnh đã thành lập 3 tổ công tác do 3 đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để trực tiếp kiểm tra, giám sát và chỉ đạo thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhưng tại sao kết quả về tỷ lệ giải ngân vẫn còn thấp như vậy? nút thắt, hay “điểm nghẽn” ở đây là gì? đề nghị trong báo cáo cần phân tích rõ nguyên nhân, để tìm ra giải pháp “khơi thông” các điểm nghẽn đó. Như chúng ta biết, giải ngân vốn đầu tư công là kết quả đầu ra của quá trình triển khai thực hiện các dự án trong một khoảng thời gian nhất định. Vấn đề quan tâm ở đây không chỉ là đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn mà còn là việc đánh giá tình hình thực hiện và làm sao để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

 

Báo cáo giám sát về tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2021 của Ban Kinh tế- Ngân sách cho thấy: Việc tuân thủ thực hiện Luật Đầu tư công năm 2019 thời gian qua đã giải quyết được tình trạng đầu tư giàn trải, “công trình chờ vốn”; giải quyết tốt tình trạng nợ đọng XDCB nhờ vào việc xác định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn từ khâu thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Tuy nhiên, kể từ khi thực hiện Luật Đầu tư Công 2019 đến nay, lại phát sinh việc giải ngân vốn đầu tư công thấp, tình trạng “vốn chờ công trình” khá phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án chưa tốt dẫn đến mất nhiều thời gian; mặt khác, do số lượng dự án nhiều và tập trung vào từng thời điểm nhất định dẫn đến tình trạng “no dồn, đói góp”, gây quá tải đối với cơ quan thẩm định và một số đơn vị tư vấn nhận được quá nhiều dự án trong cùng một thời gian nhất định; do áp lực về thời gian gấp nên chất lượng hồ sơ khảo sát lập đề xuất chủ trương đầu tư/ lập dự án đầu tư cũng như chất lượng thẩm định hồ sơ dự án có phần hạn chế, đã ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thực hiện dự án ở các bước tiếp theo như thiết kế, dự toán, tổ chức thực hiện thi công công trình… nhiều dự án phải quay lại điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án gây mất nhiều thời gian và phát sinh thêm chi phí; điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải ngân vốn của dự án.

 

Bên cạnh đó, ngoài dự toán ngân sách đầu năm; nguồn ngân sách bổ sung trong năm như: nguồn dự phòng, tăng thu tiết kiệm chi... cũng khá lớn và thường bố trí vào cuối năm; yêu cầu giải ngân gấp trong khi chưa có hồ sơ, thủ tục đầy đủ, lại không có hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục nên còn lúng túng, không triển khai kịp thời; không đáp ứng được yêu cầu giải ngân của nguồn vốn; phải xin gia hạn, giản tiến độ giải ngân hoặc phải chuyển nguồn qua các năm sau.

 

Qua giám sát tại các chủ đầu tư, và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công cho thấy: Thời gian thực hiện công tác chuẩn bị, thực hiện 1 dự án kể từ khi được phê duyệt chủ trương đầu tư đến khi hoàn thành công tác đấu thầu triển khai thi công mất khoảng từ 4-6 tháng; đối với dự án 2 bước mất khoảng từ 7-9 tháng; cá biệt có những dự án qui mô lớn; tính chất kỹ thuật phức tạp thì có thể kéo dài cả năm hoặc hơn nữa… Điều này tùy thuộc vào năng lực của chủ đầu tư, năng lực của đơn vị tư vấn quản lý dự án, tư vấn khảo sát lập dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và năng lực của các đơn vị thực hiện.

 

Theo quy định của Luật thì chủ đầu tư là người chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với việc triển khai thực hiện, giải ngân thanh toán vốn đầu tư của dự án được nhà nước giao làm chủ đầu tư. Tuy nhiên trên thực tế việc thực hiện dự án đầu tư công chịu sự điều chỉnh của ít nhất là 5 Luật gồm: Luật Đầu tư Công, Luật Xây Dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Ngân sách Nhà nước…v.v. và nhiều Nghị định, Thông tư hướng dẫn khác nữa… Do đó, nhiều chủ đầu tư còn thấy mới mẽ và lúng túng trong việc tiếp cận và áp dụng các quy định của Pháp luật, phó thác vai trò trách nhiệm cho tư vấn quản lý dự án; điều này là rất đáng quan ngại. Vì vậy, trong giải pháp nâng cao năng lực của các chủ đầu tư, đề nghị UBND tỉnh cần có chỉ đạo cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công Hướng dẫn cụ thể về quy trình, trình tự các bước thủ tục thực hiện dự án (ở khâu nào, bước nào liên quan đến cơ quan, tổ chức nào xử lý; bước nào làm độc lập, bước nào có thể làm song song để rút ngắn thời gian thực hiện… vv); tạo điều kiện để chủ đầu tư nắm bắt quy trình, kiểm tra, giám sát, đốc thúc các đơn vị tư vấn, đơn vị thi công thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật; hạn chế sai sót không đáng có; nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong từng dự án cụ thể.

 

Thông thường, các thủ tục về công tác chuẩn bị thực hiện đầu tư mất rất nhiều thời gian trong khoảng đời của 1 dự án, trong khi đó giá trị của công việc này chiếm chưa tới 10% tổng mức đầu tư; khả năng hấp thụ giải ngân vốn của dự án chủ yếu ở giai đoạn đấu thầu, thi công công trình, chiếm hơn 90% tổng mức đầu tư. Thực tế, trong kế hoạch đầu tư công năm 2022 của tỉnh chủ yếu là bố trí vốn cho các dự án mới được phê duyệt chủ trương đầu tư vào các đợt tháng 7/2021; tháng 12/2021 và tháng 5/2022; hiện đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, do đó dù có làm nhanh, làm gấp đến mấy cũng chưa thể có khối lượng để giải ngân ngay được ... Như vậy, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo kế hoạch, nhất thiết phải rà soát, xem xét và điều chỉnh lại việc bố trí vốn cho từng dự án cụ thể; trên cơ sở xem xét, đánh giá kỹ về tình hình, tiến độ thực hiện và khả năng hấp thụ vốn của từng dự án; kiên quyết không bố trí vốn vào những dự án chưa đủ điều kiện, dự án gặp khó khăn vướng mắc chưa xử lý được; cần bố trí đủ vốn thực hiện giải phóng cho các dự án đã thực hiện kiểm đếm, phê duyệt phương án GPMB để thực hiện dứt điểm, tránh trường hợp chậm trả tiền đền bù, người dân thay đổi ý kiến làm kéo dài thời gian, phát sinh thêm chi phí; trước mắt, ưu tiên vốn bố trí cho các công trình thi công thuận lợi, có khả năng giải ngân tốt để sớm hoàn thành công trình đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.

 

Trong điều kiện khó khăn chung của đất nước, của tỉnh việc tìm kiếm, huy động nguồn lực là rất khó nhưng chúng ta huy động, cân đối được nguồn lực mà không giải ngân được vốn cũng là vấn đề hết sức trăn trở; đặc biệt đối với nguồn vốn ngân sách TW hỗ trợ cho tỉnh; nếu không giải kịp thời, bị thu hồi vốn thì sẽ gây rất nhiều hệ lụy về sau. Để khắc phục tình trạng “vốn chờ công trình”, trong thời gian tới, tỉnh nên dành một phần kinh phí để bố trí vốn quy hoạch, chuẩn bị đầu tư làm cơ sở để chủ động triển khai công tác CBĐT (gồm: Lập, thẩm định phê duyệt CTĐT/Lập thẩm định phê duyệt dự án). Thực tế cho thấy: Công tác CBĐT là rất quan trọng, nếu làm sớm công tác này sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư do: Có thời gian để chuẩn bị, khảo sát lập dự án tốt, đảm bảo sát đúng tình hình; đơn vị thẩm định có thời gian để nghiên cứu, góp ý, thẩm định nâng cao chất lượng hồ sơ; thuận lợi trong quá trình thực hiện; ít sai sót; ít điều chỉnh; đảm bảo được tiến độ thi công, tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và hiệu quả đầu tư.

 

(Bài thảo luận của đại biểu Ngô Nữ Quỳnh Trang,

Tổ đại biều thành phố Đồng Hới  tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

Các tin khác