Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 8

  • Hôm nay 1894

  • Tổng 2.871.441

Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, chủ động phòng, chống dịch bệnh

10:37, Chủ Nhật, 7-8-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Trước hết, qua kết quả thảo luận ở tổ và nghe các báo cáo đã trình tại kỳ họp, tôi nhất trí cao với những đánh giá, kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2022 cũng như đề xuất phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Tỉnh và nội dung các báo cáo đã trình.  

 

 Điều hành phát triển kinh tế - xã hội của UBND tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022 đã rất linh hoạt, sát thực tiễn, phù hợp với diễn biến của dịch bệnh Covid -19. Báo cáo của UBND tỉnh cũng đã mạnh dạn nhìn thẳng vào những vấn đề còn hạn chế, đánh giá đúng vai trò của cả hệ thống chính trị, của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện các giải pháp linh hoạt, tháo gỡ khó khăn, vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, từ thực tiễn công tác phòng, chống dịch Covid 19 và thực tiễn công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở cơ sở thời gian qua, đã bộc lộ một số vấn đề của hệ thống y tế cơ sở cần có sự quan tâm, xem xét thấu đáo hơn. Thay mặt Tổ đại biểu huyện Quảng Ninh, tôi xin tham gia một số nội dung thảo luận về vấn đề “Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, chủ động phòng, chống dịch bệnh”.

 

Y tế cơ sở (bao gồm y tế tuyến huyện và tuyến xã) có vai trò rất quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân và thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Trong thời gian qua, ngành y tế trong đó có tuyến y tế cơ sở đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi; nhiều tiến bộ khoa học mới được ứng dụng có hiệu quả vào hoạt động chuyên môn; công tác xã hội hóa về y tế được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực; mạng lưới y tế cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển. Hiện nay, toàn tỉnh có 08 Trung tâm y tế huyện, 01 Bệnh viện đa khoa khu vực (hạng 2), 06 Bệnh viện đa khoa huyện (hạng 2), 151 TYT xã, phường, thị trấn; thôn bản có nhân viên y tế hoạt động (1.214 nhân viên y tế/1.214 thôn bản); cùng với đó là mạng lưới trên 810 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân. Chất lượng nhân lực y tế ngày càng được nâng cao, tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân ước đạt 10,58; dược sĩ đại học trên vạn dân đạt 1,5; duy trì 100% TYT có bác sĩ, nữ hộ sinh hoạt động; 93 % xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế.

 

Mặc dù vậy, trước tình hình mô hình bệnh tật thay đổi nhanh chóng với gánh nặng bệnh tật kép, hệ thống y tế cơ sở đã bọc lộ những hạn chế, nhất là khi phải đối mặt với các tình huống Y tế khẩn cấp kéo dài như dịch Covid- 19; hoạt động của mạng lưới Y tế cơ sở chất lượng chưa cao đặc biệt Y tế xã; các dịch vụ Y tế dự phòng chưa phát triển, chưa thuận tiện cho người dân tiếp cận. Hệ thống y tế chưa thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật; chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nhân dân; giá thuốc chữa bệnh còn cao so với thu nhập của nhân dân; phòng chống bệnh không lây nhiễm triển khai nhưng chưa đồng bộ. Các dịch vụ y tế công lập của hệ thống y tế cơ sở chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, nhiều người bệnh chọn các tuyến trên gây ra tình trạng quá tải không đáng có.

 

Nguyên nhân của những hạn chế đó chủ yếu là do cơ chế quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế vẫn còn bất cập, một số chính sách về y tế không còn phù hợp nhưng chậm được sửa đổi hoặc bổ sung; Đầu tư của Nhà nước cho y tế cơ sở còn thấp, tạo ra sự mất cân đối giữa cung và cầu; nhiều chế độ chính sách của cán bộ y tế chưa được giải quyết kịp thời; Nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân đòi hỏi chất lượng ngày càng cao, trong khi đó đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở chưa đáp ứng được; Chưa có các giải pháp hữu hiệu để huy động các nguồn lực từ cộng đồng và xã hội cho công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe. Mặt khác, chúng ta đang đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe mang tính chất tác động lâu dài đến cộng đồng cùng lúc: Các bệnh truyền nhiễm mới, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, bệnh không lây nhiễm, môi trường dễ tổn thương, đề kháng kháng sinh, “do dự vắc-xin”… Sự thay đổi mô hình bệnh tật với xu hướng gia tăng các bệnh không lây nhiễm, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ do già hoá dân số. Cơ chế quản lý, tài chính, BHYT còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với mô hình mở rộng tự chủ trong hoạt động của các cơ sở y tế…

 

 

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Để chủ động phòng chống dịch bệnh, củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

 

Thứ nhất, Hiện nay ở cấp huyện, mô hình tổ chức phòng Y tế huyện so với chức năng nhiệm vụ đang còn bất cập. Biên chế công chức ở Phòng Yế cấp huyện đa số các huyện, TX, TP là thiếu hụt, quy mô nhỏ, đây lại là lĩnh vực chuyên môn đặc thù, khó sáp nhập với các cơ quan chuyên môn khác.

 

Thứ 2, Thực tiễn phòng, chống dịch Covid 19 ở cơ sở thời gian qua cũng đã bộc lộ hạn chế của hệ thống y tế dự phòng về trang thiết bị và nguồn lực triển khai nhiệm vụ. Chỉ xét riêng cho năng lực phòng chống bệnh lây nhiễm, trước đợt dịch Covid 19 bùng phát lần thứ 4, các trung tâm y tế tuyến huyện vẫn chưa có phòng xét nghiệm sinh học phân tử nên việc xét nghiệm đều dồn về Trung  tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm chậm trễ công tác xác định ca bệnh, ảnh hưởng nhiều đến công tác phòng, chống dịch khi dịch ở mức độ bùng phát. Vì vậy, đề nghị dành nhiều nguồn lực hơn nữa để đầu tư cho hệ thống y tế dự phòng với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh.

 

Thứ 3, Hiện tại, nhân lực cho các trạm y tế xã tương đối mỏng, năng lực chưa đáp ứng nhu cầu. Do đó, đề nghị UBND tỉnh, Sở Y tế rà soát cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức các trạm Y tế xã, thị trấn; xem xét phân bổ số lượng biên chế ở các Trạm Y tế theo quy mô dân số. Đồng thời, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ Y tế cơ sở, đảm bảo cơ cấu và trình độ chuyên môn theo vị trí việc làm phù hợp; thực hiện chuẩn hóa đội ngũ Y tế thôn, bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Có cơ chế đủ mạnh để thu hút đội ngũ bác sĩ yên tâm về làm việc tại y tế cơ sở.

 

Thứ 4, Nâng cao hiệu quả các hoạt động chuyên môn về Y tế cơ sở, tăng cường năng lực cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh với các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, kịp thời khống chế không để xẩy ra dịch lớn. Ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản, phòng chống dịch bệnh, triển khai lòng ghép các chiến lược can thiệp, kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục để người dân hiểu và chủ động thực hiện tốt các biện pháp tự phòng chống bệnh dịch; Chủ động kiểm tra, giám sát dịch tễ; tăng cường kiện toàn, củng cố hệ thống giám sát và thông tin, báo dịch tại tất cả các tuyến, nhằm phát hiện dịch sớm và tổ chức phòng chống dịch kịp thời.

 

Khuyến khích phát triển mạng lưới chăm sóc sức khoẻ ban đầu tư nhân liên kết với các trạm y tế xã. Ngành y tế nghiên cứu mở rộng phạm vi hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các trạm y tế xã theo đúng tinh thần y học gia đình. Các y bác sĩ cơ sở sẽ thực sự chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho mọi người dân, đối với tất cả các mặt bệnh chứ không chỉ giới hạn ở chương trình tiêm chủng mở rộng, quản lý bệnh lao, bệnh động kinh, bệnh tâm thần như hiện nay.

 

Thứ 5, Xây dựng và thực hiện chính sách đãi ngộ hợp lí đối với cán bộ y tế cơ sở, nhất là y tế xã. Có chế độ chính sách đãi ngộ cho lực lượng Y tế thôn, bản, đồng thời cần tổ chức lại giao thêm nhiệm vụ cho đội ngũ y tế thôn bản để đảm bảo đội ngũ này duy trì họat động thường xuyên.

 

Thứ sáu, hiện nay, cơ bản các xã, thị trấn trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tuy nhiên trang thiết bị y tế khám chữa bệnh tại các trạm y tế chưa đáp ứng yêu cầu, đề nghị tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ các trạm y tế xã mua sắm trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế.

 

Riêng đối với huyện Quảng Ninh, cử tri trên địa bàn mong muốn Ủy ban nhân dân tỉnh, các Sở ban ngành liên quan quan tâm phân bổ nguồn vốn, hoàn thành các thủ tục đầu tư để sớm triển khai xây dựng Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh (cơ sở mới); xây dựng, nâng cấp Trạm Y tế xã miền núi Trường Sơn, coi đây như một phòng khám khu vực Sơ cứu, cấp cứu ban đầu thu dung, lưu trú bệnh nhân. Đầu tư trang thiết bị cần thiết cho Tram Y tế xã, bổ sung thêm nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao để đáp ứng nhu cầu và chăm sóc sức khỏe bà con đồng bào dân tộc Vân Kiều.

 

 

Trên đây là một số nội dung thảo luận về vấn đề “Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, chủ động phòng, chống dịch bệnh”, thay mặt Tổ đại biểu huyện Quảng Ninh xin báo cáo HĐND tỉnh và toàn thể cử tri.

 

(Bài thảo luận của đại biểu Ngô Thị Nhung

Tổ đại biều huyện Quảng Ninh tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII)

Các tin khác