Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 10

  • Hôm nay 2034

  • Tổng 2.876.733

Cơ hội, thách thức và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể trong giai đoạn mới ở tỉnh Quảng Bình

13:57, Thứ Sáu, 9-12-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Phát triển kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước được xác định tại các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước như: Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX), Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/2/2013 và Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị, Luật HTX năm 2012... Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng khẳng định: "Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của các thành viên, nâng cao khả năng huy động nguồn lực". Mới đây tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 16/06/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

 

 

Đại biểu Trần Hoàng Kim Dung phát biểu thảo luận

 

Sau 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, kinh tế tập thể, HTX tỉnh ta có chuyển biến mạnh mẽ, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhận thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân về kinh tế tập thể được nâng lên. Xuất hiện thêm nhiều mô hình mới, HTX sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, HTX công nghệ cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.  Vị thế, vai trò của kinh tế tập thể, HTX tiếp tục được khẳng định "Nông nghiệp, nông thôn một lần nữa là bệ đỡ, là nền tảng cho ổn định đời sống xã hội trong thời kỳ khó khăn"

 

Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 430 HTX thu hút 134.400 thành viên, 1 liên hiệp HTX, gần 650 tổ hợp tác với khoảng 10.000 thành viên. Có 249 HTX khá giỏi, chiếm 58 %. Nhiều HTX có sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh và gần 40 HTX áp dụng Công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh.

 

Bên cạnh các kết quả đạt được, khu vực kinh tế tập thể tỉnh ta vẫn còn những hạn chế. Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa cao`. Phần lớn các HTX có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Số lượng HTX tuy tăng nhưng số lượng thành viên có xu hướng giảm. Sự liên kết, hợp tác giữa các tổ chức kinh tế tập thể, HTX với nhau và với các loại hình kinh tế khác chưa nhiều. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể còn nhiều bất cập; sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị- xã hội trong phát triển kinh tế tập thể, HTX còn thiếu chặt chẽ. Các chính sách hỗ trợ phát triển HTX hàng năm của tỉnh còn hạn hẹp và chưa đồng bộ. Thêm vào đó, thiên tai, dịch bệnh Covid-19 đã tác động mạnh tới khu vực kinh tế tập thể, làm chậm tốc độ phát triển, giảm khả năng cung ứng dịch vụ của HTX và thu nhập, lợi ích của các thành viên HTX.

 

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đòi hỏi khu vực kinh tế tập thể phải tự chuyển mình để phù hợp với giai đoạn mới. Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa và phát triển đa dạng của nền kinh tế, các HTX có nhiều cơ hội được học hỏi, cọ xát và nâng cao năng lực, cũng như tiếp nhận công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý mới; thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là từ các đối tác lớn, có công nghệ nguồn; mở rộng xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu nông sản và nông sản chế biến. Hội nhập cũng tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ đó nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của kinh tế tỉnh nhà.

 

Bên cạnh cơ hội là những khó khăn, thách thức như: Tình hình thế giới diễn ra rất phức tạp, khủng hoảng chồng lên khủng hoảng, cạnh tranh và đối đầu ngày càng gay gắt, giá cả, lạm phát tăng cao ở nhiều nước, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, lợi thế tài nguyên đang giảm dần, tự động hóa sẽ thay thế nguồn lao động dồi dào trong xã hội, nhiều lao động có thể mất việc làm hoặc chuyển đổi công việc khác dẫn tới thất nghiệp gia tăng.

 

Từ những khó khăn, thách thức nêu trên, tôi xin đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp để góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX như sau:

 

1/Tranh thủ sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng và Chính quyền các cấp. Đưa  Luật HTX, các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống để phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, HTX.

 

2/Tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, HTX. Làm rõ bản chất, vị trí, vai trò của kinh tế tập thể,  HTX trong nền kinh tế tỉnh nhà. Phải thấy được phát triển kinh tế tập thể, HTX là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước cũng như của tỉnh ta.

 

3/Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách. Nghiên cứu, đề xuất giải pháp hoàn thiện các quy định còn bất cập tại Luật HTX năm 2012. Rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất sửa đổi các Luật liên quan. Bổ sung, sửa đổi các chính sách hỗ trợ, ưu đãi để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX.

 

4/ Nâng cao trách nhiệm công tác quản lý nhà nước của các ngành và vai trò đại diện hỗ trợ của Liên minh HTX đối với kinh tế tập thể, HTX.

 

5/Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho HTX thông qua bồi dưỡng trình độ và năng lực cho cán bộ chủ chốt của HTX như công tác quản lý, chuyển đổi số, kế toán tài vụ, kỹ thuật canh tác…; Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp liên kết với HTX; Đẩy mạnh xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm, sản xuất theo chuỗi, gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng các điều kiện về VSATTP…Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là công nghệ cao,  phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; Đa dạng hóa các sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm OCOP. Huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế tập thể; Hình thành nhiều mô hình HTX kiểu mới có tính cạnh tranh cao trong thương trường để thu hút nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương. Hạn chế tình trạng sống ly hương, sống ly quê.

 

6/ Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội trong phát triển kinh tế tập thể, HTX. Cần tăng cường tuyên truyền, vận động, giáo dục quần chúng, hội viên tự nguyện tham gia phát triển kinh tế tập thể và thực hiện các quy định pháp luật về kinh tế tập thể.

 

(Bài phát biểu thảo luận của đại biểu Trần Hoàng Kim Dung

Tổ đại biểu thành phố Đồng Hới tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII) 

        

Các tin khác