Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 4

  • Hôm nay 2784

  • Tổng 2.781.899

Tình hình thực hiện GPMB các Dự án trọng điểm; công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên; thu ngân sách; công tác đấu giá, thu tiền sử dụng đất trên địa bàn

15:34, Thứ Ba, 13-12-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

 

Thứ nhất: Về tình hình thực hiện GPMB 02 Dự án trọng điểm tại huyện

 

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong công tác GPMB các dự án trọng điểm trên địa bàn, huyện Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ công tác thực hiện GPMB, kết quả đến nay như sau:

 

1. Về  Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc đoạn qua huyện Quảng Ninh: Có tổng chiều dài qua địa phận 6 xã là gần 21 km; với tổng diện tích cần GPMB gần 182 ha. Tổng số tổ chức và hộ gia đình bị thu hồi đất, đền bù, GPMB là gần 400.

 

Đến nay, công tác trích đo, kiểm đếm, thông báo thu hồi đất, phê duyệt giá đất cụ thể đã đạt 100%.

 

Đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và chi trả tiền: 6 đợt/6 xã, với diện tích thu hồi để bàn giao mặt bằng gần 130 ha, đạt 72%; tương đương chiều dài khoảng 16 km.

 

- Về Phương án tái định cư, di dời lăng mộ: Có 30 hộ tái định cư và hơn 1.500 ngôi mộ phải di dời. UBND huyện đã phê duyệt xong QHCT các khu TĐC và đang triển khai công tác lập hồ sơ thiết kế, báo cáo kinh tế kỹ thuật 3 dự án khu TĐC; phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 7 Khu nghĩa trang nhân dân tại các xã và đã phê duyệt QH chi tiết 4/7 khu; các khu còn lại đang khẩn trương hoàn thiện; đồng thời đang thực hiện bước lập BCKTKT dự án.

 

Về di dời các công trình hạ tầng khác, UBND huyện đang thực hiện các thủ tục theo quy định.

 

Theo chỉ đạo của TT Tỉnh ủy, UBND tỉnh là đầu tư các khu tái định cư có hạ tầng tốt hơn nơi ở cũ, huyện Quảng Ninh đang thực hiện theo sự chỉ đạo và phấn đấu hoàn thành các thủ tục trong năm 2022, để đầu năm 2013 sẽ triển khai thi công đồng loạt các khu TĐC, khu di dời lăng mộ và các công trình hạ tầng khác, bảo đảm đến cuối quý II cơ bản bàn giao toàn bộ mặt bằng cho đơn vị thi công.

 

2. Về Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3: có chiều dài qua huyện khoảng 12km với tổng diện tích dự kiến thu hồi 25 ha, đến nay, đã hoàn thành công tác trích đo, thông báo thu hồi đất và phê duyệt giá đất cụ thể các thửa đất trên toàn tuyến, đạt 100%.

 

- Đã chi trả đền bù với diện tích đạt 77%. Đang thực hiện phương án di dời, hoàn trả các công trình hạ tầng kỹ thuật và đang trình thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ đợt cuối đối với số còn lại.

 

- Trên tuyến có 08 hộ phải tái định cư và 20 ngôi mộ phải di dời; đến nay đã phê duyệt QHCT và đang lập dự án khu tái định cư và dân cư thôn Tân Định – Hiển Trung. Đối với 20 ngôi mộ, đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tuy nhiên các hộ vẫn chưa nhận tiền do chưa xem được ngày cất bốc và các hộ có ý kiến về đơn giá bồi thường mồ mã quá thấp, không đủ chi phí di dời. UBND huyện đã giao UBND và các đoàn thể ở xã tiếp tục để vận động các hộ nhận tiền, cất bốc di dời.

 

Thứ hai: Về tình hình thực hiện công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên

 

Năm 2022, UBND huyện Quảng Ninh cắt giảm 31 biên chế giáo dục do thực hiện lộ trình tinh giản biên chế; đến tháng 11, bổ sung 14 biên chế.

 

Từ năm học 2021-2022 các trường học thuộc huyện Quảng Ninh còn thiếu 46 người làm việc. Năm học 2022-2023, Sở Nội vụ đã duyệt cho huyện Quảng Ninh 40 biên chế sự nghiệp giáo dục. Như vậy tính từ năm học 2021-2022 đến năm học 2022-2023, huyện Quảng Ninh còn thiếu 86 biên chế chưa được giao theo thẩm định.

 

- Thực hiện chủ trương của tỉnh tạm dừng tiếp nhận, tuyển dụng để thực hiện tinh giản biên chế, do đó UBND huyện không thực hiện tuyển dụng viên chức, đến nay trong tổng số biên chế được giao, huyện Quảng Ninh còn thiếu 58 biên chế chưa được tuyển dụng và đang hợp đồng.

 

- Trong điều kiện thiếu biên chế, để thực hiện các hoạt động giáo dục theo quy định thì cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên phải làm việc vượt định mức giờ lao động quy định, trong khi không có kinh phí để trả thêm giờ vượt định mức. Một số đơn vị bố trí giáo viên, nhân viên kiêm nhiệm mặc dù không có chuyên môn phù hợp.

 

- Nhiều trường có số học sinh/lớp vượt mức quy định của Điều lệ trường học, do phải sáp nhập lớp dẫn đến tăng số lượng học sinh/lớp, gây khó khăn cho công tác giảng dạy và tạo áp lực về cơ sở vật chất trường học (hiện nay toàn huyện có 102 nhóm, lớp vượt mức quy định). Dồn lớp, tăng số học sinh/lớp thì sẽ vượt quá số trẻ, học sinh trên lớp so với quy định, diện tích phòng học không đảm bảo, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng dạy học và áp dụng các phương pháp dạy học mới, không đảm bảo các tiêu chí quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với các trường theo quy định của Bộ GDĐT;

 

- Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định có một số bộ môn mới nhưng hiện nay địa phương chưa tuyển dụng, chưa chuẩn bị được đội ngũ để đảm nhận những bộ môn mới này do biên chế không còn. Đặc biệt từ năm học 2022-2023 bộ môn Tin học và Công nghệ cấp Tiểu học trở thành môn bắt buộc, tuy nhiên hiện tại biên chế giáo viên dạy môn học này chưa có.

 

- Do thiếu giáo viên nên phải giảm số lượng huy động trẻ vào nhà trẻ ở các trường Mầm non, thì sẽ không đảm bảo tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, trong khi đó tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ trong các cơ sở Giáo dục Mầm non ngoài công lập chưa đảm bảo theo Kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Bình triển khai thực hiện Đề án “Phát triển Giáo dục Mầm non giai đoạn 2018-2025” của tỉnh. Các tiêu chí về Giáo dục trong xây dựng Nông thôn mới sẽ không đạt.

 

* Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, huyện Quảng Ninh có một số đề nghị sau:

 

- Đề nghị UBND tỉnh bố trí đủ biên chế để thực hiện giản lớp, giảm số học sinh/lớp theo đúng Điều lệ trường học; hoặc đề xuất giao khoán kinh phí để hợp đồng lao động đảm bảo đủ để giảng dạy sau khi giảm số học sinh/lớp theo đúng Điều lệ để tạo điều kiện cho các nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục.

 

- Hiện đang thiếu giáo viên dạy Tin học lớp 3 ở các trường Tiểu học theo chương trình GDPT 2018 với môn học bắt buộc. Đề nghị hỗ trợ kinh phí thực hiện hợp đồng giáo viên hoặc có chủ trương xã hội hóa để thực hiện dạy học Tin học lớp 3.

 

- Trong trường hợp không thể bố trí biên chế hưởng lương từ ngân sách, hoặc không thể bố trí kinh phí để hợp đồng giáo viên, thì có thể giải quyết theo hướng giao cho một số trường ở một số vùng thuận lợi được sử dụng nguồn thu học phí để trả lương cho giáo viên, như là biên chế tự trang trải của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh và thực tế đã có một số tỉnh làm như vậy.

 

- Sau khi đã giao biên chế, bao gồm biên chế hưởng lương từ ngân sách và biên chế tự trang trải, thì cần có cơ chế để cho tuyển dụng giáo viên còn thiếu để giáo viên yên tâm công tác góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, còn thực tế hiện nay nhiều giáo viên hợp đồng không yên tâm công tác, nhiều người đã chuyển sang làm những công việc khác do thu nhập dạy hợp đồng thấp, không được tăng lương và không biết đến khi nào lại cắt hợp đồng do giảm biên chế.

 

Thứ ba: Về thu ngân sách, đấu giá, thu tiền sử dụng đất

 

Năm 2022, HĐND giao huyện Quảng Ninh thu ngân sách 550 tỷ đồng, nhờ tập trung chỉ đạo quyết liệt có kế hoạch cụ thể phân công các đơn vị, phòng, ban liên quan phối hợp với Chi cục thuế khu vực Đồng Hới- Quảng Ninh, Kho bạc nhà nước huyện cùng UBND các xã, thị trấn rà soát các sắc thuế thu ngay tháng đầu, quý đầu, hoàn chỉnh tính pháp lý các dự án phát triển quỹ đất đẩy nhanh tiến độ thi công nghiệm thu hạ tầng kỹ thuật để triển khai các bước tổ chức đấu giá. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn rà soát các thữa đất xen gép trong khu dân cư hoàn chỉnh pháp lý triển khai định giá đấu giá theo quy định.

 

Kết quả thực hiện tổng thu ngân sách ước thực hiện năm 2022 đạt 640 tỷ, đạt 115% dự toán.

 

Năm 2023, dự kiến tỉnh sẽ giao số thu ngân sách của huyện Quảng Ninh tăng cao hơn so với năm 2022, vì vậy để bảo đảm đạt kế hoạch đề ra, huyện Quảng Ninh kính đề nghị một số giải pháp sau:

 

- Đề nghị Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh tạo điều kiện cho UBND huyện đầu tư một số dự án phát triển quỹ đất ở những vùng các nhà đầu tư không quan tâm hoặc có quan tâm nhưng nhiều năm không thực hiện. Đề nghị UBND Tỉnh chỉ đạo các sở ngành liên quan hướng dẫn Huyện triển khai thủ tục đấu giá đất các dự án của nhà đầu tư trong đầu tư dịch vụ thương mại sau khi có quyết định chủ trương đầu tư của tỉnh. Trong thời gian qua có một số nhà đầu tư đã có quyết định chủ trương đầu tư nhưng Huyện còn vướng mắc thủ tục đấu đất cho các nhà đầu tư.

 

- Đề nghị UBND Tỉnh sớm có Quyết định sắp xếp các trụ sở cơ quan đơn vị không có nhu cầu sử dụng, bàn giao cho huyện để triển khai đấu giá tăng nguồn thu và chỉnh trang đô thị, cũng như khu trung tâm các xã, vì các công trình lâu ngày không sử dụng đã xuống cấp, mất an toàn và mất mỹ quan.

 

- Các dự án Nhà ở Thương mại do các Sở ngành cấp tỉnh làm chủ đầu tư đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sớm hoàn thành dự án theo tiến độ để có nguồn thu trong năm theo Nghị quyết HĐND tỉnh giao.

 

- Đề nghị tỉnh chỉ đạo các Sở ngành liên quan sớm phê duyệt các quy hoạch phân khu tại đô thị Dinh Mười và vùng phụ cận để có cơ sở thu hút các nhà đầu tư quan tâm đầu tư các dự án phát triển khu đô thị, khu nhà ở thương mại, dự án dịch vụ thương mại, du lịch để sớm hình thành đô thị Dinh Mười.

 

- Đề nghị HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt Cục thuế và các sở ngành liên quan đôn đốc, có chế tài yêu cầu các nhà đầu tư khi đã có Quyết định nộp tiền thuê đất thì phải nộp. Vì hiện nay một số nhà đầu tư đã có Quyết định nộp tiền thuê đất nhưng không nộp, nợ số tiền lớn với thời gian khá dài.

 

(Bài phát biểu thảo luận của đồng chí Phạm Trung Đông

Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII) 

 

Các tin khác