Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 4

  • Hôm nay 2886

  • Tổng 2.835.119

Kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Tỉnh

15:34, Thứ Ba, 13-12-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Có thể nói rằng, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2022 đã rất linh hoạt, sát thực tiễn, phù hợp. Các báo cáo của UBND tỉnh cũng đã mạnh dạn nhìn thẳng vào những vấn đề còn hạn chế, đánh giá đúng vai trò của cả hệ thống chính trị, của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện các giải pháp linh hoạt, tháo gỡ khó khăn, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt, nhất là thu ngân sách, giảm nghèo, phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư,….

 

 

Các đại biểu tham dự kỳ họp 

 

Riêng đối với lĩnh vực giáo dục, qua nắm bắt thực tế tại huyện Quảng Ninh và một số địa phương, chúng tôi nhận thấy rằng, các họat động của ngành giáo dục và đào tạo trong thời gian đạt được những kết quả đáng phấn khởi; tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, áp lực khi phải đồng thời thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, thay sách giáo khoa mới và thực hiện tinh giản biên chế; quy mô lớp, số lượng học sinh tăng nhưng chưa được đảm bảo đủ số lượng giáo viên, các trường học phải thực hiện một số biện pháp tạm thời để duy trì dạy học. Thay mặt Tổ đại biểu huyện Quảng Ninh, tôi xin tham gia một số nội dung thảo luận về vấn đề “Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo: Khó khăn, thách thức và giải pháp thực hiện”, trong đó, tập trung vào những khó khăn, thách thức và đề xuất một số giải pháp khi thực hiện tinh giản biên chế.

 

 

Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế nêu rõ mục tiêu tổng quát của giáo dục và đào tạo là giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân. Nhiệm vụ chính và yêu cầu cơ bản của ngành giáo dục hiện nay là: Tạo sự chuyển biến mạnh về chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh. Xây dựng hệ thống giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho người dân. Triển khai đổi mới chương trình, nội dung sách giáo khoa giáo dục phổ thông; nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục kỹ năng sống, chất lượng giáo dục toàn diện, học sinh giỏi, năng khiếu. Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, đồng bộ cơ cấu, đạt chuẩn nghề nghiệp, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình Giáo dục phổ thông 2018, thay sách giáo khoa mới. 

 

Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn bộ máy thì các đơn vị sự nghiệp giáo dục được thực hiện sắp xếp, cắt giảm mạnh nhất. Tuy nhiên, khi cắt giảm biên chế, tại các trường học gặp nhiều nhiều khó khăn:

 

- Để thực hiện các hoạt động giáo dục theo quy định thì cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên phải làm việc vượt định mức giờ lao động quy định, trong khi không có kinh phí để chi trả thêm giờ vượt định mức; nhiều đơn vị không đủ giáo viên cơ bản dẫn đến phải bố trí giáo viên không đúng chuyên môn dạy đa môn (dạy chéo môn); Bậc học mầm non thiếu giáo viên giảng dạy, dẫn đến phải cắt giảm huy động trẻ nhà trẻ trong trường công lập;

 

- Nhiều trường có số học sinh/lớp vượt mức quy định của Điều lệ trường học, do phải sáp nhập lớp dẫn đến tăng số lượng học sinh/lớp, khó khăn cho công tác giảng dạy và tạo áp lực về cơ sở vật chất trường học;

 

- Chương trình giáo dục phổ thông mới quy định có một số bộ môn mới nhưng hiện nay địa phương chưa tuyển dụng, chưa chuẩn bị được đội ngũ để đảm nhận những bộ môn mới này do chỉ tiêu biên chế không còn để tuyển dụng.

 

- Mặt khác, việc cắt giảm biên chế trong những năm tới sẽ tác động lớn đến việc giáo viên đang trong biên chế dôi dư so với biên chế được giao, chưa có biện pháp để giảm số biên chế chính thức đã tuyển dụng ở các đơn vị.

 

Vấn đề khó khăn về đội ngũ đang đặt ra thách thức đối với yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học ở các nhà trường hiện nay khi thiếu giáo viên:

 

-Trước hết là việc giải quyết giữa chất lượng và số lượng học sinh/lớp, giáo viên sẽ gặp nhiều khó khăn trong tổ chức các họat động giáo dục, dạy học, quan tâm từng đối tượng học sinh khi sỹ số quá cao.

 

-Có trường do thiếu giáo viên đúng chuyên môn, buộc phải bố trí những giáo viên bộ môn khác kiêm nhiệm thêm, giáo viên được phân công giảng dạy chéo môn cũng cảm thấy áp lực; Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định có một số bộ môn mới nhưng hiện nay tại nhiều trường chưa được tuyển dụng, chưa chuẩn bị được đội ngũ để đảm nhận những bộ môn mới này.

 

-Việc dạy vượt số tiết, định mức giờ lao động quy định không đảm bảo về thời gian chuẩn bị và chất lượng giảng dạy của giáo viên.

 

Trước những khó khăn như vậy, các địa phương, các trường học đã có một số giải pháp tạm thời để thực hiện, nhất là từ năm học 2022-2023:

 

-Dồn lớp, tăng số học sinh/lớp vượt quá định mức;

 

-Cử giáo viên đi bồi dưỡng để kiêm nhiệm những bộ môn mới theo Chương trình giáo dục phổ thông mới; giáo viên dạy chéo môn trái với chuyên ngành đào tạo;

 

-Giảm số lượng huy động trẻ vào nhà trẻ.

 

Tuy nhiên, những giải pháp nêu trên của các địa phương, đơn vị chỉ mang tính tạm thời, vì:

 

- Dồn lớp, tăng số học sinh/lớp thì sẽ vượt quá số trẻ, học sinh trên lớp so với quy định của Bộ GDĐT, diện tích phòng học không đảm bảo, từ đó không áp dụng được các phương pháp dạy học mới dẫn đến chất lượng dạy học không đảm bảo. Bên cạnh đó, một số nội dung liên quan đến hoạt động giáo dục không thể đáp ứng như: tiêu chí quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với các trường theo quy định của Bộ GDĐT; xây dựng nông thôn mới…

 

- Bố trí giáo viên dạy vượt định mức, dạy liên trường, Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng trực tiếp đứng lớp vượt định mức giờ quy định sẽ không có kinh phí chi trả cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm việc vượt định mức, kinh phí công tác phí cho giáo viên phải di chuyển dạy liên trường;

 

- Thiếu cán bộ quản lý, Tổng Phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh và các vị trí việc làm đối với nhân viên sẽ rất khó thực hiện được một số hoạt động giáo dục trong nhà trường theo quy định, Chương trình giáo dục phổ thông mới đề ra, gây thiệt thòi lớn đối với học sinh;

 

- Cử giáo viên đi bồi dưỡng để kiêm nhiệm những bộ môn mới theo Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, đặc biệt việc bố trí giáo viên dạy chéo môn, không đúng chuyên môn đào tạo sẽ không đảm bảo chất lượng giáo dục.

 

- Giảm số lượng huy động trẻ vào nhà trẻ thì sẽ không đảm bảo tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ theo Đề án “Phát triển Giáo dục Mầm non giai đoạn 2018-2025” của tỉnh. Đồng thời, gây thiệt thòi lớn đối với số trẻ không được đi nhà trẻ, đặc biệt là ở những địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa - nơi không có cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

 

Để giải quyết những khó khăn, thách thức Tổ đại biểu xin có những đề xuất, kiến nghị như sau:

 

Trước hết, phải khẳng định rằng, chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là hết sức đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, theo tôi cách thức, lộ trình thực hiện tùy điều kiện cụ thể của từng ngành, từng địa phương để có kế hoạch từng năm đạt mục tiêu tinh giản nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, tính linh hoạt.

 

Thứ hai, Giáo dục- Đào tạo là một ngành đặc thù. Thực hiện tinh giản biên chế đối với một ngành đặc thù nên tinh giảm biên chế cũng có những giải pháp đặc thù, tinh giản những vị trí không ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học, đồng thời triển khai các giải pháp đồng bộ để giảm các bớt cơ quan đầu mối, lãnh đạo, nhân viên hành chính.

 

Thứ ba, Cần xem xét khi quy mô học sinh, lớp tăng thì phải bổ sung biên chế hoặc cho hợp đồng giáo viên còn thiếu so với quy định của Bộ Giáo dục – Đào tạo để thực hiện nhiệm vụ dạy học theo tinh thần Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”; bố trí giáo viên theo định mức để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới và thực tế nhu cầu huy động trẻ ngày càng cao.

 

Thứ tư, Xây dựng và triển khai thực cơ chế tự chủ một phần nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng và giảm chi cho ngân sách Nhà nước đồng thời không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh nghèo, học sinh là đối tượng chính sách.

 

Thứ năm, Khắc phục tình trạng giáo viên dạy chéo môn, cần có chính sách hỗ trợ cụ thể để khuyến khích giáo viên tham gia bồi dưỡng, đăng ký đào tạo thêm môn học mới để đáp ứng yêu cầu dạy học. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo trường Đại học Quảng Bình sớm đưa các chương trình đào tạo, bồi dưỡng để thuận lợi cho giáo viên trong tỉnh, đáp ứng yêu cầu dạy học chương trình mới.

 

Thứ sáu, Xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập, tham gia xã hội hóa giáo dục để giảm người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

 

(Bài thảo luận của đại biểu Ngyễn Ngọc Thụ,

Tổ đại biều huyện Quảng Ninh  tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

Các tin khác