Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 894

  • Tổng 2.875.593

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị cân nhắc sửa đổi về việc thành lập Đoàn thanh tra

17:48, Chủ Nhật, 11-9-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Sáng 7/9, cho ý kiến vào dự án luật Thanh tra (sửa đổi) tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, (đại biểu Đoàn Quảng Bình) đã góp ý một số nội dung đề nghị cân nhắc, sửa đổi về thành lập Đoàn Thanh tra, yêu cầu minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức thanh tra nhằm phòng ngừa tham nhũng... 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đánh giá rất cao dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý. Về hoạt động thanh tra, đại biểu nhận thấy đây là dự thảo có nhiều đổi mới, tuy nhiên có một số vấn đề đề nghị xem xét, cân nhắc thêm.


Thứ nhất, về thành lập đoàn thanh tra (Điều 55), dự thảo Luật quy định Đoàn thanh tra có Trưởng đoàn thanh tra và thành viên Đoàn thanh tra. Luật hiện hành quy định: Đoàn thanh tra có Trưởng đoàn thanh tra viên và các thành viên khác. Như vậy khác với là Luật hiện hành, dự thảo đã bỏ quy định Đoàn thanh tra phải có thanh tra viên. Thực tế cho thấy có trường hợp là trưởng đoàn thì không phải thanh tra viên nhưng trong đoàn thì phải có thanh tra viên. Thanh tra viên thì có yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn thời gian công tác, phải thi tuyển… để bảo đảm chất lượng của Đoàn thanh tra và để thực hiện các thẩm quyền của thanh tra viên.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị cân nhắc sửa đổi thành “Nếu Đoàn thanh tra mà không cần thanh tra viên thì chế định thanh tra viên sẽ vô nghĩa. Đoàn thanh tra không có thanh tra viên thì tôi nghĩ chỉ nên là đoàn kiểm tra thôi”.

Thứ hai, về thẩm quyền của thành viên đoàn thanh tra (Điều 79), đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho biết, trong đoàn thanh tra thì có thể có thành viên là thanh tra viên và có người không phải là thanh tra viên. Tuy nhiên, dự thảo Luật thì lại quy định chung cái nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên đoàn thanh tra là như nhau, không có sự phân biệt, trong đó có những cái quyền hạn là rất quan trọng, liên quan đến quyền, nghĩa vụ của đối tượng bị thanh tra, như quyền thanh tra của cơ quan, tổ chức khác như là quyền yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu yêu cầu, báo cáo về văn bản giải trình…. Tuy nhiên, đây là những quy định chung không mang tính chính quy, bài bản như là đối với thanh tra viên. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị cần tham khảo Luật Kiểm toán nhà nước, trong đó phân định rất rõ thẩm quyền. Thành viên Đoàn kiểm toán là kiểm toán viên và thành viên Đoàn kiểm toán không phải là kiểm toán viên nhà nước.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cũng góp ý về việc sửa đổi quy định về công khai kết luận thanh tra tại Điều 75. Cụ thể, Luật hiện hành quy định sau khi ký kết luận thanh tra, trong 10 ngày phải công khai. Đây là yêu cầu minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức thanh tra nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại phiên họp đại biểu chuyên trách ngày 07/9/2022

Tuy nhiên, dự thảo luật tại Điều 75 đã bỏ quy định về thời hạn công khai, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan như trước khi công khai kết luận có thể sửa đổi, bổ sung (Điều 74); nghiêm cấm tiết lộ thông tin liên quan đến cuộc thanh tra khi kết luận chưa được công khai (Điều 9).

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, luật hiện hành chỉ cấm tiết lộ thông tin khi chưa có kết luận chính thức. Việc sửa đổi như trên có thể tạo thuận lợi cho cơ quan thanh tra nhưng không phù hợp với chủ trương công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, chính xác của hoạt động thanh tra. Điều 4 dự thảo còn ngược với quy định của pháp luật phòng, chống tham nhũng về minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, gây khó khăn cho đối tượng phải thực hiện kết luận thanh tra.

Theo đại biểu Đoàn Quảng Bình, sự thay đổi nêu trên, có thể giúp các cơ quan nhà nước trì hoãn việc công khai, khó xác định giá trị pháp lý của kết luận thanh tra vì có thể bị sửa đổi, bổ sung trước khi công khai. "Về nguyên tắc, khi kết luận được ký thì phải thi hành, tuy nhiên nếu chưa công khai thì làm sao thi hành mà không vi phạm điều cấm tiết lộ thông tin liên quan đến cuộc thanh tra?". 

Từ đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo quy định rõ sau khi ký kết luận thanh tra, trong thời hạn nhất định như 10-15 ngày phải công khai. Quy định như vậy sẽ tránh được sự can thiệp làm thay đổi kết luận thanh tra sau khi đã được ký.

Phòng Công tác Quốc hội

Các tin khác