Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 635

  • Tổng 2.867.545

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình tham dự Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)

18:6, Thứ Ba, 2-8-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Ngày 02/8/2022, đồng chí Nguyễn Minh Tâm - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã tham dự Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) tại thành phố Đà Nẵng. Hội thảo do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp Bộ Công thương tổ chức dưới sự điều hành của đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế. Hội thảo có sự tham gia của đại biểu Quốc hội, lãnh đạo, chuyên viên Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và các cơ quan thông tấn, báo chí.

 

 

Quang cảnh Hội thảo

 

Đây là dự án luật quan trọng, được kỳ vọng sẽ thiết lập khung pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ để thúc đẩy và phát triển hoạt động dầu khí; đặc biệt khôi phục tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, tận thu và không bỏ phí nguồn tài nguyên hóa thạch của quốc gia. Dự thảo Luật gồm 11 chương, 64 điều, quy định về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí trong phạm vi đất liền, hải đảo và vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV, đa số đại biểu Quốc hội và đại diện các bộ, ngành tham dự Hội thảo đều nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Dầu khí nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước; cần có các cơ chế chính sách thu hút đầu tư và có cơ sở pháp lý để đẩy mạnh hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong điều kiện tiềm năng khai thác dầu trong giai đoạn tới là rất khó khăn, cần thiết phải lập nền tảng phát triển mới, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

 

 

Đồng chí Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu tại Hội thảo


Tham dự Hội thảo, đồng chí Nguyễn Minh Tâm đã tham gia nhiều ý kiến góp ý vào dự thảo Luật. Cụ thể: 


Đề nghị sửa khoản 2 Điều 4 Về áp dụng Luật Dầu khí, các luật có liên quan, pháp luật nước ngoài, thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế thành: “2. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Dầu khí và luật khác đã được ban hành trước ngày Luật Dầu khí có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí”; đồng thời bỏ khoản 3 điều này. Bởi vì, khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản QPPL đã quy định “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”, như vậy trong mọi trường hợp khi có quy định khác nhau giữa Luật Dầu khí và luật khác được ban hành trước ngày Luật Dầu khí có hiệu lực thì áp dụng quy định của Luật Dầu khí chứ không phải chỉ các nội dung quy định tại dự thảo.


Về lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí quy định tại Chương III dự thảo, theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật Đấu thầu thì các hoạt động liên quan đến đấu thầu lựa chọn nhà thầu bao gồm cả lựa chọn nhà thầu trong lĩnh vực dầu khí, trừ việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí liên quan trực tiếp đến hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí theo quy định của pháp luật về dầu khí. Vì vậy, tại Chương III dự thảo cần làm rõ các quy định này chỉ áp dụng trong trường hợp lựa chọn nhà thầu về cung cấp dịch vụ dầu khí liên quan trực tiếp đến hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí.


Về hợp đồng dầu khí quy định tại Chương IV, hợp đồng dầu khí mang bản chất của hợp đồng thương mại, vì vậy đề nghị rà soát các quy định về hình thức, nội dung, ngôn ngữ, hiệu lực của hợp đồng đảm bảo tương thích với quy định của Luật Thương mại.


Ngoài ra, đồng chí Phó Trưởng Đoàn chuyên trách cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung một số từ, cụm từ cho phù hợp: bổ sung cụm từ “phù hợp với pháp luật Việt Nam” sau “điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí tại Việt Nam” tại khoản 2 Điều 5; bỏ nội dung “Tổ chức, cá nhân tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí” tại khoản 2 đến khoản 5 Điều 6, vì đã được đề cập ở tiêu đề của điều luật; thay cụm từ “thông số” bằng cụm từ “thăm dò” trong khoản 1 Điều 10;...
                                                                             

Phòng CTQH
 

Các tin khác