Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 190

  • Tổng 2.874.889

“Bổ sung nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra”

19:19, Thứ Tư, 7-9-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Sáng ngày 07/9/2022, tại Nhà Quốc hội đã khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận, góp ý kiến về 6 dự án Luật và 01 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị.

 

Tham dự Hội nghị có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; các đồng chí lãnh đạo Quốc hội; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

 

 

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm phát biểu góp ý Luật Thanh tra (sửa đổi)


Tham dự Hội nghị, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đã tham gia thảo luận về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Theo đó, đại biểu nhất trí với bố cục dự thảo Luật. Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 chương và 117 điều (so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, dự thảo Luật lần này đã tăng thêm 01 điều, chỉnh lý 87 điều), với nhiều quy định mới được sửa đổi, bổ sung; các quy định trước đây được quy định tại Nghị định, Thông tư... hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra đã được luật hóa cụ thể vào trong dự thảo Luật, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức triển khai, thực thi Luật sau này và được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt quan trọng nhằm góp phần tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra ở Việt Nam. 


Đại biểu cũng thống nhất với việc tổ chức các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như Luật Thanh tra hiện hành, gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện để bảo đảm phù hợp và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao cho Thanh tra huyện trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng. 


Bên cạnh các ý kiến tán thành, qua nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Minh Tâm có một số ý kiến như: 


- Về nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra (Điều 52 dự thảo Luật): Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra giữa Thanh tra tỉnh với thanh tra sở, giữa các Thanh tra sở. Đồng thời chỉnh lý lại khoản 4 và khoản 6 để tránh sự trùng lắp và có các cách hiểu khác nhau khi áp dụng. 


- Quy định về thẩm quyền xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra vẫn còn thiếu: Đoạn 2 khoản 4 Điều 52 quy định: “Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của Thanh tra tỉnh và Thanh tra Tổng cục, Cục thì Chánh Thanh tra tỉnh trao đổi với Chánh Thanh tra Bộ để thống nhất phương án xử lý; trường hợp không thống nhất được thì báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, quyết định.”


Theo đó cho thấy, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng có thẩm quyền xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của Thanh tra tỉnh và Thanh tra Tổng cục, Cục. Tuy nhiên, tại điểm d khoản 2 Điều 13 Dự thảo Luật chỉ xác định Tổng Thanh tra Chính phủ có nhiệm vụ “Chủ trì xử lý chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh” mà chưa liệt kê về trường hợp trên làm căn cứ pháp lý để Tổng Thanh tra Chính phủ có cơ sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét bổ sung nội dung này tại khoản 2 Điều 13 cho tương thích và đồng bộ giữa các điều luật với nhau về cùng một vấn đề.


Tương tự về thẩm quyền của Chánh Thanh tra tỉnh, đề nghị bổ sung vào điểm b khoản 1 Điều 25 dự thảo Luật thẩm quyền xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra giữa các Thanh tra sở, giữa Thanh tra tỉnh và Thanh tra sở. 


- Về thành lập Đoàn thanh tra (Điều 55 dự thảo Luật): Tại khoản 1 Điều 55 quy định: “… Đoàn thanh tra có Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra…”. Quy định này sẽ dẫn đến có các cách hiểu khác nhau trong thực hiện Luật. Theo đó, có ý kiến việc thành lập Đoàn thanh tra không bắt buộc phải có Thanh tra viên như luật hiện hành. Vì vậy, để đảm bảo quá trình áp dụng được thuận tiện, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xem xét, điều chỉnh, sửa đổi quy định này nhằm tránh cách hiểu khác nhau như phân tích trên.


- Về tạm dừng cuộc thanh tra (Điều 66 dự thảo Luật): Tại khoản 2 Điều 66 quy định: “Cuộc thanh tra tiếp tục được tiến hành khi lý do của việc tạm dừng cuộc thanh tra không còn…” Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét để bổ sung quy định rõ thời gian tạm dừng là bao nhiêu ngày, để tránh tình trạng quá trình thực hiện, áp dụng Luật tuỳ tiện và không thống nhất.


- Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, phân định rõ thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành trong dự thảo Luật để tránh sự trùng lắp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra. Đồng thời, quy định rõ về việc thành lập Đoàn thanh tra liên ngành.


- Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung rõ quy định chế tài xử lý sau thanh tra đối với các sai phạm về kinh tế của các tổ chức, đơn vị, cá nhân là đối tượng thanh tra có sai phạm nhưng thực hiện không nghiêm túc, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực./.


Phòng CTQH
 

Các tin khác