Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 154

  • Tổng 2.779.264

Tăng cường phối hợp giữa Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố

15:20, Chủ Nhật, 21-8-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Tại hội thảo và giao lưu công tác giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Quốc hội Lào lần thứ XI tổ chức tại TP. Đồng Hới vào ngày 20/8, đồng chí Nguyễn Thị Mai, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Quảng Bình đã tham luận với nội dung “Tăng cường phối hợp giữa Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố”. Sau đây là lược ghi nội dung bài phát biểu.

 

 

Nhận định việc tham dự kỳ họp Quốc hội là một trong những hoạt động trung tâm của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh nhấn mạnh thêm, kỳ họp không chỉ là diễn đàn để các đại biểu thể hiện tiếng nói đại diện của mình mà còn là nơi để Đoàn ĐBQH các tỉnh thể hiện toàn diện kết quả hoạt động của Đoàn cũng như của từng đại biểu. Chính vì thế, tham mưu, phục vụ Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự các kỳ họp Quốc hội là nhiệm vụ quan trọng của Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, bên cạnh sự chỉ đạo của lãnh đạo Đoàn ĐBQH thì việc luôn giữ mối liên hệ với Văn phòng Quốc hội là điểm mấu chốt để hoạt động tham mưu, phục vụ tại các kỳ họp diễn ra thuận lợi.

 

 

Đồng chí Nguyễn Thị Mai tham luận tại Hội thảo

 

Từ quy định về chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng trong công tác tham mưu, phục vụ ĐBQH tham dự kỳ họp, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh có nhiệm vụ “phối hợp phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội”, tham luận phân tích một số đặc điểm của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình khóa XV. Theo đó, nhiệm kỳ này, Đoàn có 06 đại biểu Quốc hội, đến nay có 03 đại biểu công tác ở các cơ quan Trung ương và 03 đại biểu công tác tại địa phương, trong đó chỉ có 01 đại biểu hoạt động chuyên trách; hầu hết các đại biểu đều tham gia lần đầu nên ít nhiều còn có những bỡ ngỡ. Vì vậy, hoạt động tại các kỳ họp đòi hỏi phải có tính linh hoạt, chu toàn để phù hợp cả đại biểu Trung ương và địa phương, giúp đại biểu nắm sâu hơn nội dung nhiệm vụ và hoạt động của mình. Bên cạnh đó, Quốc hội khóa XV có rất nhiều hoạt động đổi mới để thích ứng linh hoạt, phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, thời gian họp trực tuyến được tiến hành thường xuyên… điều này đòi hỏi Văn phòng Đoàn càng phải bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn của Văn phòng Quốc hội để đảm bảo công tác tham mưu, phục vụ được chu toàn, lưu thông kết nối,…

 

 

Đồng chí Nguyễn Thị Mai và đại biểu Trần Quang Minh tham dự Hội thảo

 

Từ đó đồng chí Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND khẳng định sự phối hợp giữa Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Đoàn chính là cầu nối, mắt xích quan trọng giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn ĐBQH và đại biểu Quốc hội ở địa phương trong các kỳ họp Quốc hội.


Để đại biểu Quốc hội và Đoàn ĐBQH hoàn thành tốt nhiệm vụ tại mỗi kỳ họp Quốc hội, đồng chí nhấn mạnh việc tham mưu, phục vụ của Văn phòng Đoàn cần chú trọng việc tăng cường phối hợp giữa Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Đoàn. Từ đó phản ánh thực tiễn tại Văn phòng Đoàn Quảng Bình thời gian qua.

Theo đó, Văn phòng Đoàn đã hường xuyên cập nhật, nắm vững thông tin chỉ đạo từ Văn phòng Quốc hội để tham mưu đầy đủ, kịp thời cho Đoàn ĐBQH tỉnh. Cụ thể, trước kỳ họp, để chuẩn bị cho các hoạt động của kỳ họp, Văn phòng Quốc hội ban hành văn bản triệu tập đại biểu kèm theo dự kiến chương trình và nội dung kỳ họp; đồng thời, các dự thảo luật, các tài liệu liên quan đến kỳ họp cũng được gửi đến đại biểu để chủ động nghiên cứu chuẩn bị ý kiến tham gia. Bám sát quy trình này, trước các kỳ họp, Văn phòng Đoàn đã chủ động phối hợp với Văn phòng Quốc hội để tiếp nhận các văn bản, chuyển đến các đại biểu để đảm bảo các đại biểu nắm được chương trình, nội dung kỳ họp sớm nhất. Để có những ý kiến đóng góp chất lượng, hiệu quả, Văn phòng Đoàn đã tham mưu tổ chức lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học bằng nhiều hình thức phong phú. Qua đó, tham mưu tổng hợp ý kiến đóng góp đối với các dự thảo dự án luật, xây dựng báo cáo gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội đúng thời gian quy định, đồng thời cung cấp cho đại biểu để nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến phát biểu có chất lượng. Chủ động khai thác tư liệu tham khảo từ Thư viện Quốc hội để cung cấp cho đại biểu, đồng thời tham mưu tổ chức làm việc với UBND, các sở ngành của tỉnh để nắm bắt tình hình kinh tế xã hội và những đề xuất, kiến nghị của địa phương để có ý kiến phát biểu trước diễn đàn Quốc hội. 

Chia sẻ thực tế công tác trong thời điểm diễn ra kỳ họp, các văn bản, tài liệu MẬT khi phát hành đều được Văn phòng Đoàn chuyển tải kịp thời, an toàn thông tin, đồng chí Chánh Văn phòng trình bày kinh nghiệm: do tính chất linh động tại các kỳ họp, có những nội dung rất khẩn cấp đòi hỏi tính chất thường trực, Văn phòng Đoàn phải không quản ngại sớm hôm, giờ giấc, luôn phối hợp với Bộ phận thường trực của Văn phòng Quốc hội tại nơi Đoàn ăn nghỉ để phục vụ kịp thời. 

Bên cạnh đó, Văn phòng Đoàn đã thường xuyên giữ kết nối để có sự hướng dẫn kịp thời từ Văn phòng Quốc hội nhằm đảm bảo triển khai kịp thời các nội dung kỳ họp. Cụ thể, tại các kỳ họp trực tuyến, Văn phòng Đoàn phải đảm bảo hệ thống đường truyền thông suốt; luôn phối hợp với Văn phòng Quốc hội để kết nối, thử nghiệm âm thanh, hình ảnh tại phòng họp của Đoàn ở địa phương để bảo đảm trong quá trình diễn ra kỳ họp không bị gián đoạn. Nhiệm vụ Thư ký các buổi thảo luận Đoàn, thảo luận Tổ, nội dung biên bản phải thống nhất về cách thức, nhằm hỗ trợ cho việc tổng hợp chung của Văn phòng Quốc hội được nhanh chóng, thuận lợi. Văn phòng Đoàn không chỉ thực hiện nhiệm vụ ghi ý kiến đơn thuần mà còn làm nhiệm vụ tổng hợp báo cáo thảo luận tổ, ghi âm, gỡ băng,…

Tất cả những nội dung này đều thao tác trên các phần mềm chuyên dụng, đòi hỏi Văn phòng Đoàn phải thường xuyên giữ liên lạc với các bộ phận của Văn phòng Quốc hội để được hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc. Cũng nhờ giữ mối quan hệ chặt chẽ nên từ chỗ còn nhiều bỡ ngỡ, trải qua 03 kỳ họp trực tuyến, đến nay, Văn phòng Đoàn đã thông thạo việc hỗ trợ kết nối, chuyển tải tài liệu liên quan qua hệ thống thông tin chuyên dụng, góp phần vào thành công chung của các kỳ họp.

Ngoài ra, đối với hoạt động phục vụ trực tiếp tại kỳ họp, với tính chất hậu cần phục vụ cho các đại biểu tương đối đa dạng về nội dung công việc, phù hợp với nề nếp sinh hoạt của từng đại biểu, tham luận nhấn mạnh việc Phối hợp phục vụ hậu cần chu đáo, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Để thực hiện việc này, bộ phận tham mưu, phục vụ đã giữ mối liên hệ với Văn phòng Quốc hội đảm bảo cho Văn phòng Đoàn đáp ứng được các yêu cầu công việc phục vụ Đoàn ĐBQH. 

Ngoài ra, cần kết nối thông tin để phục vụ việc đưa đón đại biểu từ các tỉnh về tham dự kỳ họp tại sân bay, ga tàu, bến xe, tại nơi ở đến nơi tổ chức kỳ họp luôn bảo đảm chu đáo, an toàn. Thường xuyên trao đổi thông tin trong quá trình đại biểu ăn nghỉ tại khách sạn để nâng cao thể chất và tinh thần cho đại biểu. 

Đồng chí Nguyễn Thị Mai nhấn mạnh, dù là những việc không lớn, những việc “không tên”, nhưng sự tham mưu, phục vụ đại biểu tại các kỳ họp Quốc hội là một trong những nhiệm vụ của Văn phòng Đoàn; để hoàn thành tốt nhiệm vụ, việc phối hợp giữa Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Đoàn ĐBQH địa phương là hết sức cần thiết, nhằm góp phần cho sự thành công chung của kỳ họp.
 

Phòng Công tác Quốc hội

Các tin khác