Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 683

  • Tổng 2.872.861

Hỏi – đáp chính sách pháp luật về hoạt động người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng (kỳ 5)

8:28, Thứ Ba, 14-12-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Trong kỳ 5, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình trân trọng giới thiệu một số nội dung hỏi – đáp liên quan tới một số nguy cơ, hoạt động phi pháp mà người lao động cần quan tâm khi đi làm việc tại nước ngoài và biện pháp phòng ngừa.

 

Hỏi: Xin hãy cho biết về thực trạng đi lao động nước ngoài trái phép, đi “ngoài luồng” ở tỉnh Quảng Bình nói chung và huyện Bố Trạch nói riêng? Thực trạng này ảnh hưởng gì khi tuyển dụng lao động hợp pháp.


Trả lời:

 

Ông Nguyễn Tiến Nam, Đại tá, UVTVTU, Giám đốc Công an tỉnh trả lời các câu hỏi đối thoại

 

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 14.000 công dân đang học tập, lao động ở các nước. Riêng huyện Bố Trạch có hơn 8000 trường hợp; trong đó, tại Vương quốc Anh có 434 trường hợp, chủ yếu cư trú tại các xã Thanh Trạch, Hải Phú, Nhân Trạch, Đức Trạch..., phần lớn số này là đi trái phép, “ngoài luồng”.

Việc xuất cảnh trái phép tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm và thực tế đã xảy ra một số vụ việc đau lòng, thu hút sự quan tâm của dư luận như vụ 39 công dân Việt Nam tử vong trong container ở Anh năm 2019, trong đó có 02 nạn nhân ở Bố Trạch; vụ 13 người vượt biên bằng đường biển từ Inđonêxia đến Austrailia bị lực lượng chức năng của Đông Ti Mo bắt giữ năm 2020, trong đó có 03 người ở Bố Trạch…

Tình trạng công dân Quảng Bình xuất cảnh trái phép lao động ở nhiều nước trên thế giới xảy ra nhiều sau tết Nguyên đán; có hầu hết các địa bàn của tỉnh nhưng tập trung chủ yếu ở địa bàn các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn.

Trước tình hình trên, Công an tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lao động. Từ năm 2011 đến nay, đã thụ lý 21 vụ, khởi tố 28 bị can đưa người xuất cảnh trái phép; phát hiện, ngăn chặn hàng chục vụ xuất cảnh trái phép, vận động hàng trăm trường hợp từ bỏ ý định xuất cảnh trái phép trở về địa phương làm ăn chân chính, góp phần bảo đảm ổn định tình hình ANTT của địa phương.

* Việc đi lao động trái phép, “ngoài luồng” đã tác động trực tiếp, tiêu cực đến việc tuyển dụng lao động hợp pháp của các cơ quan chức năng, cụ thể:

- Ảnh hưởng đến tính nghiêm minh, đúng đắn của việc thực hiện chính sách, pháp luật, quan hệ đối ngoại, hợp tác, cam kết giữa Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác trong xuất khẩu lao động; công tác tuyển dụng lao động chính thống cũng gặp những khó khăn về nguồn, số lượng, chất lượng…

- Một số chương trình, hợp đồng lao động ký kết với các nước bị ảnh hưởng tiến độ, kết quả, nguy cơ cao bị hạn chế, tạm dừng, thậm chí chấm dứt do công dân lao động trái phép, vi phạm các nội dung trong hợp đồng đã cam kết.

- Làm giảm uy tín, hình ảnh chung của doanh nghiệp, lao động Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế; người lao động chân chính trong nước bị mất cơ hội xuất khẩu lao động khi nhiều quốc gia hạn chế, tạm dừng tuyển chọn công dân ở những nước có tỷ lệ lao động vi phạm cao, đơn cử như việc Chính phủ Hàn Quốc thông báo tạm dừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại nước này đối với 10 quận, huyện của Việt Nam, trong đó có huyện Bố Trạch do người lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn, lao động cư trú bất hợp pháp vượt tỷ lệ, số lượng đã cam kết giữa hai nước.

Vì vậy, đề nghị người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm, nếu có nguyện vọng lao động, tu nghiệp ở nước ngoài nên đi đường chính ngạch, khi hết hạn hợp đồng trở về nước, không bỏ trốn, không vi phạm pháp luật nước sở tại để không làm ảnh hưởng xấu đến bản thân, gia đình và xã hội.

Hỏi: Địa phương tôi đi lao động “ngoài luồng” rất nhiều, xin cho biết làm thế nào để biết mình bị buôn bán qua biên giới? Khi biết mình là nạn nhân của nạn buôn bán người thì phải liên hệ với ai để được hỗ trợ? 
 

Trả lời:
 

Đi lao động “ngoài luồng” có thể được hiểu là các hành vi xuất cảnh trái phép. Hoạt động này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, rủi ro; nhiều người trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, xâm hại tình dục, bị bóc lột sức lao động, thậm chí có thể bị xâm hại đến sức khỏe, tính mạng… Vì vậy, việc nhận biết nạn nhân của mua bán người có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp nạn nhân chủ động có các biện pháp tự bảo vệ và báo cho cơ quan chức năng kịp thời giải cứu, đảm bảo an toàn.

 (1) Để xác định một người có phải là nạn nhân của nạn mua bán người hay không, cần căn cứ vào các dấu hiệu sau:

- Về căn cứ pháp lý: Theo Điều 27 Luật phòng, chống mua bán người năm 2011, một người được xác định là nạn nhân khi có một trong những căn cứ sau:

+ Người đó là đối tượng bị mua bán, chuyển giao, tiếp nhận nhằm sử dụng vào mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.

+ Người là đối tượng bị tuyển mộ, vận chuyển, chứa để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.

- Về thực tiễn nhận biết nạn nhân của tội phạm buôn người, cụ thể:

+ Các loại giấy tờ tùy thân như Hộ chiếu, CCCD bị người khác giữ hoặc không được trả lại khi được yêu cầu.

+ Bị người khác kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động, không được tự do thực hiện theo ý riêng của mình. 

+ Ra khỏi nơi ở luôn bị giám sát, theo dõi.

+ Bị cưỡng bức lao động (làm việc nhiều giờ, làm các công việc bản thân không mong muốn, không được trả lương hoặc trả lương rất thấp…).

+ Không biết địa chỉ nơi mình ở và làm việc.

+ Không được chăm sóc y tế khi đau ốm, không được tự do sử dụng Internet, điện thoại, mạng xã hội. 

+ Bị đưa vào nhà hàng, nhà thổ, khách sạn… ép buộc bán dâm cho người khác.

+ Bị lấy đi các bộ phận cơ thể người, ép buộc mang thai hộ, hoặc làm việc vô nhân đạo khác.

    (2) Khi biết mình là nạn nhân của mua bán người:

Trước hết, phải bình tĩnh, không được hoảng loạn. Nếu đang ở khu vực cửa khẩu thì lập tức báo với cán bộ Biên phòng, Hải quan hoặc những người đang ở gần bạn nhất để được bảo vệ. Nếu bản thân đã bị đưa qua biên giới thì hãy cố gắng ghi nhớ các địa điểm mang tính biểu tượng như tòa nhà, cột đồng hồ, tháp nước… Khi có điều kiện được tiếp xúc với người dân hãy ra các ám hiệu cầu cứu như viết giấy có dòng chữ HELP, SOS… để nhận được sự giúp đỡ. Nếu có thể hãy liên lạc với đường dây nóng +84 111 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn, hoặc với người thân để có thể trình báo với Cơ quan chức năng. Trường hợp có cơ hội được đi ra ngoài thì đến trụ sở Cảnh sát, Đại sứ quán để được giúp đỡ.

Hỏi: Với mong muốn được ra nước ngoài làm việc, tôi tin tưởng giao số tiền 350 triệu đồng/người nhờ anh Hoàng Quốc Mạnh, ở xóm 6 thôn Tiền Phong, xã Thanh Trạch (nay đang ở Đức) làm thủ tục đi lao động tại Đức. Sau hơn 02 năm chưa đi được mà anh Mạnh cũng không gửi lại tiền cho tôi trong khi gia đình tôi rất khó khăn không đủ tiền trả lãi ngân hàng. Tôi đã nhờ Ban quản lý Dự án JIFF hướng dẫn tôi làm đơn gửi lên UBND xã. UBND xã đã tổ chức hòa giải yêu cầu ông Khiềng là bố anh Mạnh - người đã nhận tiền phải trả lại cho tôi nhưng ông Khiềng không thực hiện, nên tôi được dự án tiếp tục hướng dẫn làm đơn gửi lên CA huyện Bố Trạch từ tháng 7 đến nay. Vậy, xin hỏi tôi phải làm thế nào nữa để nhận lại được số tiền đã mất? 
 

Trả lời:
 

Đơn của bà Nguyễn Thị Hoa đã được CQCSĐT CA huyện Bố Trạch tiếp nhận, kiểm tra, xác minh theo thẩm quyền. Lãnh đạo CA tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự vào cuộc, cùng với CA huyện Bố Trạch tập trung điều tra xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ xác định vụ việc có hay không dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự người liên quan hoặc hướng dẫn, xử lý bằng các biện pháp khác theo luật định. Kết quả kiểm tra, xác minh đơn tố cáo sẽ thông báo đến bà biết sớm nhất. Với tư cách là người bị thiệt hại theo nội dung vụ việc nêu trên, đề nghị bà Nguyễn Thị Hoa hợp tác khai báo, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan cho cơ quan CA trong quá trình thụ lý, kiểm tra xác minh nội dung đơn. 

Hỏi: Để biết mình không bị “công ty ma” lừa thì tôi phải có những giấy tờ gì trong tay trước khi xuất cảnh? Nếu mất thì tôi phải liên hệ với ai khi đang ở nước ngoài? Cơ quan nào quản lý hoạt động đưa người đi lao động nước ngoài? Làm thế nào tôi sớm biết là tôi bị lừa?
 

Trả lời:
 

(1) Để không bị “công ty ma” lừa đề nghị người dân cần chú ý những vấn đề sau:

* Các loại giấy tờ cần phải có trước khi xuất cảnh của công dân Việt Nam gồm: 

+ Hộ chiếu phổ thông (còn hạn sử dụng từ 6 tháng trở lên) hoặc Giấy thông hành biên giới nếu xuất cảnh sang Lào, Trung Quốc, Campuchia và phải còn thời hạn sử dụng.

+ Thị thực hoặc giấy tờ xác nhận, chứng minh được nước đến do Cơ quan đại diện ngoại giao của nước đó tại Việt Nam cấp, còn thời hạn sử dụng. Riêng các nước trong khối ASEAN thì được miễn thị thực cho công dân Việt Nam sử dụng hộ chiếu phổ thông để xuất cảnh.

* Một số vấn đề người dân cần lưu ý thêm để tránh bị lừa xuất cảnh: 

- Nếu xuất cảnh với mục đích đi lao động:

+ Để được cấp thị thực lao động thì tùy theo quy định của từng nước đến để nộp các giấy tờ như: Hợp đồng lao động; Giấy xác nhận tình trạng tiền án, tiền sự (tư pháp); Giấy khám sức khỏe…

+ Trước khi đi cần tìm hiểu các thông tin cơ bản như: Chi phí, lộ trình, hợp đồng (công việc, mức lương, thời hạn), kênh di cư; các kiến thức cần thiết về chuyên môn, ngoại ngữ, văn hóa, luật pháp; kỹ năng tự bảo vệ, ứng xử, tự xử lý tình huống…

+ Người lao động không có hợp đồng lao động, có nguy cơ bị bóc lột; công việc thường có thu nhập thấp và bấp bênh; điều kiện làm việc kém hơn; ít được tự do di chuyển hoặc bị giới hạn khi đi ra ngoài; nguy cơ bị Cảnh sát nước ngoài bắt, trục xuất, phạt tù; khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ y tế...

+ Nếu di cư hợp pháp: Người có hợp đồng lao động, sẽ được bảo vệ quyền lợi chính đáng; công việc có thu nhập cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn; không phải lo bị bắt, trục xuất; dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục; có thể trình báo tội phạm với Cảnh sát nước ngoài.

- Nếu xuất cảnh với mục đích học tập, thăm thân, chữa bệnh, du lịch…, người có nhu cầu xuất cảnh trực tiếp liên hệ với Cơ quan đại diện của nước đến tại Việt Nam để được hướng dẫn, cấp thị thực hoặc giấy tờ xác nhận, chứng minh được nhập cảnh vào nước đó.

(2) Nếu mất giấy tờ cá nhân, trong thời hạn 48 giờ kể từ khi phát hiện bị mất phải trực tiếp nộp hoặc gửi đơn báo mất cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi thuận lợi để được hướng dẫn, hỗ trợ.

(3) Về cơ quan quản lý hoạt động đưa người đi lao động nước ngoài: 

- Ở TW: Cục quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐTB và XH. 

- Ở địa phương: Sở LĐTB và XH các tỉnh, thành phố trực thuộc TW.

(4) Để sớm biết bị lừa, người dân cần chú ý một số vấn đề sau:

- Khi thông qua các cá nhân, tổ chức làm các thủ tục để xuất cảnh thì các cá nhân, tổ chức môi giới, lừa đảo này thường không hướng dẫn người dân đến Cơ quan quản lý XNC để làm các thủ tục như xin cấp hộ chiếu; không đến Cơ quan đại diện nước ngoài ở Việt Nam để cấp thị thực xuất cảnh; không đến các Trung tâm giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động đã được cấp phép đưa người xuất khẩu lao động, du học… mà họ yêu cầu đưa các giấy tờ liên quan, tiền bạc để họ tự làm…

- Các cá nhân, tổ chức khi đến môi giới, tuyển người xuất cảnh không có giấy giới thiệu do cơ quan có thẩm quyền như: Sở LĐTB và XH, UBND cấp huyện cấp; không phải người của các công ty, trung tâm, sàn giao dịch có chức năng giới thiệu việc làm, xuất cảnh đã được Bộ LĐTB và XH cấp phép.
- Một số biểu hiện khác như hứa hẹn, đánh bóng tên tuổi; lén lút khi hẹn gặp gỡ; thu nhận hồ sơ, tiền bạc mà không có hợp đồng cam kết, biên lai, biên nhận… 

Hỏi: “Trước thực trạng lao động nước ngoài bất hợp pháp, ngành công an sẽ có những giải pháp gì để triệt phá các đường dây lao động nước ngoài trái phép”?

Trả lời: 

 

Trong những năm gần đây, tình trạng người dân trên địa bàn tỉnh ra nước ngoài lao động trái phép diễn ra ngày càng phức tạp, mỗi năm có hàng chục công dân Quảng Bình bị nước ngoài trục xuất về nước. Trước tình hình trên, lực lượng CA trong tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn và đạt được nhiều kết quả quan trọng, phá được nhiều vụ án, chuyên án, đường dây đưa người trong tỉnh ra nước ngoài lao động trái phép.

Tuy vậy, hoạt động này vẫn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp, với nhu cầu lao động khá lớn, số tiền các đối tượng thu được nếu đưa được người đi trót lọt cao… nên nhiều đối tượng vẫn lén lút hoạt động môi giới, lừa đảo đưa người ra nước ngoài lao động trái phép, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn; công tác đấu tranh với hoạt động này vì thế sẽ khó khăn hơn. Lực lượng CA chúng tôi sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả đối với hoạt động này, trong đó “lấy phòng ngừa là chính”.

 * Về một số giải pháp để triệt phá các đường dây đưa người ra nước ngoài lao động trái phép, lực lượng CA trong tỉnh đã, đang và sẽ triển khai, đó là:

    - Tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn từ cơ sở, kịp thời phát hiện đối tượng, hoạt động nghi vấn đưa người ra nước ngoài lao động trái phép để ngăn chặn, đấu tranh xử lý nghiêm.

    - Rà soát lên danh sách, quản lý chặt số đối tượng có nghi vấn hoạt động môi giới, tổ chức đưa người địa phương ra nước ngoài lao động trái phép.   

- Phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, tố giác tội phạm, tố giác các đối tượng có hoạt động hoặc nghi vấn hoạt động môi giới tổ chức đưa người ra nước ngoài lao động trái phép. Thực tế nhiều trường hợp nạn nhân của các đường dây đưa người ra nước ngoài lao động trái phép song không dám đứng ra tố giác, không hợp tác với cơ quan CA để điều tra, xử lý (do lo sợ bị trả thù hay hy vọng các đối tượng sẽ trả lại tiền hoặc sẽ tìm cách đưa đi trót lọt…)

- Tập trung điều tra kết luận để truy tố trước pháp luật các đối tượng hoạt động đưa người địa phương ra nước ngoài lao động trái phép; trao đổi, thống nhất với VKS, TA cùng cấp để đưa một số vụ án điểm ra xét xử lưu động nhằm răn đe, phòng ngừa chung.

    - Tổ chức thanh tra chuyên đề về quản lý hoạt động đưa người xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh nhằm phát hiện sơ hở, bất cấp, từ đó có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục.

    - Triển khai các kế hoạch, tổ chức các đợt cao điểm đấu tranh với hoạt động đưa người địa phương ra nước ngoài lao động trái phép.
 

Phòng Công tác Quốc hội

Các tin khác