Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 1806

  • Tổng 2.834.039

Hỏi – đáp chính sách pháp luật về hoạt động người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng (kỳ 2)

8:25, Thứ Ba, 14-12-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Tiếp tục nội dung chương trình Đối thoại giữa Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình và người lao động về nội dung đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, Đoàn ĐBQH Quảng Bình trân trọng giới thiệu một số câu hỏi liên quan tới các chính sách cơ bản, các thủ tục mà người lao động cần biết khi đi lao động tại nước ngoài theo hợp đồng.

 

 

Cử tri đặt câu hỏi giao lưu tại chương trình Đối thoại

 

Hỏi: Thị trường nước nào có nhu cầu lớn, phù hợp với lao động Việt Nam?    

Trả lời: 
 

Hiện nay, sử dụng nhân công nước ngoài đang trở thành xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các nước có nền kinh tế phát triển, mức sống cao và thiếu hụt lực lượng lao động phổ thông làm việc trong các ngành nông nghiệp, xây dựng hoặc sản xuất dây chuyền,… Các quốc gia có nhu cầu lớn về sử dụng NLĐ nước ngoài có thể kể đến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức, Nga hoặc một số nước châu Âu như Romani, Slovenia, Hungari. Đây cũng chính là những quốc gia thu hút số lượng lớn NLĐ Việt Nam đến làm việc, trong đó có đông đảo NLĐ tỉnh Quảng Bình.
    
Hỏi: Tìm hiểu thông tin về các thị trường ở đâu, liên hệ với ai?
 

Trả lời:
 

Theo quy định tại Nghị định số 23/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ, các trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm có nhiệm vụ cung cấp thông tin về thị trường lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ. Đối với thông tin thị trường lao động nước ngoài, NLĐ còn có thể tìm hiểu thông qua các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 02 Trung tâm Dịch vụ việc làm cùng với 7 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm và 01 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các đơn vị, doanh nghiệp này đều có trụ sở tại TP.Đồng Hới. NLĐ khi cần tìm hiểu về thông tin thị trường lao động trong và ngoài nước có thể đến trực tiếp tại các đơn vị, doanh nghiệp này để được tư vấn hoặc liên hệ qua website (tra cứu google để tìm địa chỉ website, số điện thoại). 

Ngoài ra, NLĐ còn có thể truy cập vào website của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động – TB&XH tại địa chỉ dolab.gov.vn. Tại đây cung cấp đầy đủ thông tin về các thị trường, chương trình đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và cập nhật đầy đủ danh sách những doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. 


 

Bà Đinh Thị Ngọc Lan – Phó Giám đốc Sở Lao động TB&XH tỉnh tham gia đối thoại tại chương trình

 

Hỏi: Những chính sách hỗ trợ lao động nước ngoài? Cần tìm hiểu những văn bản nào và đăng ký ở đâu để đi làm việc ở nước ngoài?
 

Trả lời: 
 

Để tìm hiểu về các quy định liên quan đến hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, NLĐ có thể nghiên cứu các văn bản sau:

- Luật Việc làm năm 2013;

- Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2022;

- Nghị định số 38/2020/NĐ-CP ngày 03/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

- Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH ngày 08/10/2007 của Bộ LĐ-TB&XH;

- Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ quy định  xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

- Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm; Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP;

- Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 15/6/2016 của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều về hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015. 

* Theo quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thể thông qua các hình thức sau:

- Tham gia thực hiện các thỏa thuận quốc tế giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ nước tiếp nhận lao động;

- Ký hợp đồng với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

- Làm việc cho các doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài;

- Ký hợp đồng với doanh nghiệp đưa NLĐ đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài;

- NLĐ trực tiếp ký hợp đồng lao động với NSDLĐ nước ngoài.

Tùy vào từng hình thức đi làm việc ở nước ngoài để NLĐ có cơ sở lập hồ sơ và các thủ tục liên quan theo quy định. Đối với hình thức phổ biến nhất hiện này là ký hợp đồng với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, liên hệ theo hướng dẫn. 

Hỏi: Quảng Bình có chương trình hỗ trợ cụ thể nào cho người đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng?    


Trả lời:

Hiện nay, Sở Lao động – TB&XH đang tham mưu HĐND tỉnh, UBND tỉnh 02 chính sách hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo HĐ:

- Thí điểm Chương trình đưa NLĐ tỉnh Quảng Bình đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại TP. Yeongju, Hàn Quốc theo Biên bản ghi nhớ về thỏa thuận hợp tác lao động giữa chính quyền TP. Yeongju và UBND tỉnh Quảng Bình vào cuối năm 2019.

- Chính sách hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó ưu tiên đối tượng là người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an.

Hỏi: Chính sách đối với lao động trở về nước? Tiếp tục quay lại Hàn Quốc làm việc thì có chính sách ưu tiên gì không?
 

Trả lời:

Theo Quy định tại Mục 4 Chương III của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hơp đồng thì lao động đi làm việc ở nước ngoài sau khi hết hạn hợp đồng, trở về nước đúng quy định được Trung tâm DVVL hỗ tư vấn, tìm kiếm việc làm phù hợp và được hỗ trợ vay vốn ưu đãi theo quy định pháp luật để tạo việc làm và khởi nghiệp. Ngoài ra, Nhà nước còn khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tiếp nhận và tuyển dụng NLĐ về nước vào làm việc.

Luật năm 2020 bổ sung nội dung về tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn để NLĐ sử dụng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, tay nghề để làm việc trong nước.
    

Người lao động đi làm việc ở nước ngoài được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Trường hợp NLĐ đã có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, sau khi hết hạn hợp đồng mà về nước đúng thời hạn thì được khuyến khích, ưu tiên lựa chọn để tiếp tục đi làm việc ở nước ngoài.

Đối với thị trường Hàn Quốc, nếu NLĐ tham gia Chương trình EPS và về nước đúng thời hạn hợp đồng sẽ được ưu tiên tiếp tục gia hạn hợp đồng làm việc tại Hàn Quốc, chỉ cần hoàn thành 01 kỳ thi tiếng Hàn trên máy tính (đối với LĐ gia hạn lần đầu) hoặc đăng ký hồ sơ dự tuyển Chương trình EPS (đối với LĐ mẫu mực – LĐ làm việc từ 4 năm 10 tháng đến 6 năm tại Hàn Quốc mà không chuyển đổi nơi làm việc, không cư trú bất hợp pháp)

Hỏi: Để nâng cao chất lượng lao động, Nhà nước ta đã có những chính sách gì về hỗ trợ đào tạo nghề, học ngoại ngữ? 


 

Người lao động tham gia các lớp học ngoại ngữ để chuẩn bị đi làm việc tại nước ngoài

    Trả lời: 
Những năm qua, để nâng cao chất lượng nguồn lao động, đặc biệt là lao động qua đào tạo nghề, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dưới 03 tháng, áp dụng cho nhiều đối tượng, cụ thể:

Về hỗ trợ đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, gồm có:

 - Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp;

- Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/03/2016 của Liên Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Lao động- TB&XH, Tài Chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học sinh đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm 2015-2016 đến năm học 2020-2021;

- Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BLĐTBXH-BGDDT-BTC ngày 16/06/2016 Liên Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Lao động- TB&XH, Tài Chính hướng dẫn thực hiện chính sách nội trú quy định tại Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp;

 Về hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng, gồm có:

- Quyết định số 1956/2009/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;

- Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng;

- Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất;

- Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng quy định tại Điều 14 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ Về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm (đối tượng là Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội).

- Thông tư số 44/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn chính sách đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù.

Hỏi: Chính sách ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề cho đối tượng lao động nữ?
 

Trả lời:
 

Những năm qua, để nâng cao chất lượng nguồn lao động nữ, bên cạnh việc ban hành các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề chung bao gồm cả lao động nam và lao động nữ thì Nhà nước ta cũng đã ban hành chính sách dành riêng cho lao động nữ như: Quyết định số 1956/2009/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; Quyết định số 295/QĐ-TTg  ngày 26/2/2010 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015”...

Hiện nay tỉnh ta vẫn đang thực hiện Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó lao động nữ tham gia học nghề được hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, riêng đối với lao động nữ bị mất việc làm tham gia học nghề vừa được hỗ trợ chi phí đào tạo theo thực tế khóa học vừa được hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/ngày và tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học (nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên) hoặc 300.000 đồng/người/khóa học (nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú thuộc xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ từ 5 km trở lên.

Từ năm 2010 đến năm 2020, số lao động nữ của tỉnh được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng theo Quyết định số 1956/2009/QĐ-TTg và Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg là 31.440 người, năm 2021, khoảng 587 lao động nữ được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng từ nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2020-2025 năm 2021.

Hỏi: Chương trình hợp tác của tỉnh về lao động phổ thông, thời vụ, lao động kỹ thuật có tay nghề cao hoặc thực tập sinh? Sinh viên có ưu tiên cao đẳng nghề có ưu tiên gì không?
 

Trả lời: 
 

- Đối với lao động phổ thông: Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS)
- Đối với lao động có tay nghề cao: Chương trình đào tạo Điều dưỡng viên tại CHLB Đức (Yêu cầu trình độ từ Cao đẳng Y hoặc tương đương trở lên)
- Đối với thực tập sinh: Chương trình thực tập sinh kỹ thuật tại Nhật Bản (IM JAPAN)
Các Chương trình này do Cục Quản lý LĐ ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB&XH ký kết với cơ quan chức năng có thẩm quyền của nước tiếp nhận lao động. Số lượng tuyển chọn do Cục phân bổ về các địa phương trong cả nước. Tại Quảng Bình, TT DVVL là đơn vị duy nhất được giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn thủ tục đăng ký dự tuyển các chương trình này. 
 - Đối với lao động thời vụ: Đang tham mưu triển khai thí điểm Chương trình đưa NLĐ tỉnh Quảng Bình đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại TP. Yeongju, Hàn Quốc.
Hiện nay, chưa có chính sách ưu tiên đối với lao động có trình độ, tay nghề cao. Tuy nhiên, một số Chương trình có yêu cầu về trình độ chuyên môn cao đã mở ra cơ hội việc làm thu nhập cao đối với sinh viên học trình độ cao đẳng trở lên (VD Chương trình Điều dưỡng viên tại Đức)

Hỏi: Phân biệt lao động hợp pháp và lao động bất hợp pháp? Lợi ích của việc đi làm việc ở nước ngoài thông qua kênh chính thống?
 

Trả lời:
 

- Lao động hợp pháp là lao động có đủ 02 điều kiện sau:

(1) Đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thông qua các hình thức được quy định tại Luật NLĐV đi làm việc ở NN, cụ thể:

+ Tham gia thực hiện các thỏa thuận quốc tế giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ nước tiếp nhận lao động;

+ Ký hợp đồng với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

+ Làm việc cho các doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài;

+ Ký hợp đồng với doanh nghiệp đưa NLĐ đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài;

+ NLĐ trực tiếp ký hợp đồng lao động với NSDLĐ nước ngoài.

(2) Chấp hành đúng hợp đồng đã ký kết, sau khi hết hạn hợp đồng thì trở về nước theo quy định, không bỏ trốn khỏi nơi làm việc, không cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài, không vi phạm pháp luật và bị trục xuất khỏi nước sở tại.

- Đối với thị trường Hàn Quốc, nếu NLĐ có thân nhân đang cư trú BHP thì NLĐ đó không được nhập cảnh vào Hàn Quốc.
    

- Các chính sách hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo HĐ (hỗ trợ chi phí xuất cảnh, đào tạo; vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở NN…) chỉ hỗ trợ đối với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài thông qua một trong các hình thức được quy định tại Luật NLĐVN đi làm việc ở NN

- Được hưởng quyền lợi từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước (phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro đối với NLĐ khi làm việc ở NN) và được cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam tại nước ngoài bảo vệ khi làm việc ở NN

- Chi phí thấp hơn do có quy đinh về mức trần chi phí 

 - Có cơ hội được xem xét gia hạn hợp đồng để tiếp tục làm việc ở NN

Hỏi: Bạn tôi học kỹ thuật chế biến món ăn thì được Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội công nhận đạt chuẩn trình độ khu vực ASEAN, còn tôi học nghề kỹ thuật máy lạnh cũng thời gian học nghề dài hơn nhưng chỉ đạt chứng chỉ quốc gia. Vậy có cách nào để bằng của tôi được công nhận khi làm việc ở nước ngoài không ạ.
 

Trả lời:
 

Theo Quyết định số  1769/QĐ-LĐTBXH ngày 15/11/2019 của Bộ Lao đọng – Thương binh và Xã hội phê duyệt ngành, nghề trọng điểm và trường được lựa chọn để đầu tư ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025, thì các ngành nghề bạn nêu là các ngành, nghề được Bộ LĐTBXH lựa chọn đầu tư theo các cấp độ, chưa chưa phải học xong là sẽ được công nhận đạt chuẩn trình độ khu vực ASEAN hay quốc gia. muốn được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia thì phải có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 16 - Điều kiện tham dự đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo các bậc trình độ kỹ năng nghề của Văn bản hợp nhất số 5213/VBHN-BLĐTBXH ngày 11/12/2021 của Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội về việc quy định chi tiết thi hành một số Điều của luật việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Còn việc làm cách nào để văn bằng do các cơ sở đào tạo VN cấp được công nhận ở nước ngoài thì chưa có quy định, bởi việc công nhận hay không là quyền của các nước. Hiện nay việc công nhận phải thông qua các Hiệp định, thỏa thuận về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc Điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết. Nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp ở nước ngoài tuyển lao động có kỹ thuật của Việt Nam với yêu cầu phải có bằng kỹ sư hay các bằng nghề… nhất  là nhiều nước như Đức, Nhật B có nhu cầu rất lớn về tuyển lao động ngành Điều dưỡng (có bằng cao đẳng).

Hỏi: Giải pháp của Sở Lao động để nâng cao chất lượng nguồn lao động, hướng đến những thị trường LĐNN chất lượng cao?
 

Trả lời:    
 

(1) Nâng cao nhận thức của NLĐ về đi làm việc ở nước ngoài theo HĐ

- Tổ chức các hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của NN về đưa NLĐ đi làm việc ở NN theo HĐ cho NLĐ

- Tăng cường công tác truyền thông cơ sở và tuyên truyền trực quan bằng các ấn phẩm như tờ rơi, cẩm nang, pano, áp phích

- Tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát tình hình chấp hành pháp luật về đưa NLĐ đi làm việc ở NN theo HĐ để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, ngăn chặn các hành vi lợi dụng hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở NN theo HĐ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Có hình thức xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm để NLĐ nâng cao cảnh giác.

(2) Chỉ đạo TT DVVL tỉnh thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, giáo dục định hướng cho NLĐ trước khi đi làm việc ở NN. Liên kết đào tạo nghề cho NLĐ, định hướng đào tạo các ngành, nghề phù hợp với nhu cầu của NSDLĐ nước ngoài

(3) Tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho NLĐ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, trong đó khuyến khích người học tham gia đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng và hỗ trợ đi làm việc ở NN theo HĐ

(4) Mở rộng mạng lưới dịch vụ việc làm để NLĐ trong toàn tỉnh dễ dàng tiếp cận với thông tin thị trường lao động cả trong và ngoài nước. Phát triển thị trường lao động theo hướng hiện đại, đồng bộ, kết nối dữ liệu thị trường lao động toàn quốc để tăng cơ hội việc làm cho NLĐ, nhất là LĐ có trình độ tay nghề.

(5) Tích cực tham mưu UBND tỉnh triển khai thành công Chương trình đưa NLĐ tỉnh Quảng Bình đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại TP. Yeongju, Hàn Quốc để làm tiền đề tiếp tục xây dựng kế hoạch và ký kết chương trình hợp tác lao động với chính quyền địa phương các nước khác như Nhật Bản, Đài Loan,…
 

Phòng Công tác Quốc hội

Các tin khác