Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 4

  • Hôm nay 4452

  • Tổng 2.846.387

Một số điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục-Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê

14:48, Thứ Hai, 29-11-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục-Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, cung cấp thông tin phục vụ Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương trong hoạch định chính sách và điều hành nền kinh tế, tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc hiện nay, đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế trong các lĩnh vực. Luật sửa đổi, bổ sung 02 điều có tính cấp thiết, rất căn bản, quan trọng của Luật Thống kê hiện hành (Điều 17 và Điều 48), trong đó quy định rõ hơn về việc nâng cao vai trò trách nhiệm xây dựng quy trình biên soạn tính toán chỉ tiêu GDP và GRDP của cơ quan thống kê Trung ương, thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội trong việc xem xét, quyết định việc đánh giá lại quy mô GDP; công khai, minh bạch phương pháp tính, nguồn số liệu, công bố thông tin thống kê; đồng thời, sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê từ 186 chỉ tiêu thành 230 chỉ tiêu.


Về tên gọi của Luât: Dù trong theo đề xuất trình ra Quốc hội, Dự án Luật có tên “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê” (đã thay đổi so với tên gọi trong hồ sơ Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 3) để phù hợp theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên, quá trình thảo luận, nhiều đại biểu đã đề nghị đổi tên dự án Luật thành “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê” để bảo đảm đầy đủ, bao quát giữa tên gọi và nội dung sửa đổi, bổ sung. Quốc hội đã thống nhất với tên gọi này.

Về Điều 1, trong quá trình thảo luận, một số ý kiến đề nghị chỉ thực hiện đánh giá lại GDP trong trường hợp có sai số hoặc chênh lệch lớn, không nhất thiết theo định kỳ 05 năm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình, căn cứ vào thực tiễn thống kê cũng như thông lệ thống kê quốc tế, việc quy định 05 năm thực hiện rà soát về việc đánh giá lại quy mô GDP là phù hợp, cần thiết. Tổng điều tra kinh tế sẽ được thực hiện theo kỳ 05 năm một lần, sau khi có kết quả Tổng điều tra kinh tế sẽ là thời điểm thích hợp để Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát quy mô GDP. Các giai đoạn rà soát, đánh giá lại quy mô GDP sẽ được quy định cụ thể trong Nghị định quy định nội dung chỉ tiêu sau khi Luật được Quốc hội thông qua. Trên cơ sở kết quả rà soát, cơ quan chức năng sẽ báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định việc đánh giá lại hay không đánh giá lại.

Cũng tham gia ý kiến tại điều 1, nhiều đại biểu đề nghị làm rõ việc “phải thống nhất” thông tin trước khi công bố tại Khoản 2 dự thảo Luật, có ý kiến cho rằng chỉ cần quy định về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh về công bố thông tin thống kê, còn việc bảo đảm thống nhất với cơ quan thống kê trung ương nên quy định trong nguyên tắc thống kê. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu quy định rõ phải thống nhất về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê để bảo đảm tính đúng đắn, chính xác trước khi công bố.
Về Điều 2, một số ý kiến đề nghị Khoản 2 điều khoản chuyển tiếp cần giải trình rõ lý do Chương trình điều tra thống kê quốc gia, chế độ báo cáo thống kê quốc gia được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022, cần phải quy định rõ nội dung chuyển tiếp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và thể hiện trong Luật: “Chương trình điều tra thống kê quốc gia, chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thống kê quy định tại Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13 được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022”. 

Về quy định hiệu lực thi hành của Luật từ 01/01/2022, trong khi điều khoản chuyển tiếp quy định thời hạn đến 31/12/2022, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lý giải, việc quy định điều khoản chuyển tiếp nhằm cho phép tiếp tục thực hiện những công việc còn đang dang dở như: năm 2022 vẫn phải rà soát, đánh giá lại, công bố chính thức số liệu một số chỉ tiêu của năm 2021 (trước đó là ước tính); xây dựng Phương án điều tra năm 2022; dự toán kinh phí các cuộc điều tra năm 2022 và chuẩn bị các điều kiện khác để thực hiện thu thập thông tin phục vụ biên soạn 186 chỉ tiêu thống kê quy định tại Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13. Do vậy, cần có quy định khoản chuyển tiếp. 

Bên cạnh đó, cần có đủ thời gian xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung, trong đó cần quy định cụ thể khái niệm, phương pháp tính, phân tổ chủ yếu, kỳ công bố, nguồn số liệu, cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp…. của 230 chỉ tiêu 3 thống kê quốc gia mới, cần xây dựng Chương trình điều tra thống kê quốc gia và Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia và 02 văn bản này dự kiến ban hành vào Quý 2 và Quý 3 năm 2022 để thực hiện từ 1/1/2023.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia; sửa đổi, bổ sung từ 20 thành 21 nhóm và từ 222 chỉ tiêu thành 230 chỉ tiêu; bổ sung 10 chỉ tiêu, trong đó đã bổ sung một số chỉ tiêu phản ảnh về chất lượng; bỏ 04 chỉ tiêu và tách 02 chỉ tiêu thành các chỉ tiêu độc lập.

Đồng thời, đối với nhiều ý kiến đề nghị bổ sung một số chỉ tiêu vào Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu bổ sung 10 chỉ tiêu, cụ thể như sau: (1) Số vụ ly hôn và độ tuổi trung bình ly hôn; (2) Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội; (3) Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; (4) Tỷ lệ người từ 5-17 tuổi tham gia lao động; (5) Tỷ lệ phòng học kiên cố; (6) Số trường học các cấp; (7) Tỷ lệ phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục nghề nghiệp; (8) Số lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; (9) Thu nhập bình quân đầu người; (10) Tiêu dùng năng lượng bình quân đầu người. - Một số ý kiến đề nghị bỏ chỉ tiêu “Tỷ lệ người Việt Nam đọc báo, tạp chí” và chỉ tiêu “Tỷ lệ người sở hữu điện thoại di động” vì khó thống kê, không rõ mục đích sử dụng; đề nghị bỏ chỉ tiêu “Tỷ lệ diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu bỏ 03 chỉ tiêu này; đồng thời bỏ chỉ tiêu “Số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp”. Ngoài ra, xin tiếp thu, chỉnh sửa kỹ thuật tên một số chỉ tiêu trong dự thảo Luật.

Một số ý kiến đề nghị tách bình đẳng giới thành nhóm riêng, bổ sung chỉ tiêu mang tính chất tổng hợp như bình đẳng giới, khoảng cách giới… Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, nhiều chỉ tiêu của Danh mục đều có lồng ghép về bình đẳng giới, mặt khác, đề xuất bổ sung chỉ tiêu bình đẳng giới, khoảng cách giới, theo báo cáo của Chính phủ chưa có đủ nguồn số liệu để tính toán các chỉ tiêu thành phần của các chỉ tiêu tổng hợp về giới (GDP phân tổ theo giới, đặc biệt GRDP phân tổ theo giới). Bên cạnh đó, cơ quan thống kê Liên hợp quốc hiện nay không quy định các chỉ tiêu này trong Bộ chỉ tiêu giới toàn cầu, Bộ chỉ tiêu phát triển bền vững toàn cầu nên Quốc hội đã không bổ sung các chỉ tiêu này vào dự thảo Luật và giao Chính phủ tiếp thu, nghiên cứu, bổ sung khi có đủ điều kiện cho phép.

Có ý kiến cho rằng để tiến tới việc chuyển đổi số quốc gia, cần luật hóa việc kê khai, cung cấp những thông tin thống kê bằng công nghệ số để hình thành nên kho dữ liệu quốc gia; chuyển từ phương thức thống kê truyền thống sang phương thức thực hiện công nghệ số, tuy nhiên, để có thể chuyển đổi phương thức thống kê như đề xuất của đại biểu Quốc hội cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, Bộ, ngành và cần thêm thời gian, nguồn lực để thực hiện, do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu và đưa nội dung này khi xem xét, sửa đổi toàn diện Luật Thống kê. 

Hiện nay, Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã cập nhật, quy định các chỉ tiêu thống kê phản ánh quan hệ hội nhập quốc tế, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam. Vì vậy, việc nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện chỉ tiêu thống kê quốc gia sẽ tiếp tục được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo quy định tại Điều 18: Căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế trong từng thời kỳ, Chính phủ rà soát, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia. 

 Có ý kiến cho rằng Tổng cục Thống kê thường so sánh số liệu chỉ tiêu thống kê quý này với cùng kỳ của năm trước, nhưng các nước phát triển so sánh với quý liền kề, vì vậy, cần nghiên cứu, kết hợp so sánh theo 2 cách (như CPI) hoặc giải trình tại sao áp dụng theo cách hiện hành. Giải trình cho nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay: tùy theo tính chất của từng chỉ tiêu thống kê, số liệu sẽ được so sánh quý này với quý liền kề hoặc quý này so với quý cùng kỳ của năm trước. Ví dụ, chỉ số giá tiêu dùng có thể so sánh theo 2 cách như trên. Tuy nhiên, đối với chỉ tiêu GDP và một số chỉ tiêu thống kê khác, do bị ảnh hưởng bởi tính chất mùa vụ nên việc so sánh với quý liền kề rất khó khăn. Hiện tại, Tổng cục Thống kê đang phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học để nghiên cứu, công bố chỉ tiêu theo cả hai cách. 

Đối với các kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm tính toán các chỉ tiêu thống kê quốc gia theo vùng và công bố thành dữ liệu về vùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình nội dung của mỗi chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm: khái niệm, phương pháp tính, phân tổ chủ yếu, kỳ công bố, nguồn số liệu của chỉ tiêu thống kê sẽ được quy định trong Nghị định. Trong Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, có 130 chỉ tiêu có phân tổ vùng và có thể tổng hợp theo vùng. Tất cả các thông tin thống kê theo vùng sẽ do Thủ trưởng cơ quan thống kê Trung ương chịu trách nhiệm công bố. 


Có ý kiến đề nghị bổ sung các nguyên tắc cần có sự thống nhất giữa cơ quan thống kê với các Bộ, ngành, địa phương; thống nhất thời điểm công bố số liệu thống kê hằng năm đối với quốc gia, vùng và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Luật mới đã quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 5 Luật Thống kê “Thống nhất về nghiệp vụ, không trùng lặp, không chồng chéo” là một trong những nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê nhà nước. Do vậy, thời điểm công bố thông tin thống kê được quy định trong Nghị định, cụ thể là trước ngày 15/12 hằng năm. Khoản 1 Điều 44 Luật Thống kê quy định “Thông tin thống kê đã được 6 công bố theo quy định của Luật này phải được phổ biến kịp thời, đầy đủ, rộng rãi, công khai, minh bạch”, do đó mọi tổ chức, cá nhân đều có thể sử dụng thông tin thống kê đã được công bố.

Phòng Công tác Quốc hội
 

Các tin khác