Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 8

  • Hôm nay 2213

  • Tổng 2.848.683

Một số điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự

14:48, Thứ Hai, 29-11-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự được ban hành nhằm bảo đảm đúng lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP và yêu cầu theo Nghị quyết số 72/2018/QH14 của Quốc hội; đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nói riêng và phù hợp với tình hình thực tiễn trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh bất khả kháng nói chung. Luật sửa đổi, bổ sung 06 điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và 01 điều của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự. 

 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự có một số điểm mới đáng lưu ý:
Thứ nhất, bổ sung trách nhiệm cho Công an xã trong việc kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm (khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật - sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 của BLTTHS). 

Trong quá trình thảo luận, đa số ĐBQH tán thành quy định của dự thảo Luật. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc về thời điểm sửa đổi để bảo đảm tính khả thi… Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nội dung sửa đổi này không có căn cứ áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành luật. Giải trình nội dung này, Uỷ ban Thường vụ cho hay, trên cơ sở quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018, Bộ Công an đã cơ bản hoàn thành việc triển khai Đề án bố trí lực lượng công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã. Đến nay, các cơ quan chức năng đều đánh giá lực lượng Công an xã có đủ năng lực, điều kiện để thực hiện trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm nếu được giao nhiệm vụ. Việc giao thêm trách nhiệm cho Công an xã nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, xử lý kịp thời, nhanh chóng các vụ việc ngay tại địa bàn cơ sở, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, việc sửa đổi này có căn cứ áp dụng 2 thủ tục rút gọn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Thứ hai, sửa đổi quy định Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại khoản và Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự (khoản 3 và khoản 4 Điều 1 của dự thảo Luật - sửa đổi, bổ sung 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 của BLTTHS).

Đối với vấn đề này, trong quá trình thảo luận, các vị ĐBQH còn có ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất tán thành dự thảo Luật về sửa đổi quy định đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Loại ý kiến thứ hai đề nghị chỉ sửa đổi quy định đối với nhãn hiệu, không sửa đổi về chỉ dẫn địa lý. Để bảo đảm thận trọng, UBTVQH đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với Cơ quan chủ trì soạn thảo, Cơ quan chủ trì thẩm tra và đại diện lãnh đạo các cơ quan có liên quan. Qua thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt cho thấy, việc sửa đổi khoản 1 Điều 155, khoản 8 Điều 157 của BLTTHS theo hướng cho phép cơ quan có thẩm quyền chủ động khởi tố (không cần yêu cầu khởi tố của bị hại) đối với hành vi cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý là cần thiết, vừa nhằm tăng cường bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam, vừa bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích người tiêu dùng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và góp phần phát triển kinh tế. Căn cứ quy định 18.30 của Hiệp định CPTPP về Công nhận chỉ dẫn địa lý thì: “Các Bên thừa nhận rằng chỉ dẫn địa lý có thể được bảo hộ thông qua hệ thống nhãn hiệu hoặc một hệ thống riêng hoặc các biện pháp pháp lý khác” nên việc sửa đổi quy định đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý bảo đảm thống nhất về chính sách hình sự và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. 
Việc sửa đổi này không làm ảnh hưởng đến quyền yêu cầu khởi tố, cũng không gây áp lực công việc với các cơ quan tiến hành tố tụng, mà còn thúc đẩy quản lý Nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, thống nhất với Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do vậy, UBTVQH thống nhất và được Quốc hội thông qua về việc sửa đổi quy định đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, đồng thời trình Quốc hội cho phép tiếp thu, chỉnh lý như tại khoản 3 và khoản 4 Điều 1 của dự thảo Luật.

Thứ ba, để vừa bảo đảm mục đích ban hành Luật, vừa có thêm thời gian cho các cơ quan chức năng chuẩn bị điều kiện cần thiết thi hành Luật, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan cân nhắc kỹ lưỡng và thống nhất đề nghị thời điểm có hiệu lực của Luật là từ ngày 01/12/2021.

Phòng Công tác Quốc hội 
 

Các tin khác