Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 28

  • Hôm nay 3413

  • Tổng 3.396.476

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình chất vấn Tổng kiểm toán Nhà nước

16:40, Thứ Tư, 5-6-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Ngày 5/6, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Các đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Tiến Nam đoàn tỉnh Quảng Bình đã chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn.

 

 

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường chất vấn về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.


Theo đó, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đặt câu hỏi về những giải pháp để Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tham gia phát hiện, phòng ngừa tham nhũng. Đại biểu nêu rõ, nhiều vụ án tham nhũng cho thấy có sự cấu kết giữa doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước với một số cán bộ, công chức trong các dự án đầu tư công để trục lợi tài sản của nhà nước. Tuy các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước không thuộc các đối tượng kiểm toán của KTNN nhưng những vụ việc này đều liên quan tới sử dụng tài chính công, tài sản công và dự án đầu tư công. Vì vậy, đại biểu đề nghị Tổng KTNN cho biết sẽ có kiến nghị gì để KTNN có thể tham gia phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra thời gian tới.
 
Trả lời nội dung này, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn nêu rõ, để kiểm toán tham gia sâu hơn vào quá trình điều tra, thuật ngữ “kiểm toán điều tra” đã được đề cập từ năm 1946 trong các diễn đàn của Tổ chức quốc tế các Cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI). 
 
“Đến nay gần 80 năm, vẫn chỉ dừng ở mức độ tranh luận xem kiểm toán có nên thực hiện thêm chức năng điều tra hay không, có điều tra thì mới truy tố, đi đến cùng hành vi phạm tội, truy tố... Hiện nay, có rất ít cơ quan kiểm toán tối cao ở các nước phát triển tham gia chức năng này. Và INTOSAI cũng chưa có hướng dẫn về nội dung này”, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn nêu dẫn chứng. Bên cạnh đó, Tổng KTNN khẳng định, KTNN Việt Nam thời gian tới sẽ cố gắng làm tròn chức năng đánh giá, xác nhận kiến nghị theo đúng quy định pháp luật.

 

 

Đại biểu Nguyễn Tiến Nam chất vấn Tổng kiểm toán Nhà nước.

 

Đại biểu Nguyễn Tiến Nam cũng chất vấn Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn về cơ chế phối hợp, chia sẻ dữ liệu giữa KTNN và Thanh tra Chính phủ. Theo đó, đại biểu cho biết, KTNN đang đẩy mạnh việc ứng dụng dữ liệu điện tử trong hoạt động kiểm toán, tiến tới hoạt động kiểm toán số. Như vậy sẽ liên quan đến việc liên thông chia, sẻ dữ liệu. Đại biểu đề nghị Tổng KTNN cho biết hệ thống KTNN và Thanh tra Chính phủ dự kiến phối hợp và chia sẻ dữ liệu như thế nào để tránh tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán, tiết kiệm thời gian, nhân lực?

Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn trả lời như sau: Thực hiện chế độ phát triển kiểm toán đến năm 2030 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nhấn mạnh đến 3 trụ cột, gồm: Hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. 
 
Thực hiện nhiệm vụ trên, cơ quan Kiểm toán đã ban hành Chiến lược ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành đến năm 2030. Trong đó chú trọng đến cơ sở hạ tầng, tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là chia sẻ, truy cập dữ liệu thông tin giữa các cơ quan. Vì vậy, thời gian tới, cơ quan Kiểm toán kỳ vọng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số sẽ được thuận lợi hơn.

Phòng CTQH

Các tin khác