Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 21

  • Hôm nay 6246

  • Tổng 3.399.312

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình hoàn thành các nội dung đợt họp thứ nhất, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

9:32, Thứ Ba, 11-6-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Tiếp tục nội dung chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong ngày 8/6, dưới sự chủ trì của đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước và đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, Tổ ĐBQH 12 tiến hành 02 phiên thảo luận tại tổ với các nội dung về các dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Công đoàn (sửa đổi) và Chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

 

 

Đồng chí Chủ tịch nước Tô Lâm và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng điều hành phiên thảo luận tại tổ.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về phát triển văn hóa (PTVH) giai đoạn 2025-2035.

Là thành viên của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cơ quan thẩm tra về chủ trương đầu tư CTMTQG về PTVH giai đoạn 2025-2035, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga nhất trí với sự cần thiết đầu tư chương trình và cho rằng: Việc đầu tư chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn, sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Khẳng định sự phù hợp của chương trình với quy định của các luật liên quan, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga lưu ý một số vấn đề nhằm tránh chồng chéo, trùng lặp về mục tiêu, đối tượng thụ hưởng, nội dung, nguồn vốn thực hiện, bảo đảm tính khả thi. Ý kiến đã phân tích cụ thể những nội dung cần làm rõ và thống nhất quan điểm, nguyên tắc trong xây dựng chương trình.

 

 

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, Ủy viên chuyên trách UBVHGD của Quốc hội thảo luận về CTMTQG về PTVH giai đoạn 2025 - 2035
 

Về phân chia các dự án (DA) thành phần, hiện chương trình đang xây dựng theo các nhóm nội dung thành phần, chưa có danh mục DA, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị cần được thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, xây dựng thành các DA thành phần, trong đó quy định cụ thể mục tiêu, đối tượng, nội dung, cơ quan thực hiện, vốn và nguồn vốn, cơ quan chịu trách nhiệm, sản phẩm đầu ra của DA. Đối với một số nhiệm vụ, giải pháp khó có thể thiết kế thành DA thành phần, đề nghị nghiên cứu, đề xuất báo cáo Quốc hội cho phép thiết kế theo nhóm nội dung thành phần.

Đối với phạm vi chương trình, theo đại biểu, Luật Đầu tư công quy định CTMTQG có phạm vi đầu tư ở trong nước. Tuy nhiên, chương trình có nội dung đầu tư, xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Theo đại biểu, việc nghiên cứu, đề xuất nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài là cần thiết, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, cần đánh giá kỹ lưỡng sự cần thiết đầu tư trong điều kiện hiện nay. Trong trường hợp thật cần thiết, đề nghị sử dụng nguồn vốn khác ngoài CTMTQG để thực hiện các DA này theo quy định của pháp luật về đầu tư công. 

Ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cũng phân tích những nội dung trùng lặp về mục tiêu, đối tượng thụ hưởng, nguồn vốn thực hiện của CTMTQG về PTVH giai đoạn 2025-2035 với các chương trình, DA khác; đồng thời đề nghị cần rà soát chặt chẽ để bảo đảm đầu tư hiệu quả, tránh mạnh mún, trùng lặp. Đối với cơ chế quản lý, điều hành chương trình, đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng việc phân công đầu mối hướng dẫn, triển khai thực hiện theo hướng tinh gọn, không chồng chéo, tăng cường phân cấp, phân quyền, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý và thuận lợi trong triển khai thực hiện.

 

 

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thảo luận về các dự án luật  

 

Phát biểu về DA Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và DA Luật Tư pháp người chưa thành niên, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khẳng định sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người và tính nhân văn của Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Đối với DA Luật Phòng, chống mua bán người, qua hơn 10 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc. Phân tích cụ thể những điểm mới, sự phù hợp và có thể khắc phục những hạn chế của DA luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa điều luật về mua bán trẻ em, mua bán người trong Bộ luật Hình sự để phù hợp với DA Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Ý kiến cũng đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi khái niệm về nạn nhân trong dự thảo luật để bảo đảm sự chính xác. Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp tán thành việc dự thảo luật đã bổ sung người đang trong quá trình xác định là nạn nhân cũng được bảo vệ (quy định luật hiện hành chỉ bảo vệ những người là nạn nhân) và đề nghị có quy định cụ thể hơn để những chính sách này đi vào thực tiễn và cũng đề nghị cân nhắc về quy định bảo vệ người thân thích của nạn nhân bảo đảm phù hợp.  

Về DA Luật Tư pháp người chưa thành niên, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường khẳng định tính nhân văn và cơ bản đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên đây là vấn đề quan trọng, do đó việc sửa đổi chính sách hình sự với người chưa thành niên phải trên nguyên tắc bảo đảm tốt nhất cho trẻ em nhưng cũng phải ổn định xã hội và quyền lợi người bị hại.

Đại biểu cũng phân tích về tên gọi nhằm bảo đảm sự bao quát và phù hợp; về sự liên quan của Luật Tư pháp người chưa thành niên với các luật khác để có sự cân nhắc kỹ một số nội dung; định nghĩa cụ thể các biện pháp xử lý thay thế ngoài biện pháp tố tụng hình sự; về thẩm quyền của cơ quan đưa ra các biện pháp…

Như vậy, sau 17 ngày làm việc khẩn trương và nghiêm túc, Đoàn ĐBQH tỉnh đã hoàn thành đợt 1 kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia phiên chất vấn với 08 luợt chất vấn đối với Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng, Trưởng ngành; tham gia trả lời phỏng vấn của nhiều cơ quan thông tấn báo chí về ấn tượng phiên chất vấn với tinh thần trách nhiệm cao nhằm làm rõ thực trạng và giải pháp.

Theo chương trình, sau khi kết thúc đợt I, đợt II của kỳ họp thứ 7 sẽ bắt đầu từ ngày 17/6 đến sáng 28/6. Trong khoảng thời gian từ ngày 9-16/6, Quốc hội nghỉ để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết.

Diệu Linh

Các tin khác