Một số nội dung về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023
Năm 2023 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm giữa nhiệm kỳ tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm (2021 - 2025) trong bối cảnh có nhiều thời cơ, nhưng cũng đan xen không ít khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; giá nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào biến động mạnh, áp lực lạm phát gia tăng, tín dụng thắt chặt, thị trường bất động sản trầm lắng,… tác động tiêu cực đến hầu hết các ngành kinh tế, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, việc làm và đời sống của Nhân dân.
Mặc dù vậy, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, cùng với nỗ lực, sự đồng thuận, đồng lòng, chung tay đầy trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong năm năm đã được thực hiện toàn diện và đạt một số kết quả đáng ghi nhận: tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,2% (KH 7,0-7,5%). Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7,45%, giá trị sản xuất dịch vụ tăng 7,18% (KH 6,5 - 7,0%);… Ngành du lịch phục hồi nhanh, lượt du khách đến địa bàn tăng cao, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế chung. Đời sống văn hóa, tinh thần, công tác an sinh xã hội được chăm lo, từng bước được cải thiện; lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường cơ bản được duy trì và có nhiều chuyển biến tích cực; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng - an ninh được giữ vững. Quảng Bình là địa phương thứ 9 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đây là cơ sở quan trọng để tỉnh tổ chức quản lý, điều hành phát triển kinh tế, xã hội, là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp cận, nắm bắt thong tin phục vụ tìm hiểu, đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Qua các tiếp xúc cử tri và nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân, chúng tôi thấy rằng trong thời gian qua, Nhân dân, cử tri trong tỉnh rất vui mừng, phấn khởi với những kết quả đã đạt được của tỉnh ta trong năm 2023; đồng thời, cử tri bày tỏ sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề khiến các tầng lớp Nhân dân và cử tri băn khoăn, lo lắng. Tình hình, bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu, giá điện tiếp tục tăng, nguy cơ thiếu điện diễn ra trong mùa nắng nóng ảnh hưởng lớn đến đời sống Nhân dân. Về nông nghiệp, thời tiết diễn biến thất thường, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao khiến chi phí sản xuất tăng nhưng giá sản phẩm đầu ra còn thấp. Trong lĩnh vực công nghiệp, một số ngành gặp nhiều khó khăn do đơn hàng xuất khẩu giảm, chi phí vật liệu tăng cao, nhiều cơ sở phải cắt giảm lao động. Việc một số doanh nghiệp thiếu đơn hàng phải cắt giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, thu nhập, đời sống của một bộ phận công nhân, người lao động trong tỉnh. Ngoài ra, vẫn còn nhiều doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội với số tiền lớn, kéo dài làm ảnh hưởng đến việc giải quyết các quyền lợi chính đáng của người lao độngvà nhiều vấn đề khác mà các tầng lớp Nhân dân và cử tri còn trăn trở. Tại kỳ họp này, tôi xin nêu và trao đổi thảo luận 03 vấn đề cụ thể như sau:
Vấn đề thứ nhất. Qua nghiên cứu báo cáo của UBND tỉnh, báo cáo thẩm tra và báo cáo giám sát chuyên đề của Ban KTNS trình bày tại kỳ họp, có một số vấn đề cần quan tâm:
Chuyển nguồn ngân sách tỉnh qua các năm ở mức cao, đáng chú ý là trong đầu tư công: Số vốn kéo dài thời gian thực hiện các dự án đầu tư XDCB chiếm khoảng 50% tổng chuyển nguồn và chiếm 14% kế hoạch bố trí mới hàng năm; vốn năm trước kéo dài sang năm sau, đến ngày 31/12 khoảng 22% kế hoạch vốn. Tỷ lệ giải ngân chi đầu tư phát triển hàng năm chỉ khoảng 50% kế hoạch vốn.
Chi nộp lại ngân sách cấp trên qua các năm còn cao, trong đó có khoản vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn ngân sách Trung ương quá hạn giải ngân không được phép kéo dài thời gian thực hiện, phải hoàn trả về ngân sách Trung ương, có nhiều công trình dự án đang triển khai thi công dang dở, hiện nay chưa có giải pháp xử lý; có nguy cơ gây lãng phí nguồn lực đã đầu tư.
Tại địa bàn huyện Tuyên Hóa có Dự án Kè Đức Hoá được cấp kinh phí từ nguồn vốn của Trung ương. Đến tháng 4/2023, tuyến kè qua thôn Đức Phú 1, Đức Phú 2 cơ bản đã hoàn thành, riêng tuyến kè Phúc Tùng còn khoảng 400m đã bóc phong hóa nhưng chưa thi công, khu vực giáp trạm bơm Đồng Lâm bị nứt và sạt lở ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn xã.
Từ tình hình trên tôi đề nghị cần quan tâm hơn nữa đến việc quản lý, sử dụng phát huy hiệu quả các nguồn vốn đã đầu tư, đẩy mạnh các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước; có giải pháp cắt giảm, điều chuyển kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước từ các dự án chưa giải ngân đến sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn nhằm tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.
Đề nghị có giải pháp, bố trí nguồn vốn tiếp tục triển khai các dự án đang triển khai dở dang từ nguồn vốn ngân sách Trung ương bị thu hồi. Riêng đối với địa bàn huyện Tuyên Hóa, đề nghị các cấp các ngành quan tâm bố trí nguồn vốn để tiếp tục triển khai hoàn thành Dự án Kè Đức Hóa để Dự án phát huy hiệu quả, đảm bảo sinh hoạt cho bà con trên địa bàn.
Vấn đề thứ 2. Việc xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, giai đoạn 2022 - 2025 theo Nghị quyết 39/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 của HĐND tỉnh. Đây là chủ trương mang ý nghĩa về phúc lợi xã hội cao, tuy nhiên do ban hành sau khi các địa phương đã phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2022 - 2025, gây khó khăn trong việc cân đối bố trí nguồn vốn đối ứng của các địa phương cấp huyện, cấp xã; chưa có cơ chế lồng ghép các nguồn lực khác để thực hiện nghị quyết. Thực tế triển khai thực hiện, tại địa bàn huyện Tuyên Hóa không thể cân đối được nguồn lực để thực hiện; định mức hỗ trợ cấp tỉnh thấp, cấp huyện, cấp xã không thể cân đối, bố trí nguồn lực đối ứng. Qua tình hình thực tế, tôi đề nghị cần có các giải pháp tháo gỡ như: Rà soát, giãn thời gian thực hiện một số thiết chế văn hóa, thể thao được quy định Nghị quyết 39/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 của HĐND tỉnh; nâng định mức hỗ trợ; nghiên cứu có cơ chế lồng ghép nguồn lực thực hiện với các nguồn vốn khác như vốn Chương trình MTQG nhằm nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện.
Vấn đề thứ 3. Việc thực hiện dự toán thu khoản phí bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Tuyên Hóa nhiều năm liền không đạt dự toán đề ra, ảnh hưởng đến chi thường xuyên. Vì vậy, Đề nghị các cơ quan chuyên môn xem xét xây dựng dự toán khoản phí bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Tuyên Hóa phù hợp để không làm ảnh hưởng đến quá trình điều hành chi ngân sách trên địa bàn huyện.
(Bài phát biểu thảo luận của đại biểu Đặng Thị Kim Huệ,
Tổ đại biểu huyện Tuyên Hóa tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVIII)
- Tình hình KT-XH tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khoá XVIII (12/12/2023)
- Nâng cao năng lực cho ngư dân trong lĩnh vực khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới (12/12/2023)
- Một số giải pháp, kiến nghị góp phần tháo gỡ vướng mắc, khó khó khăn về phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh (12/12/2023)
- Một số nội dung liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh (12/12/2023)
- Giải pháp đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh (12/12/2023)
- Thực trạng hoạt động các tàu đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 07/7/2014 của Chính phủ và một số kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện một số chính sách thủy sản (12/12/2023)
- Những kết quả đạt được và giải pháp tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Lệ Thủy (12/12/2023)
- Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm (14/07/2023)
- Tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (18/07/2023)
- Giải ngân thấp, trách nhiệm đầu tiên và trực tiếp thuộc về chủ đầu tư (14/07/2023)