Thực trạng hoạt động các tàu đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 07/7/2014 của Chính phủ và một số kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện một số chính sách thủy sản
Quảng Bình chúng ta có thế mạnh về biển với bờ biển dài hơn 116 km, có 05 cửa sông, trong đó 02 cửa sông lớn với ngư trường rộng lớn; những năm qua hạ tầng kinh tế-xã hội như: Khu kinh tế, khu du lịch, cảng biển nước sâu, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, dịch vụ hậu cần nghề cá, đường ven biển được đâu tư ngày càng đồng bộ, hiện đại, hội tụ đầy đủ tiềm năng phát triển kinh tế biển. Là địa phương có đội tàu cá thuộc nhóm dẫn đầu cả nước với khoảng 6.000 tàu, trong đó 1.168 tàu đánh bắt xa bờ vừa phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Trong những năm qua, thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, UBND tỉnh đã phê duyệt đóng mới 84 tàu cá (31 tàu vỏ thép, 52 tàu vỏ gỗ, 01 tàu vỏ composite). Tổng mức đầu tư đóng tàu hơn 1.265 tỷ đồng, trong đó ngân hàng cho vay 989 tỷ đồng và vốn của các chủ tàu hơn 275 tỷ đồng. Là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng tàu cá đóng mới theo Nghị định 67, song thực trạng đến nay, số tàu cá này hoạt động không được như kỳ vọng, cụ thể:
Có 25 tàu đang hoạt động có hiệu quả, chiếm 29,8% ; 36 tàu thường xuyên nằm bờ, do hoạt động kém hiệu quả, chiếm 42,8%; 04 tàu cho thuê, chiếm 4,8%; 14 tàu bị ngân hàng thu hồi tàu và đã bán đấu giá cho các tổ chức, cá nhân, chiếm 16,7%; 04 tàu bị chìm và 01 tàu bị cháy hư hỏng nặng, chiếm 5,9%.
Như vậy, Qua 9 năm thực hiện chỉ còn 25/84 tàu đang hoạt động, số còn lại chủ yếu nằm bờ do hoạt động khai thác không hiệu quả, bị ngân hàng khởi kiện, bị kê biên bán đấu giá, cho thuê, hư hỏng nặng, bị chìm. Từ năm 2020 đến nay, các ngân hàng đã gửi cho BĐBP tỉnh 22 văn bản thông báo không cho 33 tàu cá đang vay vốn theo nghị định 67 xuất bến, lý do chủ yếu là bảo hiểm tàu cá đã hết hạn, yêu cầu chủ tàu mua bảo hiểm.
Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần phát triển và tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hiện đại, phát triển bền vững. Sau khi Nghị định 67 được ban hành, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, quyết định để sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Các Bộ NN và PTNT, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều thông tư, quyết định, các văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện Nghị định. Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân, việc triển khai thực hiện Nghị định 67 đã có nhiều tàu cá hoạt động có hiệu quả góp phần nâng cao đời sống cộng đồng ngư dân ven biển, phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và bảo vệ chủ quyền biển đảo nói chung. Tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện còn có một số khó khăn vướng mắc như sau:
- Các tàu đóng mới theo Nghị định 67 đều có giá trị cao đặc biệt tàu vỏ thép từ 10-25 tỷ, nhưng một số tàu vỏ thép có chất lượng kém, nhanh xuống cấp, chi phí sửa chữa lớn; do đó sau vài năm hoạt động không hiệu quả, không đủ điều kiện trả nợ ngân hàng, bị ngân hàng khởi kiện, kê biên, tịch thu bán đấu giá.
- Thiết kế các tàu chưa phù hợp, sau khi đóng mới chủ tàu vẫn phải cải hoán, điều chỉnh để phù hợp với hoạt động khai thác, dẫn đến phát sinh thêm nhiều chi phí cho ngư dân (có nhiều tàu cá phải bỏ ra hơn 01 tỷ đồng).
- Một số chính sách được quy định trong Nghị định 67 như: Hỗ trợ bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ; hỗ trợ kinh phí duy tu sửa chữa, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng đã hết hiệu lực, đến nay vẫn chưa có quy định mới do đó các chủ tàu không đủ điều kiện để tiến hành duy tu sửa chữa định kỳ dẫn đến thân vỏ, máy móc nhanh xuống cấp, hư hỏng…
- Qua nắm tình hình được biết hiện số tàu đang hoạt động thì chỉ biết cầm cự, cố gắng từng chuyến biển để trang trải cuộc sống, tạo việc làm cho thuyền viên, phải vận dụng tiền được hỗ trợ từ Quyết định 48/2010/QĐ-TTg để bù lãi và trả nợ ngân hàng. Do đó, nợ xấu cao, khó có khả năng thu hồi, nguy cơ làm thất thoát ngân sách nhà nước rất lớn, dễ dẫn đến khiếu kiện ảnh hưởng đến ANTT.
Rõ ràng, với những vướng mắc nếu trên không được tháo gỡ kịp thời thì với mục tiêu của Nghị định 67 đó là: Tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ thuận tiện cho ngư dân xây dựng được một đội tàu cá vững mạnh, với trang bị hiện đại để ra khơi, đảm bảo cả về kinh tế và an ninh quốc phòng sẽ khó thành hiện thực.
* Nguyên nhân:
- Chủ tàu đủ điều kiện đóng mới chưa bám sát thực tế ngư trường để phát huy đồng bộ có hiệu quả các trang bị kỹ thuật; Người lao động trên tàu theo thời vụ nên ít được tập huấn kỹ năng sử dụng các phương tiện được trang bị; Ngư dân muốn chuyển đổi nghề gặp khó khăn do không được vay bổ sung hoặc không được hỗ trợ lãi suất.
- Nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt nên hiệu quả khai thác giảm đã dẫn đến phát sinh nợ xấu, mặt khác tàu đóng mới công suất lớn, chi phí hoạt động cao như: Nhiên liệu, trang thiết bị, ngư lưới cụ, tiền thuê nhân công nhiều (mỗi tàu thường phải thuê khoảng từ 15 đến 25 lao động, chủ tàu phải chi trả từ 4-6 triệu đồng/người/tháng (hoặc chuyến) trong khi giá bán sản phẩm không tăng, có khi còn giảm (do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và tác động của cảnh báo "thẻ vàng" của EC). Nhiều tàu thiếu lao động lành nghề nên hiệu quả khai thác hải sản không cao.
- Do một số chủ tàu từ chỗ quen với việc sử dụng tàu công suất nhỏ, khai thác truyền thống nay chuyển qua sử dụng tàu vỏ thép trang thiết bị hiện đại nên không đủ năng lực quản lý, vận hành, khai thác.
Kính thưa quý vị đại biểu: Từ thực trạng, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trên, Tôi xin kiến nghị, đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện một số chính sách thủy sản, như sau:
1. Sở NN&PTNT tiếp tục công tác điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và dự báo ngư trường để phục vụ cấp hạn ngạch tàu cá, cơ cấu nghề, ngư trường khai thác nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho ngư dân.
2. Các cơ quan chuyên môn cần có phương án đào tạo hợp lý nâng cao kiến thức và kỹ năng vận hành, sử dụng tàu vỏ thép; đào tạo hướng dẫn kỹ thuật đánh bắt theo công nghệ mới cho thuyền viên để giúp chủ tàu bảo đảm nguồn nhân lực tổ chức sản xuất hiệu quả.
3. Các địa phương phối hợp chặt chẽ với BĐBP, Sở NN&PTNT tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân tổ chức sản xuất để khai thác các đối tượng thủy sản còn tiềm năng nguồn lợi, có giá trị kinh tế; thực hiện sản xuất theo tổ đoàn kết, tổ hợp tác để giảm chi phí nhiên liệu, tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa, gắn với bảo vệ ngư trường truyền thống, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
4. Cần đề xuất với Chính phủ: Nghiên cứu sớm ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 67; Tiếp tục ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá; quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ để ngư dân tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu gặp rủi ro do các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, nhằm tạo điều kiện cho các chủ tàu tiếp tục hoạt động sản xuất, trả nợ vốn vay; xây dựng cơ chế cho phép chuyển nhượng tàu cá, khi chủ tàu cũ không còn đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản.
5. Đề xuất Bộ NN&PTNT phối hợp với các ban, ngành, địa phương có kế hoạch kiểm tra, rà soát, đánh giá chặt chẽ, khách quan các tàu theo Nghị Định 67 về hiệu quả khai thác, sử dụng; thực trạng những khó khăn, bất cập của ngư dân, xác định rõ đối tượng khó khăn thực sự, đối tượng trông chờ, ỷ lại, chây ỳ chờ chính sách để có định hướng phù hợp; nghiên cứu, hướng dẫn trang bị phương tiện đánh bắt hiện đại.
6. Đề xuất Bộ Tài Chính: Rà soát, nghiên cứu sửa đổi quy định về hướng dẫn cấp bù lãi suất do thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 67, như: Bổ sung quy định về nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, khách hàng được cơ cấu lại nợ và được hưởng chính sách cấp bù lãi suất được công bố theo quy định.
7. Đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Nghiên cứu hướng dẫn, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hồi nợ vay, xem xét hạn chế thu giữ tàu tránh tước mất sinh kế để tạo điều kiện cho chủ tàu được hoạt động, sản xuất nhằm tăng khả năng trả nợ; nghiên cứu đề xuất Chính phủ cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ…để ngư dân tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu gặp rủi ro do các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng nhằm tạo điều kiện cho các chủ tàu tiếp tục hoạt động sản xuất, trả nợ vốn vay./.
(Bài phát biểu thảo luận của đại biểu Trịnh Thanh Bình
Tổ đại biểu huyện Quảng Trạch tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVIII)
- Những kết quả đạt được và giải pháp tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Lệ Thủy (12/12/2023)
- Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm (14/07/2023)
- Tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (18/07/2023)
- Giải ngân thấp, trách nhiệm đầu tiên và trực tiếp thuộc về chủ đầu tư (14/07/2023)
- Cần xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm quy định về khai thác tài nguyên, khoáng sản (13/07/2023)
- Một số vấn đề về nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít người ở khu vực biên giới (13/12/2022)
- Tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu và việc bình ổn giá cả các loại hàng hóa dịp tết Nguyên đán trên địa bàn tỉnh (13/12/2022)
- Công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Bình đến ngày 07/12/2022 (13/12/2022)
- Tình hình phát triển kinh tế xã hội của huyện Quảng Trạch trong năm 2022 và công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện (13/12/2022)
- Kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Tỉnh (13/12/2022)