Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 2887

  • Tổng 4.319.269

Giải pháp đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh

10:27, Thứ Ba, 12-12-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Năm 2023 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn thách thức như xuất khẩu giảm, tăng trưởng tín dụng chậm, thị trường bất động sản chưa phục hồi….Nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân nên tình hình kinh tế - xã hội cơ bản ổn định, phát triển, một số ngành, lĩnh vực dần khôi phục và có sự tăng trưởng; tổng mức bán lẽ hàng hóa, sản lượng thủy sản tăng trưởng khá; du lịch, dịch vụ chuyển biến tốt với sự kiện Làng du lịch Tân Hóa (huyện Minh Hóa) được tổ chức du lịch Thế giới (UNWTO) vinh danh là “Làng du lịch tốt nhất thế giới” năm 2023; Quảng Bình là 1 trong 21 tỉnh, thành phố đã hoàn thành tiêu chí kích hoạt định danh điện tử được giao của Đề án 06, đồng thời là một trong những địa phương thực hiện miễn học phí trong học kỳ 1 năm học 2023 - 2024 theo Nghị quyết của HĐND tỉnh; công tác quản lý đầu tư và xây dựng được tập trung chỉ đạo bảo đảm đúng tiến độ; công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân được quan tâm cải thiện; đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên; quốc phòng an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

 

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một số lĩnh vực, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu và kế hoạch đề ra như thu ngân sách, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính…

 

Đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực cố gắng của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương và các lực lượng chức năng, công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội củng cố quốc phòng, an ninh của tỉnh.

 

Tuy nhiên trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Quảng Bình nói riêng, tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, trong đó một số vấn đề nổi lên mà cử tri quan tâm như sau:

 

- Thời gian qua, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến hết sức phức tạp, có sự gia tăng đột biến về số lượng, hình thức, quy mô, tính chất; xâm hại lợi ích về tiền bạc, vật chất của nhiều nạn nhân, gây bức xúc, hoang mang trong dư luận xã hội; ảnh hưởng rất lớn đến an ninh, trật tự và đời sống nhân dân. Một số thủ đoạn của loại tội phạm này là: chiếm quyền điều khiển, giả mạo tài khoản mạng xã hội của người dùng để vay, mượn tiền; xây dựng các trang thương mại điện tử, giả mạo bán hàng giá rẽ; giả danh nhân viên ngân hàng, nhà hàng di động chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, thuê bao di động, sau đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng; lập các sản giao dịch chứng khoán, tiền ảo với mức lợi nhuận đầu tư cao, hấp dẫn để chiếm đoạt tài sản; đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá qua mạng intenet…

 

Từ đầu năm 2022 đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh đã điều tra, làm rõ nhiều vụ việc liên quan đến tội phạm công nghệ cao, khởi tố 19 vụ, 62 bị can với tổng số tiền gần 1.000 tỷ đồng.

 

- Tình trạng lừa đảo cho vay nặng lãi (tín dụng đen), một số người dân vì cần tiền tiêu dùng, thủ tục cho vay lại dễ dàng nên đành liều để vay với lãi suất từ 109% đến 365%/năm, sau đó lâm vào cảnh nợ nần, thế chấp hết tài sản nhà cửa, nhưng vẫn không đủ tiền để trả lãi.

 

- Tội phạm và tệ nạn đánh bạc, việc tổ chức đánh bạc và tham gia đánh bạc với số lượng đối tượng tham gia và số tiền ngày càng lớn, trong đó có một số ít cán bộ, công chức tham gia; trong thời gian vừa qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý rất nhiều vụ, nhưng vẫn chưa ngăn chặn được (6 tháng đầu năm 2023, Công an đã phát hiện 37 vụ/223 đối tượng; ngoài ra xử lý hành chính 69 vụ/224 đối tượng).

 

- Tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy, việc mua bán, tàng trữ, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy có chiều hướng gia tăng. Toàn tỉnh có 129/151 xã, phường, thị trấn có người liên quan đến ma túy, có nhiều đối tượng nghiện ma túy, mua bán, sử dụng trái phép ma túy. Mặc dù lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý rất nhiều vụ, nhưng vẫn chưa ngăn chặn được (6 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng  đã bắt giữ 115vụ/200 đối tượng, thu giữ 76,351g herôin, 7.105,143g và 259 viên ma túy tổng hợp).

 

- Tình trạng trộm cắp tài sản vẫn đang xẩy ra nhiều nơi, riêng 6 tháng đầu năm 2023 đã xẩy ra 85 vụ, chiếm 49,3% số vụ xâm phạm trật tự an toàn xã hội. Ngoài ra một số nơi hình thành băng nhóm xã hội đen, sử dụng vũ khí nóng đe dọa, khống chế lẫn nhau gây mất an ninh trật tự.

 

- Ngoài một số tội phạm nêu trên thì hiện nay đang diễn ra các vụ việc lừa đảo tinh vi khác như: Tổ chức chuyến du lịch không đồng, sau đó ép mua hàng hóa kém chất lượng giá cao; khám tư vấn sức khỏe miễn phí, sau đó bán thuốc giá cao; tổ chức tặng quà cho cá nhân, sau đó lừa chụp ảnh giá cao từ 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng mỗi cặp vợ chồng. Đặc biệt đã xẩy ra vụ việc tổ chức nói chuyện truyền thống để lấy tiền (Trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề hỗ trợ trẻ thiệt thòi ở Hà Nội), nội dung nói chuyện không được duyệt và không đúng chức năng, nhiệm vụ của tổ chức này, nhưng khi nói chuyện truyền thống xong, mỗi học sinh, giáo viên nộp 5.000 đến 10.000 đồng cho Trung tâm này. Hội CCB tỉnh đã phát hiện và báo cáo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đình chỉ hoạt động không đúng quy định của tổ chức này.

 

 

Trong thời gian vừa qua để góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Các cấp Hội CCB đã tập trung tuyên truyền, vận động CCB và Nhân dân đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào “CCB gương mẫu giữ gìn an ninh trật tự”, cuộc vận động “CCB tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông”. Hội CCB tỉnh đã tổ chức ký kết với Công an tỉnh, với Ban ATGT tỉnh, đồng thời phối hợp đề ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả các nội dung, chương trình ký kết, góp phần cùng với các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương.

 

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

 

Thứ nhất: Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt tổ chức thực hiện Kế hoạch số 37-KH/TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật.

 

Thứ hai: Thường xuyên chú trọng công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao cảnh giác và ý thức phòng ngừa xã hội; đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Phòng chống tội phạm” gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Dân vận khéo”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”…Tiếp tục rà soát, củng cố, xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải tham gia giữ gìn an ninh trật tự an toàn xã hội ở địa phương; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tạo sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư và địa phương.

 

Thứ ba: Thường xuyên chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với các địa phương nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng và các vụ việc nổi lên để có biện pháp đấu tranh ngăn chặn, nhất là các loại tội phạm hoạt động theo ổ, nhóm; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm liên quan “tín dụng đen”; tội phạm ma túy; buôn bán hàng giả, hàng cấm; tội phạm đánh bạc; tội phạm trộm cắp tài sản…

 

Thứ tư: Đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ đạo ngăn chặn các tổ chức tự phát với chiêu trò lừa đảo như chuyến du lịch không đồng, khám tư vấn sức khỏe, tặng các loại quà…sau đó lừa đảo để lấy tiền giá cao thu lợi bất chính. Kiên quyết không cấp giấy giới thiệu để các tổ chức này hoạt động trọng địa phương, cơ quan, đơn vị mình.

 

Thứ năm: Thường xuyên phối hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân phát hiện, báo tin, tố giác tội phạm, tiến hành điều tra, xử lý nghiêm minh nhằm răn đe, phòng ngừa chung. Tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng trong tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự ATGT, trật tự công cộng, trật tự và văn minh đô thị; chủ động phòng chống tội phạm. giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

 

 

Công tác bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội trong thời gian tới đòi hỏi phải phát huy hơn nữa sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của Nhân dân. Tin tưởng những kết quả đạt được trong công tác bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội sẽ được phát huy; đồng thời các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng tiếp tục có nhiều biện pháp để thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an toàn trật tự an toàn xã hội trong thời gian tới, góp phần tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

 

(Bài phát biểu thảo luận của đại biểu Trần Ngọc Sâm,

Tổ đại biểu huyện Bố Trạch tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVIII) 

Các tin khác