Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 8

  • Hôm nay 1046

  • Tổng 3.023.077

Những vấn đề lý luận và thực tiễn làm căn cứ tham gia ý kiến cho Luật Hợp tác xã (sửa đổi) (Phần 2)

16:23, Thứ Hai, 10-4-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Với hành lang pháp lý về kinh tế tập thể (KTTT) nói chung và hợp tác xã (HTX) nói riêng, sau hơn 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, hàng loạt cơ chế, chính sách đối với kinh tế HTX đã được ban hành, tạo động lực cho HTX phát triển, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.  Cùng nhìn lại thực trạng phát triển của HTX trong 10 năm qua để có căn cứ tham gia ý kiến cho Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Tình hình phát triển các loại hình kinh tế tập thể ở nước ta hiện nay và những đòi hỏi thực tế

Đến hết năm 2020, cả nước có 26.112 HTX, 100 liên hiệp HTX và 119.248 THT . Khu vực KTTT đã từng bước thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, xuất hiện nhiều mô hình có hiệu quả, góp phần tạo được niềm tin vào triển vọng phát triển của KTTT, góp phần quan trọng trong phát triển KTXH, xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, năm 2020, cả nước có 17.462 HTX, 57 liên hiệp HTX, 39.354 THT nông nghiệp. Các HTX, liên hiệp HTX, THT nông nghiệp có vai trò rất lớn đối với cộng đồng nông thôn thông qua việc tham gia các hoạt động KTXH như: cung ứng dịch vụ hỗ trợ sản xuất cho thành viên (bơm tát nước, bảo vệ thực vật, cung ứng vật tư đầu vào, kỹ thuật, thu hoạch, bao tiêu…), thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo việc làm thường xuyên hơn đối với lao động nông thôn.

Trong các lĩnh vực phi nông nghiệp, năm 2020, cả nước có 8.650 HTX phi nông nghiệp, tăng 1.254 HTX so với năm 2011 (tương đương 16,9%), chiếm 33% tổng số HTX. Các HTX phi nông nghiệp bao gồm: 1.182 Quỹ Tín dụng nhân dân, 2.319 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 2.225 HTX thương mại – dịch vụ, 1.700 HTX giao thông vận tải, 1.075 HTX xây dựng, 149 HTX trong lĩnh vực khác. Các HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp phát triển cả về quy mô, chất lượng, tổ chức sản xuất đa dạng ngành nghề, tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đạt từ 50%- 83% . Phần lớn các HTX có liên kết với doanh nghiệp, chuỗi giá trị thị trường trong nước, nhiều HTX có sản phẩm xuất khẩu. Đối với THT phi nông nghiệp, tính đến 30/6/2020, cả nước có khoảng 63.420 THT hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp . Phần lớn THT hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng. 

Các chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể đã được triển khai trên nhiều khía cạnh, cụ thể như Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm thường xuyên. Từ năm 2013-2020 có hơn 344.000 lượt cán bộ, thành viên HTX được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng (trong đó có gần 20.000 cán bộ HTX được hỗ trợ đào tạo từ sơ cấp đến đại học) với tổng kinh phí khoảng 323 tỷ đồng (trong đó ngân sách trung ương khoảng 148,9 tỷ đồng). Nội dung đào tạo, bồi dưỡng khá đa dạng, đáp ứng được một phần yêu cầu tổ chức, quản lý và hoạt động SXKD của HTX. Chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình hội nhập kinh tế quốc tế. Giai đoạn 2013-2020 có khoảng 7.156 HTX được hỗ trợ về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường với tổng kinh phí hơn 93 tỷ đồng (ngân sách Trung ương đóng góp hơn 37 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 55,6 tỷ đồng) . 

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN cho các HTX được thực hiện thông qua Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và cấp tỉnh. Giai đoạn 2013-2020 cả nước đã hỗ trợ được 5.778 HTX hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ với tổng số kinh phí khoảng 212 tỷ (ngân sách trung ương hơn 49 tỷ, ngân sách địa phương 163 tỷ) . 
Về chính sách tiếp cận vốn, trong giai đoạn 2011-2020, đầu tư tín dụng đối với loại hình KTTT đã đạt được những kết quả như sau: doanh số cho vay đối với khu vực KTTT bình quân mỗi năm đạt trên 4.500 tỷ đồng; dư nợ cho vay đối với HTX, liên hiệp HTX tăng từ 5.847 tỷ đồng năm 2011 lên 7.133 tỷ đồng (tăng 21,9%) vào thời điểm tháng 4/2020; dư nợ cho vay đối với THT tăng từ 18 tỷ đồng năm 2011 lên khoảng 22 tỷ đồng (tăng 22,2%) vào thời điểm tháng 4/2020 .

Hệ thống Quỹ hỗ trợ phát triển HTX được tổ chức từ Trung ương đến địa phương. Việc ra đời và đi vào hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã tạo thêm một kênh hỗ trợ về nguồn vốn đối với các HTX. Về cơ bản, các HTX sau khi vay vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX phát triển khá hiệu quả, đã tăng trưởng về quy mô và hiệu quả SXKD: doanh thu, lợi nhuận sau thuế tăng bình quân 50% - 60%; số thành viên tăng bình quân 4%; số lao động tăng bình quân 37%; thu nhập bình quân tăng 35%; số nộp ngân sách tăng bình quân 74% . 
Các HTX được tạo điều kiện thành lập, tham gia các chương trình mục tiêu, phát triển KTXH của địa phương như: nông thôn miền núi, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, Chương trình khuyến công và xúc tiến thương mại, Chương trình khuyến nông, lâm, ngư, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… Trong giai đoạn 2013-2020, đã có hơn 4.300 HTX tham gia các chương trình mục tiêu, phát triển KTXH . 

Việc hỗ trợ thành lập mới, tổ chức lại hoạt động của HTX được bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương, với các nội dung tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ HTX, xây dựng điều lệ, phương án SXKD, tổ chức Đại hội, đăng ký HTX... Trong giai đoạn 2013 - 2020, cả nước đã hỗ trợ cho 7.602 HTX trên tổng số 16.190 HTX thành lập mới với tổng kinh phí là 121 tỷ đồng,.

Chính sách BHXH đối với cán bộ quản lý, người lao động trong HTX đã từng bước được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện theo hướng mở rộng đối tượng thuộc diện tham gia nhằm đảm bảo quyền thụ hưởng chính sách của cán bộ quản lý, người lao động trong các HTX. Trong giai đoạn 2013 - 2018 số cán bộ quản lý HTX (bao gồm cả người lao động làm việc theo hợp đồng lao động) tham gia BHXH khoảng trên 40 nghìn người (bình quân 4 người/01 đơn vị hành chính cấp xã). Tiền lương đóng BHXH tăng ở mức tương đương với tốc độ tăng lương tối thiểu vùng (bình quân khoảng 14%/năm), năm 2018 là gần 4,3 triệu đồng/tháng (bình quân chung của các nhóm đối tượng là 5,1 triệu đồng/tháng). Số thu BHXH ở khu vực này tăng qua các năm, đến năm 2018 số thu BHXH là 569,311 tỷ đồng. 

Để phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi về thuế đối với HTX, đặc biệt là đối với các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với các lĩnh vực, địa bàn được ưu đãi thuế; tập trung ở các sắc thuế: thuế TNDN; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thuế sử dụng đất nông nghiệp...

Hiện nay, cả nước có 1.347 HTX tham gia liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, có tổng số 609 doanh nghiệp tham gia liên kết với HTX, THT và nông dân trong sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp . 

Đối với các HTX nông nghiệp, có nhiều chính sách hỗ trợ chi tiết hơn, điển hình là chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Trong giai đoạn 2013-2020, có khoảng 2.209 HTX được hỗ trợ về phát triển kết cấu hạ tầng với tổng kinh phí là hơn 2.114 tỷ đồng . Kinh phí này chủ yếu được lồng ghép từ các chương trình hỗ trợ có mục tiêu có đối tượng thụ hưởng là các HTX. Các hạng mục công trình thường được đầu tư gồm nhà kho, cửa hàng kinh doanh vật tư, lò sấy, cơ sở thu mua, chế biến bảo quản tiêu thụ sản phẩm, công trình thủy lợi, giao thông nội đồng, khu làm việc và trưng bày sản phẩm, trụ sở làm việc, nhà xưởng giết mổ gia súc gia cầm; hệ thống điện 3 pha, trạm bơm điện… 

Với chính sách giao đất, cho thuê đất, giai đoạn 2013-2020, cả nước có 485 HTX được giao 24 triệu m2 đất, 2.050 HTX được hỗ trợ cho thuê hơn 10,7 triệu m2 đất . Đối với đất sử dụng vào mục đích SXKD, trong đó có đất sử dụng vào mục đích SXKD của HTX được Nhà nước cho thuê đất và được ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất nếu đầu tư vào lĩnh vực ưu đãi đầu tư thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư. 

Với chính sách ưu đãi về tín dụng, trong giai đoạn 2013-2020, dư nợ cho vay đối với HTX theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP đạt khoảng 3.200 tỷ đồng, trong đó cho vay không có tài sản đảm bảo đối với các HTX đạt khoảng 70 tỷ đồng, cho 35 HTX, chiếm tỷ trọng rất ít (khoảng 2,18%) trong tổng dư nợ cho vay theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP .

Với chính sách hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đây là một trong những chính sách mới được quy định theo Luật Hợp tác xã năm 2012 đối với các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, HTX được ngân sách nhà nước kịp thời hỗ trợ bằng tiền, hoặc cây, con giống đảm bảo chất lượng, phù hợp với sinh thái địa phương khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ đối với diện tích cây trồng bị thiệt hại từ 30% trở lên; hỗ trợ đối với vật nuôi thiệt hại do thiên tai, thiệt hại do dịch bệnh nguy hiểm; hỗ trợ đối với nuôi trồng thủy, hải sản bị thiệt hại từ 30% trở lên. Trong giai đoạn 2013-2020, có 521 HTX được hỗ trợ với kinh phí hơn 206 tỷ đồng (khoảng 3,5% tổng số HTX nông nghiệp) . 

Với chính sách hỗ trợ chế biến sản phẩm, Nghị định số 193/2013/NĐ-CP đã quy định sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, cấp tỉnh và kinh phí sự nghiệp nghiên cứu KHCN để hỗ trợ các HTX, liên hiệp HTX đổi mới, ứng dụng công nghệ. Ngoài ra, các địa phương đã vận dụng các chính sách hiện hành như chính sách hỗ trợ KHCN, khuyến nông, chính sách hỗ trợ chế biến và ngành nghề nông thôn…để thực hiện hỗ trợ cho các HTX. Trong giai đoạn 2013-2020, có khoảng 1.600  HTX nông nghiệp được hỗ trợ gần 400 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ từ ngân sách Trung ương chiếm 87% .

Với Chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp thực tiễn triển khai hoạt động thí điểm BHNN cho thấy chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc triển khai BHNN là hết sức đúng đắn. Đây là chính sách nhằm ổn định sản xuất và đời sống của người dân, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Cụ thể, đã hình thành 3 sản phẩm BHNN (cây lúa, vật nuôi và thủy sản). Thực tế, trong giai đoạn 2013-2016, số HTX thực hiện mua BHNN qua HTX là 113 HTX với tổng kinh phí là 6.559 triệu đồng .

Một số hạn chế, bất cập trong ban hành và thực hiện pháp luật về kinh tế tập thể
 

Về quy định của pháp luật 
Thứ nhất, một số quy định Luật Hợp tác xã năm 2012 còn bộc lộ hạn chế, bất cập. Cụ thể: (1) Về nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quyền và nghĩa vụ của HTX; (2) Về thành viên HTX và HTX thành viên; (3) Về thành lập và đăng ký HTX, liên hiệp HTX; (4) Về tổ chức quản lý HTX, liên hiệp HTX; (5) Về tài sản, tài chính của HTX, liên hiệp HTX; (6) Về quản lý Nhà nước đối với HTX và liên hiệp HTX.

Thứ hai, một số quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 còn chưa được hướng dẫn cụ thể hoặc có hướng dẫn nhưng chưa khả thi dẫn đến khó triển khai, như: xác định tài sản không chia, xử lý tài sản không chia sau chuyển đổi, giải thể HTX; thủ tục giải thể bắt buộc đối với HTX; hướng dẫn chuyển đổi HTX sang các loại hình tổ chức khác; hướng dẫn định mức và thủ tục thực hiện hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho HTX nông nghiệp; công tác kiểm toán đối với HTX... 

Thứ ba, thời gian ban hành một số văn bản hướng dẫn Luật Hợp tác xã năm 2012 kéo dài và phải điều chỉnh nên quá trình triển khai thực hiện Luật gặp nhiều khó khăn, như: Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã ban hành chậm gần 06 tháng so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành, Nghị định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đến nay chưa ban hành.

Thứ tư, một số văn bản hướng dẫn thi hành luật còn bất cập. Các quy định về thủ tục để thành lập các HTX rườm rà gây khó khăn cho việc thành lập HTX. Việc quy định về ngành nghề SXKD trong nội dung điều lệ HTX gây khó khăn cho HTX so với doanh nghiệp. Còn thiếu một số quy định cụ thể như: hướng dẫn chuyển đổi HTX sang các loại hình tổ chức khác (doanh nghiệp, THT); quy định cho phép thanh lý tài sản không chia của HTX trong trường hợp tài sản hư hỏng, không còn khả năng sử dụng; một số cơ chế để tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX hoạt động như: tham gia BHNN, vay vốn tín dụng (từ các tổ chức tín dụng và từ nguồn công nghệ cao); một số hướng dẫn của các Bộ, ngành cũng cần nghiên cứu để điều chỉnh cho phù hợp. Quy định về tỷ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng không phải thành viên HTX không quá 50% tại Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 15/9/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP vẫn cần xem xét, cân nhắc để điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Quy định này đã gây khó khăn cho hoạt động SXKD của HTX. Trong nhiều trường hợp, thành viên HTX không có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm dịch vụ của HTX nhiều (ít hơn tỷ lệ 50%) nhưng vì bị khống chế tỷ lệ cung ứng sản phẩm ra bên ngoài, HTX  bị lâm vào tình thế khó trong việc tiêu thụ sản phẩm và ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động hiệu quả của HTX. Còn thiếu hướng dẫn định mức và thủ tục thực hiện hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho HTX nông nghiệp theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg.

Thứ năm, còn thiếu các quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ, ưu đãi dành cho THT. Văn bản quy phạm pháp luật chính đang điều chỉnh vị trí pháp lý và hoạt động của các THT hiện nay là Bộ Luật Dân sự năm 2015 và Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10/10/2019, thay thế cho Nghị định số 151/2007/NĐ-CP và có hiệu lực kể từ ngày nhưng từ ngày 25/11/2019. Tuy nhiên, cả Nghị định số 151/2007/NĐ-CP và Nghị định số 77/2019/NĐ-CP chỉ nêu nguyên tắc là THT được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước mà không đưa ra chính sách hỗ trợ cụ thể. Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản dưới luật không có quy định liên quan đến đối tượng THT và cũng không có các cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho THT.

Về tổ chức thực hiện pháp luật

Thứ nhất, việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền phổ biến về pháp luật HTX chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao dẫn đến nhận thức về pháp luật HTX chưa thống nhất. Một số địa phương còn lúng túng trong việc triển khai một số quy định mới của luật như: quy định làm hợp đồng dịch vụ giữa HTX với các thành viên, mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên, sản phẩm, dịch vụ của HTX cho thành viên… Bên cạnh đó, do thiếu cập nhật kiến thức, pháp luật HTX nên chính quyền cấp xã một số nơi đã gây trở ngại cho các sáng lập viên, cán bộ HTX khi giao dịch, đăng ký thành lập hoặc thay đổi nội dung đăng ký HTX, hoặc can thiệp quá sâu vào hoạt động của HTX, ảnh hưởng đến việc tự chủ và hiệu quả kinh doanh của HTX.

Thứ hai, Luật Hợp tác xã 2012 và Nghị định số 193/2013/NĐ-CP quy định 11 chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các HTX nhưng thực tế các chính sách này đi vào cuộc sống chưa nhiều. Một số chính sách thực hiện chưa hiệu quả như chính sách ưu đãi tín dụng, hỗ trợ chế biến sản phẩm…; số lượng HTX được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước còn hạn chế.

Thứ ba, một số địa phương vẫn chưa thấy rõ vai trò của HTX trong việc phát triển KTXH của địa phương nên việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền còn hình thức, chưa thực sự quan tâm tới phát triển KTTT.

Thứ tư, việc thực hiện một số quy định của Luật như: (1) chế độ kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về HTX còn thực hiện chưa thường xuyên và nghiêm túc, chưa kịp thời xử lý vi phạm pháp luật của HTX, các cá nhân, tổ chức liên quan; (2) chế độ báo cáo thống kê giữa các Bộ, ngành Trung ương và địa phương chưa thực hiện tốt nên rất khó khăn trong việc tổng hợp; không có hệ thống số liệu về KTTT hoặc nếu có thì không đầy đủ, không cập nhật, chưa chính xác.

Thứ năm, nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển các HTX còn hạn chế, số lượng HTX được tiếp cận chính sách chưa nhiều; việc tiếp cận các nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, Quỹ Bảo vệ môi trường và vốn vay từ các tổ chức tín dụng của các HTX còn hạn chế. 

Về bộ máy và phương thức hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể

Thứ nhất, đa số các HTX có vốn ít, trang thiết bị lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết. Việc ứng dụng KHCN trong quản lý, điều hành của các HTX còn hạn chế. Khả năng huy động vốn của các hộ thành viên rất hạn chế, khó vay vốn trung hạn, dài hạn từ ngân hàng. Một số HTX chưa thể hiện được vai trò kết nối giữa các thành viên với thị trường, sự gắn kết lợi ích giữa HTX và thành viên mờ nhạt, chưa mang tinh thần hợp tác. Lợi ích kinh tế trực tiếp HTX mang lại cho thành viên chưa nhiều. Việc liên kết, liên doanh giữa HTX với HTX, giữa HTX với các thành phần kinh tế khác còn ít, hiệu quả chưa cao. 

Thứ hai, một số HTX thực hiện đăng ký lại còn hình thức, phương thức hoạt động không thay đổi, chưa đáp ứng được các quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012. Không ít HTX vẫn còn tình trạng thành viên không góp vốn, chưa điều chỉnh vốn góp tối đa từ 30% vốn điều lệ xuống mức 20% vốn điều lệ. Một số HTX chưa tổ chức ký kết hợp đồng dịch vụ, chưa cấp giấy chứng nhận góp vốn. Việc đánh giá lại tài sản, xác định lại tư cách thành viên, việc xác nhận vốn góp cho các thành viên đã chết, mất tích hoặc bỏ trốn khỏi địa phương, không có người thừa kế còn lúng túng.

Thứ ba, công tác kế toán, tài chính của HTX chưa được thực hiện nghiêm túc, bài bản, do đó chế độ báo cáo của HTX chưa thường xuyên. Việc xây dựng báo cáo tài chính, phương án SXKD còn hạn chế.

Thứ tư, HTX hoạt động trong các lĩnh vực phi nông nghiệp như môi trường, giao thông vận tải, xây dựng, tín dụng còn nhiều hạn chế. 

Về thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể

Thứ nhất, bộ máy quản lý nhà nước về KTTT ở cấp Trung ương còn phân tán, chưa tập trung. Hiện nay mới chỉ có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước thành lập được đơn vị chuyên trách thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KTTT. Các Bộ, ngành khác không thành lập đơn vị chuyên trách mà giao cho một đơn vị trong Bộ thực hiện kiêm nhiệm và chỉ bố trí một số cán bộ kiêm nhiệm theo dõi. Tại các địa phương, mới chỉ có khoảng 40% tỉnh, thành phố thành lập Phòng Doanh nghiệp, KTTT và tư nhân tại Sở Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về KTTT. Các địa phương còn lại chưa có đơn vị chuyên trách và chưa có sự thống nhất trong việc phân công đơn vị quản lý nhà nước về KTTT tại các Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Thứ hai, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước về KTTT các cấp chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về kiến thức về HTX. Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về HTX còn thiếu và yếu, phần lớn là cán bộ kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi nên gặp nhiều khó khăn trong việc tích lũy kiến thức chuyên ngành về HTX, cũng như bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về KTTT cho đội ngũ cán bộ này.

Thứ ba, với lực lượng cán bộ quản lý nhà nước về HTX mỏng, trình độ năng lực còn hạn chế, kiêm nhiệm nhiều việc nên công tác kiểm tra, giám sát, nắm tình hình thực hiện Luật Hợp tác xã 2012 chưa được triển khai thường xuyên, chưa kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc của HTX để hướng dẫn giải quyết hoặc kiến nghị các cấp, ngành có thẩm quyền giải quyết. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức đoàn thể xã hội, nhân dân trong việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong quá trình hoạt động của các HTX còn hạn chế.

Thứ tư, hệ thống số liệu cơ bản về HTX chưa đầy đủ và chính xác, độ tin cậy chưa cao nên hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về KTTT nhìn chung còn yếu và nhiều bất cập. 

Những hạn chế trên đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan như: Tình hình KTXH trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn, bất ổn nên nguồn lực hỗ trợ cho KTTT còn hạn chế, không có dòng ngân sách riêng để hỗ trợ HTX; nguồn vốn tín dụng khó tiếp cận đối với HTX, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX hạn hẹp; Tâm lý e ngại đối với HTX kiểu cũ vẫn còn ảnh hưởng nặng nề trong đông đảo tầng lớp nhân dân, trong khi HTX kiểu mới chưa thực sự huy động được sự tham gia của thành viên vào các hoạt động của HTX, chưa thể hiện được tinh thần hợp tác của tổ chức; Phương thức sản xuất tự do, nhỏ lẻ đã trở thành thói quen, giữ vai trò chủ đạo trong tư duy sản xuất của người nông dân. Trong khi đó, có rất ít mô hình liên kết sản xuất thành công, có hiệu quả để tuyên truyền, nhất là các chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa.

Bên cạnh đó là các nguyên nhân chủ quan: Công tác xây dựng cơ chế, chính sách chưa kịp thời, còn nhiều vướng mắc chậm tháo gỡ; môi trường pháp lý chưa thuận lợi cho các chủ thể kinh tế tham gia HTX; cơ chế huy động và phân bổ nguồn lực cho khu vực KTTT còn nhiều bất cập; chính sách ưu đãi, hỗ trợ KTTT được ban hành nhiều nhưng nguồn lực thiếu nên khó đi vào thực tiễn.

- Bộ máy quản lý nhà nước về HTX chưa được quan tâm, kiện toàn theo yêu cầu, thiếu cán bộ chuyên trách về KTTT, đa phần là kiêm nhiệm, chưa nắm chắc chuyên môn, thiếu thực tế, nên việc tham mưu thực hiện công tác quản lý nhà nước về HTX còn hạn chế.

- Nhiều HTX vẫn ở trong tình trạng khó khăn, yếu kém kéo dài, năng lực nội tại còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu; năng lực, trình độ cán bộ quản lý trong khu vực HTX còn hạn chế, không đáp ứng được nhiệm vụ SXKD trong điều kiện hiện nay.

-  Chưa có sự quan tâm đúng mức của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo, định hướng, xây dựng cơ chế chính sách, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho KTTT, HTX phát triển.

- Nhận thức về phát triển KTTT, HTX của một bộ phận cán bộ các cấp và nhân dân chưa đầy đủ, chưa hiểu đúng vai trò bản chất của HTX kiểu mới. Nhiều HTX chưa nhận thấy sự khác biệt quan trọng giữa Luật Hợp tác xã năm 2003 và Luật Hợp tác xã năm 2012 nên chưa thực hiện đầy đủ quy định của Luật, vẫn hoạt động theo kiểu “bình mới, rượu cũ”. Một số HTX hoạt động còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước (điển hình là các HTX kiểu cũ vùng đồng bằng sông Hồng).

- Trình độ nhận thức, năng lực và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn yếu, chưa được đào tạo bài bản. Tâm lý chung của cán bộ HTX không muốn làm lâu dài do thu nhập thấp, chưa ổn định và một số nơi chưa được tham gia BHXH. Lao động có tay nghề cao trong các HTX đang dần bị mai một, chưa được trẻ hóa để thay thế kịp thời hoặc bị thu hút sang các loại hình khác có sức hấp dẫn hơn.

- Công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán đối với hoạt động của HTX rất hạn chế nên dẫn đến thiếu tính minh bạch trong hoạt động của các HTX, do đó gây tâm lý hoài nghi, thiếu tin tưởng của thành viên đối với HTX.

Những khó khăn, bất cập trên đây đặt ra cho công tác xây dựng chính sách, đặc biệt là lập pháp những nhiệm vụ cụ thể để thúc đẩy sự phát triển của KTTT nói chung, HTX nói riêng - một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta hiện nay.
 

Phòng Công tác Quốc hội (tổng hợp)

Các tin khác