Thực trạng và giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong bối cảnh hiện nay
Trong hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/3, Đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Bình đã tham gia chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Websites Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh lược ghi một số nội dung về giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, giải quyết án tồn đọng mà ngành tòa án giải trình.
Ngày 13/3/2023, Tòa án nhân dân tối cao đã có báo cáo số 25/BC-TA gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức hoạt động chất vấn . Theo đó, báo cáo đã chỉ ra những hạn chế của công tác giải quyêt, xét xử các vụ án và đề ra nhiều giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng công tác xét xử, giải quyết án tồn đọng.
Từ năm 2018 đến nay, các Tòa án trên cả nước đã giải quyết được 2.427.859 vụ án các loại trong tổng số 2.490.699 vụ án đã thụ lý. So với cùng kỳ của 05 năm trước (2013-2017), số lượng các vụ án Tòa án phải giải quyết tăng 507.849 vụ; đã giải quyết tăng 487.903 vụ. Mặc dù số lượng các loại vụ án phải thụ lý giải quyết tăng nhiều và có tính chất ngày càng phức tạp nhưng các Tòa án đã chủ động triển khai thực hiện tốt 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử. Đặc biệt, năm 2022, số lượng các loại vụ việc thụ lý tăng 29.944 vụ so với năm trước nhưng các Tòa án đã giải quyết đạt tỷ lệ 88,9%, cao hơn năm trước 7,7%. Hầu hết các vụ việc được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật. Chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án tiếp tục được nâng lên, tỷ lệ các bản án quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan được hạn chế ở mức thấp (dưới 1,5%), đáp ứng được yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Về giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, trong 5 năm qua (từ 2018-2022), các Tòa án đã thụ lý 38.783 vụ; đã giải quyết, xét xử được 35.561 vụ. Số liệu thống kê qua các năm cho thấy, số lượng các vụ án hành chính có xu hướng tăng dần qua các năm với tính chất các vụ án ngày càng phức tạp. Quá trình giải quyết, các Tòa án đã chú trọng tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện; khắc phục việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng hồ sơ vụ án, thu thập đầy đủ chứng cứ cần thiết nhằm đảm bảo giải quyết vụ án đúng pháp luật; tăng cường đối thoại trong quá trình giải quyết để nâng cao tỷ lệ các vụ án được đối thoại thành, góp phần giải quyết triệt để các tranh chấp làm phát sinh kiếu kiện các vụ án hành chính…. Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đột phá, năm 2022, các Tòa án đã thụ lý 11.746 vụ; đã giải quyết, xét xử được 8.524 vụ (so với năm 2021, thụ lý tăng 1.018 vụ; đã giải quyết, xét xử tăng 2.831 vụ); đạt tỷ lệ 72,6%; vượt 12,6% so với chỉ tiêu theo Nghị quyết Quốc hội.
Về giải quyết, xét xử các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, trong 5 năm qua (từ 2018-2022), các Tòa án đã thụ lý 12.723 vụ với 26.376 vụ; đã giải quyết, xét xử được 12.244 vụ với 25.144 bị cáo; trong đó, năm 2022, các Tòa án đã thụ lý 3.405 vụ với 7.653 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 2.926 vụ với 6.421 bị cáo. Các vụ án kinh tế, tham nhũng mà Tòa án đã xét xử chủ yếu là phạm các tội về “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”, “Tham ô tài sản”, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”... Quá trình giải quyết, các Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước; đồng thời, chú trọng quyết định tịch thu tài sản do phạm tội mà có, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại. Đã xử lý nghiêm các vụ án, nhất là những vụ án gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm; đồng thời chú trọng tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với các bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Về giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, trong 5 năm qua (từ 2018-2022), tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân cấp cao phải giải quyết là 46.226 đơn/vụ; đã giải quyết được 41.166 đơn/vụ. Đặc biệt, năm 2022, với việc tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp đề ra, Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân cấp cao đã giải quyết được 8.403/13.463 đơn/vụ, đạt tỷ lệ 62,4%; vượt 2,4% so với chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội.
Tuy vậy, công tác xét xử, giải quyết các vụ án vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như một số vụ án giải quyết quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan; tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; tỷ lệ giải quyết đơn yêu cầu tuyên bố phá sản còn chưa cao; Việc giải quyết các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng còn gặp khó khăn, vướng mắc như: nhận thức giữa các cơ quan tiến hành tố tụng về một số quy định của pháp luật còn chưa thống nhất; việc xác định thiệt hại thực tế trong một số trường hợp rất khó khăn, việc giám định thiệt hại thường bị kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án…
Những tồn tại trên đây do một số nguyên nhân như: Số lượng các loại vụ việc và đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà các Tòa án phải thụ lý, giải quyết ngày càng tăng với tính chất phức tạp, chứng cứ không rõ ràng mất nhiều thời gian xác minh, trong khi số lượng Thẩm phán, công chức chưa đủ để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ dẫn đến áp lực rất lớn với Tòa án. Tỷ lệ án hành chính bị hủy, sửa còn cao do các tranh chấp phát sinh có xu hướng tăng về số lượng và chủ yếu liên quan đến đất đai rất phức tạp. Việc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật trong một số vụ án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vẫn còn tình trạng Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (hoặc người đại diện) không chấp hành nghiêm quy định của Luật Tố tụng hành chính, nhiều vụ án Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cung cấp tài liệu, chứng cứ không đầy đủ hoặc không đúng thời hạn theo yêu cầu của Tòa án, có vụ việc không cung cấp chứng cứ dẫn đến thời gian giải quyết vụ án bị kéo dài. Nhiều vụ án, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (hoặc người đại diện) có đơn xin giải quyết, xét xử vắng mặt, thậm chí có trường hợp vắng mặt tại các phiên đối thoại hoặc các phiên tòa nhưng không có đơn xin phép vắng mặt, dẫn đến Tòa án phải hoãn phiên tòa, gây khó khăn cho Tòa án trong công tác xét xử và gây bức xúc cho người khởi kiện...
Quá trình giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, các Tòa án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến xác định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; thực hiện quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, quyền, nghĩa vụ của Quản tài viên, việc giám sát hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, quyền, nghĩa vụ của người tham gia thủ tục phá sản, người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; về tạm ứng chi phí phá sản, chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, về giải quyết việc đình chỉ thi hành án dân sự, giải quyết vụ việc liên quan vụ việc phá sản…
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế của công tác xét xử, giải quyết các loại vụ án, Tòa án Nhân dân các cấp đã thống nhất một số giải pháp khắc phục, cụ thể:
Đối với các giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, tiếp tục duy trì và thực hiện tốt 14 giải pháp đột phá mà Hội nghị ngành tòa án (tổ chức vào tháng 2/2023) đã đề ra, để nâng cao chất lượng xét xử đang được thực hiện. Theo đó, các Tòa án cần tập trung khắc phục bằng được các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn hoạt động; đồng thời phát triển, hoàn thiện theo hướng nâng cao yêu cầu, chất lượng đối với một số giải pháp cho phù hợp với tình hình mới.
Bên cạnh đó, ngành tòa án chú trọng triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ về Cải cách Tư pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; triển khai thi hành có hiệu quả Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, góp phần làm giảm áp lực về công việc cho các Tòa án. Chánh án Tòa án các cấp cần thường xuyên chấn chỉnh và khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót trong quá trình triển khai thi hành Luật; chú trọng làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền trực tiếp cho Nhân dân về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Ưu tiên bố trí phòng làm việc cũng như trang thiết bị phục vụ công tác hòa giải phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị.
Ngoài ra, tăng cường kỷ cương, kỷ luật; nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, người lao động Tòa án các cấp, trước hết là các đồng chí lãnh đạo Tòa án các cấp, các công chức có chức danh tư pháp nhằm củng cố và tạo niềm tin của người dân đối với Tòa án.
Đối với các giải pháp nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hành chính, ngành tòa án đề ra 3 nhóm giải pháp, về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, tổ chức, chỉ đạo thực hiện. Trong đó có chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; chú trọng đào tạo lại, thường xuyên bồi dưỡng về nghiệp vụ giải quyết án hành chính cho đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án; thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm, giải đáp vướng mắc trong các quy định của pháp luật cũng như thực tiễn xét xử các vụ án hành chính; tăng cường bố trí, phân công Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký có năng lực, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức và kinh nghiệm thực tiễn xét xử để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết. Bên cạnh đó, chỉ đạo việc nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các quy định của Luật Tố tụng hành chính có vướng mắc trong thực tiễn áp dụng; tăng cường nghiên cứu, lựa chọn, phát triển án lệ trong lĩnh vực hành chính. Đồng thời, sẽ tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính 2015; qua tổng kết, nếu có đủ cơ sở đề nghị sửa đổi, bổ sung sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Song song với đó, công tác triển khai thực hiện sẽ tập trung nâng cao chất lượng đối thoại trong các vụ án hành chính. Triển khai thí điểm đối thoại trực tuyến; tăng cường tổ chức xét xử trực tuyến theo Nghị quyết số 33 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến; đề xuất thành lập tòa chuyên biệt sơ thẩm hành chính.
Đối với các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, ngành tòa án chú trọng làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan có liên quan nâng cao chất lượng hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật liên quan tới các tội phạm về tham nhũng, nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án này. Đồng thời tăng cường sự phối hợp với các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong quá trình giải quyết vụ án; bố trí các Thẩm phán có kinh nghiệm, năng lực tham gia giải quyết, xét xử các vụ án về kinh tế, tham nhũng.
Để nâng cao chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, ngành tòa án cũng đưa ra 6 giải pháp về thể chế, về tổ chức, chỉ đạo thực hiện, về cán bộ, về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, về thanh tra, kiểm tra, giám sát và về tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành liên quan.
Phòng Công tác Quốc hội (tổng hợp)
- Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô (26/12/2022)
- Một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) (14/11/2022)
- Một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Phòng thủ dân sự (14/11/2022)
- Một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) (09/11/2022)
- Một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi) (09/11/2022)
- Một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) (09/11/2022)
- Một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) (09/11/2022)
- Một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) (03/11/2022)
- Một số ý kiến góp ý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (30/10/2022)
- Một số ý kiến góp ý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) (30/10/2022)