Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 1963

  • Tổng 2.848.432

Một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

9:43, Thứ Tư, 9-11-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Để chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp.

 

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật:


1. Về giá trị pháp lý của giao dịch


Trong cùng một thời điểm, khi một giao dịch được thực hiện song song cả giao dịch điện tử và giao dịch truyền thống (không thực hiện bằng phương tiện điện tử) thì giao dịch nào được chấp nhận và có giá trị sử dụng. Đề nghị bổ sung điều luật quy định về trường hợp này.


2. Về người trung gian quy định tại khoản 11 Điều 4, theo đó người trung gian cũng giữ một vai trò quan trọng khi là người thực hiện việc gửi, nhận hoặc lưu trữ thông điệp dữ liệu nhưng chưa có quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của người trung gian đối với các bên trực tiếp tham gia vào giao dịch điện tử gây ra nhiều bất cập trong việc đảm bảo an toàn của giao dịch điện tử khi có vấn đề xảy ra. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người trung gian đối với các bên trực tiếp tham gia vào giao dịch điện tử.


3. Về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu


- Tại khoản 2 Điều 11 quy định  “Trường hợp pháp luật yêu cầu văn bản phải được chứng thực thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu nếu được chứng thực bởi tổ chức, cá nhân khởi tạo thông điệp dữ liệu hoặc một tổ chức được cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu”. Vậy đề nghị quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện “chứng thực bởi tổ chức, cá nhân khởi tạo thông điệp dữ liệu hoặc một tổ chức được cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu”; trong đó phải đảm bảo tính thống nhất với quy định pháp luật về chứng thực được quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch; Thông tư 01/2020/TT-BTP hướng dẫn Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký  và chứng thực hợp đồng, giao dịch và chứng thực bản sao điện tử từ bản chính theo quy định tại Điều 10, Điều 14 Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để thuận tiện trong quá trình áp dụng. Trong trường hợp cần quy định chi tiết, đề nghị giao cho Chính phủ quy định. 


- Tại khoản 3 Điều 11 quy định “Trường hợp pháp luật yêu cầu văn bản phải được công chứng thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật về công chứng”. Đối với quy định này, đề nghị xem xét quy định cho phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014. Vì theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng thì “Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng”. Theo quy định nêu trên thì văn bản công chứng phải do công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp./.


Phòng CTQH
 

Các tin khác