Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 888

  • Tổng 2.847.357

Một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

9:43, Thứ Tư, 9-11-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Để chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp.

 

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật:


1. Đối với nội dung giải thích từ ngữ được quy định tại Điều 4


- Đề nghị bỏ khoản 1 quy định giải thích thuật ngữ “bản sao”: quy định về bản sao hiện này được quy định cụ thể trong một số văn bản QPPL trong lĩnh vực tư pháp (Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ Về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch; khoản 7 Điều 3 Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử); Luật các tổ chức kinh tế hợp tác chỉ nên quy định những vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của hợp tác xã.


- Tại khoản 6, quy định về giấy tờ pháp lý của cá nhân là một trong các loại giấy tờ sau đây: thẻ Căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, tài liệu chứng thực cá nhân hợp pháp khác. Vậy “tài liệu chứng thực cá nhân hợp pháp khác” là những loại giấy tờ nào, sử dụng bản chính hoặc bản sao từ sổ gốc có được hay không? đề nghị quy định cụ thể nội dung này để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình áp dụng. Đồng thời để đảm bảo tính chính xác, phù hợp với thực tế sử dụng, đề nghị bỏ chữ “thẻ”; sửa đổi thành "Giấy tờ pháp lý của cá nhân là một trong các loại giấy tờ sau đây: Căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân,…".


- Tại khoản 26, quy định “Thành viên liên kết không góp vốn là thành viên đóng phí thành viên liên kết, không góp vốn và đáp ứng ít nhất một trong hai điều kiện là: Sử dụng sản phẩm, dịch vụ của tổ chức kinh tế hợp tác hoặc góp sức lao động”. Nhưng theo quy định tại khoản 15 Điều này thì “Mức độ góp sức lao động của thành viên là tỷ lệ tiền lương hoặc thù lao của từng thành viên trên tổng tiền lương và thù lao của tất cả thành viên”. Như vậy, theo quy định nêu trên thì thành viên liên kết không góp vốn phải đảm bảo một trong hai điều kiện là sử dụng sản phẩm hoặc góp sức lao động mà góp sức lao động là góp tỷ lệ tiền lương hoặc thù lao. Quy định này đã mâu thuẫn với quy định “thành viên liên kết không góp vốn là thành viên đóng phí thành viên liên kết, không góp vốn”.


2. Về Hệ thống thông tin quốc gia về các tổ chức kinh tế hợp tác (Điều 12), đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm xây dựng, quản lý và vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về các tổ chức kinh tế hợp tác, đảm bảo hệ thống được vận hành thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình áp dụng, tránh tình trạng Trung ương cũng xây dựng Hệ thống thông tin quốc gia về các tổ chức kinh tế hợp tác, địa phương cũng xây Hệ thống thông tin quốc gia về các tổ chức kinh tế hợp tác, hoặc địa phương có, địa phương không, gây khó khăn, lãng phí trong quá trình thực hiện. Trong đó, cần có những quy định cụ thể về chuyển đổi số trong tổ chức và hoạt động, về xây dựng cơ sở dữ liệu số của các tổ chức kinh tế hợp tác.


3. Về Sổ đăng ký thành viên của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân (Điều 14): Điểm c khoản 3 quy định Sổ đăng ký thành viên có nội dung về việc góp vốn của các thành viên, nhưng không quy định thông tin về thời điểm cam kết góp đủ vốn và thời điểm góp đủ phần vốn góp. Do đó, để có thể theo dõi tiến độ góp vốn của các thành viên đảm bảo đáp ứng được thời hạn góp vốn quy định tại Điều 58 Dự thảo Luật, đề nghị bổ sung quy định thông tin về thời điểm cam kết góp đủ vốn và thời điểm góp đủ phần vốn góp.


4. Đối với quy định về thành lập tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân


- Về hội nghị thành lập tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, tại khoản 1, Điều 23 nên bổ sung thêm ý “cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền” vào đoạn  thứ 2, thành cả câu như sau: “Có thể mời đại diện của liên đoàn hợp tác xã, cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức đại diện tham gia hội nghị để hỗ trợ, tư vấn về thủ tục, nhưng không có quyền biểu quyết”.


- Đề nghị quy định thống nhất thời gian thực hiện thủ tục hành chính là “ngày” và “ngày làm việc” tại khoản 2; điểm b khoản 4 Điều 31; khoản 3 Điều 32; khoản 3 Điều 33; khoản 3 Điều 39; khoản 2 Điều 43; khoản 1 Điều 44 và các điều, khoản khác trong dự thảo để tạo điều kiện trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện thủ tục hành chính.


5. Về Quyền của Đại hội thành viên, tại Điều 48 và Điều 51: nên quy định riêng Đại hội nhiệm kỳ và Đại hội thường kỳ. Vì tại Đại hội thường kỳ không thực hiện một số nhiệm vụ, như Bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc, Kiểm soát viên; Bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, trưởng Ban kiểm soát, thành viên Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên (nếu có); tăng, giảm số lượng thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát (nếu có); số lượng và người đại diện của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân...


6. Về Giám đốc tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân theo mô hình quản trị rút gọn (Điều 49): nên quy định nhiệm kỳ của Giám đốc, do Giám đốc là đối tượng được bầu tại Đại hội thành viên.


7. Về phân phối thu nhập (Điều 68): Đề nghị giải thích rõ hoặc cân nhắc việc sử dụng thuật ngữ “là chủ yếu” tại điểm a khoản 2 Điều này. Vì thuật ngữ này thiếu tính cụ thể, rõ ràng, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau; dẫn đến khó khăn hoặ tuỳ nghi trong quá trình áp dụng pháp luật.


8. Về Chấm dứt tư cách thành viên (Điều 82): Quy định về chấm dứt tư cách thành viên liên kết tại khoản 2 chưa rõ ràng, chưa phân định được trường hợp chấm dứt tư cách thành viên liên kết góp vốn và tư cách thành viên liên kết không góp vốn. Vì vậy, đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm b, c khoản 2 Điều 82 như sau:


“2. Tư cách thành viên liên kết bị chấm dứt khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:


a) Các trường hợp quy định tại điểm a, b, c, d, e, g khoản 1 Điều này;


b) Thành viên liên kết góp vốn không thực hiện trách nhiệm góp vốn; 


c) Thành viên liên kết không góp vốn không đóng phí thành viên liên kết hoặc không sử dụng sản phẩm, dịch vụ và không góp sức lao động.”


9. Đối với quy định về Tổ Hợp tác (Chương IX)


Đối với Tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân được Luật quy định khá đầy đủ, cụ thể về chế độ lưu giữ tài liệu (Điều 11); chế độ báo cáo, công bố thông tin (Điều 13); Sổ đăng ký thành viên (Điều 14); tài sản, tài chính (chương V), nhưng dự thảo Luật không quy định cụ thể các nội dung này đối với Tổ Hợp tác. Để tạo điều kiện trong quá trình áp dụng, đề nghị quy định cụ thể các nội dung nêu trên trong Luật; đồng thời bổ sung về điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác giữa các thành viên Tổ hợp tác; bổ sung thêm các điều kiện khác để chuyển đổi Tổ hợp tác thành HTX ngoài điều kiện về số lượng thành viên, ví dụ như các điều kiện về nguồn lực tài chính, tài sản, quy mô hoạt động…

Mặt khác, đề thuận tiện trong quá trình áp dụng, đề nghị quy định cụ thể các nội dung về đăng ký, tổ chức, điều hành, chấm dứt hoạt động tổ hợp tác trong Luật chứ không giao cho Chính phủ quy định như tại khoản 5 Điều 102 của dự thảo.


10. Về Tổ chức đại diện của các tổ chức kinh tế hợp tác (Chương X): Chương X Dự thảo Luật quy định về tổ chức đại diện của các tổ chức kinh tế hợp tác, trong đó "Nhà nước khuyến khích các tổ chức kinh tế hợp tác tham gia là thành viên của các tổ chức đại diện, liên minh hợp tác xã" (Khoản 2 Điều 106). Tuy nhiên, Dự thảo Luật không đề cập đến các điều kiện, thủ tục để tham gia tổ chức đại diện. Vì vậy, đề nghị bổ sung các điều khoản quy định chi tiết vấn đề này. Đồng thời, cân nhắc việc quy định nhiệm vụ đại diện của tổ chức đại diện; bổ sung thêm các điều quy định cụ thể hơn về Hệ thống Liên minh hợp tác xã.


11. Đối với nội dung quản lý nhà nước đối với tổ chức kinh tế hợp tác (Chương XI)


Đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp đối với tổ chức kinh tế hợp tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tránh chồng chéo trong quá trình áp dụng./.


Phòng CTQH
 

Các tin khác