Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 2276

  • Tổng 2.874.454

Điều chỉnh độ phủ của Chương trình để đảm bảo chính sách đến đúng đối tượng trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

16:52, Thứ Sáu, 7-1-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Chiều ngày 07/01/2022, tiếp tục phiên thảo luận trực tiếp về Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã có bài phát biểu thảo luận với những trăn trở tăng độ phủ của chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế. 

 

 
Nêu quan điểm tán thành với nội dung Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo  của Ủy ban Kinh tế về thẩm tra Tờ trình dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Minh Tâm thể hiện sự tin tưởng Nghị quyết được thông qua sẽ khắc phục hạn chế, bất cập của nền kinh tế hiện hành, hỗ trợ một cách kịp thời, tạo sự đột phá, nhằm thúc đẩy phục hồi nền kinh tế và tạo nền tảng phát triển cho cả giai đoạn 2021-2025 cũng như các năm tiếp theo.  

 

 

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm phát biểu tại phiên thảo luận 


Đại biểu thể hiện sự băn khoăn khi thời hạn áp dụng Chương trình hỗ trợ trong 02 năm liệu có đủ để nền kinh tế tiếp cận, hấp thụ hết tác động của chính sách. Lấy ví dụ cụ thể là các công trình trọng điểm như dự án đầu tư cao tốc Bắc Nam, các công trình trạm y tế, cơ sở y tế dự phòng… phải tiến hành rất nhiều quy trình, thủ tục đầu tư, đại biểu cho rằng việc đầu tư xây dựng cơ bản sẽ khó khả thi khi triển khai trong thời hạn này. Từ đó, đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu, xem xét để quy định thời hạn phù hợp đối với từng gói dự án trong Chương trình. 

Nhất trí với các nội dung được Chính phủ đề xuất trong chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá như giảm lãi suất ngân hàng, giảm thuế, đại biểu khẳng định với độ phủ rộng, đối tượng cho vay lớn bao gồm nhiều lĩnh vực như y tế, du lịch,… các chính sách này sẽ hỗ trợ một cách tương đối toàn diện cho nền kinh tế phục hồi bền vững. Tuy nhiên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cũng đề xuất trong quá trình triển khai cần cân nhắc lựa chọn những lĩnh vực thực sự chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh để có chính sách lọc được những lĩnh vực chưa cần thiết hỗ trợ cấp bách như bất động sản, chứng khoán…

Đại biểu cũng đặt ra vấn đề cần có chính sách phù hợp đối với giáo dục đào tạo do lĩnh vực này chưa được đề cập tới nhiều dù đây là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nhiều, sâu rộng tới toàn xã hội. Để nhiều đối tượng hơn được hưởng lợi từ chính sách, đại biểu Minh Tâm đề nghị có giải pháp để hỗ trợ cho những ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng như ngành dịch vụ du lịch, hàng không, đường sắt… như cân nhắc giải pháp giảm giá bán điện cho cơ sở lưu trú du lịch từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh sang mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất.

Đối với lĩnh vực an sinh xã hội, đề nghị quan tâm đến các cá nhân chịu ảnh hưởng nhiều trong đại dịch như công nhân, người Việt Nam lao động tại nước ngoài về nước, các tiểu thương tại thành thị phải di cư… chưa được đề cập nhiều trong dự thảo Nghị quyết để nhằm mục tiêu  “không có ai bị bỏ lại phía sau”. Biện pháp cụ thể được đại biểu đề cập là thông qua kênh cho vay giải quyết từ vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đại biểu cũng đề xuất mở rộng đối tượng cho vay là các hộ gia đình có thu nhập trung bình đặc biệt là đối tượng người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài. Đại biểu cho rằng việc nhằm giải quyết được nhu cầu việc làm cho đông đảo người dân sẽ là một động lực để phục hồi kinh tế.

Đối với nội dung trong danh mục dự án đầu tư dự kiến (Phụ lục VII kèm báo cáo 01 của Chính phủ), đại biểu thẳng thắn chỉ ra việc lựa chọn, lĩnh vực, dự án đầu tư của Chương trình cần có tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, đảm bảo minh bạch

để lựa chọn địa phương được thụ hưởng đầu tư, tránh tình trạng so bì, không minh bạch trong việc lựa chọn. Chỉ ra thực tế, thời gian qua địa phương nào cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COvid-19, đại biểu đề nghị cần có sự đánh giá tác động thụ hưởng dự án để không bỏ sót đối tượng hỗ trợ hoặc dễ xảy ra tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí. 

Dẫn chứng tình hình tỉnh Quảng Bình, đại biểu cho rằng 2 năm qua, tỉnh đã chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, tuy nhiên, trong các danh mục đề xuất phê duyệt lại thiếu đi nhiều nội dung đặc biệt là các nội dung xây dựng các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, chống sạt lở ven biển. 

Đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu, cân đối để trong quá trình tiến hành rà soát, lựa chọn các địa phương, các hạng mục đầu tư cần chú trọng một số yếu tố căn cứ trên đánh giá mức độ ảnh huởng trong đại dịch, ngành kinh tế chủ đạo và phạm vi đối tượng ảnh hưởng của địa phương… 

Phòng Công tác Quốc hội
 

Các tin khác