Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 10

  • Hôm nay 1997

  • Tổng 2.778.260

Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát việc sắp xếp đơn vị hành chính và thực hiện Luật Quy hoạch từ khi có hiệu lực thi hành tại thành phố Đồng Hới

8:26, Thứ Ba, 4-1-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Sáng ngày 29/12/2021, thực hiện Kế hoạch giám sát số 39/KH-ĐGS đối với chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021” và Kế hoạch giám sát sô 42/KH-ĐGS đối với chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình do đồng chí Nguyễn Minh Tâm – TUV, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh dẫn đầu đã tiến hành giám sát 2 chuyên đề trên tại thành phố Đồng Hới. Tham gia đoàn giám sát có đại biểu Quốc hội Trần Quang Minh – Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh, và đại diện lãnh đạo Uỷ ban MTTQ tỉnh, Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch – Đầu tư.

 

Thành phố Đồng Hới đã được phê duyệt 206 đồ án Quy hoạch xây dựng

Luật quy hoạch mới ban hành được Quốc hội quan tâm tổ chức giám sát nhằm sớm đánh giá việc triển khai thực hiện, sớm tìm ra những vướng mắc sớm tháo gỡ để Luật thực sự đi vào cuộc sống. Thực hiện Luật Quy hoạch, trên cơ sở định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đến năm 2020 và Quy hoạch chung điều chỉnh xây dựng thành phố Đồng Hới và vùng phụ cận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được UBND tỉnh phê duyệt, Thành phố đã chỉ đạo tiến hành rà soát, đề nghị phê duyệt điều chỉnh một số đồ án quy hoạch như: Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP Đồng Hới và vùng phụ cận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch sử dụng đất hàng năm... với mục tiêu cụ thể là định hướng phát triển đô thị, sử dụng đất đai đô thị, giao thông vận tải, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ môi trường phát triển bền vững và điều kiện sống của người dân đô thị theo định hướng “Xây dựng một thành phố du lịch Đồng Hới” phát triển bền vững.  

 

 

Toàn cảnh Đoàn Giám sát làm việc tại UBND thành phố Đồng Hới

 

Trong 5 năm 2016 - 2020, UBND tỉnh phê duyệt, triển khai trên địa bàn thành phố Đồng Hới 206 đồ án Quy hoạch xây dựng bao gồm 02 đồ án quy hoạch chung, 08 đồ án quy hoạch phân khu, 12 đồ án quy hoạch khu đô thị mới và 184 (có Phụ lục số 02 kèm theo) đồ án quy hoạch chỉ tiết. UBND thành phố Đồng Hới lập, thẩm định, phê duyệt 13 đồ án quy hoạch chi tiết với diện tích 42,06 ha (có Phụ lục số 03 kèm theo), đưa diện tích đất quy hoạch chi tiết lên 65,25% so với diện tích đất xây dựng đô thị.

 

 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới Lê Hoà Sơn đề xuất một số kiến nghị để tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Luật Quy hoạch

 

Lãnh đạo thành phố Đồng Hới cũng chỉ ra một số bất cập như: một số đồ án chưa có tính dài hạn, không phù hợp với thực tiễn; chưa hoạch định được chính sách phát triển kinh tế xã hội, chọn nhà thầu, nhà tư vấn chưa phù hợp… Quá trình tổ chức triển khai đáp ứng phát triển chưa tiến hành được. Ví dụ: chưa bố trí được đồng bộ hệ thống xử lý nước thải; bãi tập kết rác, khu vực đỗ xe… Quản lý lập quy hoạch cũng chưa đồng bộ, quy hoạch chủ yếu tập trung vào khu trung tâm, những khu kém phát triển chưa được quan tâm như các vùng phía Tây thành phố (Thuận Đức…) Quy hoạch chưa đồng bộ nên có những vùng bị trũng, bị ngập.

 

 

Ông Mai Hồng Ngọc - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư dặt câu hỏi làm rõ các vấn đề về quy hoạch tại thành phố Đồng Hới 

 

Nhiều dự án được giao cho nhà đầu tư nhưng tiến độ chậm, triển khai có nhiều vướng mắc; công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng khó khăn; giao cho nhà đầu tư thực hiện thì nhanh còn giao cho nhà nước thì lâu… dẫn đến thất thoát vốn của nhà nước; 

Nguyên nhân là một số nhà đầu tư không đủ năng lực; đền bù, giải phóng mặt bằng chậm trễ, bố trí nguồn vốn cũng chưa thực hiện tốt; Nguồn vốn chủ yếu sử dụng nguồn đầu tư công nên phụ thuộc thời gian họp HĐND để quyết định, vì vậy không đảm bảo tính linh hoạt. Các dự án, đề án khu đô thị mới, nhà ở thương mại, khi hoàn thiện kỹ thuật xong lại bàn giao cho thành phố Đồng Hới sử dụng mà thực tế không có ngân sách; toàn bộ chi phí thành phố Đồng Hới không có để vận hành sử dụng. 

 

 

Bà Ngô Nữ Quỳnh Trang - Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

 

Thành phố Đồng Hới kiến nghị bố trí kinh phí cho thành phố Đồng Hới để nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các khu dân cư hiện hữu, đảm bảo kết nối đồng bộ với các khu dân cư mới; tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch để lực chọn tổ chức tư vấn lập đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết... Rà soát quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng trên địa bàn thành phố… 

Mỗi năm thành phố tiết kiệm khoảng 2,5 tỉ đồng nhờ sáp nhập đơn vị hành chính

Liên quan đến nội dung sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, trong thời gian qua, trên địa bàn TP. Đồng Hới có 2 ĐVHC cấp xã thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp theo quy định của Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đó là phường Hải Đình và phường Đồng Mỹ. Sau khi thực hiện sắp xếp, hợp nhất phường Hải Đình và phường Đồng Mỹ, thành lập ĐVHC mới là phường Đồng Hải, số lượng ĐVHC cấp xã trên địa bàn TP đã bảo đảm tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định.

Tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách các đơn vị hành chính trước khi thực hiện sắp xếp: 37 cán bộ, công chức và 52 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Trong đó, đã bố trí, sắp xếp được 29 cán bộ, công chức cấp xã và 10 người người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức dôi dư đến thời điểm 05/11/2021 là 09 người gồm 02 cán bộ chuyên trách và 07 công chức. 

 

 

Chủ tịch UBND phường Đồng Hải - đơn vị sáp nhập trình bày thực tế tình hình triển khai nhiệm vụ sáp nhập

 

Sau khi sắp xếp, thành phố đã giảm được 01 đơn vị hành chính cấp xã, giảm được 19 cán bộ, công chức và 08 người hoạt động không chuyên trách. Hàng năm tiết kiệm chi ngân hành chính khoảng 2,5 tỉ đồng để tập trung đầu tư phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

 

Đồng chí Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh kết luận tại buổi giám sát

 

Kết luận buổi giám sát, đồng chí Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Minh Tâm đã tiếp thu những kiến nghị của TP. Đồng Hới và yêu cầu UBND TP tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung các nội dung trong báo cáo để đoàn giám sát có cơ sở kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
 
Đồng chí cũng lưu ý TP. Đồng Hới trong quá trình lập quy hoạch cần lấy ý kiến phản biện của Ủy ban MTTQVN tỉnh và các tổ chức đoàn thể của tỉnh. UBND TP. Đồng Hới cần tiếp thu, xem xét ý kiến của các thành viên đoàn giám sát để rà soát, xây dựng lộ trình cụ thể nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của thành phố.
 

Phòng Công tác Quốc hội

Các tin khác