Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 4289

  • Tổng 2.846.224

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh: thảo luận tổ về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ

8:25, Thứ Sáu, 7-1-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Buổi chiều ngày 06.01.2022, đại biểu Quốc hội Đoàn Quảng Bình thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Minh Tâm – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình.

 

Các ĐBQH đoàn Quảng Bình nhất trí với Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, khẳng định sự cần thiết đầu tư Dự án. Sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng cùng với 11 dự án thành phần giai đoạn 2017 – 2020, Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 sẽ nối thông toàn tuyến dọc chiều dài đất nước. Các ý kiến cũng tán thành với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính ngân sách, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội, đồng thời đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan trong việc chuẩn bị tài liệu để đại biểu nghiên cứu, thảo luận hiệu quả. 

Các đại biểu Quốc hội thống nhất với chủ trương cho phép thí điểm áp dụng 03 chính sách đặc thù đối với các dự án đầu tư công trong phạm vi Chương trình và cho rằng điều này sẽ bảo đảm thực hiện hiệu quả, thành công các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể: Đối với chính sách thí điểm áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ và gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; chỉ định thầu xây lắp kèm theo yêu cầu tiết kiệm khoảng 5% dự toán giá trị gói thầu để đẩy nhanh công tác đấu thầu và có thể lựa chọn được các nhà thầu tốt, nhất là các nhà thầu mạnh, đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát, kiểm toán, thanh tra nhất là trước, trong quá trình thi công xây dựng công trình. 

 

 

Đại biểu Nguyễn Tiến Nam phát biểu tại phiên thảo luận


Đại biểu Quốc hội cho rằng UBND tỉnh Quảng Bình và Sở GTVT địa phương hoàn toàn đủ cơ sở và năng lực để làm chủ đầu tư, là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với Dự án thành phần đoạn Bùng – Vạn Ninh (dài 51km, TMĐT 10526 tỷ) thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông do đoạn tuyến này nằm trọn trong địa phận tỉnh Quảng Bình, thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư, chủ động nguồn vật liệu, thuận lợi về quy hoạch và phát triển không gian đô thị khu công nghiệp xung quanh tuyến đường, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành dự án.

 

 

Đại biểu Trần Quang Minh phát biểu tại phiên thảo luận


Vì thế, đề nghị Quốc hội cân nhắc để giao cho UBND tỉnh làm chủ đầu tư đối với một số tỉnh để tương đồng đối với Nghị quyết phục hồi kinh tế.

Đối với thời hạn triển khai: 02 ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng việc giải ngân trong vòng 2 năm theo gói 72.000 tỉ theo tinh thần Nghị quyết tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ phát triển kinh tế dự kiến thông qua là rất khó thực hiện, đề nghị thời hạn tiến hành nên có đặc thù, tách riêng các hoạt động giải ngân của dự án cao tốc Bắc Nam được kéo dài thời hạn đầu tư triển khai dự án sang đầu năm 2024, 2025 để đảm bảo hấp thụ hết nguồn vốn và chính sách, đảm bảo tiến độ đầu tư.

Các đại biểu đề nghị cân đối kinh phí gắn với phân khúc đầu tư gắn với thời gian – tiến độ thời gian theo từng dự án thành phần và ai chịu trách nhiệm; Đại biểu cũng cho rằng cần khuyến khích việc chỉ định thầu kèm khen thưởng tiến độ để khuyến khích đẩy nhanh tiến độ thi công; đại biểu đề nghị cần bố trí kinh phí thực hiện thi công các tuyến đường dân sinh cho người dân khu vực có dự án đi qua để tránh tình trạng người dân phải xâm phạm cao tốc hoặc đi vòng tránh quá xa. 

Về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, các ĐBQH tỉnh Quảng Bình nhất trí với Chủ trương xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 59-NQ/TW, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Cần Thơ nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra. Nghị quyết sẽ góp phần đưa thành phố Cần Thơ từ đô thị loại I trực thuộc Trung ương có vị trí trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển xứng tầm, trở thành trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội và là cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông. 

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan có sự nghiên cứu, cân nhắc và cơ chế ràng buộc, tính toán cả vùng và trong tổng thể đất nông nghiệp quốc gia để đảm bảo việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không ảnh hưởng đến việc đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia.


Đối với việc trả lương, thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, đại biểu đề nghị giải trình thêm vì sao mức bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ hoặc mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, vị trí lãnh đạo. Đồng thời, khi thành phố Cần Thơ tự cân đối được ngân sách thì được sử dụng để thực hiện các chính sách đặc thù cho địa phương nhưng bên cạnh đó cũng cần cân đối với mức % nộp ngân sách lên trung ương để điều tiết về các địa phương khác để đảm bảo tính công bằng.
 

Phòng Công tác Quốc hội

Các tin khác