Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 10

  • Hôm nay 4936

  • Tổng 2.887.753

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga – Nhân dân – chủ sở hữu đất đai là trung tâm của hoạt động quy hoạch và giám sát quy hoạch đất đai

16:12, Thứ Bảy, 30-10-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Chiều nay 30/10/2021, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Nghị quyết của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). Tại hội trường Diên Hồng, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn Quảng Bình) đã có bài phát biểu về nội dung này.

 

Nhận xét về Quy hoạch, sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030; tầm nhìn đến 2050, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cho rằng Chính phủ đã chuẩn bị khá công phu, có góp ý của các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia. 

Tham gia với vào Dự thảo Nghị quyết, đại biểu nhấn mạnh 2 điểm về  Quy hoạch sử dụng đất: Một là Quy hoạch cần có tính ổn định và tính khả thi cao; chú trọng bảo đảm Quỹ đất cho giáo dục, văn hóa. Hai là, nhân dân - chủ sở hữu đất đai cần đóng vai trò là trung tâm trong hoạt động xây dựng, thực hiện, giám sát quy hoạch đất đai.

Trên tinh thần đó đại biểu đã có một số ý kiến cụ thể như:  

Để bảo đảm tính khả thi của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia thì cần có tổng kết sâu sắc, đánh giá chính xác tổng thể thực trạng và lý giải nguyên nhân hạn chế của việc xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho đến nay. 

Đại biểu nhấn mạnh một số hạn chế Quy hoạch sử dụng đất như: tính liên thông, liên kết trong quy hoạch sử dụng đất chưa cao;  dự báo nhu cầu sử dụng đất chưa sát, việc quản lý quy hoạch chưa nghiêm, chưa kịp thời; tình trạng sử dụng đất không theo quy hoạch còn nhiều; việc điều chỉnh quy hoạch còn khá dễ, nhiều khi phụ thuộc vào ý chí của các nhà quản lý trực tiếp. Quy hoạch sử dụng đất quốc gia chưa thực hiện tốt lấy ý kiến nhân dân; việc lấy ý kiến qua cổng thông tin điện tử mang nặng tính hình thức, chưa bảo đảm quyền giám sát của dân thực sự chưa làm được bao nhiêu. 

Từ đó, đại biểu nhấn mạnh đất đai chính là tài nguyên đặc biệt của Quốc gia, là tư liệu sản xuất quan trọng nhất, thuộc sở hữu toàn dân và khẳng định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia phải thể hiện rõ ý chí của toàn dân. Cụ thể quy hoạch và sử dụng đất phải tạo được động lực để phát triển, không chỉ là phát triển kinh tế và quốc phòng an ninh thuần túy mà là văn hóa, không gian sinh tồn và an sinh xã hội, của tùng vùng và của cả nước. 

 

 

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phát biểu từ hội trường Diên Hồng

 

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu lên thực tế Quỹ đất dành cho việc xây dựng các khu vui chơi giải trí cho trẻ em,  quy đất dành cho các cơ sở giáo dục, quỹ đất cho xây dựng các thiết chế văn hóa còn bất cập. Nhiều địa phương không còn quỹ đất cho thiết chế văn hóa do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nhiều địa phương vướng mắc trong công tác quy hoạch quỹ đất cho thiết chế văn hóa do chưa đáp ứng được tiêu chí theo quy định, có nơi quy hoạch cho thiết chế văn hóa, thể thao được bố trí ở xa khu dân cư, không thuận lợi cho việc sử dụng, gây lãng phí. 

Vì vậy đại biểu đề nghị cần đảm bảo tính tổng thể, thống nhất trong quy hoạch các ngành lĩnh vực, địa phương;  điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch đất quốc gia cho phù hợp hơn đảm bảo môi trường giáo dục, văn hóa đảm bảo không gian văn hóa, đặc biệt là  khu vui chơi giải tri cho trẻ em,  nhu cầu hưởng thụ tinh thần cho trẻ em và nhân dân; quy hoạch sử dụng đất quốc gia cần đảm bảo phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trên cả nước, hài hoà giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng miền, thực hiện chủ trương phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất để có lộ trình di dời các trường đại học, cao đẳng ra khỏi nội đô thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…

Chỉ ra thực tế quản lý đất đai sử dụng cho một số dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa tín ngưỡng tâm linh thời gian qua còn thiếu chặt chẽ, cụ thể: một số địa phương giao diện tích đất lớn để xây dựng công trình tín ngưỡng tôn giáo, có tình trạng trong cùng dự án du lịch, dịch vụ, việc xác định ranh giới giữa các loại đất tín ngưỡng, tôn giáo, dịch vụ, thương mại chưa được phân định rõ ràng theo quy định của pháp luật gây ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà nước (thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, căn cứ để xác định giá đất) và tạo dư luận xã hội về tính đúng đắn của quy hoạch các khu du lịch có liên quan đến cơ sở, đại biểu đề nghị đánh giá rõ hơn việc thực hiện thời gian qua và định hướng cho giai đoạn tới đảm bảo đúng quy định pháp luật.  

Đồng tình với nhiều giải pháp của Chính phủ đã nêu trong Báo cáo, đại biểu đề nghị cần giảm thiểu điều chỉnh quy hoạch để đảm bảo tính ổn định cao của quy hoạch. Đại biểu cho rằng đã công bố Quy hoạch thì không thể có sự điều chỉnh hoặc nếu có thì bị ràng buộc bởi hệ thống các điều kiện và trách nhiệm pháp lý chặt chẽ, minh bạch. 

Đề nghị cần kiểm soát chặt chẽ chuyển mục đích giữa các loại đất; bảo đảm xác định được chủ sử dụng đất đối với từng diện tích đất cụ thể để có thể truy cứu trách nhiệm cụ thể cho chủ sử dụng đất khi sử dụng đất trái pháp luật, đại biểu cũng đề xuất xây dựng hệ thống chế tài xử lý mạnh đối với các hành vi vi phạm pháp luật đất đai để tránh lãng phí đất đai trong quá trình sử dụng đất, qua đó nâng cao trách nhiệm của chủ sử dụng đất đối với đất được giao. 

Đại biểu cũng đề xuất cần có cơ chế cụ thể rõ ràng và dễ thực hiện để Nhân dân thực hiện hiệu quả quyền giám sát của người dân với tư cách là người chủ sở hữu về đất đai trong quá trình sử dụng đất. Để tránh gây xung đột lợi ích gữa nhà nước và công dân, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước, đặc biệt là chống tham nhũng, tiêu cực trong quy hoạch, đại biểu cũng cho rằng cần xây dựng chính sách giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp lý, phù hợp thực tiễn, tránh mâu thuẫn về giá quyền sử dụng đất như hiện nay.

 

Diệu Linh   
 

Các tin khác