Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 8

  • Hôm nay 568

  • Tổng 2.779.684

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Cần “lượng hóa” các điều kiện về “trường hợp cấp bách” trong điều động cảnh sát cơ động

14:30, Thứ Ba, 26-10-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Sáng nay 26/10/2021, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự án Luật Cảnh sát cơ động. Tại điểm cầu Quảng Bình, đại biểu Vũ Đại Thắng - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, cùng các đại biểu công tác tại địa phương đã tham dự phiên họp. Tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách đã có bài phát biểu góp ý dự thảo Luật.

 

Nhất trí với Tờ trình, Dự án Luật CSCĐ do Chính phủ trình Quốc hội để cho ý kiến tại Kỳ họp này, đại biểu Nguyễn Minh Tâm khẳng định tính cần thiết của Luật là nhằm cụ thể hóa nội dụng bảo vệ quyền con người, quyền công dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và đáp  ứng yêu cầu thực tiễn. Đại biểu phân tích cảnh sát cơ động là lực lượng nòng cốt hay thường gọi là “quả đấm thép” của công an nhân dân trong thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh trật tự, xử lý kịp thời các họat động gây phương hại an ninh trật tự, biểu tình, bạo loạn, trấn áp các băng, ổ nhóm, đối tượng tội phạm nguy hiểm, có tổ chức, bảo vệ an toàn các sự kiện, mục tiêu quan trọng... nên yêu cầu, nhiệm vụ cho lực lượng này là hết sức nặng nề.

 

 

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm tại phiên thảo luận trực tuyến

 

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng công tác của cảnh sát cơ động, đặc biệt trong đấu tranh với các chuyên án có liên quan đến sinh mạng, tính mạng của cán bộ chiến sĩ và những người có liên quan. Đây là những công tác cấp bách cần phải xử lý ngay nếu không hậu quả sẽ khôn lường. Bên cạnh đó, nhiều yêu cầu, nhiệm vụ đòi hỏi phải huy động trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện hiện đại và số lượng cán bộ cảnh sát cơ động sự phối hợp của nhiều lực lượng. Trước yêu cầu đó, sau 7 năm thực hiện, Pháp lệnh cảnh sát cơ động đã bộc lộ những hạn chế, bất cập (như chưa quy định rõ, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động; cơ chế chỉ huy, chỉ đạo, thẩm quyền điều động; quan hệ phối hợp giữa cảnh sát cơ động và các lực lượng khác; chế độ, chính sách đối với cảnh sát cơ động…). Vì thế, cần thiết phải có khung pháp lý đầy đủ, ở mức cao hơn, được Luật hóa làm cơ sở, hành lang pháp lý vững chắc để xây dựng và tổ chức hoạt động của cảnh sát cơ động, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ mà không sợ vi phạm Hiến pháp, pháp luật, vi phạm nhân quyền.

Đánh giá hồ sơ Dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, cơ bản bảo đảm yêu cầu, chất lượng, bố cục, đại biểu tham gia thêm một số ý kiến cụ thể:
Về Bố cục, đại biểu đề nghị bổ sung thêm 1 chương quy định về khen thưởng, xử lý kỷ luật để đồng bộ với Luật CAND 2018, Luật Cảnh vệ năm 2017. 

 

 

Toàn cảnh điểm cầu Quảng Bình

 

Tại điểm d, khoản 2 , Điều 9 về nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động, đại biểu đề nghị bổ sung, cụ thể hóa nhiệm vụ “bảo vệ các đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, khách quốc tế”, vì đây là một nhiệm vụ quan trọng của Cảnh sát cơ động. Về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động (Điều 13): đại biểu chọn phương án 1 – theo phương án chỉ quy định mang tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động, còn những vấn đề cụ thể trong tổ chức, bộ máy, cơ cấu lực lượng cảnh sát cơ động giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định để vừa thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018, vừa bảo đảm tính ổn định của Luật. Đại biểu cũng lí giải thêm căn cứ yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh trật tự có thể phải sắp xếp lại cơ cấu lực lượng của Cảnh sát cơ động.

Đối với việc điều động Cảnh sát cơ động tại điểm b, khoản 3 Điều 18 quy định thẩm quyền của Giám đốc công an cấp tỉnh điều động Cảnh sát cơ động trong trường hợp cấp bách “phải kịp thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an” , đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để quy định rõ, cụ thể như thế nào là cấp bách nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Giám đốc Công an cấp tỉnh chủ động, linh hoạt trong việc điều động CSCĐ. Đại biểu cũng phân tích thực tế thời gian qua, Giám đốc công an cấp tỉnh điều động Cảnh sát cơ động thuộc quyền trong trường hợp cấp bách là khá nhiều (tham gia phá án, vây bắt, truy bắt đối tượng; phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn…) từ đó đề nghị  “cơ quan soạn thảo nên lượng hóa điều động bao nhiêu người thì Giám đốc công an phải báo cáo”…

 

 

Đại biểu Vũ Đại Thắng và đại biểu Nguyễn Minh Tâm tại điểm cầu Quảng Bình

 

Một số nội dung cụ thể khác, đại biểu tham gia và được các đại biểu khác rất đồng tình như: cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc để quy định nội dung tại Điều 7 về nội dung Hợp tác quốc tế đảm bảo phù hợp với nguyên tắc đối ngoại tránh chồng chéo thẩm quyền vì lực lượng cảnh sát cơ động thuộc lực lượng của Bộ Công an; xem xét, quy định rõ, cụ thể hơn đối với quy định tại Điều 8 về Các hành vi bị nghiêm cấm để đảm bảo tính logic với nội dung của dự án Luật về phạm vi điều chỉnh là “cán bộ chiến sĩ cảnh sát cơ động”; theo đó đề nghị quy định thành 2 khoản (đối với người ngoài lực lượng cán bộ chiến sĩ CSCĐ và 1 khoản quy định đối với cán bộ, chiến sĩ CSCĐ, tại khoản 4, Điều 14 về Nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ chiến sĩ cảnh sát cơ động,  đề nghị thay từ “giữ bí mật nhà nước” thành “bảo vệ” bí mật nhà nước. Vì “bảo vệ” có nghĩa rộng hơn và thống nhất với Luật Bảo vệ bí mật nhà nước…Tại Điều 21. Trang bị của CSCĐ: khoản 2, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị ban soạn thảo rà sóat các thuật ngữ như “tàu thuyền” hay “tàu thủy” để thống nhất với khoản 2 Điều 7 cũng như  với các Luật khác có liên quan.

Phòng Công tác Quốc hội


 

Các tin khác