Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 1937

  • Tổng 2.871.484

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga – Thể hiện sự tôn trọng quyền tác giả trong Luật Sở hữu trí tuệ sẽ tạo động lực sáng tạo, phát triển

17:5, Thứ Ba, 26-10-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Chiều ngày 26/10/2021, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận trực tuyến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Sở hữu trí tuệ . Tại hội trường Diên Hồng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) đã có bài phát biểu góp ý dự thảo Luật.

 

Viện dẫn Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và điều 40 Hiến pháp 2013 về quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và hưởng thụ lợi ích của mọi người, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga khẳng định cần hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính minh bạch và độ tin cậy cao để quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi hiệu quả. 

 

 

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga phát biểu từ hội trường Diên Hồng 

 

Đại biểu khẳng định, theo chủ trương của Đảng và quy định của Hiếp pháp đều đặt nhiệm vụ cho Luật sở hữu trí tuệ phải tạo hành lang pháp lý cho khuyến khích sáng tạo, bảo vệ quyền con người và quyền công dân trong nghiên cứu sáng tạo khoa học công nghệ, sáng tạo văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, Luật sở hữu trí tuệ được ban hành từ năm 2005 cho đến nay đã qua nhiều lần sửa đổi bổ sung mà vẫn chưa bảo đảm được yêu cầu đó. Đồng ý với quan điểm sửa Luật lần này, đại biểu đã trao đổi thêm một số vấn đề cụ thể như:  

Đề nghị Luật quy định quyền thân nhân phù hợp với Luật dân sự. Lý giải cho kiến nghị này, đại biểu phân tích Luật sở hữu trí tuệ là một luật có vị trí rất quan trọng trong ngành luật dân sự nên không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự như quy định điều 4 của Bộ luật dân sự 2005, quyền sở hữu trí tuệ trước hết là quyền nhân thân. Quyền nhân thân là cơ sở pháp lý để bảo vệ cho nhà sáng chế, phát minh, sáng tạo tồn tại với tư cách là một chủ thể độc lập trong cộng đồng. Đặc điểm quan trọng nhất là quyền nhân thân gắn liền với một chủ thể nhất định và không thể chuyển dịch, chẳng hạn tác giả của một kịch bản phim có thể chuyển nhượng quyền sử dụng và khai thác cho nhà sản xuất phim, nhưng quyền mang tên tác giả của kịch bản phim không thể và không bao giờ bị mất.  

Phân tích những đặc điểm riêng biệt của quyền nhân thân, đại biển đề nghị sửa lại điều Điều 19 của dự thảo 5 Luật sở hữu trí tuệ về quyền nhân thân theo hướng bỏ khoản 1 và khoản 3 trong điều này vì không phù hợp với quy định của Luật dân sự. Đồng thời Dự thảo luật cần phân biệt rõ hơn các khái niệm nhà sản xuất, chủ sở hữu, chủ đầu tư, sửa lại các điều 20 về quyền tài sản, điều 21 và 22 về quyền tác giả theo hướng tôn trọng quyền nhân thân của người sáng tạo khoa học công nghệ và sáng tác văn học nghệ thuật. 

Bên cạnh đó, đại biểu đề xuất ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi Điều 42 dự thảo Luật về Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả và các quyền liên quan. Theo đại biểu, điều này sẽ thể hiện sự tôn trọng quyền tác giả, khuyến khích lao động sáng tạo. Cũng liên quan tới vấn đề quyền tác giả, đại biểu lập luận, Nhà nước chi ngân sách, đầu tư nghiên cứu hoặc giao nhiệm vụ khoa học công nghệ, đặt hàng nghiên cứu thì nhà nước có thể là giữ vai trò là đại diện chủ đầu tư như những nhà đầu tư khác, cũng có thể là nhà sản xuất, có thể là đại diện chủ sở hữu đối với sản phẩm khoa học công nghệ hay văn học nghệ thuật, nhưng không thể là tác giả hoặc đồng tác giả, cũng không thể là “chủ sở hữu quyền tác giả” bởi điểu này sẽ không khuyến khích được quyền tự do sáng tạo của những người trực tiếp nghiên cứu, sáng chế, phát minh.  

Quan điểm về quyền đăng ký sáng chế, phát minh sử dụng ngân sách Nhà nước, đại biểu đồng ý với phương án 1 trong Dự thảo. Tuy nhiên để bảo đảm kiểm soát có hiệu quả nguồn ngân sách cũng như hiệu quả của đầu tư ngân sách cho sáng chế phát minh, đại biểu kiến nghị cần quy định cụ thể nội dung của một số điều theo hướng cần bảo đảm quyền sáng tạo của những người trực tiếp nghiên cứu, sáng chế, phát minh chứ không dừng lại ở tôn trọng sự chủ động của tổ chức chủ trì.  

Về tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao, đại biểu đề nghị cần quy định thật rõ ràng và cụ thể những nội dung này ngay trong dự thảo luật, tránh việc ủy quyền lập pháp cho Chính phủ. Đại biểu cũng phân tích đây là vấn đề sẽ có diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Vì thế, cần được quy định cụ thể hơn nữa ngay trong Luật.

Đối với vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ, ủy viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục đề nghị cần chú ý bổ sung thêm làm sâu sắc hơn vấn đề giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ bởi đây là vấn đề có tính thời sự trong phát triển kinh tế thị trường và trong mở rộng hội nhập quốc tế.

 

Phòng Công tác Quốc hội
 

Các tin khác