Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 2424

  • Tổng 2.874.602

Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Lệ Thủy sau kỳ họp thứ 8 - HĐND tỉnh khoá XVIII

16:5, Thứ Ba, 21-3-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

 

Nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Lệ Thủy sau kỳ họp thứ 8 -  HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026

 

1. Đề nghị Tỉnh quan tâm sửa chữa một số đoạn tuyến đường Mai - An chưa thi công bị hư hỏng khiến việc tham gia giao thông qua lại của người dân gặp nhiều khó khăn (cử tri xã An Thuỷ).

 

Trả lời:

 

Qua kiến nghị của cử tri, UBND huyện đã chỉ đạo phòng Kinh tế&Hạ tầng phối hợp với UBND xã An Thủy, các đơn vị liên quan kiểm tra thấy: Dự án đường Mai Thủy - An Thủy đã được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt tại Quyết định số 3711/QĐ-UBND ngày 24/12/2009 và triển khai thi công từ tháng 7/2010 do Sở Giao thông Vận tải làm Chủ đầu tư. Tuyến đường cơ bản hoàn thành và đã đưa vào khai thác sử dụng, hiện nay chỉ còn khoảng hơn 1Km chưa thi công do hết vốn (đoạn từ thôn Xuân Bồ, xã Xuân Thuỷ đi xã Mai Thuỷ). Đoạn đường mà cử tri xã An Thuỷ đề nghị thuộc thôn Lộc Thượng đến thôn Lộc An, xã An Thuỷ, có một số điểm chật hẹp, ngập nước, hư hỏng cục bộ do vương mắc trong GPMB nên không thi công theo thiết kế đã được duyệt nên xảy ra tình trạng nói trên. Để đảm bảo thuận lợi cho người dân và phương tiện đi lại được an toàn qua đoạn đường này, nhất là các em học sinh đến trường, đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư một số đoạn mà trước đây chưa thi công được.

 

(Căn cứ Báo cáo số 42/BC-UBND ngày 27/2/2023 của UBND huyện Lệ Thủy về  trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

2. Dọc đường Quốc lộ 9C (đoạn từ Ngã tư Cam Liên đi cầu Sao Vàng) có nhiều tấm bê tông làm nắp đậy của hệ thống thoát nước bị hư hỏng, mất mát, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, đề nghị cơ quan chức năng xem xét khắc phục, sửa chữa đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện lưu thông trên đoạn đường này (cử tri xã Cam Thủy).

 

Trả lời:

 

Sau khi nhận được ý kiến phản ánh của cử tri, Sở GTVT đã tổ chức kiểm tra hiện trường và nhận thấy trên tuyến Quốc lộ 9C đoạn từ Ngã tư Cam Liên đi cầu Sao Vàng (Km2+00 - Km3+00) có 16 tấm đan rãnh thoát nước dọc bị hư hỏng; Sở GTVT đã chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ thực hiện rào chắn tạm để cảnh giới nhằm đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời đúc mới các tấm đan bê tông cốt thép để thay thế; hiện tại công tác đúc các tấm đan đã hoàn thành, đang chờ đợi đủ cường độ sẽ thực hiện lắp đặt, dự kiến hoàn thành trong tháng 02/2023.

 

(Căn cứ công văn số 351/SXD-QLN ngày 22/2/2023 của Sở Xây dựng về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

3. Hệ thống giao thông thủy lợi khu vực Thượng Mỹ Trung đã xuống cấp trầm trọng, trong đợt lũ tiểu mãn năm 2022 phần lớn diện tích hoa màu của người dân mất trắng. Cử tri tiếp tục đề nghị Tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa để người dân yên tâm chuẩn bị bước vào sản xuất vụ Đông - Xuân năm 2023 (cử tri xã Thanh Thuỷ, Hồng Thủy và xã Hoa Thủy).

 

Trả lời:

 

Đê bao nội đồng Thượng Mỹ Trung qua thời gian sử dụng chịu ảnh hưởng của mưa lũ nên đã xuống cấp, đặc biệt sau đợt lũ lịch sử năm 2020 và trận lũ tiểu mãn đầu tháng 4 năm 2022, các tuyến đê này bị sạt lở, hư hỏng nặng, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Đầu tư tu sửa, nâng cấp lại hệ thống đê bao Thượng Mỹ Trung và các công trình trên đê là cần thiết nhưng cần thực hiện đồng bộ trên cơ sở tính toán xác định lại nhiệm vụ của cả hệ thống và các công trình thủy lợi liên quan nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư và lâu dài, do đó công tác này cần nguồn kinh phí lớn và thời gian để thực hiện. Ngày 06/02/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 207/QĐ-UBND về việc phân bổ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai trong đó bố trí 12 tỷ đồng để xử lý khắc phục khẩn cấp đê bao Thượng Mỹ Trung, (trong đó tập trung Khắc phục khẩn cấp một số đoạn tuyến đê bao vùng Thượng Mỹ Trung (Tả Kiến Giang); sửa chữa, khắc phục một số cống bị hư hỏng nặng, không vận hành được trên địa bàn các xã Hồng Thủy, Thanh Thủy và Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy; xã Gia Ninh huyện Quảng Ninh như đề nghị của ý kiến cử tri phản ánh). Về lâu dài, đề nghị UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục bố trí nguồn kinh phí để nghiên cứu, khảo sát, đánh giá lại toàn bộ các tuyến đê cũng như hệ thống các công trình thủy lợi trong khu vực, đánh giá khả năng tiêu thoát lũ, nhu cầu sử dụng nước, từ đó xác định lại nhiệm vụ cụ thể của các công trình; bố trí kinh phí để xây dựng, nâng cấp đảm bảo hiệu quả, lâu dài.  

 

(Căn cứ Công văn số 347/SNN-KHTC ngày 22/2/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh về giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri sau kỳ họp 8, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

4. Cử tri tiếp tục đề nghị Tỉnh quan tâm hỗ trợ tu sửa  tuyến đê bao Hói Cùng và tuyến đê bao 186 vì hai tuyến đê này đã xuống cấp không đủ cao trình để chống đỡ các đợt lũ tiểu mãn (cử tri xã An Thuỷ và xã Xuân Thuỷ).

 

Trả lời:

 

Tuyến đê bao Hói Cùng có chiều dài khoảng 6,0 km, đê có cao trình đỉnh thấp, mặt đê nhỏ, hẹp, có nhiệm vụ bảo vệ cho hơn 800 ha diện tích lúa của các xã An Thủy, Phú Thủy, Xuân Thủy; tuyến đê bao Hói 186 dài 15,43 km, toàn tuyến bằng đất cao trình đỉnh nhiều chỗ còn thấp, mặt đê rộng từ 2,0 đến 3,0m, bảo vệ 1.500 ha diện tích lúa của các xã: An Thủy, Liên Thủy, Phú Thủy, Xuân Thủy, Sơn Thủy và TT Kiến Giang. Hai tuyến đê bao này thuộc vùng II tả Kiến Giang, hiện trạng có nhiều đoạn đã xuống cấp, đặc biệt sau đợt lũ lịch sử năm 2020 và trận lũ tiểu mãn đầu tháng 4 năm 2022 nhiều vị trí đã bị xói lở, công trình trên tuyến hư hỏng vì vậy việc đầu tư khắc phục, sửa chữa tuyến đê này là hết sức cần thiết. Ngày 06/02/2023, UBND Tỉnh đã ban hành Quyết định số 207/QĐ-UBND về việc phân bổ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai trong đó đã bố trí 10 tỷ đồng để xử lý khắc phục khẩn cấp đê bao vùng II tả Kiến Giang, tuy nhiên do kinh phí còn hạn hẹp nên chỉ tập trung Khắc phục khẩn cấp các tuyến đê bao phía thượng lưu cống hói Quan đến hói Cừa; bờ phía Tây hói 186 (từ hói Cừa về phía thượng lưu). Về lâu dài, đề nghị UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục bố trí nguồn kinh phí để xây dựng, tu sửa lại hệ thống đê bao vùng II tả Kiến Giang, ưu tiên tu sửa tuyến đê bao Hói Cùng đảm bảo chống lũ theo thiết kế.

 

(Căn cứ Công văn số 347/SNN-KHTC ngày 22/2/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh về giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri sau kỳ họp 8, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

5. Việc áp giá đền bù giải phóng mặt bằng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam cho các hộ dân trên địa bàn xã theo Quyết định số 40/2019/QĐ-UBND ngày 20/12/2019 của UBND tỉnh Quảng Bình là không phù hợp. Lý do, xã Trường Thủy không phải xã miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành về phê duyệt danh sách các xã khu vực I, khu vực II, khu vực III thuộc chương trình đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Vậy đề nghị các cấp, các ngành có liên quan xem xét giải quyết để đảm bảo chế độ cho người dân trong diện bị giải toả (cử tri xã Trường Thủy).

 

Trả lời:

 

Thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án: Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn qua huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, UBND huyện đã ban hành Quyết định thu hồi đất và Quyết định phê duyệt phương án bồi thường GPMB, trong đó giá đất để 2 tính tiền bồi thường về đất được áp dụng theo giá đất cụ thể theo quy định tại khoản 4 Điều 114 Luật đất đai năm 2013. Cụ thể như sau: “4. Giá đất cụ thể được sử dụng để làm căn cứ trong các trường hợp sau đây:

 

a) Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích đất ở vượt hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích vượt hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân. Tính tiền thuê đất đối với đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất, vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân;

 

b) Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức mà phải nộp tiền sử dụng đất;

 

 c) Tính tiền thuê đất đối với trường hợp Nhà nước cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất;

 

d) Tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà doanh nghiệp cổ phần sử dụng đất thuộc trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; tính tiền thuê đất đối với trường hợp doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm; đ) Tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.”

 

Để xác định giá đất cụ thể, Hội đồng GPMB huyện đã hợp đồng với Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tư vấn thực hiện, trình Hội đồng thẩm định giá đất của huyện thẩm định và quyết định giá cụ thể làm cơ sở bồi thường đất đảm bảo đúng quy định. Như vậy, việc áp dụng giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất là đảm bảo đúng quy định pháp luật.

 

(Căn cứ Báo cáo số 42/BC-UBND ngày 27/2/2023 của UBND huyện Lệ Thủy về  trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

6. Việc khai thác mỏ đá Bình Phước gây ô nhiễm tiếng ồn, bụi bặm và đá văng rất nguy hiểm. Mặc dù UBND huyện, các phòng ban đã kiểm tra và yêu cầu xử lý nhưng doanh nghiệp vẫn chây ì không thực hiện. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, xử lý dứt điểm, đảm bảo an toàn giao thông, tránh ô nhiễm môi trường và ổn định cuộc sống sinh hoạt cho người dân (cử tri Thị trấn Nông trường Lệ Ninh).

 

Trả lời:

 

Về nội dung cử tri phản ánh tiếng ồn, qua kiểm tra thực tế tiếng ồn phát sinh chủ yếu do nổ mình, khoan phá đá, hoạt động máy nghiền sàng, bốc xúc và vận chuyển đá… khi các hạng mục này hoạt động sẽ gây ra tiếng ồn nhất định như cử tri phản án.

 

Về nội dung cử tri phản ánh bui, tại thời điểm kieemrt tra, đơn vị đang hoạt động bình thường, qua kiểm tra đơn vị cơ bản chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như phun ẩm tại khu vực nghiền sang và tưới nước tại các tuyến đường vận chuyển trong khu vực mỏ, bãi chế biến.

 

Về đá văng, theo ý kiến của UBND xã Ngân Thủy hiện tượng đá văng ra ngoài đường không có, qua kiểm tra, khoảng cách từ điểm gần nổ nhất cách rừng cao su Công ty Lệ Ninh 220m về phía Tây, tuyến đường Quốc lộ 9B hơn 100m về phía Tây Nam, cách khu dân cư gần nhất khoảng 1.000m.

 

Qua kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị Công ty TNHH Bình Phước thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác, chế biến và vận chuyển theo đúng các nội dung trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

 

Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các Sở, ngành và địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức được cấp giấy phép khai thác trên địa bàn và sẽ xử lý nghiêm các vi phạm nếu có theo đúng quy định của pháp luật.

 

(Căn cứ Báo cáo số 30/BC-STNMT ngày 24/2/2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường về trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII)

                                                            

Các tin khác