Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 10

  • Hôm nay 2660

  • Tổng 2.844.582

Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri huyện Lệ Thủy trước kỳ họp thứ 6 - HĐND tỉnh khóa XVIII

18:10, Thứ Ba, 2-8-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Lệ Thủy trước kỳ họp thứ 6 -  HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026

 

1. Đề nghị Tỉnh xem xét đấu nối lại đường dân sinh với đường tránh BOT nhằm tạo điều kiện cho Nhân dân thôn Tân Lộc xã Cam Thủy thuận tiện trong sinh hoạt cuộc sống (cử tri Ngô Văn Cương, xã Cam Thủy).

 

Trả lời:

 

Qua kiểm tra thực tế UBND huyện thấy: Việc đấu nối đường dân sinh vào Quốc lộ (BOT) phải được quy hoạch và chấp thuận của Bộ Giao thông Vận tải. Vì vậy, thời gian tới UBND huyện sẽ có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải đề nghị bổ sung vào quy hoạch các điểm đấu nối, trình Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận, UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện.

 

(Căn cứ Báo cáo số 211/BC-UBND ngày 12/7/2022 của UBND huyện Lệ Thủy tổng hợp trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

2. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành khảo sát thực hiện việc cắm biển báo hạn chế tốc độ đối với đoạn đường Quốc lộ I từ Km711 đến Km712 vì nơi đây là đoạn đường thường xuyên xảy ra tai nạn do tập trung đông người (cử tri Lê Văn Bắc, xã Sen Thuỷ).

 

Trả lời:

 

Tuyến Quốc lộ 1 thuộc trách nhiệm quản lý của Cục Quản lý đường bộ II, sau khi nhận được ý kiến của cử tri, Sở GTVT đã có văn bản số 1909/SGTVT-KCHT ngày 11/7/2022 gửi Cục Quản lý đường bộ II (là cơ quan quản lý tuyến) đề nghị xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri, đồng thời thông tin để Sở GTVT được biết. Trường hợp nếu đủ các điều kiện quy định tại Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT ngày 29/8/2019 của Bộ GTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông đường bộ để lắp đặt biển báo hạn chế tốc độ, Sở GTVT sẽ phối hợp Cục Quản lý đường bộ II báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (là cơ quan có thẩm quyền quyết định đặt biển báo) để thực hiện.

 

(Căn cứ Công văn số 1914/SGTVT-KHTH ngày 12/7/2022 của Sở Giao thông Vận tải về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

3. Tuyến đường tỉnh lộ 564 từ Mỹ Thủy đến Trường Thủy rất chật hẹp và đã xuống cấp nghiêm trọng, tiểm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn giao thông. Đề nghị Tỉnh kiểm tra, bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng lại tuyến đường phù hợp với nhu cầu đi lại của Nhân dân (cử tri xã Trường Thủy).

 

Trả lời:

 

Đối với đề nghị nâng cấp, sửa ch a Đường tỉnh 564: Đường tỉnh 564 với tổng chiều dài 22 km; trong những năm qua, đoạn tuyến từ xã Mỹ Thủy đến xã Trường Thủy đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, mở rộng mặt đường theo tiêu chuẩn đường cấp IV, bề rộng mặt đường 5,5m. Năm 2022, Sở GTVT đã báo cáo và được UBND tỉnh cho phép tiếp tục đầu tư mở rộng mặt đường đoạn từ Km13 500 - Km15+118 từ nguồn vốn bảo trì đường bộ, hiện tại đang chuẩn bị triển khai thi công và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2022. Trong những năm tiếp theo, Sở GTVT sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đầu tư nâng cấp đồng bộ đoạn tuyến còn lại.

 

(Căn cứ Công văn số 1914/SGTVT-KHTH ngày 12/7/2022 của Sở Giao thông Vận tải về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

4. Đề nghị Tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí để sớm nâng cấp tuyến đường đê 186 từ Hói Cùng đi Sơn Thủy vì hiện nay đã xuống cấp, không đủ cao trình vượt lũ tiểu mãn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của bà con (cử tri Trương Văn Cần - Xã Xuân Thủy).

 

Trả lời:

 

Qua kiểm tra, UBND huyện thấy: Tuyến đê bao Hói 186 có chiều dài 15,43 km, mặt đê rộng từ B = 2,0 đến 3,0m, toàn tuyến đê bằng đất chưa được gia cố bảo vệ, cao trình đỉnh thấp, một số đoạn mặt, mái đê bị xói lở, bào mòn, hư hỏng cục bộ làm ảnh hưởng đến sản xuất, đi lại của nhân dân và không đảm bảo chống lũ tiểu mãn, lũ trái vụ. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của mưa, lũ hằng năm, đặc biệt đợt mưa lũ lịch sử tháng 10 năm 2020. Vì vậy, việc đầu tư sửa chữa nâng cấp tuyến đê bao trên là hết sức cần thiết. Tuy nhiên nguồn kinh phí khắc phục, sửa chữa lớn trong khi nguồn ngân sách huyện đang còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy đề nghị UBND tỉnh đưa vào danh mục công trình cần khắc phục sửa chữa khẩn cấp đề nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí.

 

(Căn cứ Báo cáo số 211/BC-UBND ngày 12/7/2022 của UBND huyện Lệ Thủy tổng hợp trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

5. Đề nghị Tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp đập Dạ Lan trên địa bàn xã Thái Thủy, hiện nay đập đã xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ sạt lở vào mùa mưa lũ (cử tri Lê Thuận Diệu - Xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy)

 

Trả lời:

 

Hồ Dạ Lam được đầu tư xây dựng từ năm 1987 có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 31ha vụ Đông Xuân, 24,5ha lúa vụ Hè Thu đất sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân xã Thái Thủy. Năm 2020 trên địa bàn huyện Lệ Thủy có mưa rất to khiến nước từ thượng nguồn đổ về, mực nước trong hồ dâng cao, gây nguy cơ vỡ đập. Trước tình hình đó chính quyền và nhân dân địa phương đã tiến hành phá dỡ 1 phần ngưỡng tràn để tăng khả năng tiêu thoát lũ.

 

Theo Quyết định số 4638/QĐ-BNN-HTQT ngày 09/11/2015 của Bộ NN&PTNT về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án “Sửa chữa và nâng cao an toàn đập” (WB8) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, tỉnh Quảng Bình được hỗ trợ đầu tư xây dựng 02 tiểu dự án với tổng kinh phí là 277.950 triệu đồng, để sửa chữa, nâng cao an toàn đập cho 10 hồ chứa. Sau khi cân đối giá trị thực hiện của các Tiểu dự án, trên cơ sở số vốn ODA còn dư, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh, báo cáo Ngân hàng Thế giới, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép sử dụng phần kinh phí còn lại để sửa chữa, nâng cấp 02 hồ chứa: Dạ Lam (Lệ thủy) và Trốc Vực (Bố trạch). Ngày 28/5/2021 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Văn bản chấp thuận và đề nghị UBND tỉnh phê duyệt sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt cho phép tăng số lượng hồ trong dự án WB8. Hiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi của 02 hồ bổ sung (Dạ Lam và Trốc Vực) đã hoàn thành được Sở NN&PTNT, Sở KH&ĐT thẩm định và sẽ được UBND tỉnh phê duyệt sau khi có Quyết định tăng số lượng hồ của Thủ tướng Chính phủ (dự kiến trong tháng 8/2022), trong Quý IV/2022 sẽ hoàn thành thủ tục để lựa chọn nhà thầu và tổ chức triển khai thi công xây lắp.

 

(Căn cứ Công văn số 1707/SNN-KHTC ngày 12/7/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII).

 

 6. Hiện nay hệ thống cống và bao đê Thượng Mỹ Trung và các tuyến đê ngang đã xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên gây ngập lụt, làm ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp của bà con. Đề nghị Tỉnh xem xét bổ sung nguồn vốn hỗ trợ xây dựng lại hệ thống cống và đê bao trên địa bàn (cử tri thôn Mốc Thượng 1, xã Hồng Thủy).

 

Trả lời:

 

Tuyến đê bao thượng nguồn Mỹ Trung có chiều dài 75km (trong đó đoạn đê thuộc địa phận Lệ Thủy dài 52,08 km), cao trình đỉnh giao động từ +1,5 – 2,0m, mặt đê rộng từ 2,0 đến 3,0 m, mái phía sông m = 2,5, mái phía đồng 2 m = 2,0 phục vụ sản xuất cho hơn 4.000 ha diện tích lúa của các xã Hồng Thủy, Hoa Thủy, Sơn Thủy, Lộc Thủy, Phong Thủy, TT Kiến Giang, Thanh Thủy, An Thủy, Liên Thủy, Xuân Thủy. Do ảnh hưởng của mưa lũ hàng năm, các cống trên đê bị hư hỏng, không đóng mở được; mái đê tại nhiều vị trí bị xói lở, hư hỏng không đảm bảo cho sản xuất. Vì vậy, việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa tuyến đê này là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, nguồn kinh phí nâng cấp, sửa chữa lớn trong khi điều kiện nguồn ngân sách của huyện còn khó khăn, đề UBND tỉnh đưa vào danh mục công trình cần khắc phục sửa chữa khẩn cấp đề nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí. đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu, khảo sát đánh giá khả năng tiêu thoát lũ, nhu cầu sử dụng nước, từ đó xác định lại nhiệm vụ cụ thể của các công trình để có giải pháp lâu dài.

 

(Căn cứ Báo cáo số 211/BC-UBND ngày 12/7/2022 của UBND huyện Lệ Thủy tổng hợp trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

7. Đề nghị Tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp nhất là tình hình giá cả vật tư tăng cao làm ảnh hưởng đến việc sản xuất của bà con nông dân, nghiên cứu hỗ trợ cho các đơn vị sản xuất 02 vụ; đồng thời đề nghị với Nhà nước có chính sách điều chỉnh giá cả của vật tư nông nghiệp, thức ăn gia súc gia cầm cho phù hợp để tạo điều kiện cho người dân sản xuất nông nghiệp (cử tri huyện Lệ Thủy).

 

Trả lời:

 

Thời gian qua, giá cả các yếu tố vật tư đầu vào sản xuất nông nghiệp như phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao (phân Urê tăng 136-143%, đạm tăng 143-164%, Kali tăng 180-200%, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng 30- 45%, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng từ 30-35%) đã gây áp lực lớn và nhiều khó khăn cho bà con nông dân, thậm chí một số nơi e ngại, không dám đầu tư vì sợ thua lỗ. Thực trạng này diễn ra trên cả nước, không riêng gì tỉnh ta. Sở Nông nghiệp và PTNT xin chia sẽ với những khó khăn của bà con nông dân cả tỉnh nói chung cũng như huyện Lệ Thủy nói riêng.

 

Mặc dù hằng năm, UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và thủy sản, kết hợp với các nguồn vốn hỗ trợ khác đã tập trung hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là ưu tiên các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm như nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, các mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu phù hợp với thị trường, nhiều mô hình có hiệu quả cao được nhân rộng vào sản xuất. Tuy vậy do nguồn vốn có hạn trong khi nhu cầu hỗ trợ nhiều nên chính sách chỉ hỗ trợ 01 vụ nhằm kích thích sản xuất, chưa thể hỗ trợ sản xuất 02 vụ như kiến nghị của cử tri. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu sản xuất trước những diễn biến hết sức phức tạp của giá cả vật tư nông nghiệp như hiện nay.

 

Đối với vấn đề điều chỉnh giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi: Đã có nhiều kiến nghị có chính sách điều chỉnh giá các mặt hàng này nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Vì đây là vấn đề vĩ mô, cần có chính sách điều tiết phù hợp của Chính phủ. Do hiện nay nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, vật tư, phân bón phải nhập khẩu và phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu nên việc điều chỉnh giá tương đối khó khăn. Thời gian tới các Bộ ngành Trung ương sẽ tham mưu Chính phủ, Quốc hội và cấp có thẩm quyền điều chỉnh thuế, hoặc trong điều kiện đặc biệt khi giá nguyên liệu đầu vào, giá nguyên liệu thế giới tăng cao sẽ thực hiện các chính sách an sinh cho người dân, nhất là những đối tượng yếu thế.

 

Để duy trì sản xuất trong điều kiện giá đầu vào tăng cao như hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đã hướng dẫn và khuyến cáo các giải pháp, đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo nông dân áp dụng để giảm chi phí sản xuất như: Lựa chọn các mô hình kinh tế tuần hoàn để sản xuất; tăng cường sử dụng phân phón hữu cơ, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học; tận dụng tối đa phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, rác thải hữu cơ trong sinh hoạt để ủ phân hữu cơ; sử dụng lượng giống gieo cấy phù hợp, các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn và cực ngắn ngày để rút ngắn thời gian sản xuất trên ruộng, giảm rủi ro do thời tiết bất lợi; chủ động nguồn thức ăn tinh, thức ăn thô xanh, nguồn phụ phẩm nông, công nghiệp để chế biến làm thức ăn chăn nuôi sẵn có tại địa phương; chế biến, dự trữ thức ăn chăn nuôi; sử dụng thức ăn truyền thống, giảm thức ăn công nghiệp; khuyến khích phát triển chăn nuôi các loại gia súc ăn cỏ hạn chế ảnh hưởng của giá thức ăn công nghiệp tăng cao. Đồng thời đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra vật tư đầu vào như giống, vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi đã phát hiện, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm để bà con tránh sử dụng vật tư, phân bón giả, kém chất lượng, ảnh hưởng đến sản xuất.

 

(Căn cứ Công văn số 1707/SNN-KHTC ngày 12/7/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII).

 

8. Hai  xã Văn Thủy và Trường Thủy sáp nhập đã hơn 2 năm nhưng chưa có Trung tâm hành chính của xã nên việc đi lại, giải quyết các thủ tục hành chính của Nhân dân hết sức khó khăn. Đề nghị Tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng lại trung tâm hành chính của xã (cử tri xã Trường Thủy).

 

Trả lời:

 

 Thực hiện Nghị quyết số 862/NQ-UBTVQH14, ngày 10/01/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Bình, theo đó tháng 02/2020, xã Trường Thủy và xã Văn Thủy được sát nhập lại và lấy tên gọi là xã Trường Thủy. Sau khi sáp nhập, xã gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, phải làm việc tại 2 trụ sở có khoảng cách xa (trụ sở của 2 xã cũ) đã gây ra nhiều khó khăn trong thực hiện công tác chuyên môn của CBCC và giao dịch của nhân dân. Để đầu tư xây dựng trụ sở mới phải có nguồn kinh phí lớn, trong khi ngân sách huyện không đáp ứng được mà phải tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên. Xuất phát từ thực tế đó, UBND huyện đã tổng hợp đề xuất ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình Trung tâm hành chính xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy với quy mô khối nhà 3 tầng và các hạng mục phụ trợ khác với tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng tại Tờ trình số 201/TTr-UBND ngày 12/02/2020 của UBND huyện, đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư khi có điều kiện. Trước mắt giao cho Đảng uỷ, UBND xã Trường Thuỷ xây dựng phương án làm việc tại một địa điểm trên cơ sở sử dụng cơ sở vật chất hiện có.

 

(Căn cứ Báo cáo số 211/BC-UBND ngày 12/7/2022 của UBND huyện Lệ Thủy tổng hợp trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

Phòng DNTT

Các tin khác