Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 9

  • Hôm nay 5699

  • Tổng 2.888.519

Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Quảng Ninh trước kỳ họp thứ 8 - HĐND tỉnh khoá XVIII

10:56, Thứ Năm, 15-12-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Quảng Ninh sau kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026

 

1. Đề nghị Tỉnh quan tâm hơn nữa đến vấn đề phát triển sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn, nghiên cứu đưa các giống lúa mới, giống cây ăn quả, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao (như sâm Ngọc Linh, sầu riêng….) để bà con sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế; quan tâm hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho người nông dân (cử tri Trương Văn Chơn, xã An Ninh).

 

Trả lời:

 

Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhất là tập trung chỉ đạo tái cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hằng năm đều có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, ưu tiên nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo điều kiện để các doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị trên một số cây trồng lợi thế.

 

Nhờ có sự quan tâm chỉ đạo kết hợp với chính sách hỗ trợ nên các địa phương đã chuyển đổi hàng ngàn ha đất trồng lúa, đất trồng hoa màu, đất gò đồi trồng cao su, trồng rừng kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu qua kinh tế  cao hơn từ 2-6 lần so với sản xuất cây trồng trước. Đối với giống lúa đã chọn được các giống mới ST24, ST25, QS88, SV181, HN6, Hương Bình… để đưa vào cơ cấu, thay thế các giống đã thoái hóa. Trên vùng đất màu đưa nhiều giống ngô sinh khối, giống ngô lai lấy hạt, khoai lang Nhật Bản, giống lạc, đậu đỗ mới vào sản xuất; trên vùng gò đồi trồng cao su, trồng rừng chuyển sang trồng dưa hấu, sả, cỏ chăn nuôi, sim, cây cây ăn quả (ổi, cam, mít ruột đỏ, bưởi,...), cây dược liệu (sâm bố chính, ba kích, cà gai leo...). Tuy nhiên, một số cây trồng đưa vào thử nghiệm khó thích nghi và nhanh thoái hóa; đối với sâm Ngọc Linh, sầu riêng như kiến nghị cử tri đã thử nghiệm nhưng không phù hợp với điều kiện tỉnh ta.

 

Để giúp nông dân tiêu thụ nông sản, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tích cực kêu gọi, kết nối giữa doanh nghiệp với nông dân liên kết theo chuỗi giá trị; triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết 59/2019/NQ-HĐND; hỗ trợ các cơ sở bảo quản, chế biến nông sản; hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm, đưa nông sản tham gia các sàn giao dịch điện tử…nhờ vậy đã hình thành, mở rộng nhiều chuỗi nông sản như lúa, lạc, ngô, sắn, cây dược liệu, bò, gà, thủy sản, gỗ rừng trồng…; nhiều sản phẩm đạt OCOP 3-4 sao.. Tuy nhiên việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản đang gặp nhiều khó khăn; ít hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư do điều kiện đất sản xuất manh mún, thời tiết khí hậu khắc nghiệt.

 

Tiếp thu ý kiến cử tri, thời gian tới ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương tích cực chỉ đạo chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; tổ chức thực hiện tốt hơn nữa trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển giao tiến bộ KHKT, hỗ trợ tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn hiệu quả, bền vững.

 

(Căn cứ Công văn số 3285/SNN-KHTC ngày 02/12/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

2. Cử tri đề nghị trong chính sách giao đất, giao rừng, Tỉnh cần quan tâm, có sự chỉ đạo, khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, có giá trị kinh tế vừa đảm bảo giữ đất, giữ nước, chống xói mòn đất, hạn chế lũ quét đồng thời có thể phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng (cử tri xã An Ninh).

 

Trả lời:

 

Việc trồng rừng gỗ lớn trong những năm qua đã được Tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện, thông qua nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình, dự án như Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh hiện đã hình thành gần 4.000 ha rừng trồng gỗ lớn và khoảng 4.300 ha rừng trồng đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Cùng với việc hướng dẫn, áp dụng các giải pháp kỹ thuật trong nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, năng suất rừng trồng bình quân toàn tỉnh đã từng bước được cải thiện, hiện đạt 17 m3/ha/năm. Giai đoạn 2023 - 2025 thông qua dự án Chương trình Phát triển Lâm nghiệp bền vững, sẽ tiếp tục hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn với quy mô khoảng 1.000 ha.

 

         

Về phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng, năm 2022, thông qua nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp đã hỗ trợ trồng 14,3 ha cây dược liệu dưới tán rừng cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch và Quảng Ninh. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng quy mô hỗ trợ để phát triển cây dược liệu dưới tán rừng.

         

Do vậy, để tiếp tục phát triển rừng trồng gỗ lớn cũng như phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng, đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát nhu cầu hỗ trợ của người dân để có cơ sở xây dựng kế hoạch hỗ trợ trong thời gian tới.     

 

(Căn cứ Công văn số 3285/SNN-KHTC ngày 02/12/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

3. Hiện nay giá cả các mặt hàng vật tư nông nghiệp, giống cây, phân bón, thuốc trừ sâu… tăng cao làm tăng chi phí sản xuất; nhiều hộ nông dân có tâm lý không muốn sản xuất, bỏ hoang ruộng đất. Đề nghị Tỉnh quan tâm hơn nữa chính sách phát triển nông nghiệp, hỗ trợ nông dân trong sản xuất (cử tri Trần Thị Sương, xã Hiền Ninh và cử tri Trần Hoa Bắc, TDP13 phường Bắc Lý).

 

Trả lời:

 

Đầu năm 2021, giá cả vật tư đầu vào tăng cao (giống cây trồng tăng 5-7%, phân Urê tăng 136-143%, đạm tăng 143-164%, Kali tăng 180-200%, thuốc trừ sâu tăng 10-15%) đã gây áp lực lớn và nhiều khó khăn cho bà con nông dân, thậm chí một số nơi e ngại, không muốn sản xuất, bỏ hoang ruộng đất như kiến nghị cử tri. Thực trạng này diễn ra trên cả nước, không riêng gì tỉnh ta. Hiện nay giá giống cây trồng, phân bón, thuốc trừ sâu tuy không tăng so với năm 2021 nhưng vẫn đang ở mức cao. Sở Nông nghiệp và PTNT xin chia sẽ với những khó khăn của bà con nông dân.

 

Mặc dù nguồn lực của tỉnh còn hạn chế nhưng hằng năm UBND tỉnh đều có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, ưu tiên hỗ trợ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu phù hợp với thị trường, nhiều mô hình có hiệu quả cao được nhân rộng vào sản xuất. Tuy nhiên chính sách chưa thể đáp ứng yêu cầu sản xuất.

 

Để duy trì sản xuất trong điều kiện giá đầu vào tăng cao, Sở Nông nghiệp và PTNT đã hướng dẫn và khuyến cáo các giải pháp để các địa phương tiếp tục chỉ đạo nông dân áp dụng nhằm giảm chi phí sản xuất như: Lựa chọn các mô hình kinh tế tuần hoàn; tăng cường sử dụng phân phón hữu cơ, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học; tận dụng tối đa phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, rác thải hữu cơ trong sinh hoạt để ủ phân hữu cơ; sử dụng lượng giống gieo cấy phù hợp, các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn và cực ngắn ngày để rút ngắn thời gian sản xuất trên ruộng, giảm rủi ro do thời tiết bất lợi. Đồng thời đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra vật tư đầu vào như giống cây trồng, phân bón, thuốc trừ sâu, đã phát hiện, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm để bà con tránh sử dụng vật tư, phân bón giả, kém chất lượng, ảnh hưởng đến sản xuất.

 

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu sản xuất trước những diễn biến hết sức phức tạp của giá cả vật tư nông nghiệp.

 

(Căn cứ Công văn số 3285/SNN-KHTC ngày 02/12/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

 

4. Tình trạng ô nhiễm môi trường từ việc chăn nuôi gia trại trong khu dân cư tại các xã trên địa bàn huyện Quảng Ninh vẫn còn tồn tại. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành cần kiểm tra, xử lý dứt điểm những trường hợp này, đem lại môi trường trong lành trong khu dân cư (cử tri xã Hiền Ninh).

 

Trả lời:

 

Trên địa bàn huyện hiện có 02 trang trại chăn nuôi được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (trang trại chăn nuôi của Công ty TNHH Thanh Hương; Trang trại chăn nuôi của Công ty Butaphan Quảng Bình), có 19 trang trại, gia trại chăn nuôi được UBND huyện xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường và có hơn 200 gia trại chăn nuôi quy mô hộ gia đình. Đối với các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn thuộc đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường được các ngành, Sở TNMT kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Các trang trại, gia trại chăn nuôi có quy mô nhỏ nằm xen kẻ trong khu dân cư, hàng năm UBND huyện chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND các xã, thị trấn rà soát, hướng dẫn lập phương án bảo vệ  môi trường trình UBND huyện phê duyệt, hướng dẫn các hộ gia đình chăn nuôi xây dựng công trình xử lý chất thải chăn nuôi khép kín, hạn chế ô nhiễm môi trường. Hiện nay, chăn nuôi hộ gia đình trong khu dân được UBND các xã, thị trấn vận động các hộ chăn nuôi trong khu dân cư giảm quy mô tổng đàn, không mở rộng, xây dựng mới chuồng trại, không khuyến khích phát triển chăn nuôi trong khu dân cư, tiến đến giảm dần cho đến khi chấm dứt, chỉ sản xuất chăn nuôi mang tính tự cung, tự cấp hạn chế ảnh hưởng đến môi trường trong khu dân cư.

 

Trên địa bàn xã Hiền Ninh không có trang trại chăn nuôi thuộc đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, cấp huyện phê duyệt, xác nhận. Các gia trại chăn nuôi trên địa bàn xã Hiền Ninh chủ yếu chăn nuôi quy mô hộ gia đình, theo Luật bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/10/2022 và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT thì các hộ chăn nuôi quy mô hộ gia đình trên địa bàn xã thuộc trách nhiệm của UBND xã quản lý. UBND huyện thường xuyên chỉ đạo UBND xã theo thẩm quyền thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các hộ chăn nuôi quy mô hộ gia đình trên địa bàn; hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện đăng ký môi trường, giải quyết các kiến nghị về bảo vệ môi trường đối với các nội dung đã được hộ chăn nuôi đăng ký; hướng dẫn hộ chăn nuôi trong khu dân cư tăng cường áp dụng các biện pháp giảm thiểu, xử lý chất thải chăn nuôi phát sinh; hướng dẫn các thôn đưa nội dung bảo vệ môi trường trong khu dân cư vào hương ước, quy định của thôn để quản lý, tuyên truyền, vận động các hộ thực hiện đảm bảo môi trường cho cộng động.

 

Thời gian tới, UBND huyện Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp các đơn vị có liên quan và UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra chấp hành quy định pháp luật bảo vệ môi trường của các trang trại, gia trại trên địa bàn. Hướng dẫn UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện đăng ký môi trường đối với các trang trại, gia trại không thuộc thẩm quyền phê duyệt, xác nhận của cấp tỉnh, cấp huyện; kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân đăng ký môi trường theo quy định của pháp luật; giải quyết kiến nghị về bảo vệ môi trường đối với nội dung đã được tổ chức, cá nhân đăng ký môi trường.

 

(Căn cứ Báo cáo số 359/BC-UBND ngày 02/12/2022 của UBND huyện Quảng Ninh  về việc trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

5. Hiện nay tình trạng nhiều nhà văn hóa khu dân cư trên địa bàn xã Hiền Ninh đã bị xuống cấp, Nhân dân thiếu nơi sinh hoạt cộng đồng. Để xã Hiền Ninh đạt được mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao năm 2023, đề nghị Tỉnh quan tâm, sớm có chính sách hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa ở khu dân cư (cử tri Nguyễn Thị Thuận, xã Hiền Ninh).

 

Trả lời:

 

Ngày 24/11/2022, Hội đồng nhân dân dân huyện đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-HĐND về hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 thì mức hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm, bản, tổ dân phố và xây dựng đình làng lồng ghép các hoạt động thể thao, mức hỗ trợ 100 triệu đồng/nhà ( đối mức đầu tư  từ 01 tỷ đồng), mức hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà ( đối mức đầu tư dưới 01 tỷ đồng).

 

Để đạt được tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng Nông thôn mới, với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Việc đầu tư nâng cấp, xây dựng mới nhà văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, UBND xã và nhân dân xã Hiền Ninh tăng cường công tác xã hội hóa, kêu gọi các mạnh thường quân, các doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư để hoàn thành đạt được các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

 

(Căn cứ Báo cáo số 359/BC-UBND ngày 02/12/2022 của UBND huyện Quảng Ninh về việc trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

6. Tình trạng thiên tai, nạn khai thác cát sạn trái phép đã làm xói lở bờ sông, mất đất sản xuất, xã Hiền Ninh hiện có 4 thôn bị ảnh hưởng. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành quản lý chặt tình trạng khai thác cát sạn trên sông, đồng thời xây dựng hệ thống đê kè chống xói lở, bảo vệ đất nông nghiệp cũng như di tích Lũy thầy Trường Dục (cử tri xã Hiền Ninh). (Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời, trang 27)

 

Trả lời:

 

Theo quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 35/2018/QĐ-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2018, trên tuyến sông Long Đại đoạn qua địa bàn xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh chưa có quy hoạch mỏ cát sỏi cũng như chưa có tổ chức cá nhân nào được cấp giấy phép khai thác.

 

 Để chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn, thời gian qua các Sở, ngành có liên quan và địa phương đã không ngừng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác khoáng sản trên địa bàn nhất là đối với hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra và tham mưu UBND tỉnh thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra công tác quản lý, hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi trên địa bàn tỉnh.

 

 Hiện nay, việc khai thác trái phép trên sông Long Đại cơ bản đã được chấn chỉnh nhưng chưa triệt để, vẫn còn hoạt động khai thác, tập kết cát trái phép. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các cơ quan chức năng đã kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính 11 vụ/12 đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép với số tiền 196.320.000 đồng, trong đó tại địa bàn xã Hiền Ninh có 2 vụ với số tiền xử phạt 51 triệu đồng. Các đối tượng vi phạm chủ yếu là các hộ, cá nhân trước đây có ngành nghề truyền thống hút cát, sử dụng các thiết bị thô sơ để thực hiện hành vi vi phạm. Như vậy, việc cử tri xã Hiền Ninh đề nghị tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành quản lý chặt tình trạng khai thác cát sạn trái phép trên sông nhằm chống sạt lở dọc hai bên bờ sông là có cơ sở và cần thiết.

 

Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn, tiến tới đẩy lùi tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép trên sông Long Đại, đề nghị UBND huyện Quảng Ninh, UBND xã Hiền Ninh tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác cát trái phép, kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các vi phạm.

 

Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các Sở, ngành và địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh và hướng dẫn chuyên môn để UBND các huyện, các xã kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp khai thác trái phép theo đúng quy định của pháp luật.

 

(Căn cứ Công văn số 310/BC-STNMT ngày 02/12/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

7. Cử tri tiếp tục phản ánh cống tiêu nước vùng Đại Hữu, Võ Tân (phía Nam đầu kênh Đại Hoành - xã An Ninh) xây dựng đã lâu, khẩu độ nhỏ, nay đã xuống cấp không đảm bảo chức năng tiêu nước trong mùa mưa ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân. Nội dung này UBND huyện Quảng Ninh đã trả lời trước kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVII, tuy nhiên nguồn kinh phí của huyện hạn hẹp, đề nghị Tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp cống tiêu nước này (cử tri Trương Quang Tự, xã An Ninh).

 

Trả lời:

 

Cống tiêu nước vùng Đại Hữu, Võ Tân (phía nam đầu kênh Đại Hoành- xã An Ninh), kết cấu bằng bê tông, đường kính 80cm đã xây dựng lâu năm nên xuống cấp và không đảm bảo việc tiêu thoát lũ. Phản ánh của cử tri là đúng và đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư nâng cấp để đảm bảo thoát lũ. Sở Nông nghiệp và PTNT xin ghi nhận kiến nghị của cử tri và sẽ phối hợp với địa phương và các ngành liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét bố trí nguồn vốn để đầu tư.

 

(Căn cứ Công văn số 3285/SNN-KHTC ngày 02/12/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

8. Đề nghị Tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất cho trạm y tế thôn, bản để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Quan tâm đến công tác phun tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn (cử tri Nguyễn Thị Thuận, xã Hiền Ninh).

 

Trả lời:

 

 

Theo quy định của ngành y tế thì không có trạm y tế cấp thôn, bản. Đội ngũ y tế thôn bản trên địa bàn được cấp túi y tế thôn, bản và được tập huấn về chuyên môn hằng năm về phòng chống dịch bệnh, sơ cấp cứu ban đàu, truyền thông về giáo dục sức khoẻ…Hằng năm được hỗ trợ trang cấp bổ sung các trang thiết bị y tế thông dụng cơ bản đáp ứng nhu cầu phù hợp chức năng nhiệm vụ.

 

Trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục tham mưu các cấp, các ngành hỗ trợ tích cực hơn cho y tế thôn bản để đáp ừng tốt nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

 

* Về phun tiêu độc khử trùng trong phòng chống dịch sốt xuất huyết:

 

Trong thời gian qua, UBND huyện thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn. Theo đó, để đảm bảo chủ động phòng chống sốt xuất huyết thì giải pháp tốt nhất vẫn là phương châm “Không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết”. triển khai chiến dịch VSMT theo định kỳ hàng tuần đồng loạt trên địa bàn.

 

Việc phun tiêu độc khử trùng chỉ thực hiện theo chỉ định của ngành y tế và phải tiến hành song song cùng vệ sinh môi trường mới có hiệu quả. UBND huyện cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn xã hội hoá phun tiêu độc khử trùng các vùng có nguy cơ cao bùng phát dịch.

 

(Căn cứ Báo cáo số 359/BC-UBND ngày 02/12/2022 của UBND huyện Quảng Ninh  về việc trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

9. Đề nghị Tỉnh quan tâm phát triển du lịch tuyến sông Nhật Lệ trên địa bàn huyện Quảng Ninh từ Quán Hàu - Đền Tưởng niệm Liệt sỹ Trường Sơn bến phà Long Đại - Núi Thần Đinh; quan tâm nâng cấp điểm di tích lịch sử Chi bộ Trường Môn - Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Quảng Ninh; nâng cấp chợ Long Đại phục vụ giao thương (cử tri xã Hiền Ninh).

 

Trả lời:

 

UBND huyện đã chỉ đạo tích cực tuyên truyền quảng bá giới thiệu tiềm năng du lịch trên địa bàn. Sở Du lịch, Hiệp hội du lịch tỉnh đã xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng tour, tuyến du lịch. Hiện nay nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch lữ hành trong tỉnh và ngoài tỉnh như: Hà Nội; thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành khảo sát tuyến du lịch tham quan danh lam thắng cảnh, du lịch sinh thái trên sông Nhật Lệ, Tuyến trên sông Long Đại - Thác Tam Lu, tham quan Đền tưởng niệm các anh hùng liệt Sỹ bộ đội Trường Sơn. Ngày 30/11/2022, UBND huyện đã tiến hành khảo sát để thu thập những số liệu cụ thể, đánh giá các điểm mới, tiềm năng dọc các sông nhằm mục đích đề ra những chủ trương, chính sách kêu gọi thu hút đầu tư, xây dưng quy hoạch, cơ sở hạ tầng để sớm đưa vào khai thác các tuyến du lịch trên sông.

 

Việc nâng cấp di tích lịch sử Chi bộ Trường Môn - Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Quảng Ninh đã được sở Văn hóa và Thể thao; UBND huyện Quảng Ninh quan tâm đầu tư tôn tạo: Miếu, khuôn viên, trồng cây xanh, đường giao thông, cắm bảng chỉ dẫn...để nơi đây trở thành điểm tham quan của du khách trong ngoài huyện. Trong thời gian tới, UBND huyện tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá giới thiệu di tích để du khách gần xa biết.

 

(Căn cứ Báo cáo số 359/BC-UBND ngày 02/12/2022 của UBND huyện Quảng Ninh  về việc trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

10. Mức hỗ trợ bồi thường đối với số cây trồng dôi dư trên đơn vị diện tích do người dân trồng đại trà với mật độ dày (4000 - 5000 cây, có nơi trên 6000 cây) là 40% như hiện nay là quá thấp so với công sức, chi phí sản xuất của người dân bỏ ra. Cử tri đề nghị tỉnh, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án đường cao tốc Bắc Nam xem xét nâng mức hỗ trợ, tránh thiệt thòi cho người dân (cử tri Hồ Văn Ngọ, xã An Ninh).

 

Trả lời:

 

Thực hiện GPMB Dự án xây dựng công trình Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn qua huyện Quảng Ninh. Qua kiểm kê trên địa bàn huyện, đa phần các hộ dân trồng cây (keo, tràm, bạch đàn) với mật độ từ 4500-6500 cây/ha, các hộ đề nghị bồi thường theo cây thực tế. Theo quy định tại Mục c, Khoản 1, Điều 4, Quyết định 22/2021/QĐ-UBND ngày 28/7/2021 của UBND tỉnh thì chỉ được bồi thường đối với cây trong mật độ quy định 2.000 cây/ha, số cây vượt mật độ quy định tối đa 2.000 cây/ha chỉ được hỗ trợ bằng 50%, số cây trồng vượt mật độ 2.500 cây/ha không được hỗ trợ. Quá trình thực hiện áp giá, lấy ý kiến người dân về phương án bồi thường, hỗ trợ, để đảm bảo quyền lợi của người dân, UBND huyện đã báo cáo UBND tỉnh, Sở Tài chính xem xét mức bồi thường, hỗ trợ giá cây trồng vượt mật độ quy định nêu trên và đã được UBND tỉnh Quảng Bình đồng ý chủ trương bồi thường, hỗ trợ cây vượt mật độ tại Công văn số 1919/UBND ngày 14/10/2022 đối với Dự án xây dựng công trình Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, đoạn qua tỉnh Quảng Bình theo đề nghị của Sở tài chính tai Công văn số 3540/STC-GCSDN ngày 04/10/2022. Ngày 11/11/2022, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 46/2022/QĐ/UBND về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định mức bồi thường, hỗ trợ các loại cây trồng, vật nuôi. Theo đó, UBND tỉnh đã sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 4 Quy định mức bồi thường, hỗ trợ các loại cây trồng, vật nuôi là thủy sản, phần lăng, mộ và chi phí di chuyển trên địa bàn tỉnh Quảng Bình ban hành kèm theo Quyết định số 22/2021/QĐ-UBND ngày 28/7/2021 của UBND tỉnh Quảng Bình.

 

 Trường hợp cây trồng dày vượt quá định mức quy định (định mức trồng các loại cây) thì chỉ được tính bồi thường theo đúng định mức, số lượng cây trồng vượt định mức không được bồi thường. Trường hợp cây cối hoa màu trồng thấp hơn định mức quy định thì bồi thường theo số lượng cây thực tế.

 

Riêng đối với số lượng cây bạch đàn, phi lao, keo, tràm trồng tập trung (theo mật độ quy định là 2.000 cây/ha, mật độ trồng tối đa 2.500 cây/ha), trường hợp trồng vượt quá mật độ nói trên thì được hỗ trợ như sau:

 

- Nếu số lượng cây vượt trên 2.000-2.500 cây/ha: được hỗ trợ bằng 50% mức bồi thường quy định.

 

- Nếu số lượng cây vượt trên 2.500 cây/ha trở lên: được hỗ trợ bằng 40% mức bồi thường quy định.

 

Cụ thể mức hỗ trợ = số lượng cây vượt x tỷ lệ % x đơn giá (1 ha/2.000 cây)”.

 

Hiện nay, Hội đồng GPMB đường bộ cao tốc huyện Quảng Ninh đã áp dụng mức bồi thường, hỗ trợ như trên để bồi thường, hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng theo quy định tại Quyết định số 46/2022/QĐ/UBND ngày 11/11/2022 của UBND tỉnh Quảng Bình.

 

(Căn cứ Báo cáo số 359/BC-UBND ngày 02/12/2022 của UBND huyện Quảng Ninh  về việc trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

Các tin khác