Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 4156

  • Tổng 2.850.628

Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri huyện Quảng Ninh trước kỳ họp thứ 4 - HĐND tỉnh khóa XVIII

15:50, Thứ Sáu, 3-12-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Quảng Ninh trước kỳ họp thứ 4 -  HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026

 

1. Hệ thống cấp nước sạch trên địa bàn được Công ty cấp thoát nước Quảng Bình thi công, tuy nhiên ngoài sự đầu tư của Nhà nước và của đơn vị về đường ống, các thiết bị khác thì mỗi hộ dân phải đóng góp một khoản tiền từ 1.200.000 đồng đến 1.600.000 đồng (tùy theo hộ gia đình) để cùng với đơn vị cấp nước lắp đặt các thiết bị từ sau ống khởi thủy trục chính do đơn vị thi công đến đồng hồ của hộ gia đình. Cử tri đề nghị Tỉnh chỉ đạo đơn vị cấp nước và các đơn vị liên quan có giải pháp hỗ trợ trả lại số tiền của các hộ gia đình đã đóng góp thông qua việc trừ khấu hao theo tỷ lệ vào hóa đơn sử dụng nước hàng tháng cho đến khi hết số tiền do các hộ dân đóng góp (cử tri xã Duy Ninh).

 

Trả lời:

 

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về xử lý tài sản hệ thống cấp nước Rào Đá, tháng 10/2020 Công ty đã nhận chuyển nhượng HTCN Rào Đá với giá trị 20,66 tỷ đồng từ Ban QLDA&PTQĐ của huyện Quảng Ninh để tiếp quản vận hành cung cấp dịch vụ nước sạch cho Nhân dân các xã trên địa bàn huyện Quảng Ninh.

 

Sau khi tiếp quản, Công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương các xã khảo sát, đánh giá tình hình cấp nước của các địa bàn và nhận thấy: Một số khu vực dân cư, đặc biệt là các hộ dân thuộc các xã Tân, Duy, Hàm Ninh chất lượng cấp nước đến các hộ dân rất kém, nước yếu và bẩn, nhiều khu vực không có nước, nhân dân rất bất bình về dịch vụ cấp nước nhiều năm qua.

 

Vì vậy, Công ty đã phối hợp với lãnh đạo các xã Duy Ninh và Tân Ninh) tổ chức các Hội nghị đánh giá thực trạng hệ thống cấp nước và bàn phương án cải tạo, thay thế tuyến ống hiện có ở các thôn nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ cấp nước trên địa bàn; Theo đó, các Hội nghị đã thống nhất cao thực hiện việc cải tạo thoeo hình thức xã hội hóa. Công ty đầu tư các tuyến ống trục chính với kinh phí gần 6 tỷ đồng, người dân tham gia ngày công để đào mương lắp ống, đóng kinh phí để mua ống ở các trục đường nhỏ trong thôn và chi trả chi phí lắp đặt đến đồng hồ với khoản tiền như cử tri đã có ý kiến.

 

Việc thực hiện xã hội hóa trong công tác cải tạo, thay thế các tuyến ống trên địa bàn các thôn mà chính quyền địa phương và Công ty đã triển khai là giải pháp tối ưu nhằm đảm bảo cho đơn vị cấp nước cân đối được nguồn lực tài chính của doanh nghiệp , đồng thời việc chi trả cảu các hộ dân mang tính đồng đều, không tạo gánh nặng tài chính cho các hộ dân ở xa trục đường ống chính của Công ty đầu tư.

 

Hóa đơn tiền điện mà khách hàng phải chi trả hàng tháng là khoản tiền để doanh nghiệp bù đắp toàn bộ chi phí sản xuất và thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước theo quy định của pháp luật, không bao gồm khoản khấu trừ tiền lắp đặt ống nhánh đến đồng hồ của khách hàng. Vì vậy công ty không thể đáp ứng đề xuất của cử tri về khấu trừ tiền lắp đặt ban đầu vào hóa đơn tiền nước hàng tháng.

 

(Căn cứ Công văn số 315/CV-NQB ngày 26/11/2021 của Công ty Cổ phần cấp nước Quảng Bình về trả lời ý kiến cử tri trước kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

2. Hoạt động nấu nhựa đường của Công ty Thục Linh 494 trên địa bàn khói bụi gây ô nhiễm môi trường, đề nghị Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, xử lý bảo vệ môi trường trong khu dân cư (cử tri Bản Khe Ngang, Bản Khe Dây xã Trường Xuân).

 

Trả lời:

 

Ngày 26/11/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quảng Ninh và UBND xã Trường Xuân tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại “Cơ sở bãi chế biến vật liệu xây dựng và Trạm trộn bê tông nhựa” tại xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh của Công ty TNHH Thục Linh, kết quả kiểm tra cho thấy:

 

Cơ sở bãi chế biến vật liệu xây dựng và Trạm trộn bê tông nhựa của Công ty TNHH Thục Linh đã được UBND huyện Quảng Ninh cấp giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường số 66/GXN-UBND ngày 01/9/2021, với công suất thiết kế Trạm trộn bê tông là 80 tấn/ngày; khoảng cách từ Trạm trộn bê tông nhựa đến khu dân cư gần nhất khoảng 700m. Trạm trộn bê tông nhựa được trang bị đồng bộ hệ thống thu gom và xử lý khí thải phát sinh. Tại thời điểm kiểm tra cơ sở không hoạt động (do không có đơn đặt hàng), theo báo cáo của Công ty do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên từ đầu năm đến nay Trạm trộn bê tông nhựa vận hành không thường xuyên, thời gian mỗi lần vận hành trong khoảng từ 3 đến 4 giờ đồng hồ.

 

Để đảm bảo môi trường trong quá trình hoạt động, Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Công ty TNHH Thục Linh nghiêm túc thực hiện các nội dung sau:

 

- Trước khi có kế hoạch vận hành Trạm trộn bê tông trở lại phải báo cáo với chính quyền địa phương để giám sát, quản lý.

 

- Thực hiện đúng và đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường theo Kế hoạch bảo vệ môi trường đã được UBND huyện Quảng Ninh xác nhận và các quy định khác của pháp luật về bảo vệ môi trường.

 

- Trong quá trình vận hành nếu xảy ra sự cố phải dừng ngay hoạt động để khắc phục và kịp thời báo với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng có liên quan biết.

 

Đề nghị UBND huyện Quảng Ninh và UBND xã Trường Xuân tiếp tục giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hoạt động “Cơ sở bãi chế biến vật liệu xây dựng và Trạm trộn bê tông nhựa” của Công ty TNHH Thục Linh và xử lý nghiêm nếu có vi phạm.

 

(Căn cứ Báo cáo số 210/BC-STNMT ngày 29/11/2021 của  Sở Tài nguyên và Môi trường về trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

3. Ống tiêu nước tại phía nam, đầu kênh Đại Hoành, do cống tiêu này có khẩu độ nhỏ hơn, chưa bằng 1/10 khẩu độ mỗi cống phía trước, đặc biệt cống không chảy được vì toàn thân cống thấp hơn mực nước và đất ở cả trước và sau cống nên sau mỗi trận mưa to kể từ khi có kênh rào đá nước ngập đường 15 hơn 0,2m. Ý kiến của cử tri đã được trả lời sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV là chưa bố trí được vốn nên cử tri lại tiếp tục đề nghị Tỉnh xem xét, sớm bố trí nguồn vốn làm lại cống tiêu nước tại phía Nam, đầu kênh Đại Hoành đảm bảo tiêu thoát nước (cử tri Trương Văn Tự, thôn Đại Hữu, xã An Ninh).

 

Trả lời:

 

Vấn đề này cử tri đã có ý kiến nhiều lần. Tuy nhiên do nguồn ngân sách hạn hẹp nên chưa thể bố trí xây dựng được. Đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ nguồn vốn để xây dựng cống tiêu có khẩu độ đảm bảo thoát lũ cho khu vực phía Tây kênh chính Rào Đá nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con yên tâm sinh sống, sản xuất khi mùa mưa đến.

 

(Căn cứ Công văn số 1294/UBND-VP ngày 30/11/2021 của UBND huyện Quảng Ninh về trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII).

 

4. HTX Nông nghiệp Thống Nhất có diện tích trồng lúa vụ Đông xuân 250 ha, vụ Hè thu 120 ha, năm 2020, mở rộng xuống chân ruộng một vụ thêm 125 ha. Tuy nhiên hiện nay giao thông đi lại phục vụ sản xuất khó khăn. Cử tri đề nghị Tỉnh quan tâm đầu tư kiên cố hóa giao thông nội đồng trục đường Hói Hồ khoảng 1,2 km, để bà con yên tâm mở rộng diện tích sản xuất 2 vụ (cử tri Nguyễn Duy Viên, thôn Thống Nhất, xã An Ninh).

 

Trả lời

 

Trục đường Hói Hồ thuộc vùng ruộng của HTX SXKD DVNN Thống Nhất xã An Ninh có chiều dài khoảng 3,0km, năm 2020 đã được kiên cố hóa chiều dài 1,8km bằng nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đoạn còn lại khoảng 1,2km chưa được kiên cố hóa, vì vậy việc đi lại sản xuất của bà con nhân dân gặp nhiều khó khăn. Kính đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ nguồn vốn để kiên cố hóa đoạn đường 1,2km còn lại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nhân dân đi lại sản xuất.

 

(Căn cứ Công văn số 1294/UBND-VP ngày 30/11/2021 của UBND huyện Quảng Ninh về trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII).

 

5. Vừa qua Nhà nước đầu tư tuyến đường 564B qua khu dân cư thôn Thống Nhất, Nhân dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, đường mới nâng cao, khi có mưa nước ngập đường giao thông xóm và vườn nhà các hộ dân 2 bên đường không tiêu thoát được, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện các bệnh truyền nhiễm. Cử tri đề nghị Tỉnh đầu tư máng thoát nước hai bên đường 564B qua khu dân cư thôn Thống Nhất để đảm bảo tiêu, thoát nước (cử tri Võ Văn Thoa, thôn Thống nhất, xã An Ninh).

 

Trả lời:

 

Tuyến đường tỉnh 564B đoạn qua thôn Thống Nhất trước đây hư hỏng lầy lội, về mùa mưa nhiều đoạn ngập sâu 30-40 cm, tấm bê tông cũ bị vỡ nát, đi lại hết sức khó khăn. Năm 2021 được sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở Giao thông vận tải đã đầu tư nâng cấp nền, mặt đường đoạn tuyến đi qua thôn Thống Nhất tạo điều kiện cho nhân dân đi lại hết sức thuận lợi, được nhân dân đồng tình cao. Tuy nhiên do nguồn kinh phí hạn chế, Sở Giao thông vận tải chưa đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước dọc hai bên tuyến nên một số điểm dọc hai bên tuyến nước ngập, ứ đọng về mùa mưa như ý kiến của cử tri là đúng sự thật.

 

(Căn cứ Công văn số 1294/UBND-VP ngày 30/11/2021 của UBND huyện Quảng Ninh về trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII).

 

6. Mặt đê của tuyến đê Thượng Mỹ Trung phía bờ hữu sông Kiến Giang đi qua địa bàn xã Gia Ninh đã bị sụt, lún, hư hỏng nghiêm trọng (có nơi lún sâu đến 40cm). Sau những trận mưa, nước đọng lại thành vũng, lầy lội, ảnh hưởng đến việc đi lại sản xuất của bà con nông dân. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, xử lý đảm bảo an toàn công trình và giúp bà con sản xuất được thuận lợi (cử tri xã Gia Ninh).

 

Trả lời:

 

Tuyến đê Thượng Mỹ Trung mà cử tri có ý kiến thực tế là tuyến đê Tả Kiến Giang (từ  K6+425-K15 huyện Quảng Ninh quản lý đoạn từ xã Vạn Ninh-Gia Ninh-Tân Ninh). Tuyến đê này nhiều chỗ bị sạt lở chân đê, mái đê, mặt đê ảnh hưởng đến việc đi lại sản xuất của bà con nhân dân cũng như việc phòng chống lũ, xâm nhập mặn vùng ruộng Ông Đồng. Huyện đã đề xuất nhiều lần và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm tra thực địa tại tuyến đê này, tuy nhiên đến nay vẫn chưa bố trí vốn để sửa chữa, khắc phục được. Kính đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ nguồn vốn để nâng cấp, sửa chữa tuyến đê này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nhân dân đi lại sản xuất và phục vụ công tác chống lũ, xâm nhập mặn cho vùng ruộng Ông Đồng các xã Vạn Ninh, Gia Ninh, Võ Ninh, Tân Ninh.

 

(Căn cứ Công văn số 1294/UBND-VP ngày 30/11/2021 của UBND huyện Quảng Ninh về trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII).

 

7. Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Minh Trung (xã Gia Ninh) đề nghị Tỉnh xem xét giải quyết dứt điểm việc giao cho Công ty Điện lực Quảng Bình quản lý tuyến điện vượt sông từ trạm điện 9 -13 sang trạm bơm Hói Đáy để Hợp tác xã yên tâm sản xuất nông nghiệp, trước mắt tập trung sửa chữa các Trạm điện bơm để phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022 (cử tri xã Gia Ninh).

 

Trả lời:

 

- Đối với tuyến điện hạ thế vượt sông từ Trạm biến áp 9-13 sang trạm bơm Hói Đáy hiện thuộc tài sản quản lý của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Minh Trung (HTX) - xã Gia Ninh. Trường hợp HTX có nhu cầu chuyển giao cho ngành điện quản lý, đề nghị HTX lập hồ sơ đề nghị điều chuyển tài sản theo quy định tại quyết định số 41/2017/QĐ-TTg ngày 15/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định trình tự, thủ tục điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng vốn nhà nước sang Tập đoàn điện lực Việt Nam quản lý.

 

- Đối với các trạm biến áp của ngành điện (Trạm biến áp 1-1, trạm biến áp 9-13 và trạm biến áp Ông Đồng) cấp điện cho các trạm bơm của HTX Dịch vụ nông nghiệp Minh Trung hiện vẫn đang hoạt động bình thường, Công ty Điện lực Quảng Bình sẽ cấp điện đảm bảo an toàn, liên tục cho các trạm bơm của HTX trong vụ mùa Đông Xuân 2021-2022 này.

 

(Căn cứ Công văn 5376/ QBPC-TTBVPC ngày 01/12/2021 của Công ty Điện lực Quảng Bình về việc  giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII)

                                                                                                                                                                                         Phòng DNTT

Các tin khác