Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 10

  • Hôm nay 4468

  • Tổng 2.882.676

Cần những giải pháp đồng bộ để phát triển nghề luật sư

9:32, Thứ Sáu, 22-2-2019

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 

Hoạt động nghề nghiệp của luật sư không chỉ nhằm bảo vệ công lý và lẽ phải cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức mà còn góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế. Do đó, mức độ phát triển nghề luật sư của mỗi nước ở phương diện nhất định là thước đo trình độ phát triển của nền kinh tế và nền dân chủ, văn minh và công bằng trong xã hội.

 

 

Hiện nay ở các nước phát triển tỷ lệ luật sư trên tổng dân số rất cao, chẳng hạn như ở Mỹ cứ 250 người dân thì có 01 luật sư (1/250), ở Pháp và Singapore là 1/1.000, ở Thái Lan là 1/1.526, ở Nhật là 1/1.546. Ở nước ta trong những năm qua mặc dù Nhà nước đã quan tâm đến việc phát triển đội ngũ luật sư, tuy nhiên hiện nay tỷ lệ luật sư trên tổng số dân còn quá thấp chỉ với 1 luật sư/14.000 dân. Cụ thể hiện nay cả nước có 62 Đoàn luật sư/ 63 tỉnh, thành (ở Lai Châu chưa có đủ 3 luật sư để thành lập Đoàn luật sư) với hơn 6.250 luật sư và hơn 3.000 người tập sự nghề luật sư, hoạt động trong gần 2.750 tổ chức hành nghề luật sư. Đang có sự phát triển mất cân đối giữa các vùng miền, giữa đô thị và nông thôn, giữa đồng bằng với trung du, miền núi. Số lượng luật sư chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn (thành phố Hồ Chí Minh có 2.880 luật sư, Hà Nội có 1.630). Trong khi đó ở phần lớn các tỉnh thì số lượng luật sư rất ít, thậm chí ở nhiều tỉnh lẽ mỗi tỉnh có không quá 10 luật sư hành.


Không chỉ ít về số lượng mà chất lượng đội ngũ luật sư hiện nay là vấn đề đáng quan tâm hơn. Phần lớn các luật sư hiện nay còn hạn chế về chuyên môn, thiếu kinh nghiệm và kỹ năng hành nghề; một bộ phận không nhỏ bị lệch lạc về lý tưởng, đạo đức nghề nghiệp, coi công việc chỉ là phương tiện kiếm sống nên dùng mọi thủ đoạn để trục lợi. Chưa có nhiều luật sư có trình độ cao, chuyên sâu trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại (thương mại quốc tế, sở hữu trí tuệ, tài chính - ngân hàng, hàng hải, hàng không, bảo hiểm,…), chỉ chiếm tỷ lệ 1,2%. Chỉ có khoảng 20 luật sư có trình độ ngang tầm với các luật sư trong khu vực. Ở các tỉnh lẽ hầu hết các luật sư đều là cử nhân luật hệ tại chức làm việc dựa vào kinh nghiệm theo lối “xưa bày nay làm” là chính; có những tỉnh phần lớn các luật sư là các thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên nghỉ hưu chuyển sang làm luật sư, có người trên 80 tuổi vẫn chống gậy lên công đường. Một thế hệ luật sư không biết sử dụng máy vi tính để cập nhật, lưu trữ văn bản pháp luật, tài liệu mà chỉ có một vài cuốn sách luật cơ bản làm phương tiện hành nghề đang chiếm số đông tại các tỉnh lẻ. Trong khi đó có không ít luật sư trẻ được đào tạo chính quy bài bản cả về chuyên môn lẫn kỹ năng nghiệp vụ nhưng hành nghề được một vài năm rồi phải bỏ nghề đi tìm kiếm việc làm trong các cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp.


Hiện nay, đang tồn tại một nghịch lý đó là mặc dù tỷ lệ luật sư trên tổng số dân còn quá thấp, trong khi nhu cầu về dịch vụ pháp lý rất lớn (số lượng các vụ án ngành tòa án giải quyết, số lượng khiếu nại cần trợ giúp về pháp lý; nhu cầu tư vấn về đầu tư, kinh doanh, thương mại,… rất lớn) thế nhưng nhiều luật sư lại lâm vào tình trạng thất nghiệp, phải kiêm thêm các dịch vụ khác mới tồn tại, thậm chí còn phải bỏ nghề. Thực tế cho thấy, ngoài các thành phố và các tỉnh thành lớn thì ở các địa phương khác các luật sư chưa thực sự sống được bằng nghề.
Nguyên nhân của thực trạng này trước hết là do trình độ năng lực, đạo đức nghề nghiệp của không ít luật sư chưa tạo được niềm tin của nhân dân. Mặt khác, một phần do điều kiện kinh tế của đại đa số nhân dân còn khó khăn nên chưa dám bỏ ra một khoản tiền nhất định để sử dụng các dịch vụ pháp lý. Nguyên nhân sâu xa và quan trọng đó là chưa có một môi trường tâm lý và môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển nghề luật sư.


Về phương diện ý thức, tâm lý xã hội: Một thực tế hiện nay tại các địa phương luật sư chủ yếu tham vào các hoạt động tố tụng theo chỉ định của các cơ quan tố tụng, theo giới thiệu của các trung tâm trợ giúp pháp lý cho các đối tượng chính sách. Người dân chưa có tâm lý và thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn của luật sư khi thực hiện các giao dịch về dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động mà chủ yếu dựa vào sự tin tưởng, sự thiện chí, trung thực của đối tác. Khi xẩy ra tranh chấp, thậm chí đến khi xét xử phúc thẩm mới mời luật sư tham gia. Đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan hành chính cũng còn tâm lý e ngại về sự có mặt của luật sư tham gia vào quá trình tố tụng và giải quyết khiếu nại.


Về phương diện môi trường pháp lý: Các quy định của hệ thống pháp luật thực định chưa tạo được vị thế xứng đáng của luật sư khi tham gia vào các quan hệ pháp luật. Đặc biệt, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì Tòa án không thực sự là chủ thể trọng tài, xem xét chứng cứ, lập luận của bên buộc tội và bên gỡ tội để phán quyết, mà lại là một trong những cơ quan có nghĩa vụ chứng minh tội phạm nên tạo tâm lý chủ quan cùng với cơ quan công tố buộc án, gán tội. Mặt khác, thực tế đang tồn tại cơ chế họp liên ngành, báo cáo án, duyệt án để thống nhất đường lối giải quyết các vụ án trước dẫn đến tình trạng “án bỏ túi” đang là rào cản lớn đối với việc phát triển nghề luật sư. Bởi lẽ, với đường lối đã quyết định trước, bản án đã chuẩn bị sẳn thì mọi sự nỗ lực của luật sư để bào chữa cho bị cáo và bảo vệ quyền lợi cho đương sự sẽ không đem lại kết quả gì và tiếng nói của luật sư tại các phiên tòa không còn giá trị. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng làm cho luật sư chưa tạo được niềm tin của nhân dân.


Theo Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đến năm 2020 cả nước phải có từ 18.000 – 20.000 luật sư (tỷ lệ so với dân số là 1/4.500). Để đạt được số lượng này cũng như nâng cao chất lượng hành nghề luật sư cần thiết phải thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp thiết thực. Cùng với việc tăng cường, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ luật sư; đổi mới công tác quản lý nhà nước và hoạt động tự quản của các tổ chức luật sư thì cần tăng cường công tác tuyên truyền để tạo lập được tâm lý và thói quen của nhân dân trong việc sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư khi tham gia vào các quan hệ pháp luật. Mặt khác, cần sớm sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi để khẳng định vai trò, vị thế của đội ngũ luật sư; đặc biệt là xây dựng nền tư pháp thực sự độc lập, các cơ quan tố tụng được đặt đúng vị trí, chức năng trong quy trình tố tụng. Có như vậy mới tạo được sức hấp dẫn, lôi cuốn được những chuyên gia pháp lý giỏi gia nhập “làng nghề luật sư”./.


Phạm Thái

 

Các tin khác