Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 11

  • Hôm nay 1716

  • Tổng 2.957.144

Một số kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Ban kinh tế - ngân sách, HĐND tỉnh

16:25, Thứ Sáu, 6-4-2018

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Thực hiện mục tiêu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh, hơn một năm qua kể từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, Ban kinh tế - ngân sách đã tích cực đổi mới trong hoạt động giám sát, lựa chọn những vấn đề mà xã hội, cử tri quan tâm, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thông qua hoạt động giám sát, Ban kinh tế - ngân sách đã có những kiến nghị, đề xuất xác đáng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ của các địa phương, đơn vị, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Hàng năm, căn cứ vào chương trình giám sát của HĐND tỉnh, Ban kinh tế - ngân sách xây dựng kế hoạch giám sát và cụ thể hóa thành chương trình công tác từng tháng, từng quý để tổ chức thực hiện, trong đó tập trung vào 3 hoạt động giám sát chủ yếu là giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề và giám sát (thẩm tra) trước các kỳ họp HĐND tỉnh.


Trong hoạt động giám sát thường xuyên, Ban kinh tế - ngân sách tập trung giám sát hoạt động của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và quản lý ngân sách ở địa phương; việc thực hiện các văn bản pháp luật của Trung ương, nghị quyết của HĐND tỉnh thuộc các lĩnh vực quản lý kinh tế, hoạt động kinh doanh, ngân sách, tài chính... Thông qua công tác giám sát, Ban kinh tế - ngân sách đã kịp thời phát hiện những hạn chế, sai phạm cần khắc phục trong việc thi hành pháp luật cũng như việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ kinh tế và ngân sách; đồng thời đề xuất, kiến nghị với HĐND và UBND tỉnh về các chủ trương, giải pháp về lĩnh vực kinh tế và ngân sách. Thời gian qua, thực hiện Luật ngân sách Nhà nước năm 2015, Luật Đầu tư công năm 2014, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 và các văn bản pháp luật mới ban hành, có rất nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực kinh tế - ngân sách phát sinh giữa hai kỳ họp cần phải giải quyết theo đề nghị của UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo, phân công Ban kinh tế - ngân sách thẩm tra trước khi cho ý kiến, như: chấp thuận, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án nhóm B và dự án nhóm C trọng điểm; điều chỉnh một số nội dung trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách hàng năm; tạm ứng, vay các nguồn ngân sách để thực hiện một số công trình trọng điểm của tỉnh;…. Để thực hiện công tác thẩm tra có chất lượng, hiệu quả, Ban đã trực tiếp làm việc với các sở, ngành, địa phương lien quan để làm rõ những nội dung còn băn khoăn, cân nhắc giải quyết, trong trường hợp cần thiết Ban tổ chức đi kiểm tra thực tế để nắm bắt đầy đủ hơn. Từ đó, ngoài những nội dung nhất trí với đề nghị của UBND tỉnh, có một số ý kiến mà Ban đưa ra đã được Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung, có trường hợp Ban đề nghị Thường trực HĐND tỉnh không đồng ý do không đúng thẩm quyền hoặc nội dung không phù hợp quy định của pháp luật và đã được UBND tỉnh chấp nhận.


Một hoạt động nữa luôn được Ban quan tâm, đó là giám sát việc thực hiện các nội dung chất vấn theo Thông báo kết luận của Chủ tọa kỳ họp HĐND tỉnh và kết luận của Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch tại các phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND tỉnh. Thời gian qua, thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Ban kinh tế - ngân sách đã thường xuyên giám sát các nội dung theo các Thông báo kết luận, cụ thể: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban đã tập trung giám sát vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới; nợ tạm ứng vốn đầu tư XDCB; việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước; tình hình ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; tình hình quản lý, khai thác khoáng sản trái phép; vấn đề xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; tình hình đánh bắt và tiêu thụ hải sản xa bờ; tình hình thực hiện phương án giải quyết tình trạng chậm trễ trong việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại địa bàn thị xã Ba Đồn; tình hình nợ đọng thuế và chống thất thu thuế;….Sau giám sát, Ban đã kiến nghị nhiều nội dung và đã được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khắc phục vi phạm, thiếu sót. Trong đó, có những nội dung các ngành, địa phương chậm thực hiện đã được Ban tiếp tục kiến nghị tại các phiên họp thường kỳ và được Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu giải quyết dứt điểm.


Trong hoạt động giám sát chuyên đề, Ban kinh tế - ngân sách luôn xác định giám sát chuyên đề không phải là cuộc thanh tra, kiểm tra mà mục đích chính là để xem xét, đánh giá về những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế và nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, đơn vị, địa phương trong việc chấp hành các quy định của pháp luật. Thông qua hoạt động giám sát để rút ra được những kết luận và có những kiến nghị xác đáng với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các tổ chức xã hội tăng cường việc chấp hành các quy định của pháp luật, nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, hiệu quả sản xuất kinh doanh, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Chính vì vậy, một cuộc giám sát chuyên đề bao giờ cũng phải xác định đúng mục tiêu và chỉ sau khi xác định đúng mục tiêu thì mới xác định được nội dung, phương pháp và cách thức tiến hành.


Xuất phát từ mục đích giám sát như đã nêu, Ban kinh tế - ngân sách đã chủ động lựa chọn những vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, nổi cộm, bức xúc, được dư luận và cử tri quan tâm như: vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải, nước thải gây ra, tình hình hoạt động của các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh để tổ chức giám sát chuyên đề trong năm 2017. Để đảm bảo chất lượng và hiệu quả giám sát, trước khi tiến hành các cuộc giám sát, Ban kinh tế - ngân sách tiến hành thu thập, nghiên cứu tài liệu, xây dựng đề cương giám sát cụ thể, nghiên cứu trước các báo cáo và lựa chọn đối tượng, địa điểm để tổ chức giám sát thực tế. Trong tổ chức các Đoàn giám sát, Ban kinh tế - ngân sách mời đại diện Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh và đại diện các ngành liên quan của tỉnh và huyện tham gia để kịp thời nắm bắt thông tin và giải đáp các thắc mắc của các đơn vị, địa phương. Kết thúc mỗi cuộc giám sát, Đoàn giám sát đều có kết luận về các nội dung cơ quan, đơn vị, địa phương được giám sát cần thực hiện để khắc phục các hạn chế; kiến nghị với các cơ quan chức năng của tỉnh xem xét giải quyết các nội dung thuộc thẩm quyền. Kết thúc mỗi chuyên đề giám sát, Ban kinh tế - ngân sách đều gửi báo cáo kết quả giám sát tới Thường trực HĐND, UBND tỉnh và đề nghị UBND tỉnh xem xét, giải quyết những kiến nghị để khắc phục những khuyết điểm, hạn chế. Cụ thể như qua nắm bắt thực tế và phản ánh của nhiều cử tri trong tỉnh về tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải, nước thải gây ra, Ban kinh tế - ngân sách đã tiến hành giám sát chuyên đề về tình hình thu gom, xử lý rác thải, nước thải trên địa bàn tỉnh. Sau khi giám sát, Ban kinh tế - ngân sách đã đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh và các ngành, địa phương khắc phục những tồn tại hạn chế, yêu cầu các cơ quan, đơn vị khắc phục vi phạm trong vấn đề thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, nước thải. Báo cáo giám sát chuyên đề của Ban được trình bày tại kỳ họp đã được nhiều đại biểu quan tâm lựa chọn một số nội dung để chất vấn các sở, ngành, địa phương nhằm làm rõ hơn trách nhiệm giải quyết. Cụ thể, tại kỳ họp thứ 5 của HĐND tỉnh vừa qua, nhiều đại biểu quan tâm chất vấn về tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải còn thấp, nhất là ở địa bàn nông thôn, miền núi; việc sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường không đúng mục đích; tình hình thu gom, xử lý rác thải ở Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng còn nhiều bất cập cần sớm giải quyết dứt điểm. Các nội dung chất vấn đã được Chủ tọa kỳ họp kết luận yêu cầu thực hiện và báo cáo Thường trực HĐND tỉnh tại phiên họp thường kỳ tháng 8 năm 2017.


Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám sát chuyên đề, trước khi tiến hành giám sát, Ban tập trung xây dựng kế hoạch giám sát thật chất lượng, đề cương đặt ra phải sát với yêu cầu, trong đó gợi ý đề cương phải chính xác, có thể cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến nội dung giám sát. Đề cương càng chi tiết thì càng thuận tiện cho đối tượng giám sát xây dựng báo cáo và giúp cho Đoàn giám sát có những căn cứ để trao đổi, làm rõ và thuận lợi cho công tác tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả giám sát. Để đề cương báo cáo giám sát đúng trọng tâm và đủ các thông tin phục vụ cho nội dung giám sát, việc dự thảo đề cương báo cáo giám sát cần được xây dựng trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của đối tượng giám sát, các thông tin phản ánh trên báo chí, qua tiếp xúc cử tri, tiếp công dân. Đồng thời, tổ chức họp Đoàn giám sát để bàn bạc, thống nhất nội dung giám sát, các câu hỏi, các vấn đề đặt ra đối với các đơn vị được giám sát. Khi tiến hành giám sát ở các cơ quan, đơn vị, địa phương cần kết hợp chặt chẽ giữa hình thức nghe báo cáo và xem xét thực tế. Thực tế cho thấy, qua giám sát vừa nghe báo cáo vừa đi khảo sát thực tế mới có thể thấy hết những vấn đề xảy ra ở cơ sở. Thành viên Đoàn giám sát phải nắm vững chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về nội dung giám sát, nghiên cứu kỹ các báo cáo, kết hợp với xem xét các hồ sơ cần thiết có liên quan, ý kiến cần có tính chất vấn, phản biện... đặc biệt, cần thu thập thêm thông tin tại các buổi khảo sát thực tế, có xác minh tại chỗ để làm căn cứ kết luận, kiến nghị sau giám sát. Thực tế như cuộc giám sát về thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, nước thải, sau khi làm việc với UBND huyện, thành phố, thị xã, các Ban quản lý công cộng, Ban kinh tế - ngân sách đi thực tế tại một số bãi rác, điểm tập kết rác, các khu du lịch và đã phát hiện ra những điểm hạn chế, bất cập trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn, từ đó có những thông tin, chứng cứ để phản ánh đầy đủ, chặt chẽ trong báo cáo giam sát.


Báo cáo, kết luận giám sát phải đảm bảo tính khách quan, chính xác, trung thực, sát thực tế và quan trọng nhất là phải chỉ rõ những hạn chế, tồn tại cụ thể, những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, nêu ra được những kiến nghị, đề xuất rõ ràng, chính xác, phù hợp, khả thi để các cơ quan tổ chức thực hiện được, tránh việc kết luận, kiến nghị chung chung, gây khó khăn cho việc thực hiện. Sau đó, Ban sẽ tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị của các đơn vị và sẽ tái giám sát nếu cần thiết. Trong hoạt động giám sát, các thành viên Ban, nhất là đại biểu chuyên trách chọn ra các vấn đề xã hội quan tâm, các vấn đề sai sót, trì trệ trong thực hiện, chuyển các ý kiến chất vấn và các hình ảnh ghi nhận qua giám sát gửi đến kỳ họp, để báo cáo và chất vấn những sở, ngành, UBND giải trình thuộc trách nhiệm của mình.


Về hoạt động giám sát trước các kỳ họp (thẩm tra), trên cơ sở phân công của Thường trực HĐND tỉnh, Ban kinh tế - ngân sách chủ động nắm bắt thông tin phục vụ công tác thẩm tra; đề nghị UBND và các cơ quan liên quan gửi báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết và các tài liệu cần thiết có liên quan để phục vụ cho việc chuẩn bị và họp thẩm tra chính thức theo quy định. Để việc thẩm tra thực sự có chất lượng, công tác chuẩn bị thẩm tra có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trên cơ sở nội dung các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết, Ban nghiên cứu các tài liệu có liên quan, xác định rõ đối tượng, phạm vi mà báo cáo, đề án tác động đồng thời nếu thấy cần thiết Ban có thể khảo sát thực tế tại các cơ quan, đơn vị và người dân bị tác động bởi nội dung báo cáo, đề án. Các thành viên trong Ban tích cực thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến vấn đề cần thẩm tra và khai thác vấn đề từ nhiều nguồn thông tin có đối chiếu và kiểm chứng. Đồng thời, tiếp thu, thăm dò ý kiến, kiến nghị của nhân dân qua báo cáo tổng hợp từ các cuộc tiếp xúc cử tri để định hướng vào nội dung của các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết.


Ban cũng đã tập trung xem xét các căn cứ, dữ liệu đảm bảo thông tin khách quan, chính xác, đầy đủ, không mâu thuẫn với các văn bản do cơ quan cùng cấp ở địa phương đã ban hành; nội dung phải phù hợp với điều kiện đặc thù của tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh, đảm bảo khi dự thảo được thông qua, đưa vào thực hiện sẽ nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân thuộc phạm vi và đối tượng tác động; về hình thức, văn bản có cấu trúc hợp lý, ngôn ngữ rõ ràng, logic, chặt chẽ… Tại cuộc họp thẩm tra, Ban kinh tế - ngân sách luôn lắng nghe, tổng hợp ý kiến các đại biểu và cơ quan giải trình làm rõ các nội dung theo yêu cầu của đại biểu dự họp. Từ đó, thống nhất các nội dung để làm cơ sở xây dựng báo cáo thẩm tra một cách chính xác, có tính phản biện cao, giúp HĐND có những quyết định đúng đắn và hợp lòng dân. Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách luôn đảm bảo đúng thời gian quy định, có chất lượng. Tại các kỳ họp HĐND tỉnh, từ ý kiến thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách, các phiên thảo luận tại hội trường và hoạt động chất vấn được các đại biểu tham gia đạt kết quả cao. Cụ thể như: nhiều ý kiến thảo luận, tranh luận về dự thảo nghị quyết thông qua danh mục dự án đầu tư công viên Cầu Rào kết hợp xây dựng Khu nhà ở thương mại phía đông đường Nguyễn Văn Linh theo hình thức đối tác công tư PPP (hình thức BT), dự thảo nghị quyết thông qua đề xuất dự án xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh theo hình thức đối tác công tư hình thức đối tác công tư PPP (hình thức BT) khu đô thị Mũi Sác, các dự thảo nghị quyết về dự toán ngân sách và kế hoạch đầu tư công hàng năm,…


Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình tại các kỳ họp HĐND, Ban kinh tế - ngân sách sẽ tập trung triển khai một số nội dung, như: Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, sở, ngành tỉnh trong việc gửi các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết đến HĐND tỉnh đúng hạn để Ban có đủ thời gian nghiên cứu, tìm hiểu làm cơ sở xây dựng báo cáo thẩm tra đảm bảo chất lượng; chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm của các thành viên trong Ban để đáp ứng yêu cầu công việc… Cùng với đó, công tác thu thập thông tin từ các văn bản Trung ương và văn bản địa phương sẽ được cập nhật, kịp thời và thường xuyên tổng hợp thông tin về tình hình thực tế tại địa phương qua công tác tiếp xúc cử tri, thông tin từ các cơ quan báo chí.


Tóm lại, để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của các Ban nói chung và Ban kinh tế - ngân sách nói riêng, chúng tôi xin đưa ra các giải pháp trong thời gian tới như sau:


Thứ nhất, cần lựa chọn nội dung, xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, trong đó cần nghiên cứu chương trình, kế hoạch giám sát của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tại địa phương và chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy để có sự lồng ghép, phối hợp, tránh chồng chéo về nội dung, thời gian và cơ quan được giám sát. Việc lựa chọn đúng nội dung giám sát, đúng thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát, vì hoạt động giám sát của các Ban có phạm vi rộng, đối tượng giám sát đa dạng, nội dung phải tập trung vào các vấn đề trọng tâm, bức xúc mà đại biểu HĐND, cử tri và nhân dân quan tâm. Đồng thời, xây dựng đề cương báo cáo giám sát, các biểu mẫu vừa chi tiết vừa có tính tổng hợp khái quát được vấn đề giám sát gửi cơ quan, đơn vị, địa phương được giám sát để họ có cơ sở xây dựng báo cáo đúng trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các nhận định, đánh giá, giải pháp khắc phục tồn tại, có ý kiến, kiến nghị xác đáng.


Thứ hai, cần chuẩn bị kỹ những việc trước khi giám sát: Khi xây dựng kế hoạch giám sát chi tiết, phải xác định rõ những nội dung sau: Sự cần thiết phải tiến hành giám sát, mục đích, yêu cầu, phạm vi, đối tượng được giám sát, thời gian thực hiện; muốn thực hiện tốt điều này cần nắm biết rõ các quy định của pháp luật, các khâu công tác có liên quan vấn đề giám sát; những điều kiện cần thiết đảm bảo cho hoạt động giám sát. Sớm gửi chương trình, kế hoạch, tài liệu giám sát cho cơ quan, đơn vị được giám sát để có rộng thời gian chuẩn bị. Quyết định thành lập Đoàn giám sát, Kế hoạch giám sát gửi thành viên Đoàn giám sát trong thời gian sớm nhất để có nhiều thời gian nghiên cứu.


Thứ ba, cần đổi mới phương thức, nội dung giám sát: Đổi mới cách thức giám sát, nội dung, vấn đề giám sát cần được chọn lọc có trọng tâm, trọng điểm, theo phương châm thiết thực, hiệu quả. Phương thức giám sát phải phù hợp với từng nội dung, vấn đề, đối tượng, thời điểm giám sát; thành phần tham gia đoàn giám sát phải có hiểu biết lĩnh vực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn. Đồng thời, các thành viên đoàn giám sát cần tích cực nghiên cứu để phát hiện, kiến nghị khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh công tác quản lý.Trong quá trình giám sát cần đi sâu, tìm hiểu kỹ tình hình thực hiện tại cơ sở, yêu cầu đối tượng giám sát cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết để từ đó mới có cơ sở rút ra những kết luận đúng và đề xuất kiến nghị hợp lý, tránh tình trạng giám sát chung chung mang tính hình thức.Hoạt động giám sát của các Ban chỉ có chất lượng, hiệu quả thực sự khi kết luận giám sát đánh giá một cách toàn diện vấn đề giám sát, các kiến nghị giám sát được các đối tượng giám sát tiếp thu, thực hiện nghiêm túc nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục tồn tại hạn chế, được các cơ quan nhà nước có liên quan giải quyết triệt để. Sau giám sát, cơ quan giám sát cần theo dõi, đôn đốc đến cùng việc thực hiện các kiến nghị để đánh giá đúng kết quả, hiệu lực giám sát. Có như vậy, hiệu quả giám sát của các Ban sẽ được nâng lên rất nhiều.


Thứ tư, cần nâng cao năng lực, trách nhiệm của thành viên các Ban trong hoạt động giám sát: Cần tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách của các Ban có năng lực tổ chức, hiểu biết về lĩnh vực được phân công, đồng thời chú trọng bồi dưỡng chuyên môn và kỹ năng giám sát cho các thành viên các Ban. Bên cạnh đó, các thành viên cũng phải tự nâng cao trách nhiệm, nhận thức đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xác định rõ trách nhiệm trước cử tri và trước HĐND, năng động, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn, không thụ động phụ thuộc vào hoạt động của các Ban. Thành viên các Ban cần thường xuyên tham gia hoạt động giám sát của các Ban hơn.


Thứ năm, trong công tác tổ chức, phối hợp công tác: Cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đoàn HĐND tỉnh đối với công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ có năng lực đảm bảo các chức danh các Ban tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy cán bộ, công chức của Văn phòng HĐND cấp tỉnh, đây cũng là một trong những biện pháp nhằm để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của các Ban.

Các tin khác