Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 27

  • Hôm nay 19716

  • Tổng 2.984.699

ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SOẠN THẢO, BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

12:1, Thứ Năm, 10-7-2014

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Những năm qua, công tác soạn thảo, ban hành nghị quyết (NQ) của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh, nhất là các NQ quy phạm pháp luật (QPPL) đã dần đi vào nề nếp, cơ bản bảo đảm các quy định của pháp luật, góp phần phát triển KT-XH và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tại địa phương.

 Tuy nhiên, qua tìm hiểu cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc soạn thảo, ban hành một số NQ vẫn còn những tồn tại, hạn chế như chưa bảo đảm trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định, việc triển khai thực hiện NQ sau khi ban hành chưa kịp thời, kỹ thuật soạn thảo một số NQ chưa khoa học. Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả soạn thảo, ban hành và triển khai thực hiện các NQ của HĐND, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin trao đổi một số vấn đề sau:

 

Thứ nhất, về trình tự, thủ tục soạn thảo NQ. Điều 23, Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND và UBND năm 2004 quy định: “Căn cứ vào tính chất và nội dung của dự thảo nghị quyết, cơ quan soạn thảo tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức hữu quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của nghị quyết“. Quy định này là thể hiện tinh thần dân chủ, tôn trọng nhân dân, phát huy trí tuệ tập thể nhân dân, đồng thời để cho NQ được ban hành đi vào cuộc sống, mang tính khả thi cao.

 

Tuy nhiên, các cơ quan được phân công dự thảo NQ hầu như chưa thực hiện đầy đủ quy định này. Qua tìm hiểu quy trình xây dựng một số NQ liên quan đến quy định các khoản đóng góp của nhân dân hoặc theo luật phải lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp như mức thu học phí đối với các trường chuyên nghiệp, đóng góp quỹ quốc phòng - an ninh, xây dựng giao thông, hè phố, quy định giá đất, đặt tên đường phố, chế độ chính sách đối với chủ tịch các hội đặc thù,... cho thấy, cơ quan dự thảo mới lấy ý kiến của một số cơ quan, tổ chức có liên quan mà chưa lấy ý kiến đông đảo của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp như các công ty, doanh nghiệp, bộ phận nhân dân chịu tác động và các cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện NQ. Do vậy, trong thực tế đã có không ít nghị quyết của HĐND khi triển khai về cơ sở gặp khó khăn, vướng mắc, hoặc có những quy định chưa phù hợp.

 

Mặt khác, mặc dù Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND và UBND năm 2004 bắt buộc cơ quan dự thảo phải gửi hồ sơ dự thảo đến cơ quan Tư pháp chậm nhất là 15 ngày trước ngày UBND họp để thẩm định và gửi đến các ban của HĐND chậm nhất là 15 ngày (đối với cấp tỉnh), 10 ngày (đối với cấp huyện) trước ngày khai mạc kỳ họp để thẩm tra. Tuy nhiên, hầu như các dự thảo NQ đều chưa bảo đảm quy định này, thậm chí có dự thảo gửi đến các ban của HĐND chỉ 2 đến 3 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.

 

Không những thế, một số dự thảo NQ của HĐND khi gửi đến các ban để thẩm tra không có ý kiến thẩm định của cơ quan tư pháp. Do việc gửi dự thảo NQ chậm nên cơ quan thẩm định và thẩm tra luôn luôn bị động, gấp gáp, không có đủ thời gian nghiên cứu để tham gia ý kiến, điều đó chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng các NQ của HĐND khi được ban hành.

 

Thứ hai, về việc triển khai thực hiện NQ. Qua tìm hiểu cho thấy, một số NQ mặc dù nội dung đã được quy định cụ thể, chi tiết nhưng UBND cùng cấp vẫn ban hành quyết định của mình để triển khai thực hiện. Vấn đề đáng bàn là, nội dung quyết định của UBND không có gì mới mà bê nguyên nội dung NQ của HĐND.

Về vấn đề này, tại khoản 2, điều 5, Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2008 quy định rõ: “Văn bản quy phạm pháp luật phải quy định trực tiếp nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác“.

 

Đồng thời, tại điểm b, khoản 3, điều 3, Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12-4-2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản QPPL cũng quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác và bảo đảm thống nhất giữa văn bản hiện hành với văn bản mới được ban hành của cùng một cơ quan”. Như vậy, việc UBND ban hành quyết định, trong đó quy định lại các nội dung NQ của HĐND là không đúng với quy định của hai văn bản trên.

 

Mặt khác, theo Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND và UBND năm 2004 thì văn bản QPPL của HĐND và UBND đều có hiệu lực sau 10 ngày (đối với cấp tỉnh), 07 ngày (đối với cấp huyện), 5 ngày (đối với cấp xã) kể từ ngày HĐND thông qua hoặc Chủ tịch UBND ký ban hành, trừ trường hợp ngay trong NQ, quyết định, chỉ thị có quy định ngày có hiệu lực muộn hơn. Vậy, nếu NQ của HĐND đã được ban hành, UBND tiếp tục ban hành quyết định nữa để thực hiện, như vậy vô tình kéo dài thêm thời điểm có hiệu lực NQ của HĐND, điều này là không đúng quy định của pháp luật và làm giảm hiệu lực NQ của HĐND.

 

Do đó, khi nội dung NQ của HĐND đã cụ thể, chi tiết thì UBND chỉ cần tổ chức cuộc họp để triển khai thực hiện. Quyết định của UBND không phải là việc quy định lại các nội dung mà NQ của HĐND đã nêu mà là đưa ra kế hoạch, các giải pháp và phân công nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn. Trong trường hợp, nếu nội dung NQ của HĐND chưa cụ thể, chi tiết, không thể triển khai, áp dụng trong thực tế thì UBND mới ban hành văn bản để cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện. Việc cụ thể hóa hoặc hướng dẫn phải phù hợp với các văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên và NQ của HĐND cùng cấp.

 

Qua một số trao đổi trên đây, thiết nghĩ các cơ quan được phân công dự thảo, thẩm định, thẩm tra, thông qua và triển khai thực hiện NQ của HĐND cần rút kinh nghiệm. Một là, cần bảo đảm đúng trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành NQ. Nhất là, đối với các NQ quan trọng, có tầm ảnh hưởng rộng rãi, lâu dài, tác động trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của đông đảo nhân dân cần phải tổ chức lấy ý kiến tham gia của các đối tượng liên quan và gửi đển các cơ quan chức năng để thẩm định, thẩm tra theo quy trình. Hai là, các NQ của HĐND cần quy định cụ thể, chi tiết để UBND có thể tổ chức thực hiện ngay sau khi ban hành, trừ một số nội dung mà NQ khó cụ thể hóa hoặc nếu quy định vào NQ sẽ không phù hợp với nhiều đối tượng, nhiều địa phương hoặc sớm bị “lạc hậu”  thì giao UBND hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Ba là, nếu các NQ đã được quy định cụ thể, chi tiết thì UBND tổ chức thực hiện, không nên quy định lại các nội dung mà NQ đã nêu.

Nguyễn Ánh Tuyên

Các tin khác