Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 14

  • Hôm nay 1717

  • Tổng 2.884.532

Sự đồng thuận trong hoạt động của Hội đồng nhân dân

9:25, Thứ Hai, 30-7-2018

Xem với cỡ chữ : A- A A+
HĐND hoạt động theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số. Với nguyên tắc hoạt động như vậy nên có thể nói rằng kỳ họp là hoạt động trung tâm và sự đồng thuận là yếu tố trọng tâm, là nhân tố quyết định chất lượng hoạt động của HĐND.

 

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVII

 

Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, có thẩm quyền quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng của địa phương, xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương, làm tròn nghĩa vụ của địa phương đối với cả nước. Hiệu quả hoạt động của HĐND được bảo đảm bằng hiệu quả của các kỳ họp HĐND. Khi quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình, HĐND ra nghị quyết. Là cơ quan quyền lực, có quyền quyết định những vấn đề quan trọng nên HĐND hoạt động theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số. Với nguyên tắc hoạt động như vậy nên có thể nói rằng kỳ họp là hoạt động trung tâm và sự đồng thuận là yếu tố trọng tâm, là nhân tố quyết định chất lượng hoạt động của HĐND. Do tầm quan trọng là vậy nên việc tìm hiểu về bản chất, yêu cầu, thời điểm cần sự đồng thuận là vấn đề rất cần thiết.


Mỗi một kỳ họp HĐND là diễn đàn để các đại biểu HĐND trao đổi, thảo luận và các nghị quyết được thông qua là kết quả của hoạt động thảo luận, là sản phẩm cuối cùng của mỗi kỳ họp. Vì vậy, cần phải khai thác, phát huy được sức mạnh của trí tuệ tập thể trong kỳ họp HĐND. Trí tuệ đó là sự kết tinh của cả một quá trình thu nhận và xử lý thông tin từ thực tiễn, từ các báo cáo tại kỳ họp, từ việc tham vấn ý kiến của nhân dân trên cơ sở các căn cứ pháp lý và nền tảng lý luận chuyên ngành thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tất cả các yếu tố đó có được từ mỗi đại biểu phải được sử dụng để trao đổi, thảo luận, sàng lọc và đi đến sự đồng thuận. Sự đồng thuận đưa lại hiệu quả của các quyết sách là sự đồng thuận tại điểm đích sau khi đã thảo luận để thông qua các nghị quyết, không phải là sự đồng thuận từ lúc khởi đầu. Nếu quan niệm rằng phải luôn hướng đến sự đồng thuận trong mọi thời điểm, nhất là ngay từ lúc khởi đầu sẽ làm triệt tiêu cơ hội thảo luận và khó huy động được trí tuệ tập thể.


Tại kỳ họp, sự đồng thuận thể hiện qua sự nhất trí biểu quyết thông qua các quyết sách; tuy nhiên tỷ lệ biểu quyết chưa hẳn là thước đo chính xác sự đồng thuận, chưa hẳn đã phản ánh đúng nhận thức và quan điểm của các đại biểu. Thực tế cho thấy, có không ít đại biểu khi thảo luận đã nêu ra được những điểm không hợp lý, những hạn chế của các dự thảo nghị quyết bằng những nhận định có căn cứ khoa học, tuy nhiên sau đó vẫn biểu quyết thông qua cho dù ý kiến nêu ra không được tiếp thu. Vẫn tồn tại thực tế một số đại biểu thực hiện việc biểu quyết theo số đông, nhìn quanh thấy nhiều người giơ tay thì cũng giơ tay. Hình thức biểu quyết giơ tay truyền thống của HĐND ảnh hưởng không nhỏ đến tính độc lập của đại biểu trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương.


Việc biểu quyết nhất trí thông qua một dự thảo nghị quyết là biểu hiện của sự đồng thuận, tỷ lệ biểu quyết càng cao thể hiện sự đồng thuận cao và độ tin cậy về tính khả thi của các nghị quyết càng cao. Ngược lại, việc một dự thảo nghị quyết không được thông qua (biểu quyết không quá bán) cũng là một dạng biểu hiện của sự đồng thuận, đó là sự thống nhất nhận thấy việc ban hành nghị quyết không có căn cứ hoặc không cần thiết hoặc là dự thảo nghị quyết còn nhiều khiếm khuyết mà không thể khắc phục ngay tại kỳ họp.


Điều cần trao đổi nữa là có nên đặt ra vấn đề về sự đồng thuận giữa HĐND và UBND hay không? Nhiều người cho rằng trong mối quan hệ giữa HĐND và UBND cũng đòi hỏi cần có sự đồng thuận. Theo tôi quan niệm như vậy là chưa toàn diện. Sự đồng thuận chỉ đặt ra giữa những người, những cơ quan có thẩm quyền ngang nhau, bình đẳng trong việc quyết định, thực hiện một vấn đề nào đó, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật thì UBND là cơ quan chấp hành của HĐND, trong mọi trường hợp UBND phải chấp hành các ý kiến, quyết định của HĐND, vì vậy nếu đặt ra vấn đề về yếu tố đồng thuận giữa HĐND và UBND sẽ dẫn đến sự dễ dãi bỏ qua những điểm hạn chế trong các dự thảo nghị quyết cũng như trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND. Vấn đề quan trọng là ở chỗ các ý kiến của đại biểu HĐND phải có căn cứ, thuyết phục; các nghị quyết của HĐND phải có chất lượng, phù hợp với thực tế và có tính khả thi tạo thuận lợi cho UBND triển khai thực hiện.


Lâu nay nhiều người vẫn quan niệm rằng, kỳ họp của HĐND thành công là khi kỳ họp diễn ra suôn sẻ, hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đặt ra. Vì vậy không ít đại biểu dù phát hiện những hạn chế, khiếm khuyết trong các dự thảo nghị quyết nhưng không mạnh dạn phát biểu, thảo luận do sợ bị cho là “vạch lá tìm sâu” đối với cơ quan trình dự thảo nghị quyết, sợ làm kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ của kỳ họp. Nếu xét một cách sâu xa, cặn kẽ thì quan niệm như vậy là chưa hợp lý. Bởi lẽ, cho dù hoàn thành chương trình kỳ họp nhưng những quyết sách thông qua tại kỳ họp chưa phù hợp, không đi vào cuộc sống thì đó là một sự lãng phí chứ không thể coi là thành công. Sự thành công của mỗi kỳ họp phải được đo bằng hiệu quả mang lại trong đời sống kinh tế - xã hội sau khi triển khai thực hiện các quyết sách đã được thông qua tại kỳ họp. Do đó, không nên cứ bằng mọi giá để thông qua các dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp khi mà vấn đề đưa ra quyết định chưa được xem xét, thảo luận ở độ chín muồi, khi mà dự thảo nghị quyết còn chứa đựng những khiếm khuyết chưa được chỉnh sửa.


Để có sự đồng thuận một cách đúng nghĩa góp phần nâng cao chất lượng trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, đòi hỏi các đại biểu HĐND phải có trình độ, năng lực và tinh thần trách nhiệm. Trong đó tinh thần trách nhiệm vừa là đòi hỏi cần thiết vừa là yếu tố tạo nền tảng cho việc tìm hiểu, học hỏi để nâng cao trình độ, năng lực của mỗi đại biểu của nhân dân./.

 

Phạm Thái

Các tin khác