Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 2322

  • Tổng 2.874.500

Một số vấn đề cần quan tâm để góp phần nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở

8:12, Thứ Hai, 13-12-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Năm 2021 là năm tỉnh ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịch covid -19 bùng phát đã ảnh hưởng đến toàn diện các mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu ngành y tế, quân đội, công an cùng với sự đồng sức, đồng thuận của Nhân dân toàn tỉnh, nên dịch bệnh covid-19 cơ bản được kiểm soát, kinh tế - xã hội của tỉnh có bước phát triển ổn định; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; quốc phòng - an ninh được tăng cường; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên…

 

Việc tăng cường hệ thống y tế cơ sở là một nội dung quan trọng mà Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới đã đề cập. Theo đó, hệ thống y tế cơ sở phải quản lý, theo dõi sức khoẻ của từng hộ, từng người dân trên địa bàn; có đủ năng lực để điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, hạn chế việc người dân phải nhập viện nhằm khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên. Như vậy, trạm y tế đóng vai trò như “người gác cổng”, là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, dịch bệnh.

 

Trên cơ sở nghị quyết của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành chương trình hành động số 19 ngày 13/3/2018 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới; UBND tỉnh, các ban, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch hàng năm, trong giai đoạn để triển khai thực hiện. Có thể nói các nghị quyết, chương trình, kế hoạch từ Trung ương đến các địa phương là rất kịp thời và sát đúng với tình hình ở cơ sở, nhất là khi dịch bệnh Covid đã và đang xảy ra.

 

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, các cấp ủy, chính quyền cũng đã quan tâm đến các tuyến y tế, nhất là tuyến y tế cơ sở và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2021. Những kết quả đó đã được đề cập đầy đủ trong các báo cáo và được Nhân dân đánh giá rất cao.

 

Tuy nhiên, qua nghiên cứu các báo cáo, lắng nghe ý kiến cử tri và theo dõi, giám sát tình hình thực tiễn ở cơ sở thì chất lượng của tuyến y tế cơ sở còn nhiều vấn đề khó khăn, bất cập, nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc. Cụ thể như sau:

 

Thứ nhất: Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị còn nhiều hạn chế, một số trạm y tế xã đã xuống cấp, trang thiết bị hư hỏng nhưng chưa được sửa chữa, nâng cấp.

 - Theo báo cáo của UBND tỉnh thì dự ước đến cuối năm 2021 có 149/151(đạt 98,68%) trạm y tế xã đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế. Đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện nay có nhiều trạm cơ sở hạ tầng lâu ngày đã xuống cấp, trang thiết bị hư hỏng nhưng chưa được tu sửa, nâng cấp (so với thời điểm được công nhận đạt chuẩn). Nếu chúng ta không có giải pháp cụ thể thì sẽ có nhiều trạm mất chuẩn, không đạt chuẩn (đơn cử tại huyện Minh Hóa có các trạm: Trọng Hóa, Hóa Sơn, Hóa Phúc).

 

- Từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 thì việc phân cấp quản lý có sự thay đổi (từ UBND huyện, thị, thành sang Sở Y tế), vấn đề đầu tư hạ tầng cơ sở, trang thiết bị cho các trạm y tế có những bất cập và khó khăn. Bởi vì, UBND các huyện, thị, thành cho rằng: Hiện tại các trạm y tế thuộc Sở Y tế quản lý (từ con người đến cơ sở vật chất, trang thiết bị). Sở Y tế là cơ quan chủ quản nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị là do Sở. Nếu các địa phương thực hiện việc này thì không đúng với các quy định về tài chính ngân sách. Trong khi đó, Sở Y tế giải thích rằng: Nguồn kinh phí để đầu tư cho các trạm y tế xã từng năm nằm trong tổng nguồn ngân sách chung của Sở Y tế do UBND tỉnh cấp (rất hạn hẹp). Trong khi đó nhu cầu việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thì rất lớn. Mặt khác, công tác xã hội hóa đối với ngành y tế nói chung, tuyến y tế xã nói riêng trong những năm qua là không được nhiều. Vì vậy phần nào cũng đã ảnh hưởng đến chất lượng công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân.

 

Thứ hai: Đội ngũ y bác sĩ ở trạm y tế cơ sở tuy đủ về số lượng nhưng còn nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thiếu bác sĩ chính quy, chuyên môn, chuyên khoa, y tế dự phòng.

 

- Mặc dù số lượng đội ngũ y bác sĩ/trạm khá đầy đủ, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên có rất ít bác sĩ được đào tạo chính quy, chuyên sâu, chuyên khoa, y tế dự phòng.

 

- Trong thời gian qua, mặc dù Đảng, Nhà nước đã có chủ trương quan tâm đến công tác đào tạo đội ngũ bác sĩ, nhất là hệ cử tuyển. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn có những hạn chế, số con em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc được xét để học cử tuyển không nhiều. Mặt khác, sau khi tốt nghiệp thì số bác sĩ được bố trí công tác ở các trạm y tế xã, vùng khó khăn còn ít; một số trường hợp làm việc 1-2 năm thì xin chuyển công tác đến những địa bàn thuận lợi.

 

Thứ ba: Cần có chính sách quan tâm đến đội ngũ y tế thôn, bản.

 

- Trước khi có Nghị quyết Trung ương 6, Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy…đội ngũ y tế thôn bản có chế độ phụ cấp (mặc dù không nhiều, nhưng cũng hỗ trợ một phần cho cuộc sống). Tuy nhiên, gần đây và hiện tại đội ngũ y tế thôn bản không có phụ cấp hàng tháng.

 

- Như chúng ta đều biết, điều kiện ở những địa bàn vùng núi, vùng đồng bào dân tộc rất khó khăn, một xã chỉ có một trạm y tế, từ bản này sang bản kia đi lại mất rất nhiều thời gian, khi người dân đau ốm rất cần sự can thiệp y tế ban đầu. Do đó, đội ngũ y tế thôn bản là rất quan trọng và cần thiết, đặc biệt là những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

 

* Đề xuất, kiến nghị

 

+ Đối với HĐND tỉnh

 

Cần nghiên cứu, xem xét để hỗ trợ phụ cấp hàng tháng cho đội ngũ y tế thôn bản để đảm bảo, duy trì hoạt động thường xuyên, tham gia có hiệu quả hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại cơ sở.

 

+ Đối với UBND tỉnh

 

- Trên cơ cở các quy định của Trung ương, cần có sự chỉ đạo thống nhất việc phân bổ nguồn ngân sách trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các trạm y tế tuyến xã để đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho Nhân dân.

 

- Cần ban hành các văn bản quy định rõ việc xã hội hóa hoạt động chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân nhằm giảm nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

 

+ Đối với Sở Y tế, Sở Nội vụ và các địa phương

 

- Quan tâm đến công tác đào tạo, sắp xếp đội ngũ y bác sĩ, nhất là đội cử tuyển, y tế dự phòng cho phù hợp.

 

- Phối hợp chặt chẽ để huy động, lồng ghép các nguồn lực trong đầu tư, hỗ trợ mua sắm trang thiết bị y tế ở các trạm y tế.

 

(Bài phát biểu thảo luận của đại biểu Phan Thanh Dũng –

Tổ đại biểu huyện Quảng Trạch tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII) 

 

Các tin khác