Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 12

  • Hôm nay 637

  • Tổng 2.878.845

Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19 tại cơ sở

8:10, Thứ Hai, 13-12-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Đại dịch Covid-19 xảy ra đã gây tác động mạnh mẽ đến tình hình kinh tế xã hội của toàn cầu, trong đó có Việt Nam chúng ta, đặc biệt là trong năm 2021 tình hình dịch bệnh ở các tỉnh miền Nam nước ta đã trở nên trầm trọng với số ca nhiễm và số ca tử vong tăng đột biến. Hiện nay dịch bệnh đã lây lan ra toàn bộ 63 tỉnh thành phố trong cả nước. Tại Quảng Bình, từ khi có ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng vào hồi tháng 07/2021 tại xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa đến  thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở tỉnh ta cơ bản vẫn được kiểm soát tốt, để đạt được thành quả như vậy là nhờ có sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, sáng suốt của các cấp lãnh đạo, sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, là trí lực sức lực của các lực lượng tuyến đầu và ý thức phòng chống dịch của mỗi cá nhân người dân trên địa bàn toàn tỉnh.

 

 

Đại biểu Đinh Thị Chuẩn, Tổ đại biểu huyện Minh Hóa

 

Từ giữa tháng 10/2021 thực hiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128/NQ - CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, tình hình kinh tế đã dần hồi phục, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và bà con nhân dân tích cực ủng hộ thực hiện. Tình hình dịch trong thời gian tới sẽ vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp với việc phát hiện biến thể mới của Vi rút SARS-CoV-2 - Omicron, đây là biến thể  được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm biến thể đáng lo ngại. Nhất là dịp Tết Nguyên Đán sắp đến, nhu cầu đi lại, về quê của bà con nhân dân lao động ở các nơi khác trở về địa phương sẽ tăng cao. Vì vậy, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương, cần thêm một số giải pháp sau:

 

Thứ nhất: Mặc dù dịch Covid-19 đã kéo dài, nguồn thông tin phong phú trên các phương tiện thông tin truyền hình, báo đài, các cấp chính quyền, ban ngành, tổ chức đoàn thể đã chủ động tuyên truyền, phổ biến và cũng đã có hiệu quả rõ rệt. Tuy vậy, hiện nay do việc bao phủ vắc xin,  số ca nhiễm bệnh tăng nhưng chủ yếu là các ca bệnh không có triệu chứng điều nay làm một số bộ phận bà con nhân dân nhận thức chưa đúng về hiệu quả của việc tiêm vắc xin, cũng như tính nguy hiểm của dịch bệnh dẫn đến tâm lý lơ là, chủ quan trong công tác chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đây là nguy cơ gây lây lan và bùng phát dịch bệnh. Vì vậy, cần tiếp tục tăng cường và duy trì công tác tuyên truyền vận động để mỗi người dân tự thấm nhuần, tự ý thức, tuyệt đối chấp hành các biện pháp phòng dịch để cùng chung tay kiểm soát và chiến thắng dịch bệnh.

 

Thứ hai: Cần phát huy hơn nữa vai trò, hiệu quả của Tổ Covid cộng đồng, đây là lực lượng nằm trong lòng quần chúng nhân dân. Đặc biệt hiện nay một số địa phương đã thực hiện cách ly F1 tại nhà theo Hướng dẫn 3747/SYT-NVY ngày 13/11/2021 của Sở Y tế Quảng Bình và thực hiện quản lý, chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà trên địa bàn tỉnh Quảng Bình theo Kế hoạch số 2627/KH-UBND ngày 25/11/2021 của UBND tỉnh, trong khi lực lượng y tế, công an xã mỏng thì vai trò, trách nhiệm của Tổ Covid cộng đồng là rất quan trọng, nhất là các địa bàn đông dân cư hay những địa bàn vùng sâu vùng xa, điều kiện địa hình chia cắt, giao thông đi lại còn khó khăn, bà con đồng bào không phải ai cũng có điện thoại để liên lạc. Trước tình hình này, Tổ Covid cộng đồng ở một số địa phương, đơn vị đã phát huy được vai trò trách nhiệm, thực sự là cầu nối giữa người cách ly, gia đình người cách ly với nhân viên y tế và chính quyền địa phương thì bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số đơn vị, địa phương Tổ Covid cộng đồng chưa thực sự hoạt động hiệu quả. Vì vậy:

 

+ Cần tiếp tục đôn đốc, động viên và gắn trách nhiệm cho các thành viên Tổ Covid cộng đồng.

 

+ Chế độ phụ cấp phù hợp, tương xứng với sức lực, hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các thành viên trong tổ, tránh trường hợp dàn trải, chia đều. Kịp thời có tuyên dương, khen thưởng, nêu gương những đơn vị địa phương làm tốt, đồng thời phê bình, nhắc nhở, rút kinh nghiệm những đơn vị còn lơ là, chưa thực hiện hết nhiệm vụ, công việc được giao.

 

+ Các Tổ Covid cộng đồng được thành lập, được phân công nhiệm vụ và cũng đã triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, hầu hết các thành viên tổ đều chưa được trang bị các kiến thức cơ bản về công tác hỗ trợ theo dõi sức khỏe cũng như cách thức, quy trình chuẩn trong công tác phòng hộ cá nhân khi thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch. Vì vậy, tôi đề nghị cần triển khai chương trình tập huấn trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản cho lực lượng này. Đảm bảo hiệu quả và an toàn khi thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh.

 

Thứ ba: Tiếp tục quan tâm đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, đặc biệt là các trạm y tế xã phường để đảm bảo mỗi người dân đều có điều kiện được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất, thuận tiện nhất ngay tại địa phương, cũng như ứng phó được các tình huống khẩn cấp, chưa có tiền lệ xảy ra như đại dịch Covid-19 này, đặc biệt là các đối tượng chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, biên giới.

 

+ Cần ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cấp thiết nhằm đảm bảo cho tuyến y tế cơ sở thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh, phải vừa đảm bảo các điều kiện cần để thực hiện nhiệm vụ sơ cấp cứu, chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng cũng như có đủ không gian riêng đảm bảo cho việc thực hiện công tác phòng chống dịch.

 

+ Có kế hoạch, chỉ tiêu và tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí đào tạo nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho đội ngũ nhân lực trạm y tế. Đồng thời có thể xem xét thực hiện các khóa đào tạo theo hình thức cầm tay chỉ việc ở các cơ sở bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện cho cán bộ trạm hay thực hiện luân chuyển cán bộ từ tuyến xã lên bệnh viện công tác để có thể học hỏi, cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

 

+ Xem xét bố trí lại lực lượng y tế thôn bản, đây lực lượng có kiến thức y tế sơ cấp, trung cấp, đã có kinh nghiệm hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong thời gian dài, nắm rõ địa bàn dân cư phụ trách. Lực lượng này sẽ là lực lượng hỗ trợ đắc lực cho trạm y tế cũng như Trạm y tế lưu động, Tổ chăm sóc người nhiễm Covid -19 tại cộng đồng nếu có.

 

(Bài phát biểu thảo luận của đại biểu Đinh Thị Chuẩn,

Tổ đại biểu huyện Minh Hóa tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII)

               

Các tin khác