Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 29

  • Hôm nay 7420

  • Tổng 3.400.490

Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV

15:10, Thứ Tư, 22-3-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

1. Cử tri xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy phản ánh, tuyến đường từ Quốc lộ 1A đi vào di tích lịch sử Miếu Thành Hoàng tại xã Tân Thủy hiện đã bị xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho việc đi lại của Nhân dân trong vùng, nhất là khi đi thăm di tích lịch sử Miếu Thành Hoàng. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra thực địa và có phương án để tu sửa, nâng cấp tuyến đường nói trên.

 

Trả lời:

 

Qua kiểm tra thực tế, UBND huyện thấy: Tuyến đường vào Miếu Thành Hoàng gồm 2 đoạn tuyến: Đoạn tuyến 1 (tuyến mà cử tri phản ánh): Tuyến đường từ Quốc lộ 1A đi vào Di tích lịch sử Miếu Thành Hoàng dài khoảng 3km, kết cấu mặt đường BTXM đang còn tương đối tốt. Vừa qua, UBND huyện đã đưa vào danh mục các dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư 2 tỷ đồng và sẽ đầu tư nâng cấp, mở rộng trong thời gian tới. Đoạn tuyến 2: Tuyến đường từ Di tích lịch sử Miếu Thành Hoàng đi đường liên xã Tân Thuỷ đi Thái Thuỷ dài khoảng 1,5km, kết cấu mặt đường láng nhựa; năm 2018, đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp với mặt đường rộng 5,5m, nền đường rộng 6,5m; kinh phí 500 triệu đồng; hiện nay đã có một số điểm hư hỏng, xuống cấp gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân. Trước mắt, UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với UBND xã Tân Thuỷ kiểm tra, khảo sát khắc phục những vị trí hư hỏng cục bộ, đảm bảo cho nhân dân đi lại được thuận lợi, an toàn. Về lâu dài, UBND huyện sẽ đưa vào danh mục đề nghị Sở Giao thông Vận tải, UBND tỉnh đầu tư nâng cấp, mở rộng.

 

(Báo cáo số 476/BC-UBND ngày 30/12/2022 của UBND huyện Lệ Thủy trả lời KNCT sau kỳ họp 4, Quốc hội XV)

 

 2. Cử tri thôn 11, xã Lộc Ninh phản ánh, hiện nay trên địa bàn xã tình trạng cho thuê đất thực hiện các dự án nhưng không sử dụng diễn ra còn nhiều (nhất là một số dự án  trước cổng sân bay Đồng Hới) dẫn đến việc lãng phí nguồn tài nguyên đất. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, kiên quyết thu hồi đất cho thuê mà không sử dụng để có phương án cho các doanh nghiệp khác có nhu cầu thực sự được thuê đất.

 

Trả lời:

 

 Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình báo cáo như sau: Trong thời gian qua, mặc dù Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác đôn đốc, hỗ trợ, làm việc với các Nhà đầu tư để tháo gỡ những vướng mắc khó khăn cho Nhà đầu tư để triển khai thực hiện dự án trên địa tỉnh. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy nhiều Nhà đầu tư không triển khai đầu tư theo tiến độ cam kết, vẫn còn rất nhiều dự án chậm tiến độ, nhiều dự án phải giãn tiến độ, nhiều dự án không triển khai thực hiện theo yêu cầu đã làm lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và bộ mặt đô thị của tỉnh, đồng thời giảm cơ hội đầu tư của các Nhà đầu tư khác có nhu cầu đầu tư. Nguyên nhân các dự án chậm tiến độ chủ yếu là do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, thiên tai, bão, lũ, dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch Covid-19 kéo dài ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong thu xếp nguồn vốn để đầu tư. Tình hình kinh tế những năm gần đây khó khăn, hệ thống ngân hàng ngày càng thắt chặt trong việc cho vay vốn, nên các dự án phần lớn sau khi được thuê đất không thu xếp được nguồn vốn để đầu tư; thực tế tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh những năm qua còn khó khăn, nhà đầu tư cân nhắc chưa thực sự tâm huyết bỏ vốn để đầu tư, giữ đất để chờ cơ hội; bản thân một số nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm, năng lực tài chính hạn chế, khi gặp khó khăn không khắc phục được; nhiều Nhà đầu tư cố tình không triển khai chờ cơ hội để chuyển nhượng dự án... 2 Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân chủ quan là do việc giám sát, đánh giá đầu tư để đôn đốc các nhà đầu tư chưa được thực hiện thường xuyên và chưa tích cực; công tác thẩm định năng lực của nhà đầu tư chưa được chặt chẽ; việc thu hồi đất do vi phạm đối với trường hợp nhà đầu tư đã đầu tư tài sản trên đất gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý tài sản sau thu hồi để đưa khu đất vào đấu giá… Đối với khu vực đường vào sân bay, UBND tỉnh đã cho Công ty TNHH Xây dựng và thương mại tổng hợp Đại Trường An thuê đất để xây dựng Trung tâm vận chuyển hàng hóa và dịch vụ hàng không tại xã Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới với tổng diện tích 1.048,0 m2 tại Quyết định số 2330/QĐ-UBND ngày 16/7/2018 và Công ty TNHH Dịch vụ vận chuyển hàng hóa hàng không Thiên Đường thuê đất để xây dựng Khu dịch vụ vận chuyển hàng hóa hàng không thiên đường với diện tích 1.647,0 m2 tại Quyết định số 4598/QĐ-UBND ngày 26/11/2019. Hiện tại, 02 Công ty này đã san gạt mặt bằng khu đất, xây dựng một phần hàng rào bao quanh. Tháng 6 năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra và đôn đốc Công ty TNHH Xây dựng và thương mại tổng hợp Đại Trường An đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; tuy nhiên, do thời gian qua dịch Covid bùng phát nên 02 Công ty chưa đầu tư thực hiện dự án. Hiện nay, 02 Công ty đã làm văn bản xin gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh chủ trương đầu tư để tiếp tục thực hiện dự án. Theo quy định tại Điều 64 Luật Đất đai thì điều kiện thu hồi đất là tiến độ thực hiện dự án chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa, trừ trường hợp bất khả kháng. Tuy nhiên, thời gian qua do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, thiên tai, bão, lũ, dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch Covid-19 kéo dài ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong thu xếp nguồn vốn để đầu tư. Tình hình kinh tế những năm gần đây khó khăn, hệ thống ngân hàng ngày càng thắt chặt trong việc cho vay vốn, nên các dự án phần lớn sau khi được thuê đất không thu xếp được nguồn vốn để đầu tư; thực tế tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh những năm qua còn khó khăn do đó tiến độ thực hiện dự án của 02 Công ty còn chậm. Do đó, đối chiếu với quy định của Luật Đất đai thì 02 Công ty chưa đủ điều kiện, yếu tố để thu hồi đất. Hiện nay, UBND tỉnh đã thành lập Tổ rà soát các dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh để tập trung rà soát, tham mưu UBND tỉnh xử lý các dự án chậm tiến độ theo đúng quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư phân tích nguyên nhân chậm tiến độ cụ thể của từng dự án để đề nghị Tổ rà soát dự án chậm tiến độ của tỉnh tổ chức làm việc với các nhà đầu tư để đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện và yêu cầu cam kết tiến độ lần cuối. Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các sở và địa phương tiếp tục kiểm tra, đôn đốc 02 Công ty đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nếu 02 Công ty còn chậm tiến độ, vi phạm theo quy định của Luật Đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất của 02 Công ty.

 

(Công văn số 3563/STNMT-QLĐĐ ngày 30/12/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời KNCT sau kỳ họp 4, Quốc hội XV)

 

3. Cử tri xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa phản ánh, cầu Tân Đức được xây dựng từ năm 1990, đến nay đã 32 năm và đã bị xuống cấp nghiêm trọng, có thể gây nguy hiểm cho Nhân dân trong việc đi lại, nhất là mùa mưu lũ. Cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra thực địa, kịp thời có kế hoạch đầu tư kinh phí xây dựng cầu Tân Đức nhằm ổn định đời sống và tạo điều kiện cho người dân đi lại được đảm bảo an toàn.

 

Trả lời:

 

Hiện tại, địa bàn thôn Tân Đức, xã Hương Hoá không có cầu Tân Đức mà chỉ có ngầm tràn trên tuyến đường 15A cũ đi qua địa bàn xã Hương Hoá. Tại khu vực này có Di tích lịch sử Chi bộ Bãi Đức - Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Bình. Việc đi lại của người dân nơi đây hiện còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về mùa mưa lũ. Vì vậy, nguyện vọng của cử tri xã Hương Hoá về xây dựng cầu Tân Đức là hết sức thiết thực. Tuy nhiên việc đầu tư xây dựng cầu cần nguồn kinh phí khá lớn, trong khi nguồn ngân sách huyện hạn hẹp. UBND huyện kính đề nghị UBND tỉnh quan tâm xem xét bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng cầu Tân Đức - xã Hương Hoá nhằm tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận lợi và phục vụ cho việc thăm viếng Di tích lịch sử Chi bộ Bãi Đức.

 

(Báo cáo số 122/BC-UBND ngày 09/02/2023 của UBND huyện Tuyên Hóa trả lời KNCT sau kỳ họp 4, Quốc hội XV)

 

 4. Cử tri Phạm Ngọc Thạch, xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới phản ánh: Bố đẻ của ông là ông Phạm Xuân Càng tham gia nhập ngũ tháng 7/1965, sau đó được cấp trên giao nhiệm vụ làm Thuyền trưởng thuộc đơn vị Công ty Vận tải đường thủy Quảng Bình. Năm 1968 khi đang làm nhiệm vụ vận tải vũ khí và lương thực ra mặt trận trên tuyến đường biển từ Nghệ An và Quảng Bình, đến địa phận Cửa Sót thuộc tỉnh Hà Tĩnh thì bị ngư lôi tấn công, ông Càng và các đồng chí khác bị thương nặng được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, sau đó do chấn thương nặng được chuyển ra bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Tháng 7/1972 thì ông qua đời tại Bệnh viện Bạch Mai. Đến nay đã 50 năm trôi qua vẫn chưa tìm thấy mộ. Bà Nguyễn Thị Thặng (vợ ông Càng) đã làm hồ sơ xin được công nhận liệt sỹ đối với ông Càng tuy nhiên đến nay chưa được xem xét công nhận liệt sỹ. Cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét lại hồ sơ của ông Phạm Xuân Càng để có phương án giải quyết hoặc có văn bản trả lời cho gia đình được rõ.

 

Trả lời:

 

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội trả lời như sau: Ngày 07/01/2021, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 21/SLĐTBXH-NCC xin ý kiến Cục Người có công đề nghị xác nhận liệt sỹ đối với ông Phạm Xuân Càng và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh Công văn số 435/UBND-KGVX ngày 26/3/2021 báo cáo xin ý kiến Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc xem xét xác nhận liệt sỹ đối với ông Phạm Xuân Càng.

 

Căn cứ Công văn số 565/NCC-CS1 ngày 06/5/2021 của Cục Người có công và Công văn số 245/LĐTBXH-NCC ngày 29/7/2021 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh đã có Công văn số 1721/UBND-NCVX ngày 30/8/2021 trả lời ông về trường hợp hy sinh đề nghị xác nhận liệt sỹ của ông Phạm Xuân Càng. Trường hợp ông không nhất trí với kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền thì có quyền khiếu nại hoặc gửi đơn ra Tòa án theo quy định của pháp luật về khiếu nại

 

  (Công văn số 42/SLĐTBXH-NCC ngày 11/01/2023 của Sở LĐTBXH về việc trả lời KNCT sau kỳ họp 4, QH XV)

 

5. Cử tri Trần Văn Lương, xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy phản ánh, trên địa bàn xã Tân Thủy có 15 đối tượng được đề nghị truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Trong đó, đến thời điểm hiện tại đã có 10 đối tượng được truy tặng, còn lại 05 đối tượng vẫn chưa được truy tặng nhưng không rõ lý do vì sao. Cử tri đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho các đối tượng còn lại; trường hợp vì lý do nào đó mà đối tượng không đủ điều kiện để được truy tặng thì có văn bản trả lời để cử tri được rõ.

 

Trả lời:

Ngày 17/10/2019, UBND huyện Lệ Thủy có Tờ trình số 2349/TTr - UBND về việc đề nghị Chủ tịch Nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho 16 cá nhân có quá trình cống hiến. Sở Nội vụ đã thẩm định trình Hội đồng Thi đua, khen thưởng tỉnh xét trình Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Chủ tịch Nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho 11 cá nhân đủ điều kiện tiêu chuẩn (tại Tờ trình số 1196/TTr -UBND ngày 07/7/2021 của UBND tỉnh) và Chủ tịch Nước đã có Quyết số 2080/QĐ-CTN ngày 22/11/2021 về việc truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho các cá nhân thuộc tỉnh Quảng Bình, trong đó có 10 cá nhân thuộc xã Tân Thủy và 01 cá nhân thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy. 05 cá nhân, hồ sơ không đủ điều kiện tiêu chuẩn truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, Sở Nội vụ đã có Công văn số 1133/SNV-TĐKT ngày 28/7/2021 gửi UBND huyện Lệ Thủy thông báo kết quả khen thưởng cho các cá nhân, gồm:

1. Ông Lê Thuận Thược, xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy;

2. Ông Dương Khắc Giượng, xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy;

3. Ông Lê Gia Liêu, xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy.

Lý do: Hồ sơ chỉ có xác nhận của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, không có Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc công nhận người hoạt động cách mạng trước năm 1935 về trước.

*. Đối với 02 cá nhân:

1. Ông Lê Thuận Huyền, xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy;

2. Ông Đinh Tiến Phượng, xã Tân Thủy, huyện lệ Thủy.

Lý do: Không đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 18, Nghị định 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ. (theo quy định phải đảm nhiệm các chức vụ Tỉnh ủy viên, Trưởng ban, ngành cấp tỉnh hoặc chức vụ tương đương trở lên)

 

(Công văn số 2417/SNV ngày 28/12/2022 của Sở Nội vụ về việc trả lời KNCT sau kỳ họp 4, QH XV)

 

 6. Cử tri Đinh Thị Vĩnh Thực, thôn Tân Đức, xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa phản ánh: Chồng của bà là ông Nguyễn Hồ Châu (quê quán xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, nhập ngũ ngày 30/01/1960, bị thương trong chiến trường và phục viên vào tháng 10/1971; từ năm 1974 đến 1986 làm cán bộ thống kê tại xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa); vào năm 1972, ông Châu nộp giấy tờ phục viên, giấy chứng thương cho huyện đội Tuyên Hóa để làm hồ sơ khám thương tật, nhưng không rõ lý do gì không được khám. Đến năm 2016, thực hiện chủ trương cho đối tượng mất giấy tờ làm lại để khám thương tật, có xác nhận của huyện đội qua các thời kỳ; tuy nhiên, cán bộ chính sách huyện đội Tuyên Hóa trả lời cần có giấy tờ gốc, nhưng giấy tờ gốc ông Châu đã nộp cho Huyện đội năm 1972, vì vậy, ông không được làm hồ sơ. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng có thẩm quyền căn cứ các quy định chế độ chính sách hiện hành về việc công nhận thương binh đối với quân nhân (Thông tư 55/2022/TT-BQP, ngày 27/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành hướng dẫn quy trình công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng) để xem xét, giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi cho ông Nguyễn Hồ Châu.

 

Trả lời:

 

1. Về thân nhân ông Nguyễn Hồ Châu

 

Kết quả việc làm của Ban CHQS huyện Tuyên Hóa cho thấy: Tại thôn Tân Đức, xã Hương Hóa, tỉnh Quảng Bình không có người nào có tên là Nguyễn Hồ Châu; xác minh trên địa địa bà xã Hương Hóa có ông Nguyễn Hồng Châu, cũng chính là chồng của bàn Đinh Thị Vĩnh Thực (người đã kiến nghị tại Mục 7 Công văn số 2450) (có báo cáo kết quả làm việc kèm theo).

 

2. Về nội dung kiến nghị của bà Đinh Thị Vĩnh Thực

 

Tại buổi làm việc của Ban CHQS huyện Tuyên Hóa cho thấy: Ngày 09/7/2018 và tháng 10/2019 ông Nfuyeexn Hồng Châu (tức chồng bà Đinh Thị Vĩnh Thực) có Đơn kiến nghị về việc nộp hồ sơ đề nghị xách nhận thương binh cho Ban CHQS huyện Tuyên Hóa (năm 1972), nhưng bị thất lạc, hiện chưa được giải quyết. Vấn đề này, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo huyện Tuyên Hóa phối hợp với chính quyền xã Hương Hóa cùng ông Nguyễn Hồng Châu, để tiến hành kiểm tra, làm rỏ trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong việc nộp và tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết chế đọ của ông Nguyễn Hồng Châu. Nội dung kiến nghị của bà Đinh Thị Vĩnh Thực, nêu tại Mục 7 Công văn số 2450 trùng khớp với nội dung mà ông Nguyễn Hồng Châu đã kiến nghị năm 2018, kết quả xác minh, trả lời cho đối tượng nêu tại Công văn số 2828/CT-CS ngày 10/8/2018 của Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh, nội dung cụ thể (có văn bản kèm theo).

 

Ngày 27/12/2022, Ban CHQS Tuyên Hóa và đại diện UBND xã Hương Hóa tiếp tục gặp gỡ bà Định Thị Vĩnh Thực để hướng dẫn, giải thích rỏ về thời điểm (năm 1972) mà ông Nguyễn Hồng Châu nộp hồ sơ đề nghị các cấp giải quyết chế độ thương binh, nội dung cụ thể (có văn bản kèm theo)

 

Hiện nay, Bộ CHQS tỉnh đang chỉ đạo Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố tỏ chức triển khai và thực hiện việc xác lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ chính sách theo Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng được quy định chi tiết tại Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ và Thông tư số 55/2022/TT-BQP ngày 27/7/2022 của Bộ Quốc phòng; đồng thời chỉ đạo Ban CHQS Tuyên Hóa phối hợp với địa phương, bà Đinh Thị Vĩnh Thực cùng ông Nguyễn Hồng Châu, tiesp tục tìm và cung cấp các giấy tờ liên quan chứng minh quá trình công tác trong quân đội tham gia chiến đấu bị thương (nếu các giấy tờ, hồ sơ đảm bảo pháp lý), kịp thời bổ sung, hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ theo quy định để được xem xét. Nếu không có các loại giấy tờ, hồ sơ hoặc tình tiết mới cung cấp cho các cơ quan chức năng để thiết lập hồ sơ, thì cơ quan sẽ không giải quyết đơn thư đối với trường hợp này.

 

(Công văn số 265/BCH-CT ngày 11/01/2023 của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trả lời KNCT sau kỳ họp 4, QH XV)

 

 7. Cử tri Nguyễn Văn Nở, thôn 6, xã Lộc Ninh phản ánh, hiện tại trên địa bàn có một số cơ sở khám chữa bệnh được giao đảm nhận thêm việc khám chữa bệnh ban đầu cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế; tuy nhiên có nhiều dịch vụ, thuốc điều trị lẽ ra cơ quan bảo hiểm xã hội phải chi trả nhưng cơ sở khám chữa bệnh lại yêu cầu người bệnh phải tự thanh toán. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh có nhiệm vụ khám chữa bệnh ban đầu cho bệnh nhân bảo hiểm y tế phải đảm bảo các dịch vụ và thuốc men thiết yếu cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế; không được yêu cầu bệnh nhân bảo hiểm y tế phải thanh toán các dịch vụ, thuốc men thiết yếu; trừ việc bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân có nguyện vọng được cung ứng thuốc men, dịch vụ đảm bảo chất lượng hơn, ngoài thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm y tế.

 

Trả lời:

 

1. Đề nghị các cơ sở KCB BHYT thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thực hiện KCB BHYT. Đảm bảo cung cấp đầy đủ thuốc, vật tư y tế (VTYT), dịch vụ kỷ thuật (DVKT) cho người bệnh BHYT, công khai Bảng giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT đểngười bệnh được biết khi đi KCB. Tuyệt đối không để người bệnh BHYT phải tự mua thuốc, VTYT và tự thanh toán DVKT thuộc danh mục được hưởng của người tham gia BHYT. Giám đốc cơ sở KCB chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xẩy ra tình trạng thiếu thuốc, VTYT để người bệnh phải mua ngoài hoặc yêu cầu người bệnh tự thanh toán các chi phí thuộc phạm vi thanh toán BHYT ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT và chính sách, pháp luật về BHYT của Đảng và Nhà nước.

 

2. Đề nghị Sở Y tếtăng cường chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở KCB tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với thuốc, VTYT đáp ứng kịp thời nhu cầu KCB cho người bệnh, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu thuốc, VTYT để chỉ đạo các đơn vị thực hiện.

 

(Công văn số 3716/BHXH ngày 29/12/2022 của Bảo hiểm xã hội tỉnh trả lời KNCT sau kỳ họp 4, QH XV)

 

8. Cử tri xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa phản ánh, thực hiện chủ trương của Chính phủ và sự chỉ đạo của các cấp, các ngành trong việc sáp nhập thôn, bản, xã Hương Hóa đã hoàn thành việc sáp nhập thôn theo đúng quy định. Tuy nhiên, sau sáp nhập nhà sinh hoạt cộng đồng của nhiều thôn không đảm bảo về quy mô, địa điểm cũng không phù hợp. Cử tri đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí cho các thôn được sáp nhập xây dựng mới nhà sinh hoạt cộng đồng đối với những nơi có địa điểm chưa phù hợp; sửa chữa, nâng cấp nhà sinh hoạt cộng đồng những nơi có địa điểm phù hợp nhưng quy mô, chất lượng không đảm bảo nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư tại các thôn.

 

Trả lời:

 

Việc đầu tư xây dựng mới nhà sinh hoạt cộng đồng các thôn nói chung và các thôn được sáp nhập nói riêng là cần thiết. Ngày 10/12/2022 Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 39/2022/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao thôn bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022-2025; theo đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ xây mới (vùng ĐBKK 300 triệu đồng; vùng nông thôn 145 triệu đồng); cải tạo sửa chữa (vùng ĐBKK 2 115 triệu đồng; vùng nông thôn 70 triệu đồng). Đối với huyện Tuyên Hóa, giai đoạn 2022-2025 được phân bổ hỗ trợ từ ngân sách tỉnh 4,685 tỷ đồng (xây mới 1,625 tỷ đồng; sửa chữa 3,06 tỷ đồng); ngoài ra giao cho HĐND huyện xây dựng định mức hỗ trợ từ ngân sách huyện và ngân sách xã.

 

 UBND huyện giao Phòng Văn hoá và Thông tin chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng định mức hỗ trợ từ ngân sách cấp huyện và ngân sách cấp xã; đồng thời tổ chức kiểm tra thực tế để trình HĐND huyện phân bổ nguồn kinh phí năm 2023 theo quy định. Tuy nhiên, với mức hỗ trợ theo Nghị quyết số 39/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh còn thấp, trong khi đó nguồn vốn đối ứng của ngân sách huyện và ngân sách cấp xã còn khó khăn. Vì vậy kính đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ thêm kinh phí để đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, đặc biệt là xây mới các nhà sinh hoạt động đồng.

 

(Báo cáo số 122/BC-UBND ngày 09/02/2023 của UBND huyện Tuyên Hóa trả lời KNCT sau kỳ họp 4, Quốc hội XV)

 

9. Cử tri huyện Lệ Thủy phản ánh, trên địa bàn huyện hiện có 6 tổ chức tín dụng đang hoạt động; tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, cử tri đề nghị có thêm tổ chức tín dụng nữa để phục vụ bà con. Theo nguyện vọng của đông đảo bà con, cử tri trực tiếp đề xuất UBND chỉ đạo, phối hợp với ngành ngân hàng, nhất là Ngân hàng BIDV để mở thêm Phòng giao dịch trên địa bàn huyện. 

 

Trả lời:

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 16 chi nhánh và 24 quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động với tổng số vốn huy động 54.282 tỷ đồng, tổng dư nợ 77.785 tỷ đồng. Riêng địa bàn huyện Lệ Thủy hiện có 01 chi nhánh cấp 2 và 08 phòng giao dịch của các ngân hàng và 07 quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động với nguồn vốn 4.076 tỷ đồng cung ứng kịp thời tín dụng và các dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp, góp phần khôi phục và phát triển bền vững các ngành, lĩnh vực trên địa bàn sau 02 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

 

Với diện tích 1.402km2, chiếm 17,5 % diện tích cả tỉnh; dân số 137.831 người, chiếm 15% dân số cả tinht, tỷ trọng nguồn vốn và dư nợ địa bàn huyện Lệ Thủy mới chỉ lần lượt là 7,5% và 6,1% trong toàn địa bàn tỉnh Quảng Bình thì còn nhiều dư địa để mở rộng hoạt động ngân hàng tại huyện Lệ Thủy. Bên cạnh đó, Lệ Thủy là một huyện thuần nông, xã trung tâm; một số xã thuộc địa bàn miền núi, đi lại khó khăn nên ưu tiên mở thêm các phòng giao dịch để phục vụ người dân trên địa bàn. Nhằm cung ứng nguồn vốn tín dụng đầy đủ, kịp thời phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời góp phần xây dựng huyện Lệ Thủy phát triển nhanh và bền vững, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Bình luôn khuyến khích, tạo điều kiện và sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại thành lập thêm phòng giao dịch tại địa bàn huyện Lệ Thủy.

 

(Công văn số 971/QUB-THNS ngày 30/12/2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời ý kiến cử tri)

 

 10. Cử tri buôn bán tại chợ Ba Đồn, thị xã Ba Đồn phản ánh, các thẻ quầy của tiểu thương chợ Ba Đồn được cấp năm 1993; từ năm 2012, UBND tỉnh đã giao UBND thị xã Ba Đồn chấp nhận cho chuyển đổi, mua bán, cấp lại thẻ quày khi mất. Tuy nhiên, ngày 14/6/2022, Sở Tư pháp đã ban hành Công văn số 1553/STP và ngày 28/10/2022 ban hành Công văn số 3072/STP với nội dung dừng tất cả các việc giao dịch thẻ quày, tiến hành cho thu hồi lại giấy chứng nhận thẻ quày; đồng thời chỉ đạo Văn phòng Công chứng địa phương không làm thủ tục chuyển đổi, mua bán thẻ quày. Cử tri cho rằng, việc làm trên của Sở Tư pháp đã gây nhiều bức xúc cho các tiểu thương có thẻ quày khi có nhu cầu chuyển đổi, mua bán thẻ quày; đồng thời đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo sở, ngành liên quan có hướng giải quyết để bảo đảm quyền lợi cho các tiểu thương chợ Ba Đồn khi có nhu cầu chính đáng về việc chuyển đổi, mua bán thẻ quày.

 

Trả lời:

 

1. Về tham mưu giải quyết kiến nghị của một số hộ kinh doanh tại chợ Ba Đồn trong việc sử dụng thẻ quày tại chợ Ba Đồn

 

 Thực hiện kết luận phiên tiếp công dân định kỳ tháng 5 năm 2022 của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tại Thông báo số 1741/TB-UBND ngày 19/5/2022 của Văn phòng UBND tỉnh, trong đó có nội dung giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ quy định của pháp luật để tham mưu xem xét, chỉ đạo giải quyết kiến nghị của một số hộ kinh doanh tại chợ Ba Đồn về quyền lợi sử dụng thẻ quày, trong đó có việc không được thế chấp để vay vốn ngân hàng; Sở Tư pháp đã làm việc với các sở, ngành có liên quan: Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Quảng Bình, UBND thị xã Ba Đồn và Ban Quản lý các công trình công cộng thị xã Ba Đồn (đơn vị quản lý chợ Ba Đồn) xem xét lại quá trình cấp Giấy chứng nhận sở hữu tài sản và sử dụng đất (thẻ quày) cho các tiểu thương chợ Ba Đồn của UBND huyện Quảng Trạch cũ (nay là UBND thị xã Ba Đồn). Trên cơ sở kết quả rà soát, đối chiếu với quy định của pháp luật qua các thời kỳ và ý kiến thống nhất của các sở, ngành, địa phương nêu trên, Sở Tư pháp đã có Công văn số 1553/STP-XDKTVB ngày 14/6/2022 báo cáo UBND tỉnh về các nội dung có liên quan đến việc sử dụng thẻ quày: giá trị pháp lý của Giấy Chứng nhận quyền sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất đã cấp cho các tiểu thương chợ Ba Đồn; về thực hiện việc cho thuê hoặc sử dụng địa điểm kinh doanh tại chợ và quyền của các tiểu thương đối với địa điểm kinh doanh và đề xuất phương án để UBND tỉnh xem xét chỉ đạo giải quyết sự việc, trong đó xác định rõ việc giải quyết kiến nghị của một số hộ kinh doanh tại chợ Ba Đồn liên quan đến quyền lợi sử dụng thẻ quày, trong đó có việc không được thế chấp để vay vốn ngân hàng thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của UBND thị xã Ba Đồn (Có Công văn số 1553/STP-XDKTVB ngày 14/6/2022 của Sở Tư pháp kèm theo).

 

Như vậy, nội dung Công văn số 1553/STP-XDKTVB ngày 14/6/2022 của Sở Tư pháp là ý kiến tham mưu theo chỉ đạo của UBND tỉnh, nội dung Công văn đã được các sở, ban, ngành có liên quan và UBND thị xã Ba Đồn thống nhất cao. Mục đích của Công văn là báo cáo UBND tỉnh về thực trạng của việc cấp thẻ quày cho các tiểu thương chợ Ba Đồn; giá trị pháp lý, cơ sở pháp lý trong việc cấp và sử dụng thẻ quày cho các tiểu thương chợ Ba Đồn của UBND huyện Quảng Trạch cũ (nay là UBND thị xã Ba Đồn), đề xuất phương án để UBND tỉnh xem xét chỉ đạo UBND thị xã Ba Đồn giải quyết vụ việc theo đúng trách nhiệm và thẩm quyền. Phương án kiến nghị là căn cứ quy định của pháp luật và thực tiễn sử dụng thẻ quày của các hộ tiểu thương, trên cơ sở vừa đảm bảo đúng quy định của pháp luật vừa đảm bảo quyền lợi của người sử dụng thẻ quày.

 

Sở Tư pháp và các ngành chuyên môn cấp tỉnh không có thẩm quyền giải quyết ý kiến của các hộ tiểu thương chợ Ba Đồn, mà thẩm quyền giải quyết của UBND thị xã Ba Đồn. Vì vậy, đề nghị cử tri tiểu thương chợ Ba Đồn liên hệ với UBND thị xã Ba Đồn để được giải quyết các vấn đề liên quan đến việc sử dụng thẻ quày chợ Ba Đồn.

 

2. Về việc trả lời đơn kiến nghị của ông Lê Quang Hòa, tiểu thương Chợ Ba Đồn (do UBND tỉnh chuyển đến) về việc đề nghị giải quyết, tháo gỡ việc Văn phòng Công chứng Nhất Tín từ chối công chứng hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là thẻ quày tại chợ Ba Đồn.

 

 Sở Tư pháp nhận được đơn kiến nghị của ông Lê Quang Hòa, tiểu thương Chợ Ba Đồn (do UBND tỉnh chuyển đến) đề nghị giải quyết, tháo gỡ việc Văn phòng Công chứng Nhất Tín từ chối công chứng hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là thẻ quày tại chợ Ba Đồn. Sau khi nhận được đơn phản ánh của Ông, Sở Tư pháp đã có Công văn số 3003/STP-HCTP&BTTP ngày 21/10/2022 yêu cầu Văn phòng công chứng Nhất Tín báo cáo việc từ chối nêu trên.

 

Trên cơ sở báo cáo của Văn phòng Công chứng Nhất Tín tại Báo cáo số 71/NT-HC ngày 25/10/2022, Sở Tư pháp đã có Công văn số 3072/STP[1]HCTP&BTTP ngày 28/10/2022 gửi Ông Lê Quang Hòa để trả lời các nội dung trong đơn kiến nghị của Ông. Tại Công văn này, Sở Tư pháp đã chuyển tiếp nội dung báo cáo của Văn phòng Công chứng Nhất Tín đến Ông Lê Quang Hòa được biết; đồng thời, tại Công văn số 3072/STP-HCTP&BTTP, Sở Tư pháp đã trả lời cho Ông Lê Quang Hòa được biết: theo quy định của Luật Công chứng thì công chứng viên chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng, công chứng viên có quyền từ chối yêu cầu công chứng trong trường hợp yêu cầu công chứng không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành (Có Công văn số 3072/STP-HCTP&BTTP ngày 28/10/2022 của Sở Tư pháp kèm theo).

 

Như vậy, nội dung Công văn số 3072/STP-HCTP&BTTP của Sở Tư pháp nhằm thông tin cho ông Lê Quang Hòa được biết về nguyên tắc và quyền của Công chứng viên trong việc từ chối yêu cầu công chứng cũng như việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong việc công chứng hợp đồng, giao dịch theo quy định của 3 pháp luật về công chứng. Nội dung Công văn số 3072/STP-HCTP&BTTP không đề cập đến việc dừng tất cả giao dịch thẻ quày và không chỉ đạo Văn phòng công chứng địa phương được làm hay không được làm các thủ tục liên quan đến chuyển đổi, mua bán thẻ quày như nội dung kiến nghị của cử tri tại mục 11 của Bản tổng hợp kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV kèm theo Công văn số 166/ĐĐBQH-DNTT ngày 14/12/2022 của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.

 

(Công văn số 3869/STP-XDKTVB ngày 28/12/2022 của Sở Tư pháp trả lời KNCT sau kỳ họp 4, Quốc hội XV)

Các tin khác