Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 24

  • Hôm nay 3800

  • Tổng 3.396.864

Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

9:44, Thứ Năm, 23-3-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

I. THỊ XÃ BA ĐỒN

 

 (1). Cử tri Phạm Ngọc Lưu, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn phản ánh: Thực hiện Dự án 327, từ năm 2000 đến nay xã Quảng Sơn đã giao một phần diện tích đất rừng thuộc thôn Thọ Hạ, xã Quảng Sơn cho người dân chăm sóc, quản lý. Hiện nay triển khai Dự án đường cao tốc Bắc - Nam (Vũng Áng – Bùng), đoạn qua thôn Thọ Hạ, xã Quảng Sơn có 9 hộ dân đang quản lý đất rừng 327 nằm trong vùng giải tỏa nhưng không được đền bù. Theo cử tri, đại diện các cơ quan chức năng liên quan trả lời lý do không đền bù vì đất là của nhà nước còn cây là của Lâm trường huyện Quảng Trạch. Cử tri cho rằng lý do trên không thỏa đáng, vì người dân có công chăm sóc, quản lý đất rừng nhiều năm nay. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng liên quan xem xét, giải quyết, trả lời cử tri, vừa để bảo đảm quyền lợi cho người dân vừa thực hiện đảm bảo quy định của pháp luật.

 

Trả lời

 

Quá trình thu thập hồ sơ thì các thửa đất của 09 hộ gia đình xã Quảng Sơn kiến nghị thuộc đất của Công ty MTV Lâm Công Nghiệp Bắc Quảng Bình, đã được Sở TNMT tỉnh Quảng Bình cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất số CG 612923 ngày 30 tháng 01 năm 2018. Vị trí các thửa đất thuộc địa giới hành chính xã Quảng Minh (tờ bản đồ số 16, xã Quảng Minh).

 

Theo quy định tại điểm đ, khoản 5, Điều 4 Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 quy định về đối tượng được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất của các nông, lâm trường quốc doanh hoặc công ty nông, lâm nghiệp được chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó”

 

Tuy nhiên, qua làm việc với Công ty MTV Lâm Công Nghiệp Bắc Quảng Bình thì công ty không có hợp đồng giao khoán chăm sóc bảo vệ rừng đối với 09 hộ gia đình. Do đó các hộ không đủ điều kiện bồi thường về đất và không được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất khi nhà nước thu hồi đất.

 

(Công văn số 2150/UBND ngày 17/11/2022 của UBND thị xã Ba Đồn trả lời KNCT trước kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV)

 

(2). Các cử tri Lê Vĩnh Tuy, phường Quảng Thọ và Nguyễn Ngọc Phái, xã Quảng Minh thị xã Ba Đồn phản ánh: Hiện nay một số dự án trên địa bàn thị xã Ba Đồn triển khai còn chậm, như khu nghỉ dưỡng Resort xây dựng đã lâu nhưng vẫn chưa hoàn thiện; một số tuyến đường liên thôn, liên xã từ Quảng Minh đến xã Quảng Hòa đã triển khai lâu nhưng cũng chưa hoàn hành để đưa vào sử dụng. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, đôn đốc nhà đầu tư và đơn vị thi công khẩn trương hoàn thành các công trình để sớm đưa vào sử dụng phục vụ đời sống Nhân dân.

 

Trả lời

 

Sau khi tiếp nhận ý kiến cử tri, UBND thị xã đã chỉ đạo phòng Quản lý đô thị kiểm tra tiến độ các dự án. Qua kiểm tra, UBND thị xã trả lời như sau:

 

1. Về các khu nghĩ dưỡng Resort

 

- Thông tin về dự án: Trên địa bàn thị xã hiện đang triển khai thi công dự án Khu du lịch sinh thái, hội nghị và giải trí Green Resort tại phường Quảng Thọ, Dự án do Công ty Cổ phần Dịch vụ Kim Tự Tháp làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại các Quyết định số 3527/QĐ-UBND ngày 31/10/2016; Quyết định số 3300/QĐ-UBND ngày 20/9/2017; Quyết định số 910/QĐ-UBND ngày 14/3/2019; Quyết định số 2133/QĐ-UBND ngày 26/6/2019 và Quyết định số 1794/QĐ-UBND ngày 02/6/2020.

 

Năm 2022, Dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh Chủ trương đầu tư tại Quyết định số 667/QĐ-UBND ngày 15/3/2022, gồm các nội dung điều chỉnh: Tăng tổng mức đầu tư của Dự án từ 800 tỷ lên 1.100 tỷ; Tiến độ dự án hoàn thành đưa vào sử dụng vào quý II năm 2023.

 

- Về tiến độ thực hiện: Hiện nay Dự án đã hoàn thành các hạng mục: Khu chợ quê và Nhà tâm linh, các hạng mục khác của Dự án (Khu biệt thự, khách sạn...) hiện đang thi công, hoàn thiện khoảng 75% tổng khối lượng. Chủ đầu tư dự kiến hoàn thành hạng mục khách sạn đưa vào sử dụng ngày 30/6/2023, các hạng mục khác hoàn thành sớm hơn, đưa vào sử dụng ngày 30/4/2023, đảm bảo tiến độ theo Chủ trương đã được UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh (Quý II/2023).

 

Trong thời gian tới UBND thị xã tiếp tục chỉ đạo phòng Quản lý đô thị phối hợp với Đội Quy tắc và Trật tự đô thị, UBND phường Quảng Thọ thực hiện công tác kiểm tra việc xây dựng của Dự án đảm bảo theo hồ sơ đã được duyệt, kịp thời báo cáo, tham mưu UBND thị xã xử lý khi có sai phạm trong hoạt động xây dựng, đồng thời đôn đốc Chủ đầu tư thi công đảm bảo tiến độ đề ra, sớm đưa Dự án đi vào hoạt động.

 

2. Về tuyến đường liên thôn, liên xã từ Quảng Minh đi xã Quảng Hòa

 

- Thông tin về công trình: Tên công trình "Khắc phục khẩn cấp tuyến đường phòng tránh lũ kết hợp mở rộng khu dân cư xã Quảng Minh (tuyến đường liên xã từ xã Quảng Minh đi xã Quảng Hòa)". Công trình do UBND xã Quảng Minh làm chủ đầu tư và được UBND thị xã Ba Đồn phê duyệt Báo cáo Kinh tế - Kỹ thuật tại Quyết định số 2082/QĐ-UBND ngày 29/8/2021. Quy mô công trình: Tổng chiều dài tuyến thiết kế L = 2.717,81m; chiều rộng mặt đường Bm = 3,5m; chiều rộng nền đường Bn = 5,0m; chiều rộng lề đường Bl = 2x0,75m.

 

- Tiến độ thực hiện: Năm 2021 - 2023. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại hiện trường, hiện nay Chủ đầu tư đã thực hiện được khoảng 90% khối lượng công trình. Các hạng mục công trình đã hoàn thành là khối lượng phần nền đường, mặt đường và hệ thống thoát nước. Khối lượng còn lại chưa hoàn thành là phần lề đường và giải phân cách giữa.

 

Để đảm bảo cho nhân dân đi lại, UBND thị xã đã chỉ đạo UBND xã Quảng Minh (Chủ đầu tư công trình) chỉ đạo đơn vị thi công và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, phấn đấu hoàn thành trong năm 2022.

 

(Công văn số 2150/UBND ngày 17/11/2022 của UBND thị xã Ba Đồn trả lời KNCT trước kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV)

 

(3). Cử tri Nguyễn Thái Sơn, xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn phản ánh: Bố ông là liệt sỹ Nguyễn Văn Cháu, hy sinh năm 1967, được cấp giấy chứng nhận liệt sỹ năm 1986, có hồ sơ nhưng chưa được cấp bằng Tổ quốc ghi công, chưa được hưởng chế độ của Nhà nước. Những năm qua, gia đình được Nhà nước tặng 200.000 đồng/suất quà vào dịp 27/7 nhưng năm 2022 phần quà trên bị cắt với lý do không có hồ sơ lưu tại chính quyền địa phương. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, rà soát lại hồ sơ liệt sỹ Nguyễn Văn Cháu và trả lời cho cử tri được rõ.

 

Trả lời

 

Hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với ông Trần Minh Đức, sinh năm 1930, hy sinh năm 1948, cơ quan đơn vị khi hy sinh: nhân viên Bưu điện tỉnh Quảng Bình. Căn cứ Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ. Theo đó, hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với ông Trần Minh Đức đã được Ban chỉ đạo xác nhận người có công thị xã xét duyệt và đề nghị Bưu điện tỉnh Quảng Bình theo công văn số 1549/UBND ngày 06/11/2020.

 

Ngày 17/01/2022 UBND thị xã đã ban hành Công văn số 73/UBND về việc xác nhận liệt sĩ đối với ông Trần Minh Đức. Ngày 17/02/2022, Bưu điện tỉnh Quảng Bình đã có văn bản số 159/BĐQB-TCHC gửi Tổng công ty Bưu điện Việt Nam về việc suy tôn liệt sĩ đối với ông Trần Minh Đức.

 

Ngày 26/7/2022, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã có văn bản số 3081/BĐVN-TC&PTNNL gửi Bộ Thông tin và Truyền thông để cấp giấy báo tử đối với ông Trần Minh Đức. Hiện nay, việc xác nhận liệt sĩ đang chờ kết quả của Bộ Thông tin và Truyền thông.

 

(Công văn số 2150/UBND ngày 17/11/2022 của UBND thị xã Ba Đồn trả lời KNCT trước kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV)

 

(4). Cử tri Trần Hữu Thùy, thôn Nam Minh Lệ, xã Quảng Minh phản ánh: Bố ông là liệt sỹ Trần Minh Đức, nguyên là công nhân ngành bưu điện, có danh sách tại Nghĩa trang Liệt sỹ xã Quảng Minh từ những năm 1960. Năm 2014, Nhà nước có chính sách đãi ngộ đối với gia đình thờ cúng liệt sỹ nhưng liệt sỹ Trần Minh Đức lại không có tên trong danh sách. Gia đình đã trực tiếp gặp các cơ quan chức năng để hỏi về vấn đề trên, sau đó tho hướng dẫn đã hoàn thiện hồ sơ gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thị xã Ba Đồn và Bưu điện tỉnh Quảng Bình nhưng đến nay chưa có cơ quan, chức năng nào trả lời cho gia đình ông. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét, trả lời cho gia đình ông được biết.

 

Trả lời

 

Liệt sĩ Nguyễn Văn Cháu, nguyên quán xã Hải Trường, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Năm 1967 ông công tác tại Nông Trường Việt Trung đã hy sinh, hiện nay mộ liệt sĩ được an táng tại nghĩa trang Liệt sỹ xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Con trai liệt sĩ là ông Nguyễn Thái Sơn hiện đang cư trú tại xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn. Qua rà soát, quá trình giải quyết chế độ quà của Chủ tịch nước cho người có công và thân nhân người có công thì ông Nguyễn Thái Sơn chưa có Quyết định thờ cúng liệt sĩ Nguyễn Văn Cháu. UBND thị xã đã chỉ đạo UBND xã Quảng Hải hướng dẫn ông Nguyễn Thái Sơn xây dựng hồ sơ đề nghị cấp bằng Tổ quốc ghi công và xây dựng hồ sơ thờ cúng liệt sĩ theo quy định.

 

(Công văn số 2150/UBND ngày 17/11/2022 của UBND thị xã Ba Đồn trả lời KNCT trước kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV)

 

II. HUYỆN TUYÊN HÓA

 

(1). Cử tri xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa phản ánh: Thôn Lạc Sơn, xã Châu Hóa là địa bàn hợp lưu giữa Sông Gianh và sông Rào Trổ, nơi đây có nguy cơ sạt lở rất lớn, nhất vào mùa mưa lũ. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành khảo sát để có kế hoạch đầu tư kinh phí xây kè chống sạt lở giúp Nhân dân bảo về nhà cửa, tài sản và tính mạng.

 

Trả lời

 

Thôn Lạc Sơn xã Châu Hoá nằm ven sông Gianh, hàng năm vào mùa mưa lũ thường xuyên bị xói lỡ, chiều dài khảng 500m, gây ảnh hưởng đến đời sống của 8 hộ dân (ảnh hưởng trực tiếp tại nhà bà Lê Thị Phước, hiện tại bà đã tự bỏ tiền ra làm kè chống sạt lở). Trước diễn biến xói lỡ bờ sông, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp UBND huyện Tuyên Hóa, UBND xã Châu Hóa tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường và nghiên cứu giải pháp khắc phục. Ngày 12/10/2022, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh đề xuất xây dựng kè chắn sạt lở với tổng kinh phí 15 tỷ. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí, nên đến nay tuyến kè bảo vệ bờ sông thôn Lạc Sơn vẫn chưa được nâng cấp, gia cố chống xói lở. Phản ánh của cử tri là chính đáng, Sở Nông nghiệp và PTNT ghi nhận kiến nghị của cử tri và sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất UBND tỉnh tìm kiếm nguồn vốn thực hiện dự án.

 

(Công văn 3027/SNNPTNT ngày 17/11/2022 của Sở Nông nghiệp và PTNT trả lời KNCT trước kỳ họp 4. QH khóa XV)

 

 (2). Cử tri thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa phản ánh, tại Thông báo số 625-TB/TU ngày 25/8/2022 của Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình về chủ trương thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở các trường học trong toàn tỉnh có giao nhiệm vụ cho Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh “chỉ đạo các sở, ngành liên quan có phương án phân bổ biên chế cho các cơ sở giáo dục đảm bảo hợp lý; khẩn trương xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyển dụng đối với giáo viên còn thiếu theo vị trí việc làm. Đối với các vị trí chưa tổ chức tuyển dụng ngay được, nghiên cứu bổ sung thêm giáo viên hợp đồng”; tuy nhiên, hiện tại một số trường học trên địa bàn huyện còn biên chế giáo viên và chưa tổ chức tuyển dụng được nhưng chưa có văn bản hướng dẫn về hợp đồng giáo viên đứng lớp. Để kịp thời khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng liên quan sớm có văn bản hướng dẫn để các trường còn biên chế giáo viên tự chủ trong việc hợp đồng giáo viên đứng lớp.

 

Trả lời

 

Thực hiện Thông báo số 625-TB/TU ngày 25/8/2022 của Thường trực Tỉnh ủy về chủ trương thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở các trường học trong toàn tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 87/NQ-HĐND ngày 25/10/2022 về việc phê duyệt bổ sung biên chế sự nghiệp (số lượng người làm việc) giáo dục mầm non và phổ thông công lập năm học 2022-2023 tỉnh Quảng Bình; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3031/QĐUBND ngày 04/11/2022 của UBND tỉnh về việc giao bổ sung 152 biên chế sự nghiệp (số lượng người làm việc) giáo dục mầm non và phổ thông công lập năm học 2022-2023 cho các cơ quan, địa phương. Hiện nay, tỉnh Quảng Bình gặp nhiều khó khăn do thiếu biên chế giáo viên, mặc dù các địa phương và ngành giáo dục đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp nhưng vẫn chưa thể khắc phục triệt để. Trước tình hình đó, để thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và hướng dẫn của các Bộ, ngành trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đồng thời kịp thời khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập của tỉnh 2 trong năm học 2022-2023 và các năm tiếp theo, việc hợp đồng giáo viên đứng lớp thực hiện theo Công văn số 1495/UBND-NC ngày 28/8/2020 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên của các địa phương trên toàn tỉnh, UBND tỉnh đã có Công văn số 2060/UBND-NCVX ngày 03/11/2022 đề nghị các Bộ: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội cho ý kiến việc ban hành chính sách đặc thù của địa phương về việc bố trí kinh phí cho các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập để hợp đồng giáo viên giảng dạy (ngoài biên chế được giao). Sau khi có ý kiến của các Bộ, Sở Nội vụ và và các sở, ngành có liên quan sẽ tham mưu theo đúng quy định.

 

(Công văn số 2046/SNV-XDCB&TCBC ngày 14/11/2022 của Sở Nội vụ trả lời KNCT trước kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV)

 

(3). Cử tri thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa và một số địa phương đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu có giải pháp đối với biên chế giáo viên giảng dạy môn Tin học và Công nghệ đối với Lớp 3, cấp Tiểu học từ năm học 2022 - 2023, vì đây là môn học bắt buộc trong chương trình GDPT mới nhưng hiện tại biên chế giáo viên giảng dạy bộ môn này chưa có. Quan tâm chỉ đạo thống nhất việc bố trí giáo viên, nhân viên khi số lượng học sinh tăng, lớp tăng nhưng biên chế giáo viên không tăng.

 

Trả lời

 

Về biên chế giáo viên giảng dạy môn Tin học và Công nghệ lớp 3, cấp Tiểu học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, Năm học 2022-2023, tỉnh đang thực hiện giao biên chế trong các cơ sở giáo dục và đào tạo phổ thông công lập theo Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục và đào tạo phổ thông công lập và Công văn số 1389/UBND-NC của UBND tỉnh ngày 04/8/2017 quy định về định mức biên chế giáo viên, nhân viên trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017, sau khi có văn bản hướng dẫn mới, tỉnh sẽ căn cứ theo quy định để tính định mức đối với biên chế giáo viên nói chung và giáo viên giảng dạy Tin học và Công nghệ đối với Lớp 3, cấp Tiểu học. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên đối với các bộ môn nói trên (bộ môn bắt buộc nhưng chưa được tính trong định mức giáo viên theo quy định) ngày 10/10/2022, tại buổi làm việc với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố về sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục năm học 2022 - 20231 , đồng chí Hồ An Phong Phó Chủ tịch UBND đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, tổng hợp nhu cầu đào tạo của giáo viên tại các địa phương đáp ứng chuyên môn nghiệp vụ phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới theo quy định (cụ thể số lượng, môn học cần bồi dưỡng để kiêm nhiệm những bộ môn mới); tổng hợp kinh phí cần đào tạo, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định. Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đang tổng hợp nhu cầu đào tạo từ các huyện, thị xã, thành phố để báo cáo UBND tỉnh. Về việc bố trí giáo viên, nhân viên khi số học sinh tăng, lớp tăng nhưng biên chế giáo viên không tăng, hiện nay, UBND tỉnh đang đề nghị 2 các Bộ: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội cho ý kiến việc ban hành chính sách đặc thù của địa phương về việc bố trí kinh phí cho các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập để hợp đồng giáo viên giảng dạy (ngoài biên chế được giao). Sau khi có ý kiến của các Bộ, Sở Nội vụ và các sở, ngành có liên quan sẽ tham mưu theo đúng quy định.

 

(Công văn số 2046/SNV-XDCB&TCBC ngày 14/11/2022 của Sở Nội vụ trả lời KNCT trước kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV)

 

(4). Cử tri một số nơi phản ánh, để khắc phục tình trạng thiếu biên chế giáo viên tại một số trường học, hiện nay một số địa phương đã có phương án điều động giáo viên công tác từ trường khác đến để tăng cường hỗ trợ đứng lớp; tuy nhiên, chưa có chế độ hỗ trợ tiền xăng xe đi lại cho các đối tượng này. Về lâu dài, do tình trạng thiếu biên chế giáo viên nên phương án này có thể sẽ được áp dụng rộng rãi; vì vậy, đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu có chế độ hỗ trợ tiền xăng xe đi lại cho các giáo viên được điều động hỗ trợ giảng dạy cho các trường khác. Mặt khác, hiện nay giáo viên dạy thừa giờ không được thanh toán bất kỳ khoản nào, như vậy là không công bằng với công sức lao động mà giáo viên đã bỏ ra; vì vậy, đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu có chế độ phụ cấp thừa giờ cho giáo viên.

 

Trả lời

 

Ngày 10/10/2022, tại buổi làm việc với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố về sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục năm học 2022 – 2023, đồng chí Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ nghiên cứu tham mưu hỗ trợ kinh phí chi trả cho giáo viên dạy vượt giờ, giáo viên dạy liên trường và các chế độ chính sách khác theo quy định. Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng, tổng hợp phương án đề xuất của toàn ngành về hỗ trợ kinh phí để thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh. Sau khi có phương án đề xuất của ngành giáo dục, Sở Tài chính sẽ phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh báo cáo cơ quan có thẩm quyền thực hiện chế độ hỗ trợ cho giáo viên trên cơ sở các quy định hiện hành như: Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị; Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8/3/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo- Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và các quy định liên quan.

 

(Công văn số 2046/SNV-XDCB&TCBC ngày 14/11/2022 của Sở Nội vụ trả lời KNCT trước kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV)

 

(5). Cử tri Trần Thái Hoan, xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa phản ánh: Liệt sỹ Trần Xuân Bổng, thôn Cao Trạch, xã Phong Hóa, hy sinh năm 1959 (Hồ sơ có giấy báo tử, giấy chứng nhận Huân chương và được Nhà nước cấp bằng Tổ quốc ghi công; hiện trong sổ vàng truyền thống của xã và trên bia đá nghĩa trang liệt sỹ xã Phong Hóa vẫn có tên liệt sỹ Trần Xuân Bổng); thân nhân Liệt sỹ là ông Trần Xuân Trác, em trai ruột, thường trú tại thôn Cao Trạch, xã Phong Hóa được hưởng chế độ thờ cúng liệt sỹ từ năm 1959 đến năm 2018. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018 không rõ lý do vì sao khoản chế độ thờ cúng liệt sỹ nói trên bị cắt, ông Trần Xuân Trác không được tiếp tục nhận tiền thờ cúng và hương khói của liệt sỹ Trần Xuân Bổng. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, rà soát và giải quyết; nếu đúng như phản ánh của cử tri thì cần hết sức quan tâm xem xét để gia đình thân nhân được nhận tiền thờ cúng liệt sỹ. Trường hợp còn vướng mắc hoặc có vấn đề gì khác thì cần có văn bản trả lời để cử tri được rõ.

 

Trả lời

 

Thực hiện Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai rà soát, cấp bằng Tổ quốc ghi công và giải quyết chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ theo quy định. Tuy nhiên, qua kiểm tra đối chiếu toàn tỉnh có 236 trường hợp không có hồ sơ liệt sỹ tại Sở Lao động-TB&XH, trong đó có trường hợp Trần Xuân Bổng. Vì vậy, ngày 14/6/2017 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 835/SLĐTBXH-NCC đề nghị Cục Người có công tra cứu và trích lục hồ sơ liệt sĩ để có cơ sở giải quyết các chế độ liên quan cho thân nhân. Ngày 03/10/2017, Cục Người có công có Công văn số 2327/NCC-LTHS trả lời đã tra cứu được 33 trường hợp, còn lại 203 trường hợp không có tên trong đó có trường hợp ông Trần Xuân Bổng. Như vậy, trường hợp của ông Trần Xuân Bổng chưa được cấp bằng Tổ quốc ghi công xác nhận liệt sĩ, nên không được giải quyết chế độ thờ cúng liệt sỹ. Để có cơ sở đảm bảo giải quyết chế độ thờ cúng liệt sỹ trên địa bàn toàn tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 1571/SLĐTBXHNCC ngày 14/11/2017 và Công văn số 105/SLĐTBXH-NCC ngày 23/01/2018 gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn thân nhân những trường hợp chưa được xác nhận liệt sĩ sớm xác lập hồ sơ xác nhận liệt sĩ theo Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLTBLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Quốc phòng. 2 Tuy nhiên, tại thời điểm đó đến nay gia đình không cung cấp được các giấy tờ có liên quan (giấy báo tử, Bằng Tổ quốc ghi công), nên không có căn cứ để giải quyết chế độ thờ cúng liệt sỹ Trần Xuân Bổng. Đối chiếu với quy định tại Điều 14, 18 Nghị định 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, đề nghị thân nhân liệt sỹ liên hệ trực tiếp với Ban chỉ huy Quân sự Tuyên Hóa để được hướng dẫn giải quyết theo quy định.

 

(Công văn số 1630/BC-UBND ngày 15/11/2022 của UBND huyện Tuyên Hóa, trả lời KNCT trước kỳ họp 4, QH khóa XV)

 

III. HUYỆN QUẢNG TRẠCH

 

 (1). Cử tri Nguyễn Ngọc Tranh, công nhân Nhà máy xi măng Coseco 11 phản ánh: Tập thể cán bộ, công nhân viên đang làm việc hợp đồng dài hạn tại Chi nhánh Nhà máy xi măng Coseco 11 từ trước đến nay luôn tham gia đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc đầy đủ theo kỳ nhận lương tháng. Tuy nhiên, đến tháng 2/2018, khi Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Bình cấp phát sổ Bảo hiểm xã hội mới biết Nhà máy  chỉ đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân đến hết tháng 12/2014. Như vậy, từ tháng 01/2015 đến nay Nhà máy không thực hiện việc đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc cho công nhân, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan xem xét, giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên của Nhà máy.

 

Trả lời

 

- Chi nhánh Nhà máy xi măng Cosevco 11 là một trong các đơn vị thành viên của Công ty Cổ phần SXVL&XD COSEVCO I. Trong những năm qua, việc chấp hành chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của đơn vị đối với người lao động mặc dù có nhiều cố gắng, tuy tình trạng nợ đóng BHXH kéo dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, dẫn đến việc có nhiều người lao động của đơn vị phản ánh, khiếu nại về nội dung trên. Mặc dù đã được BHXH tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền quan tâm giải quyết, tuy nhiên do đơn vị còn nợ đọng lớn nên việc giải quyết chưa thể dứt điểm.

 

- Việc cấp phát tờ rời BHXH hằng năm cho người lao động là chủ trương, quy định của BHXH Việt Nam, nhằm ghi nhận quá trình đóng BHXH, thời gian hoàn thành trách nhiệm đóng BHXH của người sử dụng lao động và người lao động, được thể hiện minh bạch, công khai và qua đó để người lao động biết được quá trình đóng BHXH của chính mình, cũng như tham gia vào quà trình kiểm tra, giám sát đóng BHXH của người sử dụng lao động. Đới với Chi nhánh Nhà máy xi măng Cosevco 11, do việc trích đóng BHXH không được đầy đủ, kịp thời dẫn đến BHXH tỉnh mới thực hiện in toàn bộ tờ rời hàng năm đến thời điểm năm 2014 và chuyển trả cho 126 người lao động của đơn vị theo quy định (đơn vị hoàn thành đóng đến tháng 07/2015 nên tờ rời sổ BHXH in đến hết tháng 12/2014).

 

 - Để quản lý chặt chẽ việc tham gia, trích nộp BHXH của Chi nhánh Nhà máy xi măng Cosevco 11 nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động, trong thời gian qua BHXH tỉnh đã có nhiều giải pháp để đôn đốc thu nợ, tuy nhiên số thu vẫn không đảm bảo, mặc dù hằng năm đơn vị đều có đóng BHXH, BHYT, BHTN. Tính từ tháng 01/2015 đến hết ngày 30/10/2022, đơn vị mới đóng được 6.159 triệu đồng.

 

+ Ngày 21/11/2019 BHXH tỉnh đã có Quyết định số 1708/QĐ-BHXH về việc giải quyết khiếu nại của tập thể công nhân, người lao động Chi nhánh Nhà máy xi măng Cosevco 11. Theo đó Giám đốc BHXH tỉnh yêu cầu Chi nhánh Nhà máy xi măng Cosevco 11 chấm dứt hành vi trích tiền của người lao động mà nộp không đầy đủ số tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXHvà yêu cầu thực hiện trích nộp đầy đủ số tiền còn nợ BHXH, BHYT, BHTN.

 

 + Ngày 03/7/2020 BHXH tỉnh đã tổ chức buổi làm việc bàn về xử lý nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN của Công ty Cổ phần SXVL&XD COSEVCO I và các đơn vị thành viên. Theo đó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần SXVL&XD COSEVCO I cam kết sẽ ưu tiên việc đóng BHXH, BHYT, BHTN sau khi bán các tài sản của công ty (nhà máy gạch, nhà máy tấm lợp...), đồng thời đối với số nợ phát sinh hàng tháng đơn vị sẽ nộp đầy đủ.

 

+ Ngày 25/3/2021 BHXH tỉnh tiếp tục tổ chức buổi làm việc bàn về xử lý nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN của Công ty Cổ phần SXVL&XD COSEVCO I và các đơn vị thành viên. Tại buổi làm việc Tổng giám đốc Công ty Cổ phần SXVL&XD COSEVCO I tiếp tục cam kết sẽ ưu tiên đóng BHXH, BHYT, BHTN khi bán được các tài sản của đơn vị, các khoản phải đóng phát sinh hàng tháng sẽ đóng đầy đủ. Đồng thời đơn vị đề nghị khi có người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, nghỉ hưu, tử tuất... đơn vị sẽ cố gắng nộp tiền để cơ quan BHXH chốt sổ BHXH, giải quyết chế độ cho người lao động.

 

+ Ngày 25/10/2021 BHXH tỉnh phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức làm việc giám sát, đôn đốc công tác thu BHXH, BHYT, BHTN đối với Công ty Cổ phần SXVL&XD COSEVCO I và các đơn vị thành viên. Tại buổi làm việc đơn vị cam kết chuyển trả đầy đủ số tiền phát sinh phải đóng của năm 2021. Đối với số tiền còn nợ, đơn vị sẽ chuyển trả 3 tỷ đồng theo kế hoạch khi được đền bù mỏ đá Lèn Ong. Các tài sản khác khi thanh lý sẽ ưu tiên trả số nợ BHXH, BHYT, BHTN.

 

+ Trong năm 2022, BHXH tỉnh đã tổ chức 02 cuộc làm việc với Công ty Cổ phần SXVL&XD COSEVCO I và các đơn vị thành viên. Đơn vị tiếp tục cam kết: sẽ chuyển trả số tiền phải đóng phát sinh hàng tháng; đối với số tiền nợ, hàng quý đơn vị trả ít nhất 300 triệu đồng (một năm trả 01 đến 1,2 tỷ đồng), nếu bán được tài sản sẽ ưu tiên nộp BHXH, BHYT, BHTN. Mặc dù đã làm việc nhiều lần và đơn vị đều có cam kết về lộ trình trả nợ, tuy nhiên từ năm 2020 đến nay đơn vị vẫn không thực hiện đúng các cam kết của mình.

 

 

Như vậy, từ năm 2015 đến nay, đơn vị vẫn thực hiện trích tiền lương, tiền công của người lao động và kinh phí của người sử dụng lao động để trích nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, tuy nhiên số tiền phải nộp lãi hằng tháng nhiều, dẫn đến hết tháng 10/2022 đơn vị mới chỉ hoàn thành đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động đến tháng 7/2015, vì vậy cơ quan BHXH chưa cấp tờ rời BHXH của năm 2015 (đủ 12 tháng) cho người lao động. Hàng năm đơn vị vẫn chưa đóng đủ số phát sinh phải đóng trong năm, chưa thực hiện nộp số tiền nợ cũ như cam kết. Tính đến 31/10/2022 số tiền nợ của đơn vị là 15.516.179.280, tương đương nợ 86 tháng.

 

- Đối với các chế độ liên quan của người lao động, khi có phát sinh các trường hợp cần chốt sổ BHXH, giải quyết chế độ, đơn vị đã phối hợp với người lao động thực hiện việc thu, nộp trước cho các lao động này để giải quyết. Cụ thể từ năm 2019 đến nay đã có 55 người lao động được đóng trước BHXH, BHYT, BHTN để chốt sổ BHXH, trong đó có 28 lao động giải quyết chế độ hưu trí.

 

Trong thời gian tới, BHXH tỉnh cùng với các cơ quan có thẩm quyền liên quan sẽ tiếp tục đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ thu, nộp đặc biệt thu số tiền còn nợ BHXH, BHYT, BHTN của Chi nhánh Nhà máy xi măng Cosevco 11. Đối với cam kết chuyển trả nợ khi bán các tài sản của đơn vị, BHXH tỉnh sẽ thường xuyên bám sát để thu kịp thời ngay khi có thông tin. Trường hợp đơn vị vẫn không có biện pháp để trả nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHXH tỉnh sẽ hoàn thiện hồ sơ để chuyển cơ quan công an xem xét khởi tố theo quy định.

 

Trên đây là các nội dung liên quan đến việc xử lý số nợ BHXH, BHYT, BHTN của Chi nhánh Nhà máy xi măng Cosevco 11 và việc giải quyết chế độ cho người lao động của đơn vị, BHXH tỉnh thông báo đến ông Nguyễn Ngọc Tranh để được rõ và đề nghị Ông cùng đôn đốc, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT của Chi nhánh Nhà máy xi măng Cosevco 11. BHXH tỉnh kiến nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa việc giám sát, đôn đốc, bắt buộc Công ty Cổ phần SXVL&XD Cosevco I, Chi nhánh Nhà máy xi măng Cosevco 11 trích nộp BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ, kịp thời nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

 

(Công văn số 3140/BHXH-QLT ngày 14/11/2022 của Bảo hiểm xã hội tỉnh trả lời KNCT trước kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV)

                                                                                       

  Hồng Nhung