Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 75

  • Tổng 2.874.774

Một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)

17:47, Thứ Năm, 3-11-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Để chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp.

 

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật:


1. Tại Điều 8, về các hành vi bị nghiêm cấm, đề nghị bổ sung khoản mới quy định chế tài xử lý đối với các cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 8 của dự thảo nhằm đảm bảo tính nghiêm minh trong việc triển khai thực hiện nội dung này.


2. Tại Điều 10, về thông tin nhận biết khách hàng, đề nghị bổ sung quy định đối với một số trường hợp khách hàng không có các loại giấy tờ như CMND, CCCD, hộ chiếu hoặc các giấy tờ tùy thân nêu trên hết giá trị sử dụng. Vì trong thực tế rất nhiều trường hợp công dân vì một số lý do nào đó mà không có các loại giấy tờ nêu trên khi thực hiện giao dịch. 


3. Tại Mục 1 Chương II, quy định về nhận biết khách hàng và cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng thì tổ chức tài chính phải nhận biết khách hàng trong các trường hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 9 và thông tin nhận biết theo các quy định tại Điều 10 như: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; nghề nghiệp, chức vụ; số điện thoại liên lạc; số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; địa chỉ nơi đăng ký thường trú … Nhưng dự thảo không quy định cách thức nhận biết, cách thức cập nhật thông tin nhận biết như thế nào. Đề nghị bổ sung quy định về cách thức nhận biết, cập nhật thông tin nhận biết để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình áp dụng. Đồng thời, một số ngành nghề kinh doanh rất khó để nhận biết,  cập nhật, thông tin của khách hàng như: Kinh doanh trò chơi có thưởng bao gồm: trò chơi điện tử có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng internet; casino; xổ số; đặt cược… Vì đây là trò chơi mang tính giải trí, người chơi không buộc phải xuất trình hay cung cấp các loại giấy tờ chứng minh nhân thân nên việc nhận biết, cập nhật, thông tin của khách hàng rất khó thực hiện.


4. Tại Điều 44, quy định 02 trường hợp đối tượng báo cáo áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch, gồm: “Khi nghi ngờ hoặc phát hiện các bên liên quan tới giao dịch thuộc danh sách đen hoặc có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội và trường hợp khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật có liên quan”. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền sở hữu, quyền định đoạt của chủ sở hữu đối với tài sản của họ được quy định tại Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2015. Do vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét, rà soát kỹ lưỡng, nhất là đối với trường hợp trì hoãn giao dịch khi mới nghi ngờ cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2015. Đồng thời, cần quy định cụ thể trong Luật mà không quy định tại văn bản hướng dẫn thi hành về trường hợp nào áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch cũng như chủ thể nào có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của các quy định.


5. Tại Chương III, đề nghị bổ sung Điều khoản mới quy định về các nội dung cụ thể quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền làm cơ sở để Chính phủ, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình theo quy định của dự thảo Luật này.


Phòng CTQH
 

Các tin khác